Thấm thoát mà gia đình chúng tôi đã sinh sống tại thành phố Houston đến gần 40 năm, và cũng đã đón Tết âm lịch tại nơi này trong suốt thời gian qua, nhờ vậy nên cũng được chứng kiến biết bao thay đổi trong sinh hoạt của người Việt mình trong cuộc sống ly hương tại thành phố lớn thứ tư tại Houston và cũng có số người Việt tị nạn đổ về đây lập nghiệp đông đảo đứng hàng thứ nhì chỉ sau Little Sàigòn tại miền Nam California.
Thật vậy, trước năm 1975, không những người Việt mình mà có lẽ người dân nhiều nước khác cũng ít biết đến Houston, dù nó là thành phố có dân số lớn hàng thứ tư, chỉ sau 3 thành phố đông dân và nổi tiếng hơn nhiều là New York, Los Angeles và Chicago. Thậm chí, mỗi khi nói đến tiểu bang Texas, có lẽ người ta biết đến Dallas nhiều hơn, thành phố nổi tiếng tạo sự chú ý của mọi người qua biến cố TT John Kennedy bị ám sát một cách ly kỳ còn hơn cả truyện trinh thám.
Rồi đến những năm đầu thập niên 1980, một loại phim truyền hình nhiều tập (soap opera) mang cùng tên Dallas chiếu hàng tuần đã trở thành loại phim tập ăn khách nhất trên nước Mỹ, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới, càng khiến cho nhiều người dễ đồng nghĩa Texas với thành phố Dallas. Loạt phim tập này, kéo dài từ năm 1978 đến 1991, thu hút cả trăm triệu khán giả khắp nơi say mê theo rõi hàng tuần những diễn biến trong đời sống của một gia đình vương giả giòng họ Ewing làm giầu nhờ vào ngành dầu hoả nhưng cũng có lắm những tranh giành và xung khắc đấu đá trong nội bộ như thảm kịch lôi cuốn sự tò mò chú ý của mọi người.
Thế nhưng Houston mới thật sự là thành phố lớn sống nhờ vào kỹ nghệ lọc dầu hoả và các sản phẩm chế biến từ nó cũng như các kỹ nghệ liên hệ, nên đã thu hút biết bao người dân Mỹ đổ xô về đây lập nghiệp, nhất là từ đầu thập niên 1980 khi kỹ nghệ sản xuất xe hơi ở Michigan bắt đầu xuống dốc vì sự cạnh tranh của các loại xe Nhật bắt đầu được ưa chuộng nhiều vì giá rẻ mà lại bền hơn các hiệu xe Mỹ cho dù là của GM, Ford hay Chrysler. Khi ba đại công ty xe hơi này bắt đầu sa thải bớt công nhân, số người trẻ tại miền bắc Hoa Kỳ sẵn sàng đổ xô về Houston để tìm kiếm những việc làm được trả lương cũng cao (như thợ tiện, thợ hàn, thợ lắp ráp trong hãng xưởng) tương đối khá dễ dàng vào lúc đó. Cộng vào đó là giá sinh hoạt, nhất là giá nhà cửa, tại Houston rất rẻ so với hầu hết các thành phố lớn khác trên nước Mỹ, cùng với khí hậu ấm áp (nhiều khi rất nóng bức) tại miền Nam đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn thu hút người xa đến đây lập nghiệp. Nhà văn Lê Văn Phúc lúc ấy thường dùng từ ngữ “Houston, miền nắng ấm” để mở đầu hay chấm dứt các loạt bài viết về các sinh hoạt của người Việt tại đây.
