I. 41 và 45 tuổi còn chơi dại rồi… ở tù!
Báo chí đưa tin, ngày 9/3/2020, công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết đã ra quyết định bắt giữ Nguyễn Văn An (45 tuổi, ngụ tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) để điều tra về hành vi “gây rối trật tự công cộng”.
Nguyễn Văn An chính là người đã tham gia trong vụ đốt các băng pháo dài hàng chục mét để mừng đám cưới tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn.
Theo công an cho biết, Nguyễn Văn An đã đến trụ sở công an huyện Sóc Sơn để đầu thú vào ngày 7/3/2020. Tại cơ quan này, Nguyễn Văn An khai đã cùng Trần Văn Khang (41 tuổi, bố chú rể, cư ngụ tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) đốt pháo mừng đám cưới của con trai ông Khang ở xã Phù Lỗ.
Theo báo chí, trước đó, trên mạng xã hội đăng tải video về một đám cưới ở xã Phù Lỗ tổ chức vào ngày 1/3/2029, treo pháo thành nhiều chuỗi, mỗi chuỗi rất dài trước cửa nhà và dọc theo hai bên lối đi, rồi đốt để mừng đám cưới.
Từ các chứng cớ thu thập được, ngày 4/3/2020, công an huyện Sóc Sơn đã quyết định khởi tố vụ án, giam giữ Trần Văn Khang bố chú rể để điều tra về hành vi «gây rối trật tự công cộng». Ông Khang được xác định là người đã trực tiếp đốt pháo trong đám cưới, còn Nguyễn Văn An là người phụ giúp.
Sau khi đốt pháo và dự tiệc xong, “người phụ giúp” Nguyễn Văn An trở về nhà mình ở TP Lào Cai, khi biết bị công an điều tra, bèn bỏ trốn khỏi nơi cư trú.
“Kẻ đốt chính” Trần Văn Khang bố chú rể khai đã lên mạng xã hội đặt mua pháo của một người lạ mặt, bảo họ chở đến nhà mình tức địa chỉ tổ chức đám cưới tại xã Phù Lỗ. Sau đó Khang cùng Nguyễn Văn An treo một số dây pháo trước cửa nhà, một số trên các cột rạp tiệc cưới để sẽ đốt khi đi rước dâu về.
Khang cũng khai đã mua 3 cối pháo, mỗi cối dài 15m với tổng số tiền là 4,3 triệu đồng. Đám cưới và việc đốt pháo diễn ra chiều ngày 1/3/2020.
Sau khi việc đốt pháo trong đám cưới tại xã Phù Lỗ khiến dư luận cư dân trên mạng xôn xao, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ thị cho công an Hà Nội và công an huyện Sóc Sơn phải khẩn trương điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều đáng để ý là từ 25 năm nay, do thường xảy ra tai nạn, cháy nhà, chết người khi làm pháo, người đi đường bị những kẻ xấu tính cố ý đốt pháo ném trúng gây tai nạn, mùi pháo nồng nặc trong xóm đông đúc khiến trẻ em và người già khó thở..vv.., nên nhà nước VN đã ra chỉ thị số 406-TTg của thủ tướng chính phủ ký ngày 08 tháng 8 năm 1994, với nội dung như sau: Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995, cấm ngặt việc sản xuất, buôn bán pháo và đốt các loại pháo nổ trong phạm vi cả nước (ngoại trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Cũng theo chỉ thị 406-TTg nói trên, nghiêm cấm việc nhập các loại pháo và thuốc làm pháo từ nước ngoài. Nếu buôn bán hoặc đốt pháo sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 đến 10 triệu đồng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 đến 10 năm tuỳ theo tội nặng hay nhẹ.
