Vụ kiện của người cha … không điên
Cha là người rất giàu, mua biệt thự, có hàng ngàn mét vuông đất ở quận 2, Sài Gòn. Nhưng ông phải đâm đơn kiện người con gái 52 tuổi ra tòa, nhờ tòa can thiệp, bắt chị này phải xin lỗi và chấm dứt hành động nhục mạ, xúc phạm danh dự của ông trên mạng xã hội va chửi bới, bêu xấu ông với hàng xóm láng giềng…
Tại tòa, ông ngồi xe lăn, trông vẫn cỏn phong độ nhưng trước đây đã từng bị tai biến mạch máu não nên lời trình bày ấp úng, đứt đoạn, chứng cứ ông nêu ra cũng không rõ rệt. Còn phía bị đơn – tức người con gái của ông thì không bao giờ có mặt tại tòa dù đã nhiều lần được gửi giấy báo. Chị chỉ thuê luật sư đại diện va luật sư cho rằng ông đã già lẩn và bị …”tâm thần”!
Chửi người cha trên mạng xã hội
Người cha đến tòa cùng với vị luật sư của mình. Tập hồ sơ dày cộp những bài đăng trên Facebook mà ông cho là của con gái viết. Các bài này được ông photo ra, đóng thành tập cẩn thận.
Ông nói ngọng nghịu, đại ý: “Tui xin quý tòa xem xét. Không ai có thể chấp nhận được chuyện như thế. Nó là con gái tui mà không coi tui ra gì. Nó đến nhà, đập phá đồ đạc, nhổ cây kiểng, đánh vợ tui, chửi bới tui thậm tệ và rêu rao, vạch áo cho người xem lưng, nói xấu tui đủ thứ trên mạng xã hội” – ông trình bày với giọng run lên vì tức giận.
Luật sư của ông tiếp lời, đọc một đoạn trong các tập photo để minh chúng cho bài viết của con gái ông: “Đó là người cha điên của tôi và con ác phụ, người vợ thứ 3 của ông ta. Ổng ta có tánh gia trưởng, ích kỷ, trọng nam khinh nữ, không chung thủy. Hồi trước ổng ta ưa lăng nhăng trai gái, má tôi phản đối thì ly hôn, lấy vợ thứ 2 rồi lại bỏ, lấy con ác phụ thứ 3 hiện nay. Ông ta thay vợ và thay đổi bồ bịch như thay áo…”. Luật sư đọc một số đoạn khác nữa của con gái ông đăng trên mạng xã hội Facebook đầy những lời thóa mạ, cay nghiệt, chửi ông là người “tâm thần”, không chia một chút tài sản nào cho các con mà dành hết cho con “hồ ly tinh” tức con vợ thứ 3 trẻ tuổi xinh đẹp của ổng.
Đáp lại sự tức giận luôn luôn nhúc nhích trên chiếc xe lăn như muốn phản đối của ông già bị con bêu xấu, vị chủ tọa nhẹ nhàng hỏi: “Nguyên cáo có căn cứ nào chứng minh đây là Facebook do con gái ông viết không? Chuyện đó rất quan trọng, ông cần chứng minh Facebook đó do con gái ông viết”.
Tất nhiên người cha không có căn cứ gì cả. Năm nay ông đã 75 tuổi, mắt đã mờ, chân đã run do trước đây bị tai biến nên không rành rẽ lắm về công nghệ thông ttin.
Vị luật sư bào chữa, thay lời ông, nói: “Chính tôi đã tư vấn cho thân chủ của tôi đi lấy bằng chứng, nhưng do ông cứ đau ốm suốt nên chưa đi được”. Luật sư đặt vấn đề, đổ lỗi cho tòa sơ thẩm cách đây ít lâu: “Tại sao ngay từ đầu tòa sơ thẩm không lấy lời khai của bị đơn để xác minh xem những bài viết trên Facebook đó có phải là của bị đơn hay không? Theo chúng tôi biết, khi làm việc với một số cơ quan chức năng, bị đơn đã thừa nhận các bài trên Facebook đó là do bị đơn viết. Tòa sơ thẩm không xác minh các bài trên Facebook là của bị đơn mà đã tuyên án nguyên đơn thua kiện là không hợp lý, vi phạm nguyên tắc tố tụng”.
Sau khi luật sư trình bày, Hội đồng Xét xử phải tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ. Nhưng suốt quá trình tố tụng từ sơ thẩm đến phúc thẩm, bị đơn không một lần hợp tác hòa giải, cũng không đến tòa theo giấy triệu tập, nên những điều tòa muốn xác minh đều không có câu trả lời.
