Nhựt trình quảng cáo: có phải là hợp đồng không?

Phan Tấn Thiện

Năm ấy không hiểu tại sao cả Qui Thành đang bước vào một mùa dịch cảm cúm. Đi đâu cũng thấy người ho sù sụ, mũi dải chảy lòng thòng hết nhà này đến nhà khác, hết người này đến người khác, không ai tránh khỏi. Mỗi khi có bệnh tật về thì các công ty bán thuốc, nhà bào chế, các tiệm thuốc dường như đếm tiền không kịp. Một trong những nghành nghề kiếm tiền nhiều nhứt và dễ làm giàu nhất là nghành dược phẩm trong nước thời bấy giờ. Khi có bệnh dịch xảy ra, các nhà bào chế dược phẩm Đông Y cũng như Tây Y đều mở hết công suất để đáp ứng thị trường mà không kịp. Ngoài việc sản xuất thuốc, nhà thuốc còn lo về việc khuyến mãi, thậm chí còn có nhà thuốc dám đăng quảng cáo trên báo nói rằng bất cứ ai dùng thuốc của công ty chúng tôi mà còn nhuốm bệnh thì công ty sẽ bồi thường. Nhà thuốc Võ Văn Dần là một trong những nhà thuốc có đăng quảng cáo này. Công ty bào chế thuốc này còn khẳng định chắc nịch rằng: “Công ty chúng tôi sản xuất thuốc chống cảm cúm hiệu con nhện thuốc được bảo quản bằng sáp ong, ai dùng thuốc của công ty Võ Văn Dần hiệu con nhện ngày uống ba lần, uống trong một tuần mà còn bị nhiễm bệnh cảm cúm thì công ty sẽ bồi thường hai chục ngàn đồng. Hiện công ty có để dành riêng hai trăm ngàn đồng trong ngân hàng Kỹ Thương tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Đô để dành trả cho khách hàng nào sử dụng thuốc của công ty theo lời dặn trong toa mà còn mắc bệnh cảm cúm.”

Cô văn sĩ Cẩm Ly, vợ thầy Tôn Thất Biệt cả hai đều là người Huế. Thầy Biệt được bổ nhiệm về đây dạy tại trường Trung Học công lập của tỉnh nhà. Thầy Biệt vừa là giáo sư vừa là trạng sư tại Qui Thành. Cô Ly tin theo lời quảng cáo của công ty bào chế thuốc Võ Văn Dần, mua thuốc hiệu con nhện về uống đúng theo lời chỉ dẫn trong toa và đúng theo lời quảng cáo trên báo nhưng chẳng may cô cũng bị nhiễm bệnh như thường. Cô viết thư cho công ty sản xuất thuốc Võ Văn Dần và yêu cầu công ty bồi thường cho mình hai chục ngàn đồng như trong lời quảng cáo. Sau khi chờ cả tháng trời công ty gởi thư lại thông báo cho cô Cẩm Ly biết rằng công ty không chịu bồi thường. Công ty trả lời rằng quảng cáo trên báo chẳng qua là quảng cáo để bán thuốc mà thôi, ai tin thì ráng chịu. Nếu cô muốn thưa ra tòa thì cứ thưa, công ty sẵn sàng vác chiếu theo hầu. Công ty bào chế thuốc trả lời theo kiểu đó đối với ai thì được nhưng đối với cô Ly thì không được rồi! Cô giận quá bàn với chồng mình là thầy Biệt đưa nội vụ ra tòa sơ thẩm Qui Thành để nhờ phán quan của tỉnh này phán quyết.
Thầy Biệt tức mình và cũng muốn bênh vực vợ nên nạp đơn khởi kiện công ty sản xuất thuốc tại tòa sơ thẩm Qui Thành.
Hệ thống tư pháp thời bấy giờ được phân chia theo từng vùng lãnh thổ. Từ cấp quận, huyện thì có tòa hòa giải, hay tòa phạt vi cảnh, lên đến hàng tỉnh thì có tòa sơ thẩm, và lên cao nữa thì có tòa thượng thẩm. Trong nước thời bấy giờ có hai tòa thượng thẩm. Một tòa thượng thẩm Cố Đô dành cho các tỉnh miền Trung từ Bình Thuận trở ra. Một tòa thượng thẩm của Sài Đô thì áp dụng cho các tỉnh ở phía Nam. Chót vót trên cả nước thì có tối cao pháp viện hay tòa phá án.

