Những chuyện có lẽ chỉ có ở trong nước

Những nữ cửu vạn oằn mình mưu sinh trong dịch Covid-19
Khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, cũng là lúc các nữ cửu vạn ở chợ Long Biên Hà Nội mò mẫm chuẩn bị đòn gánh, xe kéo, dây thừng, bắt đầu cho cuộc mưu sinh. Tuy dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhưng những người phụ nữ này vẫn miệt mài làm việc xuyên đêm, vật lộn với nỗi lo cơm áo gạo tiền trên đôi vai gầy.

Nhọc nhằn vắt sức mưu sinh
Tại sao ở ngoài Bắc người ta lại gọi các phu khuân vác là “cửu vạn”? Tại vì ngoài Bắc từ xưa tới nay nhiều người thích đánh tổ tôm, đánh chắn hay đánh bất, cũng giống như trong Nam nhiều người thích đánh tứ sắc. Nếu trong bộ bài tứ sắc có các quân bài mang tên tướng sĩ tượng, xe pháo mã..vv.. với 4 màu sắc khác nhau (tứ sắc), thì trong bộ bài tổ tôm, chắn, bất, đều có các quân bài mang số hiệu từ 1 tới 9 (nhất nhị tam tứ ngũ lục…) với 4 hàng có giá trị khác nhau (thập, vạn, sách, văn). Người Tàu không biết đánh tổ tôm, chắn hay bất nhưng họ chơi mạt chược, tiếng Quảng Đông là Ma-giước nghĩa là con chim sẻ rừng, tiếng Bắc Kinh là Ma-gioong nên tiếng Anh là Mahjong.
Nhiều ngưởi cho rằng bộ bài tổ tôm là do người Nhật truyền sang Việt Nam từ thời xa xưa khi họ qua buôn bán với bên Việt Nam, bởi vì hình người trong các quân bài đó có ý nghĩa hơi khó hiểu, không giống với cách vẽ của người Tàu hay người Việt mà hơi nhang nhác với… người Nhật thời cổ! Trong số các quân bài đó có quân “Cửu Vạn” vẽ hình người vác một kiện hàng rất lớn, vì vậy vốn tính khôi hài, mọi người gọi các phu khuân vác bất cứ nam hay nữ là dân “cửu vạn” cho dễ nghe hơn. Trong Nam không có danh từ này mà cũng không có các “nữ cửu vạn”.
Bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện các nữ cửu vạn ở ngoài Bắc…
Khi màn đêm buông xuống, các âm thanh của cuộc sống trong thành phố nhỏ dần, cũng là lúc chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) huyên náo, tấp nập. Vừa bước đến cổng chợ, các phóng viên tôi giật mình bởi những tiếng còi xe cùng với tiếng hò hét vọng ra từ phía các gian hàng. Từng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở hàng, từng đợt người chen chúc nhau qua lại, tạo nên quang cảnh nhộn nhịp của chợ đêm.
Len lỏi trong đoàn người mua bán là những nữ cửu vạn đang còng lưng kéo xe hàng nặng đến điểm tập kết của các thương lái và các chủ hàng. Dù nét khắc khổ hiện rõ trên mặt từng người, dù mồ hôi ướt đẫm nhưng họ vẫn lo làm công việc. Dường như họ đã quá quen với chuyện này nên ai nên thoăn thoắt bốc dỡ hàng. Chỉ sau ít phút, các chị đã “thanh toán” xong những chiếc thùng đầy ắp, nặng trĩu mà dến nam giới nhìn vào cũng thấy e ngại.
Không ai nghĩ những người phụ nữ chân yếu tay mềm có thể vác trên vai hàng trăm ký hàng. Thế nhưng đó lại là những việc thường ngày của các chị em cửu vạn nơi đây. Công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ dành riêng cho đàn ông sức dài vai rộng, nhưng vì miếng cơm manh áo mà các chị em không quản ngày đêm, miệt mài vắt sức.