Ở miền Nam, từ khi có lệnh cấm nói trên, gần như không ai đốt pháo. Khi có đám cưới hoặc các cuộc họp mặt vui vẻ, thay vì đốt pháo người ta thường treo các chùm trái bóng bay hai bên khán đài. Khi cuộc vui bắt đầu, người trong hậu trường sẽ kéo những chùm bóng bay đó lên, đụng vào những mũi tăm nhọn ở phía bên trên, phát ra những tíếng nổ dòn dã giống như tiếng pháo, rất vui. Thỉnh thoảng, có những trái bóng bên trong có chứa các công-fét-ty lóng lánh kim tuyến và nhiều màu sắc, bắn tung lên trông rất đẹp mắt.
Tổ chức lễ cưới cho con, linh đình hay không linh đình là quyền của mỗi người. Nhưng dư luận thường không đồng tình với việc đốt pháo, bởi vì trông nó có vẻ ngang tàng, ỷ mình giàu có bất chấp pháp luật, nhất là lại đốt tới vài chục mét pháo mà báo chí đăng là “xác pháo đỏ đường”.
Pháo đó mua ở đâu? Ai cũng biết tại Việt Nam không ai dám làm pháo vì hễ bị bắt là sẽ bị phạt nặng. Toàn là mua pháo lậu của Trung Quốc lén lút bán qua. Pháo Trung Quốc trông rất xấu, ngay việc kết các ngòi pháo thành chuỗi trông cũng thô thiển, khác hẳn các tràng pháo Việt Nam ngày trước. Với sự căm ghét, ghê sợ Trung Quốc, dân chúng ghét luôn cả những kẻ đốt pháo bất chấp pháp luật.
Chiều ngày 4/3, nghe tin ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP. Hà Nội ra lệnh cho UBND và công an huyện Sóc Sơn phải điều tra, làm rõ, không được bỏ sót một cá nhân nào vi phạm, và phải báo cáo với thành uỷ cũng như UBND thành phố Hà Nội trước ngày 15/3/2020, dư luận dân chúng ai cũng có vẻ bằng lòng.
Câu chuyện từ London, người nhiễm Covid “thứ 32” thuê máy bay riêng về Việt Nam
Thông tin từ Bệnh viện Nhiệt đới Sài Gòn, một nữ bệnh nhân, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, sống tại Anh, bị dương tính với Covid-19 nên thuê máy bay riêng bay về Việt Nam. Đây là bệnh nhân thứ 32 của VN đã nhiễm Covid-19 trước khi về nước.
Trước đó, tối ngày 27/2/2020, bệnh nhân có gặp mặt, dự tiệc và đi chơi với “bệnh nhân thứ 17” (Nguyễn Hồng Nhung) tại London, cùng một nhóm bạn.
Ngày 02/3, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng như ho khan, mệt mỏi nhưng không sốt. Đi khám tại bệnh viện ở London, được cho mua thuốc về nhà uống. Ngày 07/3, bệnh nhân vẫn ho nhiều và mệt, không sốt, đồng thời nghe tin người bạn ở Việt Nam mình đã gặp tại London (tức “cô gái đi du lịch 3 nước châu Âu” Nguyễn Hồng Nhung), khi về Việt Nam thì được y tế Việt Nam tìm ra là đã bị nhiễm Covid-19 trước khi về; cô bạn bên Anh sợ quá, bèn đến bệnh viện khám lại lần nữa đồng thời nhấn mạnh việc mình có tiếp xúc với người bị nhiễm nCovid-19. Nhưng bệnh viện ở London vẫn không quan tâm, chỉ yêu cầu cô về nhà cách ly và uống thuốc cảm sốt bình thường vậy thôi chứ không thực hiện việc xét nghiệm. Cô mất tin tưởng, bèn nghĩ rằng mình nên về Việt Nam để được điều trị thì tốt hơn chứ cứ tiếp tục ở bên Anh thì có thể chết vì nhiễm virus. Nghĩ thế, cô đề nghị gia đình thuê máy bay để cô về nước chữa trị.
