Cán bộ thôn thu lại tiền của ca sĩ Thủy Tiên cứu trợ dân vùng lũ

Sáng 30/10, ông Phan Văn Thanh – chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình, cho biết huyện đã nắm được thông tin về việc cán bộ thôn Ngọa Cương (xã Cảnh Hóa huyện Quảng Trạch) đi thu lại tiền cứu trợ của người dân, và yêu cầu xã Cảnh Hóa giải quyết vụ này.
Ông Thanh nói: “Quan điểm của UBND huyện là nếu tiền được các cá nhân hay các tổ chức trao cho bà con thì phải để bà con cầm số tiền đó chi tiêu, sử dụng. Việc ban cán sự thôn Ngọa Cương lại thu tiền cứu trợ khi người ta phát cho người dân là không được”.
Trước đó, ngày 28/10, ca sĩ Thuỷ Tiên về xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) trao quà ủng hộ cho đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ. Xã Cảnh Hóa có 703 hộ nhận hỗ trợ, mỗi hộ được 6 triệu đồng (tức 4 tỷ 218 triệu đồng) ; riêng thôn Ngoạ Cương có 69 hộ được nhận hỗ trợ (414 triệu đồng).
Điều đáng nói, sau khi người dân thôn Ngọa Cương nhận số tiền nói trên thì ban cán sự thôn đã đến thu lại toàn bộ số tiền đó.
Sáng 30/10, trả lời VTC News, ông Hoàng Anh Dũng – bí thư đảng ủy xã Cảnh Hóa, xác nhận sự việc cán bộ thôn Ngọa Cương thu lại tiền đoàn cứu trợ đã phát cho dân chúng là có thật. Ông nói: “Việc thu lại tiền cứu trợ như thế là không được. Chúng tôi đã làm việc với thôn Ngọa Cương để yêu cầu ban cán sự thôn trả lại tiền cho dân».
Trong khi đó, ông Đậu Xuân Thủy – chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Quảng Trạch cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin phản ảnh việc cán bộ thôn Ngọa Cương thu lại tiền cứu trợ của dân, huyện đã yêu cầu xã Cảnh Hóa làm việc với thôn để trả lại số tiền đã thu của người dân.
Ông Đậu Văn Thủy nói: “Toàn bộ thôn Ngọa Cương có 170 hộ nhưng chỉ có 69 hộ bị ảnh hưởng mưa lũ. Ý của thôn là thu lại số tiền cứu trợ của 69 hộ để chia đều cho 170 hộ. Hiện ban cán sự thôn Ngọa Cương cùng với lãnh đạo xã Cảnh Hóa đã gọi người dân lên để trả lại số tiền đã thu”.

Sở dĩ có chuyên phanh phui nói trên bởi vì trước đó, uất úc trước hành động của ban cán bộ thôn, sáng 29/10, trên Facebook có tài khoản mang tên “Nguyen Thi Hang Nguyen” viết chữ lớn: “Nhà mình ngập lụt được Thuỷ Tiên về ủng hộ tiền, nhưng đã bị thôn thu lại. Thật sự mình không đồng ý. Chuyện này mình sẽ đi hỏi tận nơi”.
Sau khi được đăng tải, thông tin này đã thu hút nhiều người bình luận, chia sẻ và thể hiện thái độ bất bình, không đồng tình với cách làm của ban cán sự thôn Ngọa Cương.
Trên Facebook cá nhân, ca sĩ Thủy Tiên cũng nói rằng cô đã nhận được tin về việc cán bộ thôn thu lại tiền của dân và cô cho biết sẽ kiểm chứng lại thông tin này.
Tuy nhiên, vào 14h30 ngày (29/10), chủ tài khoản Facebook “Nguyen Thi Hang Nguyen” đã gỡ bỏ thông tin vừa đăng tải và đưa đính chính: “Sáng nay mình đã đăng tin từ gia đình. Sau một hồi trao đổi với cán bộ thôn thì thôn đã giải thích rõ ràng rồi. Và mình đã hiểu nhầm. Nên mình xóa bài trước. Cảm ơn mọi người đã quan tâm và chia sẻ”.