Lý lẽ của hai cha con, ai đúng ai sai?
Mâu thuẫn giữa cha con họ bắt nguồn từ khi ông già lấy người vợ thứ 3 và đưa cô này về chung sống trong ngôi nhà cũ rộng lớn mà các con ông cho là của ông bà nội để lại.
Trình bày trước tòa, ông đưa ra các hình ảnh về ngôi nhà tuy lớn nhưng quá cũ kỹ tại quận 9, Sài Gòn. Ông nói ngày mưa, trong nhà nước ngập tới mắt cá chân, tường vôi tróc lởm chởm. Ông đã bàn với 6 người con của bà vợ cả đã qua đời là muốn bán ngôi nhà cũ đó để mua nhà mới cho khang trang hơn, nhưng các con không đồng ý vì cho rằng đó là kỷ niệm của ông bà nội để lại và mẹ đã sống ở đấy suốt bao nhiêu năm cho đến lúc mất.
“Tụi bây không cho bán tao cũng bán. Để nhà ngập nước nó sập đè chết tao thì sao? Tụi bay có đứa nào ở đấy đâu mà biết”. Vậy là ông bán, mua một biệt thự sang trọng, hiện đại, đứng tên ông và cô vợ thứ 3 rất trẻ mà ông say mê. Từ đó sự mâu thuẫn giũa các con với ông lên tới đỉnh điểm, vì họ cho rằng ông ăn phải bùa mê thuốc lú của “con hồ ly tinh” nên đối xử không công bằng, không chia cho các con được hưởng gia tài, thậm chí còn không cho con tới ngôi biệt thự thắp hương trong ngày giỗ mẹ.
“Con hồ ly tinh đó là đứa nào mà tự dưng được làm chủ ngôi biệt thự, được đi xe hơi xịn có tài xế lái, đươc ăn sung mặc sướng, được hưởng cái tài sản kếch sù do ông bà chúng tôi để lại? Trong khi đó 6 anh chị em chúng tôi phải ở những căn nhà nhỏ xíu, phải đi làm trật mặt để nuôi con cái…” – người con gái ông viết trên Facebook như vậy.
Sự mâu thuẫn giữa cha và các con khiến cuộc sống của ông trở thành bế tắc, bực bội. Ở tuổi 75, lại mới qua khỏi tai biến nạch máu não phải nằm liệt giường, bây giờ đi đâu cũng ngồi xe lăn, ông nhờ tòa án phân xử để con gái ông không được chửi bới, nhục mạ ông trên Facebook nữa.
“Tôi thật sự rất yêu thương các con. Tôi đã nuôi dạy, lo cho chúng ăn học nên người, rồi với uy tín của mình, tôi lo cho các con đứa nào cũng có công ăn việc làm tốt đẹp. Tôi biết tánh con gái tôi nóng nảy, rất thiếu suy nghĩ nên nó mới ăn nói bừa bãi như vậy. Tôi mong quý tòa can thiệp, cấm nó từ nay không được nhục mạ tôi nữa chứ không phải tôi muốn nó bị án này án nọ làm gì. Tôi già rồi, có người thương yêu, chăm sóc lúc cuối đời cũng là chuyện thường tình của con người. Cả 6 đứa con với bao nhiêu cháu có đứa nào thương yêu tôi như thế đâu…”.
Ông vừa lắp bắp đọc lới trình bầy viết sẵn vừa rút khăn ra chùi nước mắt. Phiên tòa chỉ có ông ngồi trên xe lăn, vị luật sư và vài thân nhân dự khán. Trước đây, ông cũng đã từng gởi thơ tới cơ quan nơi con gái ông làm việc. Công đoàn cơ quan có nhắc nhở con gái ông cần xem xét lại nội dung các bài đã đăng tải trên Facebook, bởi vì những lời lẽ đó không phù hợp với người con đối với cha và nó cũng có tính chất đe dọa người vợ kế của cha, nếu người này thưa kiện ra tòa thì cô có thể bị phiền phức về tội hăm dọa và phỉ báng người khác.
Tuy nhiên, người con gái ông cho rằng đăng tải thông tin là quyền tự do của mỗi con người, chị sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về các bài mình viết.
