Những người sống về đêm

Mỗi đêm, sau khi tất cả mọi công việc đã hoàn tất, việc cuối cùng chúng ta làm trong ngày là leo lên giường, chui vào trong chăn và tắt điện. Có thể ta nghe thấy âm thanh của tiếng xe chạy trên đường ngoài kia, hoặc giọng nói của ai đó vọng lại từ căn phòng chúng cư bên cạnh, hoặc tiếng ngáy nhè nhẹ của cái người nằm bên cạnh, mà cũng có thể là sự tĩnh lặng hoàn toàn.

Nhưng trong đêm tối đó, trong khi hầu hết mọi người đang ngủ say thì vẫn có cả một thế giới của nhiều người khác đang thức. Họ đang đi làm, đang lái xe chạy lòng vòng, hoặc ghé vào một tiệm tạp hoá mở cửa 24 giờ để mua một vài thứ lặt vặt. Trong cái thế giới song hành đó, hiếm khi có sự tụ tập đông người, không có cảnh kẹt xe, cũng không có cảnh người xếp hàng dài; không ai cần phải quá thận trọng để tránh không đụng người này người kia trên các lối đi trong siêu thị, không bị bất ngờ đụng đầu với người hàng xóm ở một nơi nào đó bắt phải dừng lại chào hỏi một vài câu xã giao cho đúng phép lịch sự. Và khi mặt trời bắt đầu nhú lên ở chân trời hướng đông thì cũng là lúc những người sống về đêm này đi ngủ.

Không hẳn tất cả những người này muốn có cuộc sống như thế mà thực ra họ bắt buộc phải vậy: có thể vì họ mắc chứng rối loạn giấc ngủ, hoặc vì công việc ca đêm. Nhưng một số khác ngược lại thì lại rất muốn sống cuộc sống về đêm đó – vì vậy mà họ cố tình tìm những công việc làm ca đêm, tự luyện bản thân để có thể thức cho tới khi trời sáng. Họ làm vậy vì thích sự cô lập chứ chẳng ai bắt họ cả.

Theo hầu hết các nhà nghiên cứu tâm lý, loài người vốn là sinh vật sống theo bầy đàn: sự liên hệ với những người khác không chỉ là một mong muốn mà còn là một nhu cầu. Tách rời ra khỏi bản chất tự nhiên đó, sức khỏe thể chất và tinh thần của con người có xu hướng giảm sút. Tuy nhiên, những người tự nguyện chọn cuộc sống về đêm đó lại cảm thấy là họ không cần sự tương tác giữa người với người như nói trên. Trên thực tế, họ không có bất kỳ ý nghĩ xấu nào về người khác mà chỉ không thích lúc nào cũng có người xuất hiện ở bên cạnh. Nói cách khác, họ thích được một mình.

Sự tương tác xã hội giữa loài người thời cổ đại với loài người thời nay có thể nói là rất khác biệt. Cho tới khoảng 12,000 năm trước, các mối liên hệ hầu như chỉ giới hạn trong các nhóm tương đối nhỏ quy tụ một vài gia đình với lối sống săn bắn và hái lượm.Khi các hoạt động nông nghiệp phát triển, các nhóm dân số đông đúc hơn, việc di chuyển nay đây mai đó trở nên khó khăn hơn và người ta bắt đầu tìm những nơi nhất định nào đó để định cư – nhưng sự tương tác với người lạ vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù vậy, những cộng đồng định cư đó qua thời gian tiếp tục trở nên đông đúc và phức tạp hơn. Và rồi sự tăng trưởng dân số bùng nổ trong thời kỳ cách mạng kỹ nghệ, khi một số lượng lớn người dân từ nông thôn đổ xô đến các thành phố để làm việc trong các nhà máy, và sự tiếp xúc giữa người với người trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Hầu hết mọi sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày thời hiện đại đều có liên quan ít nhiều đến sự tương tác giữa người với người – xếp hàng chờ ở ngân hàng, chạm mặt với người quen hoặc không quen trong công viên, nói lời cảm ơn với một người tử tế vừa nhường cho ta chỗ ngồi trên một chuyến xe công cộng. Đối với nhiều người, sự tương tác còn diễn ra tại những nơi làm việc: trò chuyện với người bạn đồng nghiệp ngồi kế bên, trao đổi một hai câu chuyện với người bên cạnh trong khi hâm thức ăn cho bữa ăn trưa, phát biểu trong các buổi họp, v.v…

Để có thể thức được nguyên đêm, từ ngày này qua ngày khác, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Giờ ngủ lý tưởng ở mỗi người mỗi khác, nhưng hầu hết mọi người đều tuân theo một nhịp sinh học giống nhau một cách tự nhiên: thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Nếu lỡ làm rối tung cái đồng hồ bên trong cơ thể đó có thể gây hại cho sức khỏe của ta: Sự gián đoạn nhịp điệu sinh hoạt có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, rối loạn tiêu hóa và ung thư. Có một số người đôi khi gặp tình trạng khó ngủ vào ban đêm và vì vậy phải cố gắng tập cho mình thói quen sống về đêm: Họ phải tập để có kỷ luật đối với giấc ngủ của họ vào ban ngày, sử dụng màn cửa đậm màu để cản ánh sáng và tắt tất cả các thiết bị điện tử để tránh giấc ngủ có thể bị phá giữa chừng. Tuy nhiên, cho dù thế nào, thức đêm vẫn có thể gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể của họ.