Kết luận: Một chuyện vô nguyên tắc rất đáng trừng phạt như vậy mà chỉ “yêu càu trả lại tiền” nhẹ tênh thì thật đáng ngạc nhiên. Facebooker Nguyen Thi Hang Nguyen sợ quá đã “nhận tội” la mình nhầm, không hiểu họ đã vừa lòng chưa hay sẽ trả thù thì thật tội nghiệp.
Quyết định chỉ trong một phút, tặng ông già 200 triệu đồng, Thủy Tiên nói gì?
Trong chuyến cứu trợ bà con chịu ảnh hưởng của lũ lụt, Thủy Tiên gây xôn xao dư luận khi bất ngờ quyết định trao tặng một ông giá ở Hà Tĩnh 200 triệu đồng để ông này trả nợ ngân hàng, thay vì tặng 10 triệu đồng như đối với các hộ gia đình khác. Đây là số tiền mà ông vay ngân hàng để làm trang trại, nhưng trận ngập lụt vừa qua khiến mọi thứ bị «xóa sạch”.
Thủy Tiên cho biết, quyết định này khiến chồng cô – cựu cầu thủ Công Vinh – cũng bất ngờ. Cô kể: “Anh Vinh nói mẹ gan lắm đó, chả ai dám quyết định số tiền 200 triệu đồng chỉ trong chưa đầy một phút. Ba là ba nghĩ mẹ sẽ hỗ trợ ông 20-50 triệu đồng thôi. Nếu là ba, ba sẽ không thể quyết định như vậy” (Ghi chú: giới trẻ ở ngoài Trung và ngoài Bắc hiện nay nhiều người có thói quen xưng mình là “ba”, gọi vợ là “mẹ” hoặc xưng mình là “chồng”, gọi vợ là “vợ”, ví dụ: “Vợ ơi, chồng đây vợ ơi…”. Trong Nam ít thấy có người xưng hô như vậy.- ĐD).
Giải thích về quyết định của mình, Thủy Tiên viết trên Facebook: “Mình nghĩ là khi con người ta đã vào đường cùng thì một là cứu cả, hai là không. Một quyết định có thể thay đổi cuộc đời con người ta. Mà ông phải thế nào thì mới có chuyện cả làng cả xóm ai cũng nói vào cho ông. Lúc ông cầm 200 triệu đồng, cả làng xóm ai cũng mừng cho ông”.
Nữ ca sĩ viết thêm: «Ông quanh năm làm lụng vất vả, giờ mất hết không còn gì, ăn không có mà nhà cũng bị mất luôn, cả nhà 6 người dựa vào ông sẽ sống ra sao? Thôi thì giúp ông từ số âm quay về số 0, bắt đầu lại từ đầu ông nhé. Mừng cho ông bao đêm mất ngủ, khóc sưng mắt vì tủi thân, nay chắc có một đêm ngủ ngon giấc rồi. Đời người chẳng gì bằng một đêm ngủ ngon giấc ông nhỉ. Mong mọi người ai cũng bình yên”.

Trước đó, trên mạng xã hội, nhiều người ủng hộ và ca ngợi quyết định bất ngờ này của Thủy Tiên, nhưng cũng không ít người cho rằng sự biệt đãi đối với ông già nói trên là không công bằng với những hộ gia đình khác.
