Những chuyện vui vui thời COVID-19

Vợ chồng thời nCovid-19
Gã chồng cãi nhau kịch liệt với vợ và quyết định bỏ nhà ra đi mấy hôm cho vợ biết tay. Lang thang chán chê, gã nghĩ, nếu bây giờ về nhà bố mẹ thì các cụ sẽ mắng là không biết dạy vợ, để nó ngồi lên đầu lên cổ, đuổi ra khỏi nhà. Mà hắn là kỹ sư, trưởng phòng thiết kế máy móc và các công trình trọng yếu trong doanh nghiệp chứ đâu phải hạng bất tài vô tướng. Nưng nếu đến nhà mấy tên bạn thân thì cũng không ổn, còn vợ con của chúng nó nữa, mấy mụ ăn nói ngọt sớt, anh anh em em thân thiết cứ như người trong nhà đó se cười thầm trong bụng rằng hắn là anh chàng “cả đẫn”, bị vợ bắt nạt phải đi… tị nạn vợ!
Làm thế nào bây giờ? Hắn cứ lang thang như thế tới đuờng Hàm Nghi, chỗ bến xe buýt cũ gàn chợ Bến Thành, rồi quẹo vào khu Phó Đức Chình và tiếp tục đi mãi cho đến lúc bất ngờ gặp đại lộ Võ Văn Kiệt. Con đường này rất dài, chạy xuống tới tận Chợ Lớn.
Buổi chiều, trời râm và mát, gió thổi khá mạnh và đại lộ lại thưa xe, nên hắn cảm thấy dễ chịu, cứ tiếp tục đi mãi. Hắn nghĩ, bất quá xuống tới Chợ Lớn mình sẽ ghé vào một tiệm nào đó đánh chén một bữa no nê rồi kiếm khách sạn ngủ, mọi chuyện mai sẽ tính tiếp.
Bất ngờ hắn để ý thấy phía bên tay phải, cách lề đại lộ một khoảng rộng sạch tinh tươm, có hai bệnh viện lớn nằm kế tiếp nhau theo theo chiều dài, mặt quay ra cái sân rộng. Đó là Bệnh viện Nhiệt Đới, ở số 764 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5, chuyên khám, xét nghiệm và điều trị các bệnh có căn nguyên từ virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, như siêu vi gan A, B, C, D, E và các bệnh thuộc về nhiệt đới. Còn kế tiếp là Bệnh viện Tâm Thần, gần cầu Chữ Y, ngày trước được gọi là Nhà thương Chợ Quán, nay đã xây dựng lại, ở số 766 Võ Văn Kiệt, chuyên chữa các bệnh về rối loạn thần kinh, động kinh, trầm cảm (stress), rối loạn cảm xúc, mong muốn tự tử, luôn bị kích động (ví dụ hễ nhắm mắt ngủ là thấy có người chửi bới, đánh đập hoặc tìm cách giết mình, v.v…). Đây là các dạng tâm thần tương đối nhẹ, nếu nặng, phải chữa trị lâu dài hoặc suốt đời thì chuyển xuống Dưỡng trí viện Biên Hoà, tức nhà thương điên Biên Hoà cũ.
Vốn đang tức giận, muốn “cách ly” với vợ vài ngày cho vợ biết tay, hắn nghĩ tốt hơn hết mình giả vờ bị nhiễm virus corona, vào “tị nạn” trong bệnh viện Nhiệt Đới là tiện hơn cả.
Nghĩ vậy, hắn bèn giả bộ lom khom, đi qua chiếc sân rộng, ôm ngực lảo đảo, vừa đi vừa ho rũ rượi. Đến trước của bệnh viện Nhiệt Đới, hắn run rẩy tiến vào phòng khám, xin được xét nghiệm virus corona và khai với bác sĩ rằng mình mới từ Sơn Lôi ở tỉnh Vĩnh Phúc về.
Bác sĩ kinh hoảng:
– Chết thật, lại có chuyện từ Vĩnh Phúc về nữa? Sao không đến sớm, để nặng thế này mới đến?
Hắn im lặng không biết trả lời thế nào. Bác sĩ bèn ra lệnh cho các nhân viên dẫn hắn tới phòng cách ly rồi sẽ xét nghiệm.
Thế là cơm bưng nước rót, an ủi, động viên. Các nhân viên cho biết hắn sẽ phải cách ly tại bệnh viện 14 ngày, tất cả đều được miễn phí. Đang tức với vợ, muốn ở bao lâu thì ở, hắn không cần biết.