Phải chăng chính vì vậy mà Houston đã thu hút đông đảo người Việt đến định cư tại đây trong những ngày đầu tiên sau cuộc đổi đời chạy loạn sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975? Vào lúc ấy, khối lượng đông đảo người Việt tị nạn được chính phủ Mỹ đón nhận đến Hoa Kỳ được chia ra tạm trú tại 3 trại tập trung lớn nhất là ở miền Nam California (từ đó dẫn đến sự hình thành và lớn mạnh của cộng đồng người Việt tại Orange County), rồi đến một trại khác ở Pennsylvania vùng đông bắc, và trại sau cùng là ở Fort Smith, Arkansas, một tiểu bang nhỏ, ít dân cư và được coi là một trong những tiểu bang nghèo nàn của nước Mỹ. Vì thế nên sau đó số người Việt rời bỏ trại tạm trú ở đây đã không thích lựa chọn Arkansas (vì không tìm ra được việc làm) mà đi đến những thành phố đông dân và giầu có khác quanh vùng như Oklahoma City, Dallas và Houston, tuy nằm ở xa nhất nhưng lại có nhiều điều kiện thuận lợi nhất về công ăn việc làm, cũng nhờ vào kỹ nghệ dầu hoả.
Một thí dụ tương tự là thành phố San Jose, trước năm 1975 cũng là một thành phố nhỏ không nổi tiếng so với San Francisco, nhưng sau đó nhờ kỹ nghệ khai thác các con “chip” trong ngành điện tử, mở đầu cho một sự thay đổi lớn lao trong nền kinh tế Hoa Kỳ và giúp cho số lớn người Việt tị nạn lúc ban đầu đổ xô về đây lập nghiệp với hai công việc chính được gọi một cách bình dân là “chồng tách, vợ lỳ”, mô tả chồng đi làm “technician” lắp ráp trong kỹ thuật, còn vợ thì đi làm ngành “assembly” lắp ráp các phụ tùng theo hệ thống giây chuyền. Houston vào lúc đó cũng gần tương tự như San Jose, với đa số đàn ông tìm được những công việc như thợ tiện, thợ hàn với đồng lương trả rất khá, dù rằng đa số người Việt mình trước đây có lẽ chẳng biết máy tiện ra sao, và nhiều phụ nữ cũng tìm được khá dễ dàng các công việc lắp ráp kiểu “assembly” tại rất nhiều các hãng xưởng điện tử mướn người rất đông và thường cho làm việc “overtime” thả giàn, giúp cho các gia đình người Việt nghèo khó trong lúc ban đầu đã nhanh chóng ổn định cuộc sống và vươn lên từ đó.
Sau khi đã “an cư, lạc nghiệp” rồi người dân mới bắt đầu chú ý và chăm sóc đến những góc cạnh khác trong cuộc sống. Vì thế nên trong thời gian đầu, cộng đồng người Việt không chú ý nhiều vào các lãnh vực giải trí như nhà hàng, quán ăn và các phòng trà, khiêu vũ v.v. như bên California. Ngay cả các siêu thị của người Việt cũng còn rất nhỏ nếu so với tình cảnh hiện nay dù rằng số người Việt sinh sống vào lúc đó cũng lên khá cao. Riêng về mặt tôn giáo thì những giáo dân theo Công Giáo vẫn duy trì được những sinh hoạt truyền thống hàng tuần nhờ vào các nhà thờ của các giáo xứ Mỹ tại từng địa phương. (Về sau này, số giáo dân đông đảo lên dần và cũng làm ăn rất khấm khá nên đã tụ họp với nhau để tự quyên góp và xây dựng nên những ngôi nhà thờ riêng cho các giáo xứ VN rất đồ sộ và sang trọng không thua gì các nhà thờ Mỹ lâu đời).
Bên Phật Giáo, gần như chỉ có một ngôi chùa được nhiều người biết đến và đổ xô đến dự vào những dịp lễ trọng đại như ngày Tết ta và các ngày lễ truyền thống như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan hàng năm: đó là Chùa Phật Quang, nằm trong một góc nhỏ của một khu dân cư tại thị trấn South Houston, tức là một thành phố nhỏ nằm ngay trong lòng của thành phố lớn là Houston. Ngôi chùa này có lẽ được mua lại từ gia chủ của một căn nhà nào đó, rồi được sửa sang lại chút ít để có chánh điện làm lễ hàng tuần, và một vài phòng ốc khác được tu bổ để phục vụ những nhu cầu cho các sinh hoạt liên hệ, như nhà bếp và phòng ăn để phục vụ các bữa ăn chay.