Ý kiến của ĐD: Mặc dầu chồng là Công Vinh đã có ý kiến nhưng những lời lẽ của Thủy Tiên viết trên Fcebook vẫn tỏ ra cứng rắn, độc đoán, luôn khẳng định mình là đúng. Đối với những người như vậy, chúng ta không nên có ý kiến thì tốt hơn, bởi vì họ chẳng bao giờ thèm nghe để rút kinh nghiệm. Hãy hỏi những người đã đóng góp để Thủy Tiên có tiền đi làm từ thiện xem họ có muốn Thủy Tiên giúp các gia đình khốn khó, mỗi gia đình 6 triệu đồng trong khi lại giúp 200 triệu đồng cho một ông chưa lấy gì làm già lắm (báo chí trong nước muốn lấy lòng Thủy Tiên nên đều tôn ông lên là “cụ ông”, tôi thấy không đúng lắm – xin xem hình) để ông này trả nợ ngân hàng. Một điều chúng ta nên lưu ý là ở trong nước, rất nhiều đồng bào nghèo vay vốn của ngân hàng để làm ăn, như nuôi tôm, nuôi cá xuất khẩu, nuôi heo giống, nuôi bò sữa..vv.. Khi chẳng may thiên tai xảy ra như bão lũ vừa rồi chẳng hạn, nhiều nơi bị ngập sâu tới hơn 2 mét nước, cuốn phăng tất cả. Họ bị mất hết tài sản, vốn liếng, không còn lấy gì trả nợ. Bời vậy nhà nước CSVN đã ra lệnh cho các ngân hàng hãy khoan đòi nợ các nạn nhân bão lụt khi đáo hạn, đợi nhà nước sẽ giải quyết sau. Như vậy, có rất nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khốn khó chưa thể trả nợ, đang chờ sự giải quyết của nhà nước chứ không riêng gì “cụ ông” ở Hà Tĩnh.
Thủy Tiên viết: “Mình nghĩ là khi một người bị dồn vào đường cùng thì chúng ta một là cứu cả, hai là không”. Thế là thế nào, thật khó hiểu và đâu phải một mình “cụ ông” này bị dồn vào bước đường cùng. Thủy Tiên bị không ít người phê bình là độc đoán và không công bằng là ở chỗ đó.
Thủy Tiên thông báo sẽ tự tay trao 150 tỷ đồng cho người dân, không muốn cãi vã
Nữ ca sĩ Thủy Tiên đã thông báo, cô đã quyên góp được 150 tỷ đồng để giúp đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Cô sẽ tự tay trao tiền ủng hộ cho người dân ở 12 xã ngập nặng của huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị). Tiếp đến, cô sẽ tới với người dân ở Quảng Bình, Quảng Nam, Huế và Hà Tĩnh.
Thủy Tiên nói: “Mọi người nghe 150 tỷ đồng thì thấy nhiều nhưng tổng số có 5 tỉnh mà mỗi huyện vài chục ngàn gia đình thì tiền hỗ trợ như muối bỏ bể thôi”. (Sự thực là 7 tỉnh chứ không phải 5. Có lẽ Thủy Tiên chỉ tới 5 tỉnh nên nói là 5, còn thiếu Nghệ An và Quảng Ngãi nữa. – ĐD). Cô khẳng định cô sẽ cân nhắc sử dụng số tiền quyên góp cho được đúng mục đích và ý nghĩa nhất. “Tiên sẽ dành một số tiền để xây dựng lại nhà sập bị lũ cuốn, xây nhà cộng đồng 4-5 tầng tránh lũ có sẵn thuyền cứu hộ trong nhà cho cả thôn, khi cần mà không gọi kịp chính quyền thì dân tự dùng thuyền cứu nhau. Tiên cũng hỗ trợ tiền mặt cho các hộ dân vay ngân hàng nuôi trồng nhưng bị lũ cuốn trôi mất sạch sành sanh, làm cầu đường nữa…”.
Thủy Tiên khẳng định: “Tiền này do một mình Tiên quyết định và trao tận tay người nhận nên không họp hành, không cãi vã và sẽ đến tay người dân nhanh chóng”.
Cầm tới 150 tỷ đồng tức gần 7.5 triệu đô la mà chỉ “một mình mình quyết định, không họp hành, không cãi vã” (tức không bàn luận với ai hoặc không cho ai bàn luận với mính) thì đâu phải là một điều hay.
Thủy Tiên vận động quyên góp làm từ thiện, có gì rắc rối về pháp lý?
Nhiều ý kiến cho rằng việc Thủy Tiên tự mình đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp làm từ thiện và hiện nay đã thu được tới 150 tỷ đồng. Điều này có thể khiến cô sẽ gặp rắc rối vì vi phạm nghị định 64/2008 CP/NĐ của nhà nước CSVN. Báo Thanh Niên đã liên lạc với một số vị có thẩm quyền để tìm hiểu về vấn đề này. Sau đây là tóm lược ý kiến của các vị đó.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN: “Phải có cơ chế giám sát vận động cứu trợ”.
