NHỮNG CHUYỆN CÓ THỂ COI LÀ HƠI LẠ

Cô giáo làng tạo ra thế giới khác biệt trong văn chương

Không may bị bại liệt từ nhỏ, nhưng với nghị lực và tài năng của mình, 15 năm nay, cô Nguyễn Thị Kim Hòa (tỉnh Ninh Thuận) vừa làm nghề “gõ đầu trẻ”, vừa gặt hái nhiều thành công trong văn chương. 

Trong danh sách “20 người phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng” được Forbes Việt Nam tôn vinh năm 2021, Nguyễn Thị Kim Hòa là cái tên xứng đáng với bất kỳ ai biết về cô.

Năm 2014, cô đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhận xét: “Đó là tác giả có kỹ thuật viết rất tốt, nhuần nhuyễn, không khiên cưỡng. Mỗi truyện có một lối khai thác và cách đề cập tới thân phận con người riêng, sâu sắc mà cũng rất dữ dội”. Trước đó, Kim Hòa từng đoạt giải A cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do NXB Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức. Gần đây, cô đoạt giải Nhất cuộc thi viết “Thương nhớ miền Trung” của báo Thanh niên. Kim Hòa cũng là một trong những nhà văn trẻ có nhiều tác phẩm được chọn giảng dạy trong sách giáo khoa bộ mới.

Cô gái có duyên với giải nhất ấy thường phải tranh thủ những lúc cơ thể mình không đau ốm để viết văn. Năm 2 tuổi, một cơn sốt ác tính khiến cô bé Kim Hòa bị khuyết tật vận động. Di chứng của cơn sốt ấy khiến cô phải sống chung với cột sống yếu ớt và hai cánh tay không phát triển. Tuổi thơ của Kim Hòa bị ám ảnh bởi hình ảnh những cây kim châm cứu dài nhưng trong các trang sách của cô, khi viết về tuổi thơ, đó là một thế giới nhiều ấm áp, yêu thương.

 Ông ngoại và sự nỗ lực của các thầy thuốc cùng nghị lực của “cô bé hạt tiêu” cũng chỉ có thể giúp Hòa sử dụng bàn tay trái, với 3 ngón tay còn cử động được, có thể hoạt động tốt, co duỗi được. Hòa luôn phải tranh thủ khi sức khỏe ít ốm đau để viết, trong tư thế nghiêng nghiêng vì cột sống yếu ớt. Vậy nhưng, Kim Hòa có tài tạo ra những thế giới khác biệt trong văn chương. Dù là truyện dài, truyện ngắn, tản văn; truyện cho người lớn hay trẻ em, Hòa đều tạo được dấu ấn của riêng mình.

Với Hòa, được tạp chí uy tín Forbes tôn vinh đem lại thêm niềm vui khi thấy nỗ lực của mình được ghi nhận. Càng vui hơn khi được bạn bè chia sẻ và chúc mừng; những người thân yêu vẫn luôn dõi theo. Kim Hòa đã “đi” cùng văn chương được hơn 10 năm, làm “cô giáo làng”, gắn bó với bọn trẻ trong xóm nghèo quê cô cũng ngót ngoét 15 năm. Cả quãng thời gian ấy, Kim Hòa tự thấy mình may mắn khi luôn có gia đình, bạn bè bên cạnh động viên.

Làm “cô giáo làng”, không chỉ giúp Kim Hòa mưu sinh mà còn giúp cô tích lũy vốn để “mở cửa tiệm viết”, làm bà chủ chuyên “bán chuyện kể” cho thiếu nhi. 15 năm dạy học, cô có được gia tài là vô số nhân vật, từ ngữ, giọng điệu của trẻ nhỏ. Ở lâu với học trò, đôi lúc, cô thấy mình đang nói ngôn ngữ của các em, suy nghĩ y chang như các em. Kim Hòa thường tranh thủ những lúc “con nít hóa” ấy để lên vài ý tưởng gì đó. Nhiều ý tưởng như vậy đã thành sách. Các học trò của Hòa hay đọc chúng và reo lên rằng: “Ô , cô viết về con nè. Đúng không cô?”.