Bà Lê Thị Hoa (50 tuổi) cho biết, bà đã gắn bó với công việc cửu vạn ở chợ Long Biên hơn chục năm nAy. Xoa xoa hai bàn tay còn đỏ hằn các vết dây thừng vào nhau, bà kể: “Chúng tôi phải bốc dỡ hàng, kéo xe rất nặng nên bị xước chân tay là chuyện bình thường rồi sẽ hết thôi. Lúc đầu đi làm chưa quen, tay chân sưng phồng, hai vai đau nhức không sao chịu nổi, nhưng người ta thuê là mình làm thôi. Dù biết về nhà lưng muốn sụm, thân mình ê ẩm song nhọc nhằn đến mấy còn thất nghiệp. Nếu chỉ trông vào ba sào ruộng ở quê thì ăn cũng chả đủ huống chi [o cho con cái đi học”.
Bà Hoa cho biết thêm, giá của các thù hàng ấy cũng không cao lắm đâu. Một thùng nhỏ cỡ 5 – 6kg giá 2.000 đồng. Một thùng lớn cỡ 15kg giá 5.000 đồng. Còn những thùng thật nặng thì được trả từ 7.000 đồng tới 10.000 đồng. Trung bình mỗi tối bà kiếm được khoảng 200.000 đồng, tức mỗi tháng khoảng 6 trỉệu đồng (chừng 250 đô la- ĐD), vậy là cao gấp nhiều lần cả gia đình làm 3 sào ruộng rồi.

Chật vật mưu sinh trong mùa dịch
Đi đến gần cuối chợ, các phóng viên thấy chị Phạm Thị Yến (quê ở Hưng Yên) đang ngồi thẫn thờ trên càng chiếc xe kéo, gương mặt đậm nét ưu tư. Hỏi chị thì được biết chị đang lo lắng vì dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, công việc càng khó khăn hơn.
Gạt dòng mồ hôi trên trán, cầm chiếc mũ vải phe phẩy quạt quạt, chị cho biết chồng chị mất sớm, một mình chị bươn chải lo cho hai đứa con còn nhỏ và bà mẹ già chồng. “Khoảng hai trăm nghìn em kiếm được mỗi đêm để lo chi tiêu trong gia đình vừa lo cho hai đứa con đi học co quáy lắm. Lại còn tiền nhà, tiền điện tiền nước, mỗi tháng gần một triệu bạc. Em thương mẹ chồng em lắm. Bà cụ mới 76 tuổi mà trông như ngoài 80, gầy ốm hom hem, hai mắt đã mờ. Tội nghiệp, lâu lâu mua kho được con cá, miếng thịt, cụ toàn nhịn, không dám nhúng đũa, nhường cho các cháu ăn. Nhiều lúc em khóc, bảo u gầy ốm thế này, còn sống được bao lâu nữa mà cứ nhường cho các cháu. Cụ bảo u già rồi, ăn không biết ngon, hai cháu còn nhỏ, ăn có sức cho nó đi học, vậy là cụ vẫn tiếp tục nhịn, mỗi bữa ăn hơn lưng cơm, nhường phần cho cháu”.
Khó khăn, chật vật là thế nhưng chị Yến vẫn coi cái chợ Long Biên nơi bám víu của gia đình mình vì nghề khuân vác là con đường duy nhất để chị Yến kiếm sống qua ngày đồng thời lo cho các con được học hành.
Kể từ khi Hà Nội ghi nhận ca Covid-19 mới, tiền công của chị sụt giảm hẳn vì ế khách, chủ hàng không mướn. Chị Yến nói: “Cực khổ như thế nhưng mỗi tháng tôi phải đóng 472.000 đồng tiền xe kéo cho ban Quản lý chợ. Mọi người đều lo lắng về dịch bệnh nên chợ vắng lắm, vì vậy các cửu vạn chúng tôi càng ít việc hơn. Dịch bệnh là khó khăn chung, chuyện kéo xe đi rồi kéo xe về không còn lạ nữa. Ít khách và ít việc nên nhiều đêm tôi chỉ kiếm được vài chục nghìn. Bây giờ tôi chẳng dám mong gì nhiều, chỉ mong kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống qua mùa dịch thôi”, chị Yến ngao ngán thở dài.