“Tôi nghĩ những cá nhân kêu gọi ủng hộ miền Trung đều xuất phát từ cái tâm muốn làm việc thiện, từ tình thương yêu người dân vùng bị bão lũ. Có thể ban đầu họ không nghĩ rằng sẽ kêu gọi được số tiền lớn như vậy nên đến tận nơi để trao cho người dân. Đó là những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp cần nhân rộng.
Tuy nhiên, nếu tiếp tục cứu trợ tự phát như vậy, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Họ có thể đi đến vùng lũ, nhưng chưa chắc vào được những vùng sâu, nơi người dân đang thực sự cần cứu trợ. Từ đó cộng đồng sẽ sinh ra sự so bì, nói nơi này được quan tâm, nơi khác không được quan tâm.
Hơn nữa, trong mưa lũ, những hoạt động cứu trợ tự phát sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của họ và những người khác. Nhất là các nghệ sĩ vốn chỉ quen biểu diễn trên sân khấu, sao có thể ứng phó kịp với bất thường, tai nạn có thể xảy ra.
Tôi hiểu mỗi người đều có tấm lòng tốt hướng đến đồng bào đang gặp hoạn nạn, nhưng cần phải làm thế nào để việc cứu trợ đạt được hiệu quả. Đơn cử, nếu cho người dân đang trong lũ mấy gói mì tôm, mấy ký gạo thì họ lấy đâu ra nước, bếp, lửa để nấu ăn? Vì vậy, cần có tổ chức sắp xếp, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của xã hội cho được hiệu quả.
Chúng tôi chưa khẳng định việc cá nhân kêu gọi quyên góp cứu trợ là đúng hay sai, nhưng vấn đề quan trọng là với những cá nhân huy động được số tiền lớn, phải có cơ chế nào đó để kiểm soát sự công khai, minh bạch. Bởi theo quy định, một đồng tiếp nhận từ người hỗ trợ phải được chuyển đủ một đồng đến với người cần hỗ trợ. Nghĩa là những chi phí phục vụ cho hoạt động cứu trợ phải do ngân sách nhà nước hoặc cá nhân tự bỏ tiền ra đảm bảo. Chẳng hạn, Mặt trận Tổ quốc nhận được một tỷ đồng ủng hộ, thì chúng tôi sẽ chuyển một tỷ đồng đến địa phương cần cứu giúp. Còn việc đi lại, ăn ở của chúng tôi do ngân sách đảm bảo.
Đặc biệt, khi cá nhân vận động được số tiền lớn, lên đến vài chục hoặc hàng trăm tỷ đồng thì cho dù cá nhân đó công khai, minh bạch đến đâu cũng sẽ có người đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ giám sát sự công khai, minh bạch trong sử dụng nguồn tài lực đó. Vậy nên, để dư luận không hoài nghi, mỗi cá nhân nên chia sẻ nguồn tài lực mình đã vận động được với các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Chữ thập đỏ VN..vv… để đảm bảo tính minh bạch, tránh sự hoài nghi của dư luận.
Lòng tốt không ai hạn chế, nhưng dù là cá nhân hay tổ chức, khi đã đứng ra kêu gọi đóng góp ủng hộ thì phải theo quy định để đảm bảo an toàn, hiệu quả. Bởi nếu cá nhân vận động được số tiền lớn nhưng sử dụng không đúng mục đích cứu trợ thì sẽ để lại hệ quả hoặc gây hoài nghi trong dư luận. Vậy nên, cần có cơ chế để kiểm tra, giám sát những hoạt động này. Mặt trận Tổ quốc cũng luôn sẵn sàng phối hợp với các nghệ sĩ hay bất cứ ai để cùng thực hiện công tác vận động cứu trợ.
Theo điều 5 của nghị định 64/2008, có 3 nhóm tổ chức hoặc đơn vị được tiếp nhận và phân phối tiền hoặc hàng cứu trợ, gồm:
– Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Báo chí và đài của trung ương, địa phương; Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
– Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định của nhà nước.
– Các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, “không một tổ chức, đơn vị hay cá nhân nào được quyền tổ chức hoặc tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ”.