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào hồi 8h15 sáng ngày 09/3/2020. Báo chí VN chụp hình, đăng tải, thi nhau ca ngợi um lên rằng cô là người có lòng nhân đạo, dám bỏ ra một số tiền lớn mà họ nghe phong thanh là khoảng 10 tỷ đồng, tức gần nửa triệu đô la, thuê máy bay riêng bay về Việt Nam vì sợ nếu đi máy bay bình thường thì sẽ lây nhiễm sang những người khác.
Sự thực không phải như vậy. Việc cô thuê máy bay riêng có lý do của nó chứ không phải hoàn toàn do lòng nhân đạo. Nếu đi máy bay bình thường, có hãng máy bay nào dám chở một bệnh nhân đã bị nhiễm nCocid-19 hay không? Các hành khách trên máy bay sẽ phản đối, đòi lại tiền, có khi họ còn kiện cho sặc gạch. Và phi hành đoàn cũng vậy, nếu chở một bệnh nhân nhiễm nCovid mà không có biện pháp phòng ngừa bảo đảm, họ sẽ bị lây nhiễm. Đơn giản nhất là khi tới Việt Nam, bị cách ly 14 ngày vì máy bay có người nhiễm virus, ai sẽ trả tiền lương nửa tháng cách ly cho họ? Cô phải thuê một máy bay riêng nho nhỏ đi một mình vậy thôi. Hãng sẽ có các biện pháp đề phòng cẩn mật, kể cả tiền quá cảng, tiền phun thuốc, làm vệ sinh máy bay sau khi đã tới phi trường Việt Nam, các chi phi này đều tính chung vào tiền thuê máy bay, tổng cộng là 360.000 USD, tức khoảng 8,4 tỷ đồng Việt Nam, số tiền này không có gì là lớn đối với ông Jonathan Hạnh Nguyễn, cha của cô, một vị tỷ phú đô la giàu có tầm cỡ thế giới.
Vậy ông Jonathan Hạnh Nguyễn là ai?
Jonathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951 tại Nha Trang, con của một vị công chức lớn cỡ bộ trưởng dưới thời VNCH. Năm 1974, thấy tình hình Việt Nam có vẻ không ổn, vị công chức trong ngành ngoại giao này bèn xin chuyển công tác, đem gia đình sang Philippines, sau đó cho Jonathan Hạnh đi du học tại Mỹ về ngành Kinh tế. Năm ấy Jonathan 23 tuổi và đã đậu xong bằng Cử nhân Kinh tế ở trong nước. (Tất cả các bằng cấp trước 1975 dưới thời VNCH đều được Mỹ công nhận tương đương với bằng cấp tại ĐH Mỹ).
Đậu xong MBA (Master of Business Administration, tức Thạc sĩ quản trị kinh doanh, một bằng cấp rất được ưa chuộng tại Mỹ), Jonathan xin được vào làm trong hãng máy bay Boeing, rồi dần dần trở thanh một nhân vật quan trọng trong Ban thanh tra tài chánh của hãng Boeing.
Hiện nay, Johnathan Hạnh Nguyễn (69 tuổi), là chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương IPPG (Imex Pan Pacific Group) do chính ông sáng lập, kinh doanh đa lãnh vực tại Việt Nam và 5 quốc gia khác, gồm Mỹ, Úc, Hongkong, Singapore, và Philippines; trụ sở chính đạt tại Việt Nam.
Kinh doanh đa lãnh vực tức kinh doanh về nhiều mặt, ví dụ cùng với các đối tác khác, tập đoàn IPPG đã đầu tư xây dựng sân bay quốc tế tế Cam Ranh với tổng số vốn đầu tư trên 3.735 tỷ đồng, chính thức mở cửa hoạt động vào cuối tháng 6 năm 2018, với mức độ từ 6 đến 8 triệu lượt khách/năm và sẽ còn tăng lên hơn nữa. Đặc biệt, ông nổi tiếng với việc kinh doanh “hàng hiệu” (hàng may mặc thứ “xịn” đắt tiền) tại 6 nước nói trên cùng nhiều quốc gia khác, vì vậy ông được gọi là “Ông vua hàng hiệu”. Trong 22 phi trường lớn nhất tại Việt Nam và 5 nước kia, có tới 21 phi trường mà trong đó toàn bộ các cửa hàng ăn uống và các cửa hàng bán đồ lưu niệm, đồ miễn thuế… đều do IPPG cai quản, tiền lời hàng năm không biết bao nhiêu mà kể.