Cha con đã cãi lộn nhiểu lần và ông đã dùng đủ mọi cách ngăn cản nhưng người con gái vẫn tiếp tục nhục mạ và nói xấu ông với mọi ngưởi. Cuối cùng, ông chịu không nổi, đành thuê luật sư khởi kiện con gái ông ra tòa với mục đích yêu cầu tòa buộc con phải xin lỗi và chấm dứt hành vi xúc phạm danh dự của ông. Nhưng cả phiên tòa sơ thẩm lẫn tòa phúc thẩm đều tuyên bố việc thưa kiện của ông không có căn cứ, bởi vì ông không chứng minh được các bài viết đó là của con gái ông và các bài này không nêu rõ tên ông, nên tòa không thể buộc tội hoặc khuyến cáo cô ta được. Ông đành cay đắng đến trào nước mắt khi người tài xế đẩy chiếc xe lan ra ngoài, đỡ ông lên chiếc xe hơi ra về…
Có lẽ trong mắt các con, ông chỉ là một ông già u mê, không biết phân biệt phải trái, bỏ rơi các con để chạy theo con hổ ly tinh trẻ đẹp, nhỏ hơn ông tới vài chục tuôi. Nhưng ông có lý lẽ của ông. Làm sao các con ông biết rằng có những lúc ông bị bệnh, đang đêm phải đưa đên bệnh viện cấp cứu. Chính người vợ thứ 3 đó đã đỡ ông lên xe, xuống xe, đặt ông nằm lên giường bệnh và chăm sóc ông từ viên thuốc tới ly sữa, ngày đêm không lúc nào rời kể cả những lúc ông thiêm thiếp ngủ. Ông biết lắm, có thể sự chăm sóc đó là do cô ta vốn thông minh, nhìn thấy cái tài sản to lớn mình sẽ được hưởng một phần nào đó. Từ khi con trẻ tuổi, ông đã vật lộn với đời suốt bao nhiêu năm mới có được cơ nghiệp ngày nay chứ không phải hoàn toàn do cha mẹ để lại. Nay, lúc về già, có người ở bên cạnh, luôn luôn tỏ ra yêu thương chăm sóc mình thì ông không nghĩ đến người ta để được hưởng một chút hạnh phúc trong lúc cuối đời hay sao? Ông không phải là kẻ “tâm thần”, mê say gái đẹp, bao nhiêu của nả sẽ dâng trọn cho người ta như các con ông hiểu lầm. Ông nói: “Tại các con tui nóng quá đấy. Tui đang nhờ luật sư tư vấn, định lập di chúc sẽ chia gia tài ra làm 8 phần: tui một phần, cổ một phần, 6 đứa con mỗi đứa một phần. Cả căn biệt thự với hơn chục ngàn mét vuông đất ở bên quận 2, sau khi tui chết sẽ bán và cũng chia như vậy, nghĩa là cổ được 2 phần, con cái mỗi đứa một phần, không đứa nào được tranh giành trái với di chúc”.
Ông mới dự tính như thế chứ chưa làm thì người con gái bắt đầu chửi ông trên Facebook. Ông đã giải thích cho các con hiểu ý định của mình song họ không tin, người con gái vẫn tiếp tục chửi khiến ông phải thưa kiện ra tòa mặc dầu trong thâm tâm ông không muốn vạch áo cho người xem lưng, mang tiếng mang tăm như vậy.
Đừng làm cho ba rơi lệ…

Sau khi phiên tòa phúc thẩm không thành, ông nén giận đến nhà gặp người con gái và bảo: “Nếu con còn kêu ba bằng ba thì đừng làm cho ba rơi lệ”. Nhưng những mâu thuẫn giữa hai cha con liên quan đến tài sản, đất đai, nhà cửa vẫn không thể nào hóa giải được. Cô đồng ý không chửi bới nữa nhưng đòi điều kiện là ông không được chia phần cho con “hồ ly tinh” đó bởi vì nó chẳng là cái gì cả, chỉ làm bộ yêu thương ông, lừa gạt để được hưởng gia tài của ông mà thôi. Ông tức giận, gằn giọng: “Mày ra lệnh cho tao đấy hả? Được, mày cứ tiếp tục chửi nữa đi, tao chịu nhục thêm cũng được. Từ ngày mai trở đi, hễ thấy trên Facebook mày nói xấu tao một tiếng nào, ngay lập tức tao sẽ nhờ luật sư làm lại di chúc, không cho mày hưởng một đồng nào trong sản nghiệp của tao, kể cả tiền bán căn biệt thự lẫn đất đai sau khi tao chết. Đó là quyền của tao, không ai can thiệp được, mày nghe rõ chưa? Thôi, tao về, không thèm nói chuyện với mày nữa”, và ông kêu tài xế đẩy xe lăn đưa ông ra ngoài, đỡ ông lên xe ra về.