Hơn 2 giờ sáng, chúng tôi tạm biệt các nữ cửu vạn để trở về nhà. Những âm thanh hỗn tạp nho nhỏ dần xa nhưng hình ảnh các chị phụ nữ gồng mình mưu sinh trong đêm vẫn ám ảnh trong tâm trí tôi. Dường như trong ánh mắt của họ đau đáu những nỗi lo lắng về công việc mưu sinh ngày càng khó khăn hơn.-

“Bão” vượt biên sang TQ bán con sơ sinh vẫn chưa tan
Năm ngoái, ở huyện vùng cao Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, hàng chục trẻ em sơ sinh đỏ hỏn vừa lọt lòng mẹ đã bị bán với giá từ 40 đến 80 triệu đồng. Trước tình hình đó, phụ nữ mang thai hiện nay được chính quyền, công an giám sát từng ngày để họ không tiếp tục sang Trung Quốc bán con.

Tiền bán con như gió vào nhà trống
Vùng cao huyện Kỳ Sơn cuối ngày, sương chiều bảng lảng. Ngồi bó gối trước hiên nhà sàn nhìn ra đám cây rừng trước mặt, chị Moong Thị B. ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn than thở: “Cũng vì nghèo quá mà phải đi bán con”.
Hai vợ chồng chị B. cưới nhau 6 năm nay, tài sản chẳng có gì ngoài căn nhà sàn cũ do bố mẹ để lại. Ba miệng ăn gồm hai vợ chồng và một đứa con, chỉ trông mong vào cái rẫy trồng lúa nằm sâu trong rừng, nhưng năm nay trời hạn, không đủ ăn.
Năm ngoái, chị B. mang thai đứa con thứ hai, được 8 tháng thì sang Trung Quốc do người dẫn mối đưa đi để sinh và bán con, mọi chuyện do người này lo cả. Mấy ngày sau, người dẫn mối trả cho chị 45 triệu đồng (khoảng non 2.000 Mỹ kim, cứ 1.000 Mỹ kim = 23 triệu đồng VN) vì đó là con trai, rẻ hơn con gái, rồi dẫn chị B. trở về, tới Nghệ An thì tránh mặt.
Có tiền, hai vợ chồng chị B.trả nợ, mua tôn lợp lại cái mái nhà đã thủng lỗ chỗ và mua chiếc ti-vi là hết sạch. “Bán con rồi cũng chẳng hơn được chút nào” – chị B. nói.
Còn nhà chị Moong Thị T. ở cách nhà chị B. không xa cũng chẳng hơn gì. Chị T. đã 2 lần mang thai đứa con thứ 3 và đứa thứ 4 thì đều sang Trung Quốc sinh và bán con. Tiền bán dùng để trả nợ, sắm đồ đạc và chỉ mua được một con bò.
Anh Lương Văn Hồng, ở bản Lưu Tiến, xã Chiêu Liêu là chồng chị Moong Thị L. bị tử vong bên Trung Quốc vào tháng 9/2018 trong khi đi bán con. Anh Hồng bảo, từ ngày vợ chết, căn nhà càng trống vắng. Năm ngoái, khi đang mang thai đứa con thứ 6, vợ anh Hồng theo 4 phụ nữ khác, trong đó có một người cùng bản, sang Trung Quốc để sinh con và bán. Nhưng mới đến tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc thì xe bị lật khiến chị L. tử vong, 4 người còn lại bị thương. Hay tin, anh Hồng phải bán rẻ 3 đôi vừa bò con vùa bò mẹ rồi vay mượn thêm gần 100 triệu đồng để sang Trung Quốc lo cho vợ.
Ròng rã một tháng trời anh mới thuê thiêu và đưa được tro cốt vợ về. Năm đứa con nheo nhóc, đứa lớn nhất tên Lương Thị Dậu mới 14 tuổi, đứa kế nó mới học xong lớp 5 đã phải nghỉ học.
Vài tháng trước, anh Hồng gặp và quen vòi chị Lữ Thị Thơm, một góa phụ đã có 3 con cùng cảnh ngộ ở xã Na Ngoi, rồi kết vợ chồng. Anh gửi đứa con lớn nhất là con bé Lương Thị Dậu cho bố mẹ nuôi giùm rồi dẫn 4 đứa con sang xã Na Ngoi sống với bốn mẹ con chị Lữ Thị Thơm. Bây giờ vợ chồng anh Hồng nuôi cả thảy 7 đứa con, nhưng 4 đứa đã phải bỏ học để đi làm rẫy với bố mẹ “rổ rá cạp lại” đó.