Jonathan Hạnh Nguyễn kết hôn với cháu họ của bà Imelda Marcos, phu nhân của cựu Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos, “vua” tham nhũng và độc tài tại Philippines, bị truất phế vào năm 1986 nhưng bà Imelda vẫn rất giàu có từ tiền tham nhũng đó. Jonathan Hạnh có với người vợ Philippines cháu bà Imelda này 6 người con, một người tên là Louis Nguyễn, sinh năm 1983, đã lấy diễn viên điện ảnh Việt Nam Tăng Thanh Hà làm vợ.
Năm 1985, với chức vụ Tổng đại diện của Philippines Airlines tại khu vực Đông Dương, Jonathan Hạnh Nguyễn trở về Việt Nam và mở đường bay chính thức Sài Gòn – Manila. Trong thời gian làm ăn tại Việt Nam, ông dan díu với diễn viên điện ảnh xinh đẹp Hà Xuyên. Chuyện dan díu này đến tai bà vợ bên Phi Luật Tân. Bà bay qua Việt Nam đánh ghen (có lẽ bằng tiếng Anh, vì quốc ngữ của Philippines là tiếng Anh nên Jonathan hiểu được, còn việc thượrg cẳng chân, hạ cẳng tay thì trời sinh ra, ai cũng có thể lãnh nhận dễ dàng không cần tiếng Anh). Kết quả là Jonathan Hạnh Nguyễn và bà vợ Phi Luật Tân ra tòa ly dị.
Năm 1993, Bill Clinton làm tổng thống Mỹ, lệnh cấm vận chắc chắn sẽ được dỡ bỏ để tiến tới bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, nên những dịch vụ liên quan tới Mỹ đều được chuẩn bị để đón đầu. Tháng 4/1993, hãng Hàng không Việt Nam, tức Vietnam Airlines, được thành lập và là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam. Với tư cách Chủ tịch nước, ông Lê Đức Anh sắp xếp cho cháu họ là Lê Hồng Thủy Tiên, nữ diễn viên điện ảnh, làm tiếp viên hàng không để có dịp gặp gỡ “con người tài giỏi” Jonathan Hạnh Nguyễn. Hai người kết hôn, Lê Hồng Thuỷ Tiên chính là mẹ của cô bé Tiên Nguyễn (còn gọi là Thảo Tiên Nguyễn), năm nay 24 tuổi, thành viên của Hội Rich Kids (Rich Kids Club – Hội Con Cháu Nhà Giàu – “Cậu Ấm Cô Chiêu, tiền tiêu như nước”) và cũng là bệnh nhân bị nhiễm Covid, được chuyển từ London về Sài Gòn trên chuyến máy bay thuê riêng kể trên.
Sở dĩ ông Lê Đức Anh muốn gả cháu gái cho Jonathan Hạnh Nguyễn vì thấy Jonathan có tài, có bằng cấp cao của Mỹ và có của do cưới được cháu gái bà Imelda Marcos, cựu phu nhân tổng thống mà số tài sản khổng lồ trị giá tới 1,6 tỉ USD, bộ sưu tập hơn 4.400 đôi giày, 500 bộ áo ngực màu đen cùng bộ sưu tập quần áo bằng da và bằng lông thú không biết bao nhiêu mà kể. Nước Philippines tuy nghèo nhưng bà cựu phu nhân tổng thống có cả mấy tấn vàng cũng như nhiều tỷ đô la gửi tại các ngân hàng Thụy sĩ, và là chủ của nhiều tòa nhà cao tầng ở nhiều nước khác nhau, đồ trang sức quý hiếm và các tác phẩm hội họa của bà không thể đếm hết được.