Sáng thứ Hai, mới đúng 8 giờ, chuông điện thoại di động của hắn đã reo đánh thức hắn dậy. Tiếng “sếp” trong công ty la lối:
– Anh đang ở đâu? Tại sao dự án tôi giao cho anh, hôm nay phải nộp mà giờ này vẫn chưa thấy mặt anh đâu cả. Anh làm ăn như vậy hả?
Giọng hắn cố làm ra vẻ yếu ớt:
– Thưa anh, em bị nghi nhiễm nCovid-19, đang phải cách ly trong bệnh viện Nhiệt Đới đường Võ Văn Kiệt. Nếu anh cần gấp, em sẽ trốn về làm nốt cho xong, rồi đem đến nộp cho anh.
Giọng sếp bỗng nhiên thay đổi:
– Vậy hả? Bị nhiễm virus corona hả? Tội nghiệp! Thôi được, cậu cứ yên tâm cách ly, bao giờ khỏi hãy về cũng được. Bây giờ cậu mà trốn về là sẽ lây cho cả công ty.
Đoạn sếp nói tiếp:
– Lương bổng của cậu và tiền hỗ trợ nhân viên bệnh tật tôi sẽ cho người đem đến tận nhà giao cho vợ cậu chứ không ai dám đến bệnh viện thăm cậu đâu. Còn công việc thì cứ yên tâm, tôi sẽ giao cho người khác làm tiếp.
Hắn mừng húm. Cái đề án khó quá chừng, hắn làm mãi chưa xong, bây giờ tự nhiên có người ghé vai gánh giúp, đỡ quá!
Nằm viện được 3 hôm, nhớ vợ quá, hắn bèn gọi điện thoại về làm lành với vợ. Vợ hắn nhận được điện thoại mừng như trúng số, khóc nức nở xin lỗi chồng và muốn được vào bệnh viện thăm chồng để thỏa nỗi nhớ nhung. Gã bèn gặp bác sĩ, khai thêm rằng khi từ Sơn Lôi trên Vĩnh Phúc về, gã có ôm hôn vợ mấy cái. Bác sĩ trợn tròn mắt, khủng khiếp:
– Chết nỗi, sao không nói sớm?
Thế là 30 phút sau, một chiếc xe cấp cứu của bệnh viện đã ghé trước cửa nhà hắn, các nhân viên y tế phủ kín toàn thân như phi hành gia không gian, tiến hành khử trùng toàn bộ nhà hắn và đưa luôn vợ hắn vào bệnh viện để cách ly. Vợ chồng gặp nhau, thỏa nỗi nhớ mong, chỉ có ăn, ngủ, và ban đêm có làm chuyện gì đó hay không thì không ai biết. Theo hắn hiểu, bất cứ trung tâm cách ly nào đều được phục vụ hết mình. Đã vậy lại còn được Thứ trưởng Bộ Y tế ghé thăm, khen chung cả bệnh viện, nhưng chẳng ai biết mặt thứ trưởng bởi vì ông… cũng đeo khẩu trang kín mít!
Sau 14 ngày cách ly, tất cả các xét nghiệm đều âm tính, bệnh viện tuyên bố cả hai vợ chồng hắn đều đã khỏi bệnh và cho xuất viện. Các phóng viên đến quay phim, chụp hình, viết bài đưa lên báo chí. Họ ca ngợi rằng đây là một thành công kép, bởi vì biệnh viện đã chữa trị cho cả hai vợ chồng đều khỏi bệnh cùng một lúc và đã được phép về nhà.
Thưa quý bạn, câu chuyện trên đây dù có thật hay không có thật thì quý bạn cũng thấy, ở trong nước, ai cũng sợ bệnh dịch nCovid còn hơn sợ cọp, và ai cũng đề phòng bệnh dịch này hết sức cẩn thận. Thậm chí ở Hà Nội có những người đi xếp hàng từ 4 giờ sáng để mua được mấy chiếc khẩu trang cho gia đình, còn ở trong Nam có nhiều bà nhiều cô ngồi miệt mài ngày đêm may khẩu trang để phát không cho dân chúng. Ti-vi chiếu hiện nay có nhiều người và nhiều công ty giàu lòng từ thiện đang làm như vậy. Họ đều là những người đáng quý.

Đám cười trong những ngày chống dịch
Vĩnh Phúc là nơi nhiều người bị nhiễm nCovid nhất trong nước. Hôm 22/2/2020, trước lễ cưới của con gái, bà Phạm Thị Hà lên UBND xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) xin giấy xác nhận là địa phương không có dịch nCovid. Nhưng UBND xã không thể cấp giấy vì từ trước đến nay chưa bao giờ có tiền lệ cấp loại giấy tờ như vậy.