Giám sát đặc biệt
Ở xã Hữu Kiệm huyện Kỳ Sơn, chuyện phụ nữ trốn sang Trung Quốc sinh đẻ và bán con được chị em xem như một cách tăng thu nhập. Ban đầu chỉ lén lút vài người ở bản Đỉnh Sơn 1, nhưng sau đó lan rộng ở cả 3 bản có người Khơ Mú sinh sống. Đến nay, đã có ít nhất 22 phụ nữ bị phát hiện đi bán con.
Ông Nguyễn Hữu Lượng, chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói, huyện và xã đã họp lên họp xuống nhiều lần để tìm cách ngăn chặn. Chính quyền, công an và các đoàn thể đã tìm mọi cách tuyên truyền, vận động dân chúng, gặp riêng các phụ nữ đang mang thai để nói chuyện và buộc họ ký cam kết không đi bán con. Họ vẫn ký nhưng không phải hễ ký là họ sẽ thực hiện. Quyền đi lại, làm ăn sinh sống thuộc về người dân, chính quyền không thể ngăn cản. Những phụ nữ muốn bán con, khi thai mới vài ba tháng, chưa ai phát hiện, họ lấy cớ đi làm ăn xa, chính quyền không thể cấm được. Họ sang Trung Quốc sống nghèo nàn bên ấy do người dẫn mối cưu mang, chờ ngày sinh nở.
Cầm danh sách những phụ nữ ở xã Hữu Kiệm đang mang thai, thượng sĩ Chích Văn Phươn nói: “Bọn em phải theo dõi họ không rời một bước cho đến khi họ đẻ, vì sểnh ra là sợ họ trốn đi Trung Quốc”. Anh Phươn và 2 công an khác của huyện Kỳ Sơn được bố trí xuống địa bàn xã từ đầu năm nay, chủ yếu để ngăn chặn nạn sang Trung Quốc bán con. Mỗi tuần, ít nhất anh phải 2 lần vào các bản để “canh me” các thai phụ. Anh cho biết, bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, nơi các bà bầu được đặt trong diện phải giám sát đặc biệt vì đã có nhiều người đi bán con. Anh xuống bản quen mặt đến nỗi ngay trẻ con hễ trông thấy anh cũng cười: “Chào chú sếp!”.
Anh Phươn dẫn nhà báo đến “quan sát tại chỗ” nhà vợ chồng chị Vi Thị Mai ở bản Huồi Thợ xã Hữu Kiệm. Vợ chồng chị Mai đã có 2 con, lần này mang thai trạm xá cho biết sẽ sinh đôi nên cần phải “quan tâm đặc biệt”. Phươn ngồi trò chuyện với thai phụ này bằng tiếng Khơ Mú một hồi khá lâu rồi “thông dịch”: “Em bảo cô Mai dù có nghèo túng cũng đừng đi bán con. Người ta nuôi không tốt, đối xử tàn tệ với nó tội nghiệp. Mà bán con là vi phạm pháp luật. Rồi cô Mai nói đã có ai bị tù vì bán con đâu”. Anh Phươn nói thêm: “Nhiều trường hợp nỉết họ đi bán con nhưng không xử lý hình sự được vì pháp luật chưa quy định. Không thể bắt họ nên họ không sợ”.
Anh Cụt Văn Thuận, công an bản Đỉnh Sơn 2 cho biết: “Chính quyền và công an theo sát như thế nhưng họ vẫn trốn đi bán con. Moong Thị V. mới đây lén sang Trung Quốc để bán con nhưng mới ra đến Quảng Ninh thì bị biên phòng phát hiện, cho người dẫn độ trở về rồi báo chính quyền địa phương canh giữ”.
Thượng tá Tô Văn Hậu, trưởng công an huyện Kỳ Sơn cho biết, nạn bán con khiến lực lượng công an rất “đau đầu”, vì khó từ việc ngăn chặn cho đến việc xử lý. Mới đây, công an đã xác định được 2 nghi phạm đưa 3 thai phụ sang Trung Quốc sinh con rồi bán nhưng chỉ tạm giữ 2 nghi phạm này về tội dụ dỗ người vượt biên trái pháp liật chứ không thể truy tố họ ra toà được vì chưa có điều luật nào qui định về việc đó.