Ngoài ra, Jonathan Hạnh Nguyễn còn là người có uy tín và tài sản để môi giới giữa Vietnam Airlines và hãng Boeing. Cụ thể là vụ Vietnam Airlines mua 3 chiếc máy bay Boeing 767 của hãng Boeing vào tháng 12/1995, có Jonathan Hạnh Nguyễn bảo đảm về tiền bạc là xong hết. Bởi vậy nên ông Lê Đức Anh muốn gả cháu gái cho Jonathan Hạnh Nguyễn là chuyện đương nhiên.
“Rich kid” Tiên Nguyễn được cách ly tại BV Nhiệt đới Sài Gòn
Theo FlightAware.com, chuyến bay từ London về Sài Gòn gần 13 tiếng đồng hồ, hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất lúc 8h12 ngày 9/3.
Tiên Nguyễn nhập cảnh Việt Nam lúc 8h15, thân nhiệt 37,5o C, ho khan không có đàm, sốt nhẹ. Ngay lập tức, cô được chuyển về Bệnh viện Dã chiến ở Củ Chi bằng xe chuyên dụng có cách ly nghiêm ngặt, để bệnh viện này định bệnh sơ khởi xem sẽ đưa cô tới cách ly và điều trị tại bệnh viện nào.
Hình chụp X-quang cho thấy Tiên Nguyễn bị viêm phổi kẽ, tức một nhóm bệnh liên kết với nhau gây tổn thương cho tổ chức của phổi, như vách phế nang, các tổ chức liên phế nang và các mạch máu ..vv.. Mặc dầu sinh hiệu (các dấu hiệu sinh tồn) vẫn ổn, tự thở được nhưng ho khan nhiều, họng đỏ, không sốt. Tối hôm ấy, tức 9/3, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới Sài Gòn xác định bệnh nhân dương tính với SARS-Covid-2. Cô được đưa đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới kể từ 20 giờ 30 ngày 9/3. Tiên Nguyễn được gọi là “bệnh nhân thứ 32”.
Chuyện mất 5 tờ vé số trúng độc đắc (tổng số 10 tỷ đồng)
Đã hơn 4 tháng trôi qua, nhưng nhiều người dân ở xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Long An và Mỹ Tho cũ) vẫn còn bàn tán xôn xao về câu chuyện ông Trương Văn Lộc (47 tuổi) bị mấy người khác “cuỗm” mất 5 tờ vé số độc đắc trị giá 10 tỉ đồng.
Ông kể: “Mấy tháng nay tui mất ăn mất ngủ. Thà không trúng thì thôi chớ biết mình trúng mà không được lãnh tiền càng thêm tức”. Ông Lộc mở đầu câu chuyện hi hữu trúng 5 vé số giải đặc biệt nhưng không được lãnh tiền của mình như vậy.
Năm tờ vé số “không cánh mà bay”
Câu chuyện xảy ra ngày 30-10-2019, khi ông Lộc mua 5 tờ vé số có cùng các số 882173 do Công ty Xổ số kiến thiết TP Cần Thơ phát hành. (Ở VN, mỗi xê-ri có 10 tấm vé mang cùng dãy 6 con số giống nhau. Khách có thể mua một vài tấm hoặc cả xê-ri 10 tấm, giá mỗi tấm 10 ngàn đồng, nếu trúng độc đắc gọi là “giải đặc biệt” thì được 2 tỷ đồng tức khoảng 100 ngàn đô-la mỗi tấm, các giải khác nhỏ hơn).
Ông Lộc kể: “Lúc đó tôi đang ngồi uống cà phê tại quán Tám Hồng gần chợ xã Mỹ Hạnh Đông. Bà N. là người bán vé số dạo mời mua. Thấy mấy tờ vé số có số đuôi 173 trùng với số điện thoại cũ của mình nên tôi đã mua 5 tờ với giá 50.000 đồng để cầu may”.
