Khi chánh án trở thành can phạm
Gần 40 năm làm việc tại tòa án, trong đó có hơn 7 năm làm chánh án TAND tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Phước không nghĩ sẽ có ngày mình bị đưa trở lại chính cơ quan của mình với thân phận một bị cáo. Ông nói: “Bây giờ ngồi đây tôi đau khổ và nhục nhã lắm”.
Khi chiếc xe bít bùng của cảnh sát tư pháp xịch đỗ trong sân TAND tỉnh Phú Yên, rất nhiều người – vợ con ông Phước, đồng nghiệp cùng làm trong tòa án – đều hướng ánh mắt nhìn về phía ông. Trong xe cũng có mấy nhân viên cũ đồng phạm với ông bị dân tới toà.
Chánh án trở thành bị cáo
Cánh cửa sau xe bật mở, ông Phước với mái tóc bạc trắng, hai tay bị còng, lưng đã khòm, người gầy sọp hẳn đi so với trước khi bị bắt, chầm chậm bước xuống xe. Ông ngước mắt dõi tìm người thân, môi chợt cười gượng gạo khi thấy một gương mặt nào đó quen thuộc. Đã có những tiếng khóc nghẹn ngào, những bàn tay quệt nước mắt của người nhà.
TAND tỉnh Phú Yên là cơ quan ông Phước đã làm việc mấy chục năm nay. Ông đã từng được chuyển từ tòa án cấp huyện lên làm phó chánh án toà án cấp tỉnh, rồi từ năm 2010 thì làm chánh án suối 7 năm, cho đến tháng 12 năm 2017 khi ông xin nghỉ hưu chế độ (tức nghỉ hưu trước tuổi, được hưởng mọi chế độ như người nghỉ hưu chính thức). Tuổi “giấy tờ” của ông là 62, nhưng “tuổi thật” là 67 (trong khi đó tuổi về hưu theo quy định của phái nam là 65 và của phái nữ là 60). Nay, ông bị đưa trở lại cơ quan cũ của mình trong thân phận một can phạm về một tội khác: tội “tham ô tài sản”.
Ông Phước cùng 3 bị cáo cùng vụ án – trong đó có 2 kế toán, 1 thủ quỹ – đều là cấp dưới của ông. Cả ông nữa là 4 người, bị truy tố là từ năm 2010 đến tháng 8-2017 đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ, lập khống sổ sách, chứng từ, để chiếm đoạt hơn 2,8 tỷ đồng của nhà nước tại chính tòa án này. Cá nhân ông Phước phải chịu trách nhiệm số tiền đã chiếm đoạt cùng đồng bọn đó.
Từ vị thẩm phán chánh án chủ tọa xuống vị thẩm phán phó chánh án trong phiên tòa đều là “đàn em” mà ông Phước đã từng dìu dắt. Những vị Hội thẩm Nhân dân cũng từng nhiều lần được ông Phước tập huấn, chỉ dẫn cách tham dự việc xét xử. Hai vị thẩm phán công tố cũng là “người quen” khi ông còn là chánh án trong tòa án. Giờ đây, họ là quan tòa, sẽ hỏi cung, luận tội và kết án ông.
Chiếc ghế chủ tọa kia ông đã từng bao nhiêu lần ngồi và nhìn xuống chiếc vành móng ngựa – nơi bị cáo đứng để cung khai trước toà. Nay, chiếc vành móng ngựa từ thời thực dân ấy đã được thay thế bằng chiếc “bục khai báo” mang tính “dân chủ” hơn, và ông sẽ phải đứng trên chiếc bục đó, mỗi câu trả lời đều phải “thưa hội đồng xét xử” và phải xưng mình là “bị cáo” chứ không được xưng “tôi” hay một tiếng nào khác.
Theo cáo trạng, ông Phước đã toa rập với cấp dưới, đục khoét ngân sách, làm giả nhiều hồ sơ để chia chác nhau. Riêng ông còn tham ô mấy chục triệu đồng tiền tiêu vặt trong chuyến đi tập huấn công tác phòng chống tham nhũng ở Hàn Quốc.
Cả 3 bị cáo cấp dưới của ông đều nhận tội. Nhưng riêng ông thì không nhận hoàn toàn. Ông nói mình chỉ sơ xuất để người phụ trách kế toán kê khai khoản tiền tiêu vặt 39,2 triệu đồng khi đi nước ngoài vào trong sổ sách là không đúng quy định, còn các khoản cáo trạng cho là ông đã chỉ đạo ghi khống để chia chác nhau thì không lấy gì làm bằng chứng, vậy nên không thể chứng minh rằng ông phạm tội.