Vì lẽ đó nên diện tích của ngôi chùa này rất khiêm tốn, cho dù sau đó những người điều hành đã tậu mãi thêm được những ngôi nhà hoặc mảnh đất chung quanh để phát triển rộng lớn hơn hầu đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo Phật tử đổ xô về tham dự các dịp lễ lớn, đặc biệt là nhu cầu cần phải có chỗ đậu xe của khách thập phương đổ về. Vào lúc đó, những dịp lễ lớn này cũng là những thời điểm gây phiền toái không ít cho những người dân Mỹ tại địa phương khi bỗng dưng thấy quá đông xe cộ chen nhau đậu bên lề đường ngập tràn chung quanh khu nhà ở của họ, vốn trước đó thường là rất vắng vẻ. Có lẽ chính vì thế mà sau này nhu cầu lập nên những ngôi chùa mới tại nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố mới thi nhau nở rộ để nhiều người cùng nhau phát động các chiến dịch quyên góp để xây dựng nên rất nhiều những ngôi chùa lớn nhỏ, phần đông là rất lớn và rất đẹp, khiến đôi lúc có nhiều người tự hỏi là cứ mải lo chạy tiền để xây chùa thì còn thì giờ đâu để mà tu tập?
Chính tại ngôi chùa Phật Quang hồi đầu thập niên 1980 mà gia đình kẻ này đã đến dự trong không khí đón Tết trong những ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ. Có lẽ vào lúc đó việc đi chùa đón Giao Thừa dịp Tết ta không phải chỉ giành cho người Phật tử mà là một sinh hoạt rất phổ thông của đại đa số các gia đình người Việt ly hương, bất kể tôn giáo nào. Bởi vì vào lúc ấy, cộng đồng người Việt chưa có một ban đại diện chính thức, và cũng chưa có những cơ quan, tổ chức hay hội đoàn tư nhân nào đủ lớn mạnh để có thể đứng ra thực hiện những sinh hoạt đón mừng ngày Tết, vốn là một dịp lễ trọng đại nhất của người Việt mình mà không có một lễ nào tại các nước khác có thể so sánh bằng. Nếu nói một cách tóm gọn để mô tả, có thể nói là ngày Tết ta có thể tương đương với ngày lễ Giáng Sinh và lễ Tết Tây và lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) tại Hoa Kỳ gộp lại với nhau thì mới so sánh gần ngang bằng. Bởi không khí của ngày Tết ta bao gồm sinh hoạt có tính cách tâm linh (như lễ Giáng Sinh) là lễ thờ ông bà, cộng với sinh hoạt vui chơi kéo dài đến 3 ngày (còn hơn cả lễ Năm Mới), và sau cùng là sinh hoạt sum họp gia đình cùng nhau tề tựu về sau một năm trời đi xa vì nhiều lý do làm ăn (như dịp lễ Thanksgiving).
Vào lúc ấy, chưa có các phương tiện truyền thông đại chúng nhanh lẹ như radio và TV như hiện nay mà chỉ có một vài tờ báo được phát hành cũng khá giới hạn. Tuy nhiên, mọi người vẫn chuyền nhau những thông tin liên quan đến các sinh hoạt chung. Và tuy không cần quảng bá hoặc thông tin, mọi người đều biết chắc rằng cứ vào đúng đêm giao thừa (dù là bất cứ ngày nào trong tuần chứ không phải chỉ đợi đến ngày cuối tuần) là các chùa đều sẽ cử hành lễ đón Tết, và do đó mọi người tha hồ về đây để “hái lộc đón Tết”, mong hưởng một chút cái không khí ngày Tết vốn là niềm mất mát to lớn nhất đối với người Việt ly hương lúc bấy giờ.