Xác nhận việc này, ông Đặng Ngọc Hòa (54 tuổi) chủ quán cà phê Tám Hồng cho biết: “Lúc mua xong vé số, ông Lộc có khoe với tôi là mua 5 tờ vé số có số đuôi 173 trùng với số điện thoại cũ của ổng. Sau đó ông Lộc đi khỏi quán tôi”.
Khoảng 11h cùng ngày, ông Lộc cầm theo 5 tờ vé số rời quán cà phê Tám Hồng, đến quán nước của bà H. cách đó chừng 1km để gặp một người bạn.
Ông nói: “Lúc tui đến quán bà H. thì người bạn tui chưa tới, nên tui nằm lên chiếc võng bên cạnh để chờ. Lúc đó ở bàn kế bên có 5 thanh niên tên T., H., K., M. và N. đang ngồi nhậu. Do quen biết từ trước nên nhóm thanh niên đó có mời tui nhậu nhưng tui cám ơn và từ chối”.
Cũng theo ông Lộc, lúc đó ông để 5 tờ vé số trên bàn, dằn gói thuốc Con Mèo lên trên. Một lúc sau, người bạn của ông tới nhưng ngồi vào một bàn khác nên ông chạy lại quầy lấy thêm chai nước rồi qua bàn người bạn ngồi.
“Khoảng 20 phút sau, tôi có nhờ chủ quán đem giùm bao thuốc và mấy tờ vé số ở bàn cũ qua bàn mới. Nhưng chủ quán nói chỉ có bao thuốc. Tôi chạy lại kiếm mấy tờ vé số nhưng cũng không thấy” – ông Lộc thuật lại. Tìm không thấy 5 tờ vé số, ông Lộc nghĩ coi như mình mất 50.000 đồng vậy thôi, rồi đi về nhà.
Hôm sau, 31-10, ông Lộc tá hỏa tam tinh khi nghe bạn bè nói hôm qua vé số của bà N. bán ở chợ đã trúng độc đắc với dãy số 882173. Sau đó ông Lộc lại nghe tin 4 trong số 5 thanh niên ông Lộc gặp hôm trước đã đi lãnh giải nên ông đến nhà gặng hỏi họ nhiều lần.
Sau đó, một trong số 4 thanh niên lãnh giải tên T. đã trực tiếp đến thương lượng với ông Lộc, hứa sẽ thuyết phục những người còn lại mỗi người sẽ hoàn trả cho ông 100 hay 200 triệu đồng nếu ông Lộc không làm đơn tố cáo họ.
“Họ nói vậy chớ chỉ đưa cho tui 70 triệu đồng rồi làm thinh luôn, vì vậy tui mới làm đơn tố cáo sự việc đến cơ quan công an” – ông Lộc cho biết.
Có thể quy vào tội trộm cắp tài sản
Về vấn đề này, luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) nói: “Sau khi xem xét nội dung vụ việc thì hành vi của nhóm thanh niên nói trên thuộc về tội trộm cắp tài sản. Vấn đề là cơ quan công an phải chứng minh được nhóm thanh niên này đã trộm 5 tờ vé số của ông Lộc. Bước đầu, nhóm thanh niên nói trên thừa nhận và đã đưa cho ông Lộc 70 triệu, rồi hứa sẽ đưa tiếp 100-200 triệu để ông đừng tố cáo. Đây là bằng chứng cho thấy các thanh niên đó đã trộm 5 tờ vé số của ông Lộc để lãnh tiền trúng”.
Cũng theo luật sư Triết, Điều 176 Khoản 2 Bộ Luật hình sự năm 2015, người nào trộm cắp tài sản trị giá từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu tài sản bị trộm cắp có giá trị càng lớn thì hình phạt càng nặng. 5 tờ vé số của ông Lộc có giá trị tới 10 tỷ đồng tức khoảng gần nửa triệu đô-la Mỹ, nhóm thanh niên đó khó thoát khỏi tội trộm cắp, sẽ bị bị truy tố, xét xử và bị thu hồi lại tài sản đó để trả lại cho đương sự”.
Đoàn Dự