“Tôi đau khổ, nhục nhã lắm!”
Được cho phép ngồi xuống dãy ghế dài dùng cho bị cáo phía sau sát với cgiếc bục khai báo, ông Phước xưng “tôi” chứ không xưng “bị cáo” theo nguyên tắc. Ông nói: “Cá nhân tôi khai báo trung thực chứ không đổ cho ai. Bây giờ phải ngồi đây, tôi rất đau khổ và nhục nhã lắm!».
Tuy nhiên, nhưng, những người tiến hành tố tụng phiên tòa hôm ấy đã đưa ra lý lẽ và các bằng chứng, chứng minh rằng ông Phước phạm tội. Một trong hai công tố viên còn nói rằng ông Phước đã lãnh đạo tòa án nhiều năm, đã từng xử nhiều vụ án tham ô nên ông biết cách che giấu hành vi của mình.
Ông Phước bị tuyên án 15 năm 6 tháng tù và phải khắc phục hơn 1 tỉ đồng cộng với 39,2 triệu đồng tiền “tiêu vặt” khi đi Hàn Quốc, còn 3 người kia mỗi người từ 10 tới 12 năm tù và phải khác phục chung 1,7 tỷ đồng . Vợ con ông khóc nghẹn vì thương ông đã già yếu, bệnh tật, lại phải sống gần như cả quãng đời còn lại sau song sắt nhà tù. Ngôi nhà của gia đình ông cũng được thông báo là phải kê biên để bảo đảm việc thi hành án.
Chiếc xe tù đóng sập cửa, rồ máy, đưa ông Phước về trại giam. Bên hành lang tòa án, nơi ông từng công tác mấy chục năm, những tiếng sụt sịt, những cái chép miệng thở dài vẫn còn…
Không ít người nói rằng mức án dành cho ông Phước quá nặng, nhưng cũng có người nói mức án đó không nặng vì đã được tính đến các tình tiết giảm nhẹ.
Ở trong nước hiện nay, có nhiều “ông lớn” có địa vị cao hơn ông Phước rất nhiều, đã tham những hàng chục ngàn tỷ đồng hay hàng chục ngán mét vuông đất ở các vị trí “vàng” và cũng bị ra toà như vậy.
Chủ quán cà phê tra tấn, chích điện, ép nữ tiếp viên kích dục cho khách
Do không chịu kích dục cho khách, Phan Thị T.T. bị chủ quán cà phê cùng nhân viên dùng ống tuýp sắt, roi điện tự chế, đánh đập nhiều lần đến gãy xương sườn, dập gan, lá lách, phổi, xuất huyết ổ bụng…
Cùng ngày 17-3, Cơ quan công an điều tra TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai cho hay, đã bắt khẩn cấp can phạm Lê Thế Diện (26 tuổi, ngụ tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích cho người khác.
Lê Thế Diện là chủ quán cà phê tên “Cà Phê Quán” tại tổ 1, khu phố 7A, phường Long Bình, TP Biên Hòa, công an xác định Diện là người đã nhiều lần đánh đập, chích điện Phan Thị T.T. (24 tuổi, quê quán tại Tây Ninh), nhân viên phục vụ tại Cà Phê Quán.
Theo công an cho biết, khoảng 6 tháng trước, Phan Thị T. T. từ Tây Ninh xuống TP Biên Hòa xin việc làm tại quán cà phê của Diện. Do quán cũng ít khách, Diện thương lượng với T. là T. bán nước và kích dục cho khách khi khách có nhu cầu. Mỗi lần kích dục cho khách với giá 150.000 đồng, Diện sẽ lấy 50.000 đồng.
Khoảng giữa tháng 2/2020, Diện thấy nhiều lần T. không chịu tiếp khách, nên dùng roi điện tự chế và ống tuýp sắt đánh đập T. Đến ngày 7-3-2020, nghi T. lấy trộm tiền và không chịu kích dục cho khách, Diện lại dùng ống tuýp sắt đánh T., gây thương tích nhiều chỗ.