Tòa sơ thẩm của tỉnh này này nằm trên đường Hồ Thơm, ngó ra biển lớn. Tòa nhà này cũng rộng rãi, hoành tráng không thua gì bệnh viện của tỉnh. Tuấn, Thuận, Cường là ba cậu học trò của thầy Biệt, mỗi lần đi ngang qua tòa án thì chỉ thấy có chữ tòa án gắn ngay trước cổng chứ chẳng biết bên trong là chứa những gì nếu hôm đó không được thầy Biệt dẫn vào xem khi ông đệ đơn kiện công ty sản xuất thuốc lừa nữ sĩ Cẩm Ly. Hôm ra tòa thầy có dẫn theo mấy cậu học sinh trong lớp của thầy và cô Cẩm Ly vào để nghe tòa xử.
Để đối phó với vụ kiện này, công ty sản xuất Võ Văn Dần mướn hai trạng sư, nghe nói đâu là những trạng sư nổi tiếng ở Sài Đô và ở Cố Đô. Trạng sư ở Sài Đô có tên là Trần Quang Dũng và trạng sư ở Cố Đô có tên là Vũ Văn Diệu. Sau khi mõ tòa đọc sơ lược vụ án tòa quay qua chuyển lời cho luật sư bên nguyên đơn mở lời. Thầy Biệt bắt đầu:

– Thưa quý tòa, hôm nay tôi xin đại diện cho nữ văn sĩ Cẩm Ly tên thật là Nguyễn Thị Hoàng chính thức khởi tố công ty bán và bào chế thuốc Võ Văn Dần về sự bội ước của công ty. Công ty Võ Văn Dần quảng cáo trên các báo Ngôn Luận, Tự Do, Thời Mới …rằng:
“Công ty chúng tôi sản xuất thuốc chống cảm cúm hiệu con nhện thuốc được bảo quản bằng sáp ong, ai dùng thuốc của công ty Võ Văn Dần hiệu con nhện ngày uống ba lần, uống trong một tuần mà còn bị nhiễm bệnh cảm cúm thì công ty sẽ bồi thường hai chục ngàn đồng. Hiện công ty có để dành riêng hai trăm ngàn đồng trong ngân hàng Kỹ Thương tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Đô để dành trả cho khách hàng nào sử dụng thuốc của công ty theo lời dặn trong toa mà còn mắc bệnh cảm cúm.”
Đưa mẩu quảng cáo của công ty cắt ra trên các báo nói trên lên cho Thừa Phát Lại chuyển lên cho ông quan tòa xem xong, thầy nói:
– Thân chủ của chúng tôi cô Nguyễn Thị Hoàng sau khi mua thuốc này về và dùng đúng theo sự chỉ dẫn trong toa thuốc, ngày uống ba lần, trong suốt một tuần nhưng kết quả vẫn bị bệnh cảm cúm như thường và đây là lời chứng của Bác cĩ tại bệnh viện Đa Khoa của Qui Thành là cô Cẩm Ly bị bệnh cảm cúm vào những ngày sau khi dùng thuốc hiệu con nhện của công ty Võ Văn Dần. Thầy đưa y chứng của bác sĩ cho quan tòa xem xong. Thầy kết luận:
– Thân chủ chúng tôi đã dùng thuốc theo lời dặn trong toa thuốc và đã thực hiện đúng như trong lời quảng cáo và lại mắc bệnh cảm cúm. Tôi xin thay mặt thân chủ yêu cầu tòa buộc công ty Võ Văn Dần bồi thường cho thân chủ chúng tôi là hai chục ngàn đồng đúng như trong lời quảng cáo và phải chịu tất cả án phí tụng lệ.
Chánh án phiên xử hôm nay có tên là Lữ Tấn Phương, một trong những thẩm phán nổi danh thời bấy giờ.
Khi thầy Biệt nói xong, toà mời luật sư của bên bị đơn là nhà thuốc Võ Văn Dần lên tiếng. Trạng sư Vũ Văn Diệu trạng sư ở Cố Đô lên tiếng trước.

– Theo tôi vụ án này có ba điều mơ hồ, không thể kết luận rằng nhà thuốc Võ Văn Dần mang tội bội tín, bội ước với khách hàng được. Thứ nhất, lời quảng cáo trên báo thật mơ hồ, mơ hồ về ý niệm của thời gian. Xin tòa xem lại trên lời quảng cáo không có một dòng chữ nào hạn chế về ý niệm của thời gian. Điều này có nghĩa là sự quảng cáo trên trói buộc thân chủ là nhà thuốc Võ Văn Dần phải chịu trách nhiệm đối với người dùng thuốc trong bao lâu? Hai năm, năm năm, mười năm… về lời quảng cáo này? Đồng thời trong lời quảng cáo nói trên có sự mơ hồ về việc kiểm chứng làm sao biết khách hàng có mua thuốc của chúng tôi và dùng thuốc đúng theo lời dặn trong toa hay không? Và điều mơ hồ thứ ba là mỗi khi người tiêu dùng mua thuốc uống theo lời quảng cáo có cần phải thông báo cho nhà thuốc biết là tôi có mua thuốc của ông uống đây