Tại sao bà Hà phải đi xin giấy? Tại vì ông thông gia tương lai với gia đình bà từ trong Quảng Bình gọi điện thoại ra cho biết: “Ngoài nớ đang có dịch virus corona. Họ hàng, khách khứa trong ni ai cũng sợ không dám ra. Bưa chừ nhờ anh chị chịu khó lên uỷ ban xã xin cái giấy chứng nhận là địa phương không có dịch cho mọi người yên tâm”. Ông Chung, chồng bà Hà, nghe xong nhăn mặt khe khẽ lắc đầu. Bà Hà nói: «Đấy là xã Sơn Lôi ở bên kia sông chứ xã mình làm gì có dịch”. Ông Chung nói: “Vẫn biết thế nưng ở trong đó họ hiểu làm, tưởng cứ Vĩnh Phúc là có dịch nên không dám ra thì biết làm thế nào. Chắc tôi hay bà phải lên xã xin giấy quá”. “Thôi, để tôi đi cho. Ông ăn nói bốp chát có khi họ lại làm khó dễ”.
Xã Bá Hiến quê ông bà Chung cũng ở trong huyện Bình Xuyên nhưng cách xã Sơn Lôi con sông Tranh, không nằm trong diện bị cách ly và huyện cũng không công bố rằng xã Bá Hiến có dịch. Nhưng mọi người hiểu lầm, cứ tưởng Vỉnh Phúc nơi nào cũng có dịch. Nhất là họ hàng phía bên nhà trai ở trong Quảng Bình, họ càng hiểu lầm hơn nữa.
Sáng hôm sau, bà Hà lên trụ sở UBND xã Bá Hiến xin giấy xác nhận. Người thư ký từ chôi. Bà đòi gặp ông chủ tịch xã. Ông chủ tịch cũng từ chối và giải thích rằng xã không thể cấp giấy đó được vì không có quyền xác nhận như vậy. Năn nỉ mãi không được, bà Hà thất vọng ra về.
Tiễn bà Hà ra cửa phòng làm việc, ông chủ tịch xã an ủi: “Cưới hỏi, tụ tập đông người vào lúc này là không tốt. Theo tôi nghĩ, có lẽ nên làm đơn giản, bên nào tổ chức bên nấy rồi trong đó cử một vài người ra đón dâu, còn gia đình ngoài này thì cử một vài người đi đưa dâu, vậy là được rồi”. Bà Hà im lặng. Gia đình bà khá giả, con gái lại đi du học nước ngoài về, bà muốn tổ chức đám cưới thật “hoành tráng” cho người ta nể.
Bà về đên nhà. Nghe vợ “báo cáo”, ông Chung tức bực:
– Biết thế thì hồi đó bảo người ta tổ chức đám cưới trước Tết cho rồi, khỏi rắc rối như bây giờ!
– Thì ai biết đâu! Tự nhiên sinh ra cái nạn cô rô na cô rô niếc, phiền chết đi được!
Lần đầu tiên gả cô con gái lớn lấy chồng, lên Ủy ban xã xin giấy không được, bà Hà tức lắm, vừa tức lại vừa lo họ hàng nhà trai ở trong đó sợ nhiễm virus, không ai dám đi với chú rể ra dự lễ đón dâu.
Cuối tháng 10 năm ngoái, 2019, con gái ông bà Chung kết thúc 4 năm du học tại Nhật trở về, dự định kết hôn với người yêu quê ở Quảng Bình, cũng đi du học, thương yêu nhau từ bên đó. Một tháng sau, lễ dạm ngõ được tổ chức, cô gái theo người yêu vào Quảng Bình ăn cái Tết đầu tiên ở miền Trung. Còn đám cưới, hai gia đình bàn tính, định sẽ tổ chức vào đầu tháng 3 – 2020.
Gả con gái đầu lòng, bà Hà đã lo lắng cặn kẽ từ việc chọn người làm chủ hôn, đại diện cho phía nhà gái, cho tới việc thuê xe đưa dâu, phải chọn tài xế lớn tuổi, bảnh bao, hợp tuổi, đông con, trai gái đủ cả, v.v… Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ trừ… bệnh dịch corona virus thì bà không đoán trước nó sẽ xảy ra!