Tiếp đó, ngày 10-3, Diện yêu cầu T. phục vụ khách nhưng T. không làm nên Diện ra tay đánh đập T., gây thương tích nặng nề. Đến 23h30 đêm, T. kêu đau và ngất xỉu thì được Diện cho người đưa vào Bệnh viện Đại học y dược Shingmark TP Biên Hòa cấp cứu. Sau đó, do những vết thương quá nặng, T. được Bệnh viện Shingmark chuyển qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chữa trị.
Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, T.T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đa chấn thương, như bị gãy nhiều xương sườn, vỡ lá lách, giập thận trái, giập phổi, chảy máu ổ bụng… Ngoài ra toàn thân có rất nhiều vết phỏng cũ và mới, lở loét, bầm tím.
Ông Tuấn còn cho biết: “Sau khi được cấp cứu, tình trạng của bệnh nhân T. tương đối đã tạm ổn định, đang được theo dõi và chữa trị tại khoa hồi sức , nhưng T. vẫn còn mê man, hoảng loạn, tiếp xúc chậm do bị sốc”.
Tại bệnh viện, T. thều thào cho biết ngoài Diện còn mấy nhân viên, người làm trong quán cũng tham gia đánh đập mình nhiều lần gây thương tích nặng.
Công an TP Biên Hòa đã đã thu giữ tang vật gồm 1 ống tuýp sắt, 1 sợi dây điện, 1 roi điện tự chế. Công an đang phối hợp với Viện KSND Đồng Nai, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai, giám định thương tích của nạn nhân, đồng thời bắt Lê Thế Diện cùng 3 đối tượng khác, đưa tới bệnh viện để nạn nhân nhận diện cũng như khai rõ tội trạng của chúng để lập hồ sơ truy tố cchúng ra toà hình sự
Đừng nghĩ “vợ mình” là mình có quyền “dạy”!
Vợ chồng, nhiều người tự cho rằng mình có quyền “dạy” vợ bằng bạo lực mà quên rằng hành vi đó có thể bị xử phạt hành chánh hoậc phải bồi thường, thậm chí có thể … vào tù!
TAND tỉnh Quảng Ngãi vừa đưa ra xét xử phúc thẩm một vụ kiện khá hi hữu: Nguyên đơn là chị Phan Thị Thu Vân (31 tuổi), ngụ tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, kiện chồng là anh Trần Văn Tuấn (42 tuổi) ra tòa, yêu cầu anh phải bồi thường thiệt hại do gây tổn thương đến sức khỏe của chị.
Kiện chồng vì bị đánh gãy sống mũi
Chị Phan Thị Thu Vân và anh Trần Văn Tuấn là vợ chồng chính thức. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên chị Vân dẫn hai con về nhà bố mẹ ruột. Ngày 7-5-2019, chị về nhà chồng lấy đồ cho con thì bị anh Tuấn gây lộn, đánh gãy sống mũi, phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Kết quả giám định chị Vân bị tổn hại 9% sức khỏe.
Bực tức với chồng, ngày 18-6-2019, chị Vân kiện ra tòa, đòi anh Tuấn phải bồi thường tiền viện phí, tiền thu nhập thực tế bị mất trong thời gian nằm bệnh viện, tiền tổn thất tinh thần, và tiền sửa lại sống mũi… Tổng cộng là 54,8 triệu đồng. Trong quá trình toà giải quyết vụ án, chị Vân tự động giảm bớt tiền đòi bồi thường sửa mũi 20 triệu đồng, chỉ còn đòi 34,8 triệu đồng. Do anh Tuấn đã bồi thường trước đó 10 triệu đồng, vì vậy chị Vân chỉ còn đòi anh bồi thường 24,8 triệu đồng.
Tại các phiên tòa hoà giải, anh Tuấn thừa nhận mình có đánh vợ nhưng dùng “tay không” chứ không hề dùng bất cứ vật gì và có gây thương tích cho chị Vân như cáo trạng đã ghi. Tuy nhiên, anh chỉ đồng ý bồi thường các khoản như tiền viện phí, tiền thiệt hại do những ngày nghỉ, tiền xe đi lại..vv… Riêng tiền tổn thất tinh thần và tiền “làm đẹp” sống mũi thì anh không đồng ý, bởi vì khi sửa mũi, chị Vấn có bảo thẩm mỹ viện làm sống mũi cao lên, đẹp hơn trước nhiều. Anh hỏi: ”Đẹp để làm gì? Để bắt bồ với người khác à?”, chị Vân không trả lời được.