Xem ra, “cơn bão” sang Trung Quốc sinh và bán con vẫn chưa dứt. Riêng ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã có 8.560 hộ gia đình ký cam kết không bán bào thai nhưng ký là một chuyện mà trốn đi bán lại là chuyện khac, khó giải quyết dứt điểm được.

Hơn một ngày mất con vào tay kẻ bắt cóc trẻ em
Tìm con trai 2 tuổi tên Nguyễn Cao Gia Bảo khắp công viên không có kết quả, anh Nguyễn Văn Hưng run rẩy gọi điện thoại báo tin cho vợ. Chị Cao Thị Ngọc Yến vợ anh Hưng kinh hoảng bỗng oà lên khóc…
Khoảng 5 giờ 30 chiều ngày 21/8/2020, anh Hưng đón bé Gia Bảo từ lớp học mẫu giáo về và đưa ra công viên Nguyễn Văn Cừ trung tâm thành phố Bắc Ninh chơi. Trời đẹp và mát, công viên lúc này có nhiều trẻ em nô đùa. Bé tự chơi một mình, bố ngồi bên cạnh trông coi. Một lúc sau, yên tâm là bé còn nhỏ, không chạy đi đâu xa, anh Hưng để con ở đấy rồi đi sang bên kia đường mua nước uống cho cả hai bố con. Chuông điện thoại reo, anh nghe điện thoại và nói chuyện, xong, lúc trở lại thì không thấy con đâu cả. Anh ngạc nhiên đi tìm. Lùmg đảo khắp mọi nơi và nhìn mặt từng cháu bé trong khu vui chơi rộng mấy trăm mét vuông cũng không thấy con, anh càng lo lắng, bồn chồn.
Công viên Nguyễn Văn Cừ có nhiều lối ra theo hai mặt đường Bình Thanh và Thanh Niên khiến anh Hưng càng thêm lo lắng, nhưng nhìn cả hai con đường đều rất vắng, không có người đi hay xe chạy qua. Anh nghĩ bé mới 2 tuổi, chắc không ra tới ngiài này gặp tai nạn hoặc bị bắt cóc. Bây giờ anh mới thấy mình để con một mình ở đấy để đi mua nước là hết sức bất cẩn, hối cũng không kịp.
Vào phòng bảo vệ xem dữ liệu camera an ninh giám sát khu vui chơi, anh Hưng thấy hình ảnh một phụ nữ liên tục vẫy tay gọi bé Gia Bảo. Anh kể: “Tôi chết lặng khi đoán rằng con đã bị người này bắt cóc”, sau đó anh gọi điện thoại báo vợ cùng ra tìm kiếm, chị vừa đi tìm vừa khóc. Anh chị có 3 đứa con, hai cháu lớn đều là con gái, bây giờ mới có được đứa con tri, quý như cục vàng, nếu cháu bị mụ mẹ mìn bắt cóc bán sang Trung Quốc chắc chị chết mất.
Không tìm thấy con, vợ chồng anh Hưng đăng thông tin lên mạng xã hội nhờ ai biết thì chỉ giùm và trình báo công an. Ngay lập tức, công an của phường, của huyện và cùa tỉnh Bắc Ninh cùng vào cuộc.
Đêm 21/8, vợ chồng anh Hưng liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn, hỏi thăm và báo tin từ khắp mọi nơi. Cả gia đình thức trắng, mỗi người ngồi ủ rũ ở một góc nhà. “Nhiều người nói đến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra như bị bán qua Trung Quốc hay tai nạn tử vong khiến vọ tôi càng sợ hãi bật khóc”, anh kể.
Không nhiều hy vọng song ông bố 37 tuổi vẫn nghĩ may ra thì công an sẽ tìm thấy bé Gia Bảo.
