Lại chuyện phim “Em và Trịnh”: bà Michiko Yoshii yêu cầu
nhà sản xuất xin lỗi
Theo tin tức báo VnExpress, bà Michiko Yoshii, “nàng thơ” Nhật Bản thời xa xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, yêu cầu ê-kíp làm phim “Em và Trịnh” xin lỗi vì khai thác đời tư của bà mà không xin phép.
Sơ lược nội dung cuốn phim gần như không có cốt truyện
Cuộc đời Trịnh Công Sơn luôn là một chủ đề được khá nhiều người quan tâm, đặc biệt là những mối tình với những người con gái, những bóng hồng được ông ghi lại qua các bản nhạc, những bức tranh và những bức thư nồng nàn tình cảm.
Khung cảnh xứ Huế thơ mộng dưới cơn mưa, người ta lao xao về những điều bình dị. Ở nơi đó có người nghệ sĩ trẻ (do Avin Lu đóng) ngồi sáng tác, rồi mê mẩn hình bóng của cô gái đôi mươi trong chiếc áo dài trắng đi ngang qua, đó là nàng thơ Bích Diễm, nàng thơ trong ca khúc “Diễm Xưa” (Lan Thy đóng) mà nhạc sĩ đã viết.
Trong phim này, người ta có thể tìm thấy một Dao Ánh trong những bức thư tình của Trịnh Công Sơn. Rồi Khánh Ly, một người đã từng gắn bó khá lâu với Trịnh, ca sĩ có thể hát đúng cái hồn của nhạc Trịnh. Đặc biệt, với điểm nhấn là câu chuyện giữa nhạc sĩ và cô gái Nhật Michiko Yoshii.
Và ở nơi đó có những ca khúc tình tự của Trịnh được nổi lên theo suốt phim. Theo nhà sản xuất thì phim sử dụng tới 50 bản nhạc của Trịnh Công Sơn.
Bà Michiko Yoshii và danh ca Khánh Ly lên tiếng:
Ngày 13/9/2022, phía bà Michiko Yoshii gửi văn bản đến Galaxy Play – nhà sản xuất phim Em và Trịnh, yêu cầu đơn vị này xin lỗi công khai vì hành vi phổ biến đời sống riêng tư của bà đến công chúng khi chưa xin phép.
Cụ thể, phim Em và Trịnh – ra rạp ngày 17/6/2022 – có đoạn nêu đầy đủ họ tên, đích danh của bà Michiko Yoshii, cùng nhiều thông tin xoay quanh mối quan hệ cá nhân giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Người đại diện bà Michiko Yoshii yêu cầu nhà sản xuất phim xin lỗi bằng thông cáo báo chí trong 7 ngày, tính từ ngày ra văn bản (13/9). Nội dung xin lỗi phải xuất hiện ở phần giới thiệu phim Em và Trịnh mỗi khi tác phẩm được chiếu trước công chúng, đồng thời nhà sản xuất cam kết không lặp lại sai phạm. Sau thời hạn trên, nếu yêu cầu chưa được đáp ứng, luật sư của bà Michiko Yoshii sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng theo luật định.
Nhóm làm phim Em và Trịnh cho biết đã nhận được văn bản từ phía bà Michiko nhưng hiện chưa phản hồi sự việc.
Bà Nguyễn Thị Diễm Phượng – luật sư đại diện của bà Michiko Yoshii – cho biết thêm lúc phim ra rạp, bà Michiko không lên tiếng vì sợ ồn ào làm ảnh hưởng doanh thu tác phẩm. Khi phim công chiếu, con trai của bà Michiko – hiện tham gia nhiều chương trình thiện nguyện tại Việt Nam – đến xem, ngạc nhiên vì nhân vật Michiko trong phim (do Nakatani Akari cũng là người Nhật đóng) có nhiều tình tiết sai lệch, chẳng hạn phân cảnh Michiko đột ngột hủy dự đám cưới với Trịnh Công Sơn (Trần Lực đóng) để trở về nước.
“Những khúc mắc đó làm gia đình bà Michiko Yoshii không thoải mái với nhau. Việc đề nghị Galaxy Play lên tiếng xin lỗi cũng là cách để gia đình giải tỏa khúc mắc”, bà Diễm Phượng nói.