Ý kiến của bà Nguyễn Thị Xuân Thu, chủ tịch Hội Chữ thập đỏ VN: “Thủy Tiên có quyền kêu gọi cứu trợ”.
“Trong thiên tai, những ai có tấm lòng thiện nguyện đều rất mong muốn làm điều gì đó giúp đồng bào hoạn nạn. Chẳng hạn, việc ca sĩ Thủy Tiên hay các nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng khác đứng ra vận động nguồn tài lực, lặn lội đến tận nơi giúp đỡ đồng bào, điều đó rất đáng hoan nghênh, trân trọng.
Tuy nhiên, việc một cá nhân kêu gọi cứu trợ sẽ gặp rất nhiều rủi ro và vất vả. Với nguồn tiền quyên góp lớn thì sức của một người khó có thể làm hết được. Đồng thời, cần làm sao để tiền, hàng hóa của những người khác ủy quyền cho mình đến đúng chỗ, đúng người, không bị lợi dụng.
Trên thực tế, đã có trường hợp lợi dụng nguồn tiền từ thiện hay phân phối hàng cứu trợ không công bằng do không dựa trên tiêu chí rõ ràng như các tổ chức nhân đạo đang làm. Điều này dễ phát sinh tiêu cực, thậm chí là mất đoàn kết trong cộng đồng.
Người làm cứu trợ cũng cần tính toán xem cộng đồng ở đó đang cần gì trước mắt và lâu dài. Tôi hy vọng những người như ca sĩ Thủy Tiên sẽ chọn được cách làm tốt nhất, để hình ảnh của mình mãi mãi sáng đẹp, được mọi người yêu mến.

Nghị định 64/2008 thực chất chỉ áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, như Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, các quỹ xã hội, từ thiện…vv.. Đây cũng là một hình thức quản lý của nhà nước giúp các tổ chức quản lý tốt các nguồn viện trợ, đóng góp của cộng đồng không bị thất thoát, lợi dụng. Từ đó, nguồn vật chất quyên góp được phân phối đến đúng người, đúng chỗ có hiệu quả.
Nghị định không áp dụng cho cá nhân. Vì vậy, áp dụng quy định này vào trường hợp các nghệ sĩ hoặc cá nhân là không đúng. Nghị định cũng có điều khoản khuyến khích cá nhân tham gia thiện nguyện, nghiêm cấm lợi dụng không chính đáng.
Việt Nam hầu như năm nào cũng xảy ra thiên tai, bão lụt ở nhiều nơi. Mỗi khi có địa phương bị hoạn nạn thì dân chúng trong và ngoài nước đều mong muốn giúp đỡ bằng nhiều hình thức. Nhiều người muốn trực tiếp đến nơi để giúp đỡ. Đó là điều chính đáng.
Tuy nhiên, nếu các cá nhân tự phát đứng ra kêu gọi sẽ dễ xảy ra rối loạn, như hiện nay ở Quảng Bình, rất nhiều người, nhiều tổ chức tới đó cứu trợ nhưng không có phương tiện tới được địa điểm, tiếp cận được các gia đình đang cần cứu trợ. Vì vậy, xảy ra tình trạng nơi nào dễ tiếp cận thì nhận được nhiều hàng hóa, nơi khó tiếp cận thì không nhận được.
Vậy nên, tôi tin rằng, nếu có sự phối hợp giữa các cá nhân có lòng hảo tâm và cơ quan chuyên môn về cứu trợ thì việc này sẽ được thực hiện tốt hơn.
Kết luận: Ý kiến của hai bà hơi khác nhau. Ý kiến của bà Ngọc Ánh (Mặt trận Tổ quốc VN): “Phải có cơ chế giám sát vận động cứu trợ”. Ý kiến của bà Xuân Thu (Hội Chữ thập đỏ VN): “Thủy Tiên và các cá nhân có quyền kêu gọi cứu trợ”. Cuối cùng, Thủy Tiên và các cá nhân kêu gọi đóng góp là kêu gọi, đi cứu trợ là đi cứu trợ, chả cần ai giám sát gì cả và rất kịp thời giúp đỡ đồng bào bão lũ miền Trung đang cần giúp đỡ.
Đoàn Dự