Suốt đêm 21/8 cộng với ngày 22/8 không thấy tin tức gì cả, tối 22/8 bất ngờ anh Hưng nhận được tin báo của công an Bắc Ninh mời lên công an tỉnh Tuyên Quang (cách Bắc Ninh khoảng 150 km) để nhận diện con. Họ nói vắn tắt là đã phát hiện một cháu bé “trông giống với các tấm hình cháu Gia Bảo”, ở huyện Yên Sơn và đã đưa về trụ sở công an Tuyên Quang cùng với người bắt cóc. Hai vợ chồng anh Hưng mừng rỡ ôm nhau mà khóc nhưng cũng còn lo không biết có đúng là bé Gia Bảo hay không. Hai nhân viên công an đích thân chở anh Hưng bằng xe jeep của cơ quan lên Tuỷên Quang cho được mau chóng.
“Được gặp lại con sau 28 tiếng đồng hồ cháu bị bắt cóc, thấy bé vẫn ngủ ngon lành trên chiếc giường trực của công an và đúng là con của mìn, tôi mừng như người sống lại, chỉ biết ôm chầm lấy con mà hôn hít và nói lời cám ơn anh em đã tìm thấy cháu”, anh Hưng kể. Vị thủ trưởng lại cho xe chở bố con anh Hưng về Bắc Ninh.
Ngày 23/8, lãnh đạo phòng Công an hình sự Bắc Ninh cho các phóng viên biết, kẻ bắt cóc bé Gia Bảo tên Nguyễn Thị Thu, 32 tuổi, cư trú tại thành phố Cao Bằng. Trong khi điều tra, Thu khai đã có chồng và có một con nhưng đã sống ly thân với chồng từ lâu. Trong thời gian xa gia đình, Thu có quen với Đặng Văn Bằng kém Thu mấy tuổi, quê quán tại huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Do có tình cảm với Bằng, Thu giấu chuyện đã từng lập gia đình. Tháng 3/2017, hai người tổ chức đám cưới và Tgu sống tại nhà Bằng ở Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Tháng 3/2018, Bằng biết quá khứ của Thu nên bảo Thu về Cao Bằng quê quán của Thu để giải quyết ly hôn với chồng cũ. Lúc này, Thu đang mang thai.
Đầu năm 2019, Thu sinh một con trai nhưng bé được một tháng tuổi thì tử vong. Thu giấu kín Bằng việc đó và hai người tiếp tục sống xa nhau, người ở Cao Bằng, người ở Tuyên Quang. Nghĩ rằng muốn trở lại với Bằng thì cần có đứa con làm cầu nối, do đó Thu nảy sinh ý định bắt cóc bé trai có độ tuổi tương tự để mang về Tuyên Quang “trình diện” với Bằng.
Ngày 21/8/2020, Thu phát hiện bé Gia Bảo đang chơi một mình trong công viên Nguyễn Văn Cừ TP Bắc Ninh không có người lớn trông nom, nên tiếp cận và dụ dỗ, chở bé về nhà trọ của mình, đi mua đồ ăn, quần áo đẹp và tắm rửa cho bé.
Sáng 22/8, cũng với chiếc xe gắn máy dó, Thu chở bé Gia Bảo về Tuyên Quang để gặp Bằng và nói với Bằng đây là con của hai người. Nhưng Bằng không tin, khuyên Thu nếu không đúng thì nên đem trả đứa bé về cho gia đình nó. Thu chưa kịp làm theo thì với các hình ảnh trong camera ở các nơi và sự truy lùng, dò la manh mối của hơn 200 công an, cảnh sát của các tỉnh Bắc Ninh, Tuyên Quang và nhiều nơi khác, Thu đã bị bắt.
Thu đang bị giam giữ để điều tra hành vi bắt cóc trẻ em. Riêng Đặng Văn Bằng, bước đầu được công an xác định không liên quan do không biết hành vi phạm tội của Thu nên tạm thời được thả để điều tra tiếp.
Theo nhà chức trách địa phương, chị gái của Thu từng bị 15 năm tù do buôn bán trẻ em sang Trung Quốc, hiện đã chấp hành xong án tù. Bố mẹ can phạm đã qua đời. Không ai tin lời khai của can phạm Nguyễn Thị Thu cả, nhất là công an điều tra. Nhưng dù với bất cứ lý so gì thì Thu cũng phạm tội bắt cóc trẻ em, một trong các tội rất nặng hiện nay tại Việt Nam.
Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email