Chùa Phật Quang là ngôi chùa lớn nhất của cộng đồng người Việt tại Houston vào thời đó, quy tụ đông đảo người Việt đến tham dự vào các dịp lễ trọng đại. Hầu hết những “tai to mặt lớn” trong xã hội miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đều tham dự hoặc đóng góp vào các sinh hoạt gây quỹ tại chùa. Tại đây cũng là nơi đầu tiên thành lập một Gia Đình Phật Tử rất lớn mạnh và sinh hoạt đều đặn trong một thời gian dài, dù rằng với những cơ sở và phương tiện thiếu thốn, ngay cả sinh hoạt hàng tuần thường là ở ngay sân xi-măng ngoài trời chứ chưa có những phòng ốc riêng biệt. Rất tiếc là cái không khí và sinh hoạt lớn mạnh đó đã không được duy trì tại đây để rồi sau đó được chuyển sang các ngôi chùa khác thi nhau mọc ra sau này, khiến giờ đây ngôi chùa này đã không còn được nhiều người quang lâm đến dự vào các dịp lễ lớn.
Vào lúc ấy, cộng đồng người Việt tại Houston dường như cũng có một hội ái hữu người Việt tuy chưa lớn mạnh nhưng cũng đã có nỗ lực đi thuê mướn một phòng hội lớn tại khu downtown để tổ chức sinh hoạt Tết vào dịp cuối tuần. Ngoài ra, một vài nhân sĩ khác, dường như là ông Nguyễn Ngọc Linh, cũng đã thuê mướn một phía lầu của khu thương xá Sharpstown Mall ở phía tây nam có đông người Việt, để tổ chức sinh hoạt Tết cũng vào dịp cuối tuần để gọi là có không khí hưởng xuân đón Tết. Dĩ nhiên, vào thời điểm đó, chưa có nhiều tổ chức và hội đoàn đa dạng và lớn mạnh như ngày nay, nên chưa có những sinh hoạt phục vụ đại chúng rộng rãi và rầm rộ để thu hút đông đảo khán giả đến tham dự. Chưa kể là bối cảnh thời sự lúc đó có lẽ cũng chưa phải là dịp thuận lợi vì đa số người Việt tị nạn vừa mới trải qua những cơn biến động to lớn của cuộc đổi đời, và còn đang phải lo toan với những thử thách của đời sống mới tại nước Mỹ.
Phải đợi đến khi cộng đồng người Việt tại Houston tổ chức một cuộc bầu cử phổ thông rộng lớn trên toàn thành phố và vùng phụ cận để lập ra một ban đại diện chính thức (với người chủ tịch tiên khởi là ông Nguyễn Văn Nam) thì sinh hoạt ngày Tết mới thực sự khởi sắc hơn với lễ hội Tết được tổ chức quy mô và to lớn hơn tại khu thương xá Vinatown (không nhớ rõ là vào các năm 1984 hay 1985). Đây cũng là khu thương xá được xem là có tầm vóc to lớn đáng kể, với cả nhiều dãy phố được xây cất mới và quy tụ rất nhiều các cửa hàng của người Việt và một siêu thị rộng lớn với nhiều dịch vụ đa dạng. Dịp lễ hội Tết năm đó là một sự kết hợp có lợi cho mọi bên, phía chủ nhân khu thương xá là ông Nguyễn Ngọc Giao được dịp quảng bá cho mọi người đổ xô đến khu này, phía ban đại diện cộng đồng cũng được tiếng là đứng ra tổ chức một lễ Tết to lớn đáng kể dù rằng đó là do công đóng góp của nhiều hội đoàn không bị chia rẽ lúc bấy giờ, và sau cùng là đa số người Việt tại Houston cũng được hưởng lợi đón một cái Tết tương đối vui vẻ và không tốn tiền (vì không phải mua vé vào cửa khi lễ hội được tổ chức trên đường phố lộ thiên).