Từ hôm sau, cái tài khoản mang nick-name của người con gái ông tự nhiên biến mất, không thấy chỉ trích ông nữa.
Con cái nhiều khi đối xử không công bằng với cha mẹ mà họ lại nghĩ cha mẹ không công bằng. Có thể nói chính họ mới là người “tâm thần” vì tiền bạc chứ không phải cha mẹ.
Con kiện cha đòi… 2 con gà và 18 quả trứng!
TAND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang thụ lý một vụ kiện khá hi hữu: con kiện đòi cha ruột phải bồi thường… 2 con gà và 18 quả trứng. Do nhiều cấp đã hòa giải nhưng không thành công nên tòa án cho biết tòa phải đem vụ việc ra xét xử.
Bắt cha phải đền đúng… 12 quả trứng gà ấp đã bị đập vỡ
Ông Phạm Quốc Đăng – chánh án TAND huyện Đất Đỏ – cho biết hiện tòa đang thụ lý vụ kiện giữa nguyên đơn là anh P.T.Q. (28 tuổi) và bị đơn là ông P.V.T. – cha ruột của nguyên đơn (cùng ngụ tại ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ). Trong vụ kiện, anh Q đòi cha ruột phải bồi thường 18 quả trứng (trong đó có 12 quả gà mẹ đang ấp gần nở, bị ông T đập bể) và 2 con gà mái.
Theo hồ sơ, ngày 16-6-2017, UBND xã Long Tân nhận được đơn đề ngày 13-3-2017 của anh P.T.Q. đề nghị giải quyết việc cha ruột của anh đã hai lần đập vỡ tổng cộng 18 quả trứng gà và “đập một gà trống, hai gà mái gãy giò, làm con gà trống mất khả năng đạp mái, còn hai con gà mái thì một con đang đẻ, chết do bị dập trứng trong bụng, một con đang ấp, từ đó do gãy cẳng nên mất khả ngăng sinh sản.
Sau khi nhận đơn, ban Nhân dân ấp Và Tư pháp xã đã hòa giải nhiều lần. Tại những lần này, ông T thừa nhận vì bực tức con trai nên có đập vỡ 4 quả trứng (chứ không phải 18 quả như anh Q thưa kiện) do con trai nuôi nhiều, gà phóng uế bừa bãi mà anh không chịu quét. Ông T đồng ý đền cho con 4 quả trứng. Nhưng anh Q không chịu, bắt cha phải đền đủ 18 quả và 2 gà mái. Do hòa giải không thành nên vụ kiện được chuyển lên để tòa án thụ lý.
Chiều 5-3, ông Tạ Minh Trí – trưởng công an xã Long Tân – nói: “Địa phương cũng mắc cỡ khi phải chuyển vụ việc lên tòa án. Nhưng do vấn đề công dân có quyền thưa kiện nên chúng tôi không thể làm khác được”. Ông Nguyễn Thanh Hòa, cán bộ Tư pháp xã, cho biết, trong các buổi hòa giải, ông T thừa nhận đã đập vỡ 4 quả trứng gà của con trai và 2 gà mái. Xã vận động ông mua cặp gà mái khác và 18 quả trứng đền cho anh Q. Ông T đồng ý đền nhưng con trai ông lại đòi phải đền đúng 12 quả trứng gà đang ấp gần nở, ông T không thể kiếm mua ở đâu được.
Đập gà và trứng gà vì tức giận con
Ông T cho biết, việc con trai kiện ông là quá vô lý vì ông chỉ đập vỡ có 4 quả trứng mà cũng đồng ý bồi thường 18 quả nhưng nó lại đòi phải đền đúng 12 quả ấp sắp nở thì ông kiếm đâu ra.
Theo ông T, con trai ông hiện chưa lập gia đình và đang ở chung với cha mẹ. Q nuôi gà đẻ trứng, thường bị mất trứng nên nghi cho chị ruột mình ăn cắp. Do bực tức việc con trai cứ đổ thừa cho chị ăn cắp, hơn nữa gà vịt Q nuôi nhiều, phóng uế bừa bãi mà Q không chịu quét dọn nên ông cáu tiết, đập què 3 con gà và 4 quả trứng. Tưởng đó chỉ là chuyện nho nhỏ trong nhà, không ngờ Q lại kiện cáo như vậy.