Tháng 8-2019, TAND huyện Đức Phổ đưa vụ án ra xét xử chính thức, tức phiên sơ thẩm, và tuyên bố buộc anh Tuấn phải bồi thường cho chị Vân 24,8 triệu đồng (đã trừ tiền đưa trước 10 triệu đông) như chị yêu cầu. Kể ra, 24,8 triệu đồng thì anh Tuần cũng có thể bồi thường dễ dàng, nhưng anh tức, cho rằng trong số tiền 34,8 triệu đồng (mà anh đã đưa trước 10 triệu đồng) thì có tới 25 triệu đồng là tiền chị “sửa đẹp” sống mũi nên anh không đồng ý, nhất định kháng cáo.
Ra tòa phúc thẩm, toà bác đơn kháng cáo của anh Tuấn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đã vậy, ngoài mức phải bồi thường 24,8 triệu đồng cho chị Vân, toà còn buộc anh Tuấn phải chịu tiền án phí cấp sơ thẩm 2 triệu đồng và án phí cấp phúc thẩm 2 triệu đồng, cộng lại là 4 triệu đồng.
Đối với các vụ án dân sự không lấy gì làm quan trọng lắm, tới toà phúc thẩm là cao nhất, anh Tuấn không còn kháng án gì được nữa
Vợ thuê người đánh gãy tay chồng vì chồng có bồ và con riêng
Ghen tuông vì chồng có “người tình”, bà Bùi Thị Vân thuê Nguyễn Cảnh Trinh đánh chồng khiến người đàn ông này gãy tay phải nhập viện.
Ngày 23/3, thông tin từ Công an huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị vừa bắt giữ bà Bùi Thị Vân (61 tuổi) và Nguyễn Cảnh Trinh (38 tuổi, cùng ngụ tại Thôn 2, xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn) về hành vi “cố ý gây thương tích cho người khác”.
Theo đó, bà Bùi Thị Vân và ông Hoàng Bá Vinh (63 tuổi) lấy nhau đã nhiều năm nhưng không có con. Cuộc sống của hai vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Thời gian sau, bà Vân phát hiện chồng mình qua lại với một người đàn bà khác. Giữa ông Vinh và người phụ nữ này đã có với nhau 2 con, một trai, một gái.
Chiều tối hôm 4/3/2020, ông Hoàng Bá Vinh đến nhà “người tình” cũng ở Thôn 2, xã Thạch Sơn, (huyện Anh Sơn) thì bất ngờ bị một người đàn ông bịt mặt đánh gãy tay và bầm tím cả mặt, phải đi điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn.
Nhận được tin báo, đội Cảnh sát Điều tra thuộc công an huyện Anh Sơn xác định, thủ phạm gây ra vụ đánh người này là Nguyễn Cảnh Trinh, 38 tuổi, ở cùng thôn. Qua điều tra, Cảnh Trinh thú nhận được bà Bùi Thị Vân thuê với giá một triệu đồng để đánh ông Vinh, chồng bà, “Sao cho gãy tay, không nưng niu con được nữa”; vì vậy Cảnh Trinh đã đánh ông Vinh gãy tay mặt. Cơ quan điều tra huyện Anh Sơn đang hoàn tất hồ sơ để truy tố cả hai can phạm ra toà theo theo quy định của pháp luật.
Nhận xét của ĐD: Bà Vân đã 61 tuổi, ông Vinh đã 63 tuổi. Vợ chồng ở tuổi đó rất khó có con được nữa. Ở Sài Gòn và nhiều nơi khác, có những người vợ thương chồng, “thuê” người mang thai giùm sinh con cho chồng, hết sức tốn kém. Đằng này ông Vinh đã kín đáo “kiếm” được hai đứa con, một trai, một gái, ở cùng thôn, cùng xã mà mãi sau đó bà Vân mới biết, vậy thì ông đâu có xấu xa, phụ bạc gì đến nỗi bà phải ghen tuông. Trẻ con lạ lắm, mình yêu thương nó thì nó yêu lại. Nếu bà yêu hai đứa trẻ như con ruột, nó sẽ coi bà như mẹ ruột, thỉnh thoảng chạy đến chơi, xin “má lớn” cho cái kẹo cái bánh, chẳng tốt hơn là hai ông bà đã lớn tuổi, sống lui cui với nhau, “nhà không có trẻ như tổ không có chim”, rất buồn. Đằng này bà thuê người đánh ông gãy tay để rồi vào tù ở tuổi 61, vậy là bà kém suy nghĩ và không biết thương chồng một cách sâu sắc.