Rất tiếc là sự thành công tốt đẹp này đã không được duy trì để trở thành một truyền thống kéo dài nên sinh hoạt này cũng bị bỏ rơi sau đó. Nhưng có lẽ dựa vào hình ảnh thành công của nó về việc thu hút đông đảo người dân đến tham dự, và cộng với hình ảnh truyền thống của lễ hội Tết rất thành công tại miền Nam California do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tổ chức rất thành công và tốt đẹp từ nhiều năm trước đó, và vẫn còn kéo dài đến ngày nay, nên một số các bạn trẻ sinh viên, bắt nguồn từ nhóm Tương Thân Tương Ái của các sinh viên tại Trường Đại học Houston lúc đó, đã mạnh dạn đứng ra tổ chức một lễ hội vào cuối tuần tại một địa điểm to lớn và rất tốn kém là George Brown Convention Center, một trung tâm nghị hội hàng đầu tại Houston với đủ loại phòng ốc to lớn và có thể chứa cả chục ngàn người đến tham dự.
Việc thực hiện quả là một quyết định táo bạo vì những người đứng ra tổ chức phải chi tiêu một số tiền khá lớn lúc ban đầu để thuê mướn, rồi sau đó mới tính đến việc quảng bá và tổ chức chương trình sao cho phong phú để có thể thu hút đông đảo người Việt đến tham dự, vừa để giúp vui phục vụ đồng hương vừa để có tiền để trang trải các chi phí tốn kém đã bỏ ra. Điều đáng nói là tổ chức các bạn sinh viên này lại không nằm dưới cơ chế của một cơ quan tôn giáo nên không có các vị lãnh đạo tinh thần như các linh mục, các thượng toạ có thể nói lên một lời nói là có thể khiến cho hàng ngàn các giáo dân sẵn sàng đến tham dự để ủng hộ.
Ấy vậy mà rồi lễ hội tổ chức Tết của các bạn sinh viên này đã thành công, phần lớn là nhờ sự đóng góp nhiệt thành của các bạn trẻ, không nề hà gian khổ, cũng như không bị đố kỵ nhỏ nhen và nghi kỵ để cùng nhau đóng góp cho nỗ lực chung, để rồi sự thành công này đã khiến lễ hội Tết được tiếp tục kéo dài nhiều năm sau đó. Mãi về sau này, lễ hội Tết này được chuyển sang một địa điểm khác là Astro Arena, nằm ở sát khu sân vận động Astrodome nổi tiếng, nhưng lại không ở một địa điểm thuận lợi và quen thuộc đối với đa số người Việt, chưa kể là phí tổn đậu xe cũng khá cao vào lúc đó (lái xe ra vào cũng phải chi ra ít nhất là $10) nên nó mới mất dần sức thu hút, và do đó ban tổ chức cũng bị thiệt hại lây và phải đành bỏ cuộc.
Cùng lúc đó, một số các nhà thờ cũng đứng ra tổ chức những dịp lễ hội đón Tết do các giáo xứ địa phương đứng ra thực hiện, do bởi kinh nghiệm họ đã từng tổ chức các buổi đại nhạc hội gây quỹ rất thành công vào những dịp cuối tuần của các ngày lễ lớn. Điều này dẫn đến một tình trạng “bội thực” đối với người Việt tại Houston lúc bấy giờ, có năm được hưởng những lễ hội Tết xảy ra liên tiếp trong 5 tuần lễ trước và sau ngày Giao Thừa. Lý do là vì ngày Mùng Một Tết mỗi năm xảy ra theo âm lịch nên có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần, nhưng bất cứ sinh hoạt đại chúng nào nếu muốn có đông người đến tham dự thì phải tổ chức vào dịp cuối tuần. Kế đến là việc các ban tổ chức tại các nhà thờ hay chùa hay các tổ chức tư nhân đương nhiên đều phải tránh đụng đầu nếu tổ chức lễ hội Tết cùng ngày (giống như các bầu sô cũng muốn tránh tổ chức cùng ngày vì dễ bị lỗ lã). Tuy nhiên, vì các quyết định thực hiện các lễ hội Tết này có lẽ đã được quyết định từ nhiều tháng trước, và có thể từ cả năm trước, với nhiều sửa soạn đã lên kế hoạch sẵn sàng nên không thể nào dẹp bỏ được, thành ra cuối cùng họ đành phải đi tới, dẫn đến việc các lễ hội Tết thi nhau xảy ra trước và sau ngày Tết, khiến dân chúng tham dự cũng phải bị “bội thực” vì phải đi chơi và mua sắm tất niên và tân niên lu bù.