“Do viết văn, tôi có thêm nhiều bạn: bạn đọc rồi bạn viết. Tôi tìm được những tâm hồn đồng điệu với mình nhờ những trang văn. Có văn chương, cuộc sống của tôi vui hơn. Quanh quẩn suốt ngày với lớp học, sức khỏe cũng không cho phép tôi đi nhiều nơi, không gian sống chỉ gói gọn trong bốn bức tường nhà mình. Chính văn chương đem tôi ra khỏi “lâu đài kính” ấy. Đến với văn chương, tôi được đi nhiều hơn, những chuyến đi thực sự, đến với những vùng đất chưa từng nghĩ sẽ đặt chân đến được. Tôi khỏe hơn, tôi “liều” hơn và vì vậy, tôi sống trọn vẹn hơn”, nhà văn Kim Hòa chia sẻ.

Người vợ Ukraine 20 năm ở Việt Nam chăm sóc chồng đột quỵ

Giữa trưa tháng 6, trời Hà Nội nóng như đổ lửa. Trong căn phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, Svetlana Nguyễn rướn mình, dùng hết sức xốc người chồng liệt toàn thân lên vai, di chuyển từng đoạn nhỏ ra chiếc xe đẩy.

“Mình chuyển viện Papa nhé”, vuốt vội mồ hôi trên trán, người phụ nữ Ukraine  với mái tóc vàng thủ thỉ và xoa nhẹ tay người đàn ông ngồi trước mặt. Ông Thắng – chồng bà – dù không nói được cũng cố đưa ánh mắt sang nhìn vợ, miệng ú ớ không rõ lời. Khoảnh khắc đó khiến Svetlana mừng rỡ bởi bà hiểu chồng mình đang dần bình phục. Đã gần 20 năm, kể từ ngày ông Thắng lâm bệnh, không thể tự chăm sóc bản thân, Svetlana đã quen với cảnh hai vợ chồng “ở viện nhiều hơn ở nhà”.

“Có những lúc cuộc sống bế tắc tưởng không thể tiếp tục, nhưng rồi nhìn chồng và các con, tôi lại có thêm nghị lực để cố gắng”, Svetlana Nguyen nói.

Hai mươi năm qua, người đàn ông Hà Nội đã đột quỵ 4 lần, nhiều lần thập tử nhất sinh. Suzana Nguyễn, con gái của hai người lúc ấy mới 10 tuổi…

Tình yêu của họ bắt đầu từ năm 1988 khi hai người lần đầu gặp nhau tại căng-tin Cục hải quan thành phố Kyiv, Ukraine, trong một lần anh Thắng đến gửi hàng về Việt Nam. Hai năm sau, họ kết hôn. Chàng trai Việt Nam quyết định ở lại Ukraine, thay vì về nước như kế hoạch đã định. 

Năm 2000, anh bàn với vợ, anh và con gái 9 tuổi về Việt Nam tìm cơ hội làm ăn, công việc ổn định sẽ đón vợ và 2 con trai sang đoàn tụ.

Chồng về nước được một năm thì Svetlana nhận được tin anh đột quỵ, bị liệt toàn thân. “Tôi khóc như chưa bao giờ khóc như vậy, thấy bế tắc cùng cực. Nhưng rồi lại tự nhủ mình rằng phải cố gắng phấn đấu, biết đâu sẽ có phép màu cứu giúp” – người phụ nữ 55 tuổi hồi tưởng cú sốc 20 năm về trước. “Dù khó khăn thế nào cũng phải cố gắng. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu khi khỏe mạnh thì cũng đối xử với nhau bằng tình yêu khi ốm đau”, chị khẳng định rồi mua vé máy bay sang Việt Nam .

Cuộc sống quá nhiều khó khăn

Sang Việt Nam chăm sóc chồng, hàng ngày chị Svetlana dậy rất sớm nấu ăn cho cả nhà rồi ngồi xoa bóp chân tay để chồng đỡ đau nhức. Anh Thắng bị liệt, nằm lâu nên các cơ   đầu xương co cứng. Để đưa chồng xuống ghế ngồi, chị phải dùng hết sức xốc anh lên vai rồi di chuyển từng bước nhỏ. Mỗi lần như thế chị phải xoay trở hàng chục phút, người đẫm mồ hôi. Svetlana nói, nếu không làm như vậy thì chồng nằm lâu trên giường, lưng sẽ lở hết.

Ngày khỏe mạnh không sao, có khi chồng con ốm đau cùng lúc, bản thân chị mệt mỏi không dậy nổi, nằm trên giường mà nước mắt cứ chảy ra ướt gối. Thế nhưng, khóc xong chị lại ngồi dậy làm việc vì cả gia đình chỉ dựa vào mỗi mình chị. Hơn 20 năm ở Hà Nội, người phụ nữ Ukraine chỉ về nước một lần để bán hết nhà cửa, đồ đạc, xe cộ, các thứ nữ trang kể cả chiếc nhẫn đính hôn để đem tiền sang chi tiêu trong gia đình cũng như chữa bệnh cho chồng. Anh Thắng là người buôn bán tự do nên không có sự giúp đỡ nào hết.