Vừa phải bồi thường cho vợ vừa phải… vào tù!
Những chuyện bạo hành trong gia đình dù đã bị cấm song vẫn tiếp tục xảy ra như… chuyện thường ngày ở huyện. Mới đây, TAND huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, đã tuyên phạt bị cáo Phạm Chí Linh (33 tuổi, ngụ tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu) 3 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích cho người khác”.
Nạn nhân trong vụ án là chị Trần Thị Tuyết Mai (vợ của Phạm Chí Linh). Sống với nhau 10 năm, đã có hai con chung nhưng chỉ vì ngờ vực vợ có người khác, Linh đã xô vợ xuống hồ bơi, nhấn đầu vợ xuống nước nhiều lần và đánh đập vợ khiến dư luận vô cùng phẫn nộ.
Không thể chịu nổi hành vi vũ phu của chồng, chị Mai đã làm đơn gửi cơ quan điều tra, yêu cầu khởi tố vụ án. Ngày 21-11-2019, TAND huyện Tân Châu tuyên phạt Phạm Chí Linh 3 tháng tù, đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ chi phí điều trị bệnh, khoản tiền mất thu nhập và tiền tổn thất tinh thần của chị Mai là hơn 64 triệu đồng.
Khi vợ hết nhẫn nhịn được…
Trao đổi với các phóng viên, ông Trần Văn Hùng (một vị Hội thẩm Nhân dân tại Hà Nội) cho biết, pháp luật quy định nam nữ bình đẳng, vợ chồng cũng vậy, không được bạo hành, lấn át lẫn nhau. Hiện nay, vẫn còn nhiều người chồng nghĩ mình có quyền mắng mỏ, chửi bới hoặc dùng bạo lực với vợ. Đa số phụ nữ thường nhẫn nhịn chịu đựng chứ nếu khởi kiện thì người chồng sẽ phải bồi thường hoặc bị xử lý hình sự.
Vị hội thẩm nhân dân đó nói: “Ngoài việc gây tổn thất về sức khỏe cho vợ, người chồng còn phải bồi thường về sự tổn thất tinh thần. Điều 590 Bộ Luật Dân sự quy định, mức bồi thường về tinh thần các bên tự thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho việc bị xâm phạm sức khỏe không quá 50 lần mức lương cơ sở mà nhà nước đã quy định” – ông Hùng cho biết.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – chi hội trưởng Chi hội Luật sư và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Sài Gòn – cho biết: “Từ thực tế tư vấn cho các phụ nữ, tôi thấy nhiều người vợ bị đánh thường xuyên, đến mức không chịu đựng nổi nữa mới đi tố cáo hành vi tàn nhẫn của người chồng. Họ đến Chi hội Phụ nữ xin tư vấn, tôi nói nên làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng. Họ đồng ý, về nhà suy nghĩ rồi cuối cùng lại im lặng chịu đựng. Đến khi tiếp tục bị chồng hành xửa bạo ngược, lại đến tư vấn, khóc lóc với tôi”.
Bà Ngọc Nữ nói tiếp: “Đó là cái vòng luẩn quẩn không có lối thoát của nhiều chị em phụ nữ xưa nay. Việc chịu đựng bạo hành trong gia đình không những có hại cho bản thân mình mà còn có hại cho con cái. Đứa trẻ hàng ngày phải chứng kiến cảnh cha đánh mẹ, sẽ bị ám ảnh, lớn lên sẽ hình thành tính cách không khoan hoà mực thước trong cuộc sống”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cảnh báo: “Từ trước giờ, có nhiều người đàn ông cho rằng vợ mình thì mình có quyền “dạy”, chẳng có gì là xấu xa hoặc phạm pháp. Ngược lại, cũng có chị em phụ nữ lăng loàn, bắt nạt chồng, thậm chí đánh chồng hoặc đánh con đến mức tàn nhẫn. Đứng trên cương vị một luật sư, tôi xin cảnh báo, tất cả các hành vi đánh vợ, đánh chồng hay đánh con, đều có thể bị xử lý hình sự như đánh người khác. Cụ thể, nếu gây thương tích chưa tới 11% thì sẽ bị xử lý về tội “hành hạ người khác”, còn gây thương tích từ 11% trở lên sẽ bị xử lý về tội “cố ý gây thương tích cho người khác”. Hai tội này khá nặng chứ không phải vừa”.
Đoàn Dự