Ông T cho biết, hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông không đến nỗi nào. Nhà có rẫy trồng điều đang được thu hoạch, ruộng lúa, và chăn nuôi thêm bò, gà. Mấy quả trứng không đáng là bao nhưng Q cứ muốn làm to chuyện.
Tòa đã mời hai cha con tới hòa giải hai lần nhưng bên nguyên đơn tức con trai ông T vẫn tiếp tục kiện, và hướng của tòa là hòa giải cho hai bên vì giá trị vụ kiện không đáng là bao và trái với đạo lý của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu bên nguyên nhất định không chịu thì tòa phải xử theo luật.
Có lẽ đây là một vụ kiện độc nhất vô nhị, chưa từng xảy ra tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Công lao sinh thành dưỡng dục của ông T đối với Q chắc chắn phải lớn hơn hai con gà và 18 quả trứng nhưng hắn đã không nghĩ đến…
Đòi chồng bồi thường tiền “hao mòn thân thể”
Tháng 3 năm 2007, bà Đặng Thị Xem (56 tuổi, ở xã Đam Ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) và ông Lê Văn Tạo không đăng ký kết hôn nhưng sống với nhau như vợ chồng thực thụ. Bất ngờ, đến tháng 9/2017, ông Tạo nộp đơn ra tòa kiện bà tranh giành nhà đất với mình nên xin ly hôn. (Sự thực, chung sống với nhau không có hôn thú thì tòa không căn cứ vào đâu để cho ly hôn được. Điều này đã xảy ra đối với nhiều người và các tòa án đều từ chối vì không thể xừ ly hôn).
Ông Tạo khẳng định quan hệ giữa hai người không phải là vợ chồng mà bà Đặng Thị Xem chỉ là người làm công, trông coi đất đai, nhà cửa cho ông. Nay ông kiện, xin ly hôn (?) để tòa buộc bà Xem phải trả lại nhà và đất bà đã cư ngụ suốt hơn 10 năm tại nhà của ông
Tháng 5/2017, TAND huyện Đạ Huoai xử sơ thẩm vụ án, cho rằng hai người không đăng ký kết hôn nên quan hệ của họ không phải vợ chồng. Bởi vậy, tòa xử bà Xem phải trả cho ông Tạo 131 triệu đồng tiền cư trú suốt 10 năm trời, và toàn bộ nhà cửa, đất đai, tài sản hiện có đều thuộc về ông Tạo.
Bà Xem thuê luật sư làm đơn kháng án. Bà phản bác rằng hai người đã sống với nhau hơn 10 năm, bà cũng đã nhập hộ khẩu hợp pháp với danh nghĩa là “vợ không chính thức” của ông Tạo. Ngoài ra, hai người đã từng đứng ra vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Nông thôn và được UBND huyện xác nhận là trong sổ đỏ có tên chồng là Lê Văn Tạo, vợ là Đặng Thị Xem, vậy bà đâu phải người ngoài?
Bà Xem yêu cầu nếu tòa coi bà là người làm công cho ông Tạo vì không có giấy hôn thú thì bà đề nghị tòa phải tính tiền công của bà hơn 10 năm qua, đồng thời buộc ông Tạo phải trả tiền “hao mòn thân thể”cho bà, do bà đã “phục vụ tình dục” ông Tạo suốt hơn 10 năm. Trong đơn, bà nói: “Không lẽ ông Tạo sử dụng tôi suốt bấy nhiêu năm rồi vứt bỏ, bắt tôi phài trả 131 triệu đồng như tòa sơ thẩm đã tuyên, có gì vô lý như thế không. Tôi sẽ chống án đến cùng”.
Xem ra, bà Xem cũng có lý của bà chứ chẳng phải không. Tuy nhiên, nếu tòa phúc thẩm đồng ý với quan điểm đó và tính được sự “hao mòn thân thể”của bà Xem như thế nào, cụ thể là bao nhiêu tiên thì hay quá, rất đáng nể. Thì ra, phụ nữ lấy chông sẽ… “hao mòn thân thể” trong việc phục vụ chồng, bây giờ chúng ta mới để ý đến.
Phân xử tranh chấp đàn bò bằng … xét nghiệm DNA


Giành nhau 4 con bò, hai lão nông huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh kiện nhau ra tòa vì cả hai đều cho rằng 4 con bò là của gia đình mình. Đã một lần tòa xét xử khá chính xác nhưng hai ông lão vẫn chẳng ai chịu ai. Cuối cùng, tòa phải cho xét nghiệm DNA, bấy giờ vụ án mới được giải quyết.