Chính vì sự thành công to lớn về mặt tài chính của những dịp đại hội văn nghệ gây quỹ này mà có lúc người dân tại Houston đã phải ngỡ ngàng khi thấy có lúc đã xảy ra tình trạng hai nhà thờ cùng tổ chức đại hội văn nghệ cùng một dịp lễ Thanksgiving, và tự hỏi liệu các ban tổ chức đã không biết tìm hiểu và nhường nhịn lẫn nhau để khỏi phải xảy ra tình trạng giống như là con buôn hoặc bầu sô đang muốn tranh giành, vô tình tự hại lẫn nhau?
Cũng may là sau đó, tình trạng này đã lắng xuống, và các nhà thờ đã bỏ qua việc tổ chức các đại hội văn nghệ gây quỹ vào dịp Tết và chỉ chú trọng vào những dịp lễ khác trong năm như lễ Memorial, lễ Labor Day, lễ Thanksgiving v.v. Sau đó chỉ còn có chùa Tịnh Luật ở vùng đông bắc Houston là nơi gần như tổ chức đại hội văn nghệ mỗi năm vào dịp Tết có tính cách quy mô và to lớn nhất, thu hút số lượng người dân đến tham dự cũng đông nhất vào dịp Tết.
Chùa Tịnh Luật lúc khởi thuỷ là một ngôi chùa nằm ở ngoại ô Houston phía bắc khá xa nhưng đến năm 2006 thì tậu mãi thêm một khu đất khá rộng lớn để xây dựng ngôi chùa mới. Và để giúp quảng bá cho mọi người biết đến, vị trụ trì và ban hộ trì tam bảo chùa này đã quyết định tổ chức một đại hội văn nghệ Tết đầu tiên, dù rằng với những phương tiện còn thô sơ là những căn lều được dựng lên sơ sài, và phần lớn diện tích trong chùa mới chỉ toàn là sân cỏ và sân đất lầy lội. Nhưng không ngờ là số lượng người dân đến tham dự rất đông nên ban tổ chức quyết định thực hiện tiếp theo năm sau với mức độ quy mô và phương tiện rộng rãi hơn so với năm trước. Đây cũng là dịp kẻ này được duyên lành nên đến góp sức vào công việc tổ chức của năm đó nên cũng được dịp biết được những khó khăn to lớn của việc tổ chức và biết bao công sức của hàng trăm thiện nguyện viên đã bỏ ra nhiều tháng trời để giúp thực hiện công việc cho được tốt đẹp.
Từ đó đến nay, các đại hội văn nghệ đón mừng Tết tại chùa Tịnh Luật đã kéo dài liên tục đến hơn 10 năm qua, dù rằng về sau này các chùa khác như chùa Việt Nam, chùa Liên Hoa cũng đứng ra thực hiện các chương trình đón Tết cũng to lớn không kém.
Ngoài ra cũng phải kể đến sinh hoạt đón Tết khá đặc thù của cộng đồng người Việt gốc Hoa, cũng ăn mừng Tết giống như người Việt mình, nhưng với một chi tiết đặc biệt là với các màn múa lân và đốt pháo kinh hồn. Đặc biệt phải kể là dịp biểu diễn của rất nhiều các đoàn lân cùng quy tụ trong những đại hội này, như đã xảy ra tại bãi đậu xe của nhà hàng Tân Tân và siêu thị Việt Hoa là những địa điểm quen thuộc của nhiều người Việt tại Houston. Có lúc ban tổ chức đã khoe rằng số lượng pháo dùng để đốt vào những dịp này lên đến cả triệu viên pháo.