Thấy Svetlana quá vất vả, bạn bè có người khuyên chị nên về nước lo làm ăn, chỉ để đứa con gái ở lại rồi đi làm, gửi tiền sang để nó chăm sóc cho bố. Chị Svetlana thấy làm như thế không được, để mặc mọi việc cho đứa con gái chị không yên tâm. Nó đang làm thông dịch viên tiếng Việt trong tòa đại sứ Ukraine, không có thì giờ lo cho bố được. Chị nói: “Vợ chồng thì phải nhờ nhau trong lúc đau ốm, để gánh nặng cho con thì còn gì là tình nghĩa”. .

Suốt mấy năm chồng bệnh tật, các con học hành, tiền bạc cũng dần cạn kiệt, chị Svetlana quyết định kiếm việc làm. Nhà chồng cho một căn hộ trong khu tập thể ở phố Ngọc Khánh, chị chia đôi, một nửa mở quán bán cà phê, một nửa để ở. Như vậy công việc lại tăng thêm cho chị mặc dầu  Suzanna Nguyễn – cô con  gái  – cứ đi làm về là đứng bán phụ với mẹ, còn hai con trai, đứa đang học cấp II, đứa học cấp III, thì dành nửa buổi lo bưng bê, phụ giúp mẹ hay chị bán hàng.

Quán cà phê nhỏ của “bà hàng”  người Ukraine thỉnh thoảng đón tiếp đồng hương và những người đã từng sang Ukraine và Liên Xô cũ ghé qua. Vài lần Svetlana mời họ những món ăn tự tay bà nấu, được khen ngon, họ gợi ý nên bán thêm những món ăn Ukraine. Thực đơn của quán dần được hình thành và thêm thắt theo nhu cầu của khách.

Từ khi quán ăn được mở rộng, cuộc sống gia đình 5 người cũng bớt khó khăn. Ba người con không còn phải mặc lại quần áo cũ người khác cho, tiền viện phí của anh Thắng không phải vay mượn nữa. Thu nhập của quán cũng giúp Svetlana nuôi hai con trai đều học đại học. Cậu con lớn hiện mở quán ăn Nga và Ukraine tại Sài Gòn, còn cậu út theo học tại Canada.

Cuộc sống được cải thiện nhưng thử thách cuộc đời lại không chịu buông tha. Hai mươi năm qua, ông Thắng đã có hàng chục lần nhập viện, vài lần thập tử nhất sinh và 4 lần bị đột quỵ, hai lần liệt toàn thân nhưng sau tập luyện vật lý trị liệu tại bệnh viện lại đi đứng được. Lần gần đây nhất vào tháng 2/2021, ông bị suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến ngay tại viện. Dịch Covid-19 bùng phát tại Hà Nội cuối tháng 4, người nhà không được vào phòng bệnh chăm sóc. Nằm liệt nhiều ngày, ông bị viêm loét lưng, tiếp tục phải chuyển viện để chữa vết thương trước khi ca mổ diễn ra.

Ở lần đột quỵ này, có thời điểm ông hôn mê nhiều ngày, bác sĩ thông báo trả về lo hậu sự. Nghe tin, bà Svetlana suy sụp, mọi cố gắng và hy vọng như tan biến. Người vợ vào phòng bệnh, ngày ngày nắm tay chồng, nói về tình yêu ngày xưa của họ, về những đứa con đã trưởng thành, mong ngóng bố ra viện. Một lần, ông có phản ứng, nắm tay vợ rất chặt, Svetlana quyết xin cho chồng ở lại điều trị tiếp. “Tôi luôn tin có ngày anh ấy sẽ khỏe lại», bà cố thuyết phục bác sĩ.

Con cái đều đang ở xa, những ngày chồng nằm viện, Svetlana phải cáng đáng mọi việc. Mỗi ngày bà dậy từ 5h sáng, sang thăm chồng rồi về quán chuẩn bị đồ ăn phục vụ khách. Khi rảnh lại qua viện, rồi lại trở về quán làm việc, tất bật cho đến 12 giờ đêm. Hơn một tháng Hà Nội tạm dừng hoạt động quán ăn phục vụ tại chỗ do Covid-19, doanh thu của quán gần như không có. Để lo tiền viện phí cho chồng, Svetlana nhờ con cái giúp đỡ và vay mượn thêm mới đủ. Tuy vậy, bà chưa bao giờ than thở.