Biết tin bà Hà không xin được giấy xác nhận, ông thông gia từ trong Quảng Bình gọi điện thoại an ủi: “Truyện đã như rứa thì cả trong ni lẫn ngoài nớ đều tổ chức nho nhỏ, chỉ cần anh chị và một vài người đi đưa dâu, trong ni bầy choa cũng cử vài người ra đón dâu, rứa là được rồi”.
Không còn cách nào khác, bà Hà đành phải nghe theo. Nhưng khốn nỗi, ở ngoài Bắc từ xưa tới nay có tục lệ cha mẹ không đưa con gái về nhà chồng, mà chỉ tiễn một đoạn đường trước khi trở lại. Bà không hiểu lý do tại sao nhưng có lẽ phong tục mỗi nơi một khác, nếu vợ chồng bà không đi thì sợ trong ấy người ta lại hiểu lầm là mình xích mích gì chăng. Có con gái lấy chồng xa, nhất là vào thời buổi nCovid này thật rlà ắc rối!
Cuối cùng, “phái đoàn” phía bên nhà gái bà cũng xếp đặt xong, gồm: ông nội, bà nội, vợ chồng người em ông Chung, 2 cậu thanh niên – một người là em ruột cô dâu, một người là con của vợ chồng ông chu – cùng đi để dỡ đần “phái đoàn” nếu có điều gì cần giúp đỡ. Ấy là chưa kể cô dâu và cô phù dâu – bạn của cô dâu. Tổng cộng 8 người tất cả – phải chọn “số chẵn” như vậy cho hôn nhân của đôi trẻ được may măn. Sáng Thứ hai tuần sau mọi người trong “phái đoàn” sẽ xuống Ban Y tế huyện khám để xin giấy xác nhận sức khoẻ, không bị nhiễm nCovid và sẽ trình giấy khi tới Quảng Bình. Chác chắn bên phía nhà trai cũng phải làm như vậy khi ra Vĩnh Phúc.
Ông thông gia gọi điện thoại dặn: “Bầy choa (chúng tôi ) trong ni sẽ mướn một chiếc xe lớn để bên nhà trai ra ngoài nớ dự lễ xong, khi đón dâu vô thì nhà gái cùng lên xe đi cho tiện”. Nhưng bà Hà không chịu. Nhà bà khá giả, bà nghĩ con đường từ Vĩnh Phúc vào đến Quảng Bình dài gần 600 km, lông nội bà nội đã đã lớn tuổi, đi xe lớn dông người sợ các cụ chịu không nổi. Bà cẩn thận xuông Hà Nội (cách Vĩnh Phúc 60 km) thuê một chiếc xe 16 chỗ loại “xịn”, biển số Hà Nội là 29 thay vì thuê xe ngay tại Vĩnh Phúc, biển số 88, người ta sẽ sợ. Bà nói nhỏ với ông em chồng: “Không phải tôi chê xe Vĩnh Phúc nhưng phải thuê xe bảng số Hà Nội để mọi người trong đó khỏi lo là người nhà mình bị “dính” vi-rút”.
Thua quý bạn, đám cưới thời nCovid rắc rôi như thế đó, nhưng cuối cùng rồi cũng xong khi đôi trai gái thật lòng yêu thương nhau. “Bưa chừ” “bầy choa” xin trình bầy hầu quý bạn hai chuyện khác hoàn toàn có thật. Xin mời quý bạn thưởng thức….

Hủy đám cưới do chú rể bị sốt
Ngày 27/2/2020, chú rể người Nhật cùng bố mẹ và em trai từ Nhật Bản sang Việt Nam để tổ chức đám cưới tại nhà cô dâu ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cả gia đình chú rể cùng cô dâu đã thuê phòng tại một khách sạn 4 sao phường Bãi Cháy, TP Hạ Long để lưu trú trong thời gian chờ tổ chức đám cưới vào trưa 1/3, tại một nhà hàng ở phường Hùng Thắng.
Sáng 1/3, nhận được tin báo chú rể người Nhật bị sốt 37,4 độ, chính quyền TP Hạ Long đến gia đình nhà gái vận động hoãn tổ chức đám cưới. Ngay sau đó, toàn bộ các khách người Nhật và gia đình cô dâu được đưa về khu cách ly tại Bệnh viện Số 2 (phường Cao Xanh, TP Hạ Long).
Sau khi khám sàng lọc, trưa cùng ngày, Bệnh viện đã lấy 5 mẫu bệnh phẩm gồm toàn bộ gia đình người Nhật và cô dâu, chuyển về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh làm xét nghiệm.