Đứng về mặt tổ chức múa lân, phải nói đây là một sinh hoạt đáng xem và một nỗ lực đáng khen của các ban tổ chức, vì trình độ biểu diễn của các đoàn lân này, tuy chỉ là những tổ chức tài tử chứ không phải là những đoàn lân chuyên nghiệp, nhưng họ cũng đã tập luyện rất nhuần nhuyễn các bài bản múa lân rất điêu luyện, bắt mắt và cũng rất gay cấn vì rất khó khăn và nguy hiểm, đòi hỏi một trình độ tập luyện rất công phu. Nhưng về chuyện đốt pháo thì kẻ viết bài này thật sự chẳng lấy gì làm hoan nghênh, vì thứ nhất là tiếng nổ đinh tai nhức óc của nó, và khói thuốc pháo chỉ có hại cho sức khỏe nói chung, và kế đến là sự phí phạm về tiền bạc một cách vô bổ, cho dù đó là một truyền thống lâu đời có thể bắt nguồn từ niềm tin về công chuyện làm ăn có thể phát đạt theo những tiếng pháo nổ vang và xua đuổi ma quỷ v.v., ít nhiều pha mầu sắc mê tín.
Một trong những kỷ niệm mà mọi người đón Tết ta tại Houston trong nhiều năm qua ắt hẳn phải nhớ là đôi khi người dân phải đón nhận những thời tiết giá lạnh rất bất ngờ đổ xuống tại Houston, khiến cho người dân khi đến chùa vào lễ giao thừa đêm khuya đôi khi phải rất chật vật. Đã đành là ngày mồng Một Tết âm lịch thay đổi hàng năm từ cuối tháng Giêng đến giữa tháng Hai theo tây lịch, tức là đúng vào mùa đông tại Hoa Kỳ, nhưng khí hậu tại Houston cũng thay đổi rất bất thường, bình thường là tương đối mát lạnh (so với mùa đông tại nhiều nơi khác) nhưng đôi khi cũng thật giá buốt nếu chẳng may gặp phải những cơn gió lạnh từ miền Bắc thổi xuống. Vì thế nên người dân khi muốn đến tham dự các dịp sinh hoạt Tết như vậy, và các ban tổ chức cũng đã phải rất chật vật khi phải lo những phương tiện thích hợp để đối phó. Dịp đi đón Tết tại chùa hay những lễ hội lúc đó là những lúc mà các phụ nữ có thể khoe mầu áo, nhất là với các bộ áo dài rất tha thướt và bắt mắt ít khi nào được thấy tại các xã hội Tây phương. Nhưng chỉ mặc áo dài mỏng manh trong thời tiết giá lạnh thì cũng khó ai chịu nổi, và phải khoác thêm nhiều lớp áo ấm bên ngoài khiến cho vẻ đẹp của chiếc áo dài đã bị che mất đi khá nhiều.
Có lẽ vì vậy mà cho dù các ban tổ chức lễ Tết tại hải ngoại có rầm rộ đến mấy, và các siêu thị tại Houston cũng như nhiều nơi có đông người Việt có trưng bầy đầy đủ các bánh mứt và các hàng bánh chưng, bánh tét, các hàng bông hoa đủ sắc không thua gì với lễ hội Tết tại quê nhà, có lẽ nhiều người Việt ly hương, trong đó có kẻ viết bài này, cũng không thấy nó rung động như là cái không khí đón Tết ngay tại chính trong lòng quê hương của mình. Phải chăng vì vậy mà số lượng người Việt tại hải ngoại mỗi năm bay về Việt Nam để ăn Tết vẫn luôn là con số đông đảo từ nhiều năm qua, cho dù là quê hương ngày nay vẫn còn nằm dưới sự thống trị của nhà cầm quyền Việt Cộng?
MAI LOAN
Houston, Texas, ngày 05/02/2018