Người phụ nữ Ukraine luôn hy vọng sẽ có ngày chồng khỏe lại, hai người cùng trỏ lại thăm thành phố Kyiv – nơi nhiều năm trước họ đã gặp gỡ  và yêu nhau.

Thái Lan đổi tên thủ đô Bangkok 

Văn phòng Hội Hoàng gia Thái Lan (ORST) hôm 16/02/2022 thông báo đổi tên chính thức của thủ đô từ Bangkok thành Krung Thep Maha Nakhon. Nội các Thái Lan đã phê duyệt sự thay đổi này.

“Krung Thep Maha Nakhon” là rút gọn tên nghi lễ của “Krung Thep Maha Nakhon Amon Rattanakosin, Mahinthara, Ayuthaya, Mahadilok, Phop Noppharat, Ratchathani Burirom, Udomratchaniwet, Mahasathan, Amon Piman Awatan, Sathit Sakkathattiya Witsanukam Prasit”, với nghĩa: “Thành phố của những vị thần, của đền đài tráng lệ và các cung điện nguy nga…”.

“Tên chính thức mới sẽ có hiệu lực sau khi được kiểm tra bởi một ủy ban chuyên xem xét các dự luật, với sự góp ý từ Bộ Ngoại giao”, ORST thông báo.

Sau khi công chúng phản ứng gay gắt trước sự thay đổi này, bà Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Ratchda Dhanadirek cũng đăng trên Facebook, giải thích rằng tên Krung Thep Maha Nakhon được sử dụng trong cách gọi chính thức, trong khi tên Bangkok vẫn được công nhận, Cách viết tên chính thức của thủ đô sẽ là Krung Thep Maha Nakhon kèm theo hai ngoặc đơn: “(Bangkok)”.

Cũng theo bà Phó phát ngôn viên, tên cũ của thủ đô (Bangkok) được sử dụng từ tháng 11/2001. Tên này xuất phát từ một khu vực cũ của Bangkok, hiện là một phần trong đại đô thị lớn hơn, bao gồm các quận Bangkok NoiBangkok Yai.

Thái Lan nói về việc đổi tên thủ đô

Theo báo VnExpress ngày 17/02/2022, bà Phó phát ngôn viên chính phủ Thái Lan Rachada Dhnadirek nói: “Từ năm 2001, chúng tôi sử dụng cách viết “Krung Thep Maha Nakhon; Bangkok” với dấu chấm phẩy ở giữa. Nhưng bây giờ, cách viết sẽ được đổi thành “Krung Thep Maha Nakhon (Bangkok), với hai dấu ngoặc đơn”.

Trên trang Facebook của mình, Văn phòng Hội Hoàng gia (ORST) cho biết người dân có thể sử dụng hai tên gọi Krung Thep Maha Nakhon và Bangkok.

Sự thay đổi này nằm trong dự thảo của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan theo đề xuất của ORST (Hội Hoàng gia Thái Lan). Nội các Thái Lan ngày 15/2 đã phê duyệt văn bản này, nhưng sự thay đổi chưa có hiệu lực cho đến khi được một ủy ban giám sát văn bản luật xem xét.

Bộ trưởng Văn hóa Thái Lan Itthiphol Kunplome ngày 16/2 ủng hộ tên gọi Krung Thep Maha Nakhon vì nó phản ánh vinh quang của thủ đô. Ông cho rằng cái tên Bangkok thường chỉ xuất hiện trên phim ảnh và văn hóa phẩm.

Theo giải thích của cố  quốc vương Thái Lan Rama IV, Bangkok là tên cũ của cố đô Thon Buri, nay là quận Buri của thủ đô Thái Lan, vì nó nằm dọc theo kênh Bangkok Noi và Bangkok Yai.

Tuy nhiên, một số người cho rằng tên gọi Bangkok dễ phát âm, ngắn gọn và dễ nhớ hơn đối với người nước ngoài so với Krung Thep Maha Nakhon.

“Bangkok, viết tắt là BKK, đã là thương hiệu của Thái Lan”, Somkiat Osotsapa, cựu giảng viên kinh tế tại Đại học Chulalongkorn, cho biết. “Hãy thử đọc tên thủ đô đầy đủ cho người nước ngoài rồi cho họ biết cách phát âm xem họ sẽ phản ứng thế nào”, ông Somkiat Osotsapa bình luận. 

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email