Nhà chức trách cũng tổ chức cách ly tại nhà đối với tất cả các khách đến dự đám cưới, đồng thời cách ly ngay tại khách sạn đối với nhân viên lễ tân và những người phục vụ có tiếp xúc với gia đình người Nhật. Đến 18h cùng ngày, kết quả 5 người (4 người Nhật và cô dâu) đều âm tính với nCoV.
Ngày 2/3, ông Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, cho biết sau khi có kết quả âm tính, hôm nay gia đình người Nhật đã về sân bay Nội Bài để làm thủ tục về nước.
Hiện 16 người nhiễm nCoV tại Việt Nam đã xuất viện. Trong 18 ngày qua không ghi nhận có thêm ca nhiễm nào mới. Tuy nhiên, cả nước có 115 người nghi bị nhiễm nCoV đang phải cách ly. Hơn 10.000 người tiếp xúc với những người nghi bị nhiễm hoặc từ vùng dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc…) trở về đều đang được theo dõi sức khỏe.

Chuyện kể của một “bà khách”Covid-19: Tôi đã bị cách ly như thế nào?
“Tôi quyết định viết ra đây những trải nghiệm thú vị về dịch Covid-19 của bản thân mình “– bệnh nhân N.T.L kể lại khoảng thời gian được cách ly tập trung mới đây.
Trên trang cá nhân, chị N.T.L (Hà Nội) – ‘‘nữ khách’’ của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trong những ngày đầu của dịch nCovid-19, đã chia sẻ với tâm trạng khá thoải mái về kỳ cách ly do chị bị ốm, sốt, sau khi đi về từ nơi có dịch Covid-19.
Chị kể: ‘‘Dịp Tết vừa qua, tôi đi du lịch Đài Loan. Đúng ngày thứ 14 sau khi trở về thì tôi sốt 40 độ. Trong thời gian về thì tôi cũng có ý thức tự cách ly, hạn chế tiếp xúc vì lo cho bản thân và mọi người. Khi sốt tới 40 độ, tôi có vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ở Bạch Mai khám và cũng có khai chi tiết lịch trình đi lại của mình ở Đài Loan. Các bác sĩ, điều dưỡng viên rất tận tình giải thích và động viên tôi: “Có yếu tố dịch tễ nên cần cách ly và làm xét nghiệm”.
Khi nghe phải lên cách ly tại Đông Anh, tôi cũng hơi do dự, nhưng khi tìm hiểu thông tin về cơ sở 2 này, tôi đã đồng ý và sau đó được đưa lên Đông Anh, một mình một xe cứu thương, xe hú còi suốt dọc đường. Lên đến nơi, tôi được đưa vào khu cách ly đặc biệt, bác sĩ bắt đầu khám, cho lấy máu, lấy nước tiểu và chụp X quang phổi, truyền dịch hạ sốt. Theo tôi biết, toàn bộ thuốc men, điều trị và tốn kén trong thời gian cách ly đều được miễn phí kể cả chp người nước ngoài.
Sau 3 giờ nhập viện thì có người của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đến lấy mẫu xét nghiệm trong cổ họng. Rất nhẹ nhàng, êm ái, khác hẳn với nhiều người hình dung là rất khó chịu khi bị “ngoáy” trong họng.
Tại nơi cách ly, các điều kiện sinh hoạt đều khá dễ chịu dành cho những trường hợp cách ly tập trung: “Mỗi người được phát một ống cặp nhiệt độ, một khăn mặt, một bàn chải đánh răng và một ống kem đánh răng hiệu Colgate đàng hoàng. Nhà vệ sinh có nước nóng dùng thoải mái. Một phòng rộng khoảng 16 m2, chỉ kê 4 giường để đảm bảo khoảng cách an toàn cho bệnh nhân, tránh “:lây nhiễm chéo”- chị N.T.L cảm nhận.
‘‘Về việc ăn uống thì được phục vụ… tận răng. Ăn sáng là phở hoặc xôi. Ăn bữa chính thì cơm được bọc trong giấy thiếc cho nóng. Đồ ăn khá ngon và sạch sẽ, còn thêm một hộp sữa Yakunt nữa’’.
Sau trải nghiệm trong đợt cách ly tập trung, tôi muốn gửi lời nhắn nhủ tới mọi người: “Hãy bình tĩnh nếu gặp trường hợp phải cách ly như tôi. Hãy hết sức hợp tác với bệnh viện để góp phần đẩy lùi dịch bệnh”.
“Nếu không sốt thì tôi cũng chẳng hình dung được Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh tốt như thế nào’’.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email