Phiên xét xử được mở tại TAND huyện Thạch Hà hôm 18/8/2020. Hội đồng xét xử phải dựa vào kết quả giám định huyết thống của một con bò để ra phán quyết.
Theo bản án, ông Hữu (nguyên đơn, ngụ tại xã Lưu Vĩnh Sơn) nuôi 9 con bò, có trại tại đồi Đá Dốc ở thôn Xuân Sơn. Hàng ngày, ông lên đồi, mở cổng trại thả bò đi ăn cỏ, đến tối lùa về, hoặc bò tự vào chuồng. Chiều 7/5, ông Hữu phát hiện mất 4 con, gồm 1 con bò đực, 2 con bò cái và 1 con bê. Trong 2 con bò cái này một con mang thai sắp đẻ. Ông tìm kiếm khắp nơi không thấy.
Khoảng 15h ngày 12/5 tức 5 hôm sau, con trai ông Hữu tiếp tục đi tìm, phát giác 3 con bò và con bê của gia đình mình đang ăn cỏ cùng với đàn bò của gia đình ông Tình ở xã Thạch Xuân.
Khi cha con ông Hữu đến xin lại, ông Tình nói gia đình ông có 23 con bò thả nuôi trong trang trại thuộc khu vực Hồ Kẻ Gỗ, xã Thạch Xuân. Ngày 11/2, ông lên thăm bò và thấy bị mất 3 con bò lớn, gồm 1 bò đực, 2 bò cái, trong đó có một con đang mang thai và 1 con bê. Cuối tháng 3, con trai ông tìm được con bò đực, 2 bò cái và con bê thất lạc. Con bò cái mang thai trong cặp bò cái đã sinh con bê con nên lùa về. Vậy 4 con đó, kể cả con bê mới sinh tức 5 con, đều là bò nhà ông chứ không phải bò nhà ông Hữu.
Sự việc khiến hai ông lão cãi nhau, ai cũng nhận là bò nhà mình. Ông Hữu trình báo công an xã Lưu Vĩnh Sơn và xã Thạch Xuân; đồng thời khởi kiện ông Tình lên TAND huyện Thạch Hà, đòi ông Tình phải trả lại mình 3 con bò lớn và con bê đó.
Cách xử của tòa án
Trong quá trình thụ lý hồ sơ, nhà chức trách định giá 4 con bò (gồm 3 bò lớn và con bê) khoảng hơn 40 triệu đồng (cỡ gần 2.000 đô la Mỹ). Ban đầu, tòa đề nghị đưa hai đàn bò của nhà ông Hữu và của nhà ông Tình ra bãi đất trống, sau đó thả 4 con bò đang tranh chấp ra, chúng về đàn bò của nhà nào thì sẽ thuộc sở hữu của nhà đó.
Ông Hữu đồng ý, song ông Tình không chấp nhận. Nhiều lần hòa giải bất thành, tòa bèn đề nghị giải pháp thứ hai là thử DNA chứ không còn cách nào khác ngoài việc bán cả 4 con bò (tức 1 bò đực, 2 bò cái và 1con bê) rồi chia đôi tiền nhưng cả hai ông đều không chịu.
Kết quả vụ thử DNA
Theo cách giám định DNA của Phòng thí nghiệm công nghệ tế bào động vật (thuôc Viện chăn nuôi Việt Nam), kết quả xét nghiệm DNA về huyết thống động vật cho thấy, một con bò mẹ đang tranh chấp có mối quan hệ mẹ con với với một con bò mà gia đình ông Hữu đang nuôi.
Vì lẽ đó, tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hữu, buộc ông Tình phải trả 4 con bò (tức 1 bò đực, 2 bò cái và con bê như đã nói trên) cho ông Hữu, cộng với 7,3 triệu đồng tiền giám định DNA, nộp cho Phòng động vật của Sở Chăn nuôi tỉnh. Riêng con bê con mới sinh thì chia đôi, có nghĩa là ông Hữu phải trả cho ông Tình 3,1 triệu đồng tiền công chăm sóc nhưng được lấy cả con bê con vì nó còn bú mẹ, không thể tách rời ra được.
Cái mất lớn nhất của ông Tình là danh dự. Gia đình ông rất khá giả, có tới 23 con bò thì không phải hạng kém, chỉ vì lòng tham muốn “có thêm” mấy con bò và 2 con bê mà mà ông bị mọi người chê trách.
Đoàn Dự