Chuyện tình Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii là một trong những tuyến truyện chính của phim Em và Trịnh. Ngoài đời, mối quan hệ của nhạc sĩ và cô thực tập sinh Nhật Bản là một trong những giai thoại của làng nhạc. Cuối thập niên 1980, khi đang là sinh viên đại học tại Paris (Pháp), Michiko Yoshii dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam – trong đó có nhạc Trịnh. Dù có bằng Cao học (Thạc sĩ, or Master) về văn hóa Nhật Bản, cô sinh viên Michiko Yoshii vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài Thạc sĩ nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
Michiko đến Việt Nam để gặp gỡ tác giả mình ngưỡng mộ. Luận án Thạc sĩ và âm nhạc Trịnh Công Sơn là cầu nối cho mối quan hệ của họ. Theo bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh trai bà và Michiko từng quyết định làm đám cưới. Nhưng vì một số lý do, hôn sự của hai người không thành.
Cuộc tình dở dang nhưng âm nhạc vẫn gắn kết họ. Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii đã bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến. Luận án này được ban giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại ưu. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko cũng thường về thắp hương cho ông. Hiện Michiko Yoshii là giáo sư dạy tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Đại học Mie, miền Trung nước Nhật.
Phim Em và Trịnh có doanh thu phòng vé cao nhất tính từ đầu năm – hơn 100 tỷ đồng. Dù thành công, phim gây nhiều tranh cãi. Một bộ phận khán giả cho rằng phim phác thảo chân dung nhạc sĩ không như họ biết qua tư liệu, sách báo. Câu chuyện Trịnh Công Sơn bên các “nàng thơ” bị cho là khắc họa không đúng đời thực, biến nhạc sĩ thành người hời hợt khi yêu.
Danh ca Khánh Ly cũng không hài lòng
Giữa tháng 6/2022, khi về nước chuẩn bị cho show kỷ niệm 60 năm ca hát, danh ca Khánh Ly cho biết bà sẽ không đi xem phim Em và Trịnh vì không hứng thú thưởng thức hình tượng hư cấu về Trịnh Công Sơn. Qua lời kể của bạn bè – những người đã xem phim, bà không hài lòng với các cảnh Khánh Ly đút sữa chua (y-da-ua, yaourt) cho Trịnh Công Sơn, ôm vai nhạc sĩ tình tứ… Khánh Ly cho biết cả đời bà kính nể Trịnh Công Sơn như cha, do đó không thể có những hành động ngang vai phải lứa.
Sau đó, nhà sản xuất Em và Trịnh xin lỗi Khánh Ly vì làm ảnh hưởng đến bà, cho biết họ nỗ lực “làm sống lại huyền thoại” Trịnh Công Sơn nên không tránh khỏi thiếu sót.
Theo danh ca Khánh Ly cho biết, đại diện đoàn làm phim đã liên lạc, cho bà xem kịch bản những phân đoạn có liên quan tới nhân vật Khánh Ly, nhưng bà không đồng ý những cảnh đó. Tuy vậy, các cảnh bà phản đối vẫn được giữ khi lên phim.
Hồi cuối tháng 6, ông Lương Công Hiếu – đại diện Galaxy EE, nhà làm phim Em và Trịnh – cho biết đoàn phim đã thực hiện với tấm lòng ngưỡng mộ và yêu quý các nhân vật, không có ý định bôi xấu cá nhân nào.
Ông Hiếu nói: «Ca sĩ Khánh Ly trong Em và Trịnh có hành xử, lời nói, trang phục khác biệt với các bóng hồng khác trong phim, là ý đồ của nhà làm phim muốn làm nổi bật cá tính mạnh mẽ của nhân vật. Chúng tôi khẳng định hình tượng của nhân vật Khánh Ly trong phim rất đẹp, và được khắc họa với tấm lòng trân trọng». Nhà sản xuất này cho rằng việc nhân vật Khánh Ly trong phim được một số đông khán giả yêu thích đã minh chứng cho ý tưởng của đoàn làm phim”.
Theo đại diện phim, do tác phẩm có thời lượng khá dài – 136 phút, để giữ chân khán giả, đạo diễn buộc phải tạo cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt. Không chỉ Khánh Ly, nhiều nhân vật khác như danh ca Thanh Thúy, nhóm Tuyệt Tình Cốc – bạn thân của Trịnh Công Sơn… đều có những chi tiết sáng tạo.