Thời khoá biểu sinh hoạt của những người sống về đêm cũng có khác bình thường. Một số đôi khi cũng gặp bạn bè hoặc nói chuyện với người này người kia trên điện thoại, mặc dù vậy họ cho biết là chỉ có thể dành một phần nhỏ thời gian cho những sinh hoạt ấy trước khi quay trở về với không gian riêng một mình của họ. Một số ít lập gia đình với những người không sống về đêm. Có người chỉ gặp mặt vợ hoặc chồng khi thời khoá biểu sinh hoạt của hai người trùng nhau, nhưng ngoài ra hầu hết thời gian là họ sinh hoạt một mình, như coi tivi hoặc tập thể dục trong khi người kia ngủ.

Một số khác thực sự là những người cô độc, sống một mình và giành hầu hết thời gian chỉ sống cho riêng họ. Có người nói rằng họ có thể sống một mình và không cần gặp bất cứ ai khác vô thời hạn. Có người cho biết họ đã mất liên lạc với bạn bè và tỏ ra không hối tiếc về điều đó. Thậm chí có người còn nói rằng có thể sẵn sàng từ bỏ các mối quan hệ tình cảm lãng mạn để được chọn cuộc sống về đêm.

Nhiều người trong chúng ta có thể nhìn những người sống về đêm đó là bất bình thường, nhưng đối với họ thì điều đó rất bình thường, và chấp nhận bản tính tự nhiên của con người họ mang lại cho họ sự thoải mái tuyệt vời.

Nếu quả thật là những người chọn sống về đêm thực sự cảm thấy hạnh phúc, câu hỏi được nêu ra ở đây về một vấn đề khá nghiêm túc: đó là cuộc sống con người có cần đến sự tương tác xã hội, hoặc liệu con người có nhu cầu tâm lý chung nào hay không? Trong nhiều thập niên, nhiều nhà nghiên cứu tâm lý tin rằng tất cả mọi người đều có chung những nhu cầu cơ bản nhất định, với mức độ khác nhau giữa người này người kia.

Các nhà nghiên cứu cho biết có một số nhu cầu xã hội có lẽ là có chung ở mọi người cho đến một độ tuổi nhất định nào đó – chẳng hạn trẻ sơ sinh cần được kết nối với những người chăm sóc chúng, được giao tiếp bằng mắt, được đụng chạm và truyền hơi ấm qua cơ thể; trong khi đối với người lớn, nhu cầu đó có thể ít cần hơn.

Mặc dù nỗ lực để tìm kiếm một số đặc điểm chung cho con người vốn có chủ đích tốt, nhưng rất có thể nó đã gây ra hiểu lầm. Sau hết, chúng ta chỉ có thể biết được trải nghiệm bên trong của chính mình, nhưng chúng ta vẫn muốn áp đặt trải nghiệm đó lên những người khác, để cảm thấy rằng suy nghĩ của họ phản ánh đúng với suy nghĩ của chính mình. Đương nhiên, có đôi khi ta có lý do chính đáng cho rằng hành vi của người khác là “bất thường” và yêu cầu họ thay đổi. Câu hỏi đặt ra là lằn ranh đó ở đâu và thước đo nào được sử dụng để đánh giá lối sống và suy nghĩ của người khác.

Nói vậy không có nghĩa sự kết nối xã hội là không quan trọng trong cuộc sông. Nhưng có lẽ chúng ta không nên quá ư chắc chắn cho rằng sự kết nối xã hội có ý nghĩa như nhau đối với tất cả mọi người, hoặc lối sống nào là thích hợp để mang lại một cuộc sống trọn vẹn.

Người ta kể câu chuyện một thợ máy từng sống và làm việc ban đêm trong hơn 30 năm. Tuy nhiên, đến khi về hưu thì ông mới thực sự đạt được ước mơ là từ bỏ cái công việc làm ban đêm đó – cũng là mối quan hệ còn sót lại cuối cùng giữa ông với xã hội. Ước mơ của ông là được dọn về sống ở một nông trại nhỏ đâu đó không một bóng người xung quanh để có thể được hưởng trọn vẹn bầu không khí yên bình, tĩnh lặng và bóng tối.

Sống để có được hạnh phúc thì cho dù đó là lối sống thế nào cũng nên được chấp nhận, miễn là không làm hại đến ai, và cho dù đó là ngày hay đêm, vì hạnh phúc chính là mục đích tối hậu của con người.

Huy Lâm

Xem thêm

Nhận báo giá qua email