Với các tình tiết hư cấu về cuộc sống Trịnh Công Sơn, ông Lương Công Hiếu cho biết tác phẩm là phim lãng mạn, không phải phim tài liệu. Từ đầu phim, họ đã khẳng định điều đó bằng cách ghi rõ “lấy cảm hứng từ nhân vật có thật”. Các tình tiết trong phim xoay quanh hai câu nói nổi tiếng của cố nhạc sĩ: “Có những ngày tuyệt vọng đến cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau”, “Khi bạn hát một bản tình ca là bạn đang muốn hát về cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dở dang thì cuộc tình ấy cũng đã là một phần máu thịt bạn rồi”.
Đoàn làm phim xin lỗi vì tác phẩm làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân của họ.
Câu chuyện nỗi khổ của… con nhà giàu
Năm ngoái, Minh Hùng (16 tuổi) lấy trộm của bố mẹ 300 triệu đồng mua tặng các bạn trong lớp mỗi người một cái iPad đời mới, nhưng một tháng sau mới bị phát giác.
Cậu thiếu niên tâm sự, lấy 300 triệu đồng của bố mẹ không khó và cũng không hề lén lút nhưng bố mẹ Hùng không hay biết bởi trong nhà lúc nào cũng có khoảng chục tỷ đồng. Mẹ cậu là giám đốc một doanh nghiệp mỹ phẩm ở Hà Nội còn bố là quản lý cấp cao trong ngành bất động sản. Theo tính toán của công ty tư vấn Knight Frank (Anh), để lọt top 1% người khá giả ở Việt Nam, cần có trong tay ít nhất 160.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng). Bố mẹ Minh Hùng có nhiều hơn con số đó hàng chục lần.
Muốn gì được nấy từ khi sinh ra, nhưng cậu bé chưa bao giờ thấy hạnh phúc. Bố mẹ quá bận rộn với những chuyến công tác nước ngoài, những cuộc hẹn đối tác và những dự án sắp đến hạn hoàn thành. Từ nhỏ, Hùng và em gái chỉ biết đến hơi ấm của cô giúp việc – người thổi cơm, đọc truyện và ôm chúng ngủ mỗi đêm.
Thèm được bố mẹ quan tâm, cậu lấy trộm tiền, hút thuốc, uống rượu… như một cách gây sự chú ý. “Bố mẹ chưa bao giờ hỏi cháu muốn gì, chưa bao giờ cho cháu đi chơi những chỗ mà cháu thực sự muốn, học những gì cháu thích”, Hùng tâm sự.
“Cháu muốn bố mẹ để tâm đến thay đổi của cháu, mà cả tháng trời không ai thèm hay biết”, nam sinh lớp 11 giải thích về chuyện lấy 300 triệu đồng với chuyên gia tâm lý mà người mẹ mời đến nhà, khi không biết trị con bằng cách nào.
Tâm tư của Hùng cũng là nỗi lòng của rất nhiều trẻ sinh ra trong những gia đình khá giả. Trẻ không phủ nhận sự đầy đủ về vật chất cho chúng nền tảng giáo dục tốt, môi trường tiến bộ và được gặp gỡ “những người đẳng cấp” trong xã hội. Tuy nhiên, cha mẹ bận rộn để giàu có thường nghèo nàn thời gian cho con, biến chúng thành những đứa trẻ thiếu thốn tình yêu.
Trong khảo sát 1.000 học sinh trung học ở TPHCM, do Viện nghiên cứu đời sống xã hội (Social life) thực hiện tháng 4/2018, có đến 58% trẻ muốn được đi chơi cùng gia đình và 34,7% trẻ mong được dẫn đi chơi.
Một nam sinh trường quốc tế ở Sài Gòn từng kể trong cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện trưởng Social life), cậu được cha mẹ cho mọi thứ nhưng luôn luôn cô đơn. Cậu cũng chia sẻ, trong lớp mình các bạn đều là con nhà giàu, đa số bố mẹ đang sống ly thân.
Một nỗi khổ khác của nhiều trẻ con nhà giàu là cha mẹ không biết cách giáo dục con, đòi hỏi con phải giỏi giang hơn người, không ghi nhận nỗ lực của trẻ. Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương (Hà Nội) từng gặp những người vì có tiền nên ảo tưởng và áp đặt con phải “sống kiểu quý tộc”.
“Có bà mẹ xem mình như ‘mệnh phụ phu nhân’, bắt con phải ăn uống, nói năng, đi lại cho ra dáng quý tộc”, bà Hương kể. Khi con tỏ thái độ chống đối, họ tìm chuyên gia nhờ tư vấn, nhưng bị bắt lỗi ngược, những người mẹ này lại chê chuyên gia “không có đẳng cấp, không am hiểu đời sống thượng lưu”.
Từng nghiên cứu cuộc sống của con nhà giàu trong suốt 25 năm, Suniya Luthar, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Arizona (Mỹ) nhận thấy, giống như Minh Hùng, những thanh thiếu niên con nhà giàu có tỷ lệ dùng chất kích thích cao hơn so với trẻ cùng lứa tuổi. Hơn nữa, trẻ em lớn lên trong gia đình giàu, có thể bị trầm cảm cao hơn mức trung bình.
Theo PGS Lộc, con nhà giàu (rich kid) xuất hiện nhiều ở những người trẻ thuộc thế hệ sinh cuối những năm 1990-2010), đặc biệt ở các đô thị. Cha mẹ trong các gia đình này trưởng thành và xây dựng được tài sản lớn trong thời kỳ đất nước mới thoát khỏi thời chiến tranh, đói nghèo nên muốn bù đắp cho con. Cách cha mẹ tạo nên con bằng kỳ vọng, biến các con thành thế hệ con cưng, có cách nhìn thế giới riêng, đòi hỏi riêng.
Đa số những đứa trẻ con nhà giàu có mối liên hệ với người khác hạn hẹp, khó giao tiếp, thậm chí mất kết nối và khả năng trò chuyện. “Chúng thấy thế hệ trước không hiểu mình và mình cũng không hiểu thế hệ trước”, ông nói. Bên cạnh đó cùng lúc sử dụng nhiều loại hình mạng xã hội, luôn phải kiến tạo bản thân cho vừa vặn với không gian ấy khiến bản sắc cá nhân (cái tôi) bị phân mảnh. Từ đó, những đứa trẻ con nhà giàu vất vả trong hành trình tìm kiếm chính mình và kết nối để thấu hiểu.
Không tìm được sự thấu hiểu từ gia đình và xã hội đẩy những đứa trẻ nhà giàu vào bi kịch tâm lý. Phạm Thị Linh (Julie Phạm), con gái của một chủ khu du lịch nghìn tỷ ở Nghệ An từng làm một video và chia sẻ trên mạng xã hội với chủ đề “Nhà giàu có sướng không?”.
Trong video, Linh kể về người bạn có gia thế khủng, bị gia đình ép đi du học. Bạn đó đấu tranh với bố mẹ rất nhiều, nhưng hai bên không thể tìm được tiếng nói chung, cuối cùng phải thuận theo bố mẹ trong ấm ức, chấp nhận từ bỏ giấc mơ nghệ thuật. “Tôi và bạn đi uống bia với nhau. Bạn nói ‘tao ước gì tao sinh ra trong một gia đình bình thường để cuộc đời tao do tao tự vẽ chứ không phải luôn nghe theo sự dẫn dắt của người khác”, cô kể.
Linh được cha mẹ cho tự do chọn cuộc sống cô mong ước, nhưng lại gặp áp lực từ dư luận, bị nhiều người soi mói vì gia đình giàu có. Cô đang theo học một trường quốc tế tại Đà Nẵng, học phí 600 triệu đồng mỗi năm, được bố mẹ mua xe hơi tiền tỷ để di chuyển, nên bị mặc định đương nhiên phải giỏi nhiều thứ, ví dụ như tiếng Anh, phải có thành tích học tập “khủng”.
“Mọi người bảo tôi sinh ra đã ngậm thìa vàng nên những gì tôi có được đều là do bố mẹ cho. Dù thực tế, tôi cũng phải nỗ lực để học, thậm chí còn bị áp lực hơn bạn bè bình thường nữa”, Linh nói.
Đoàn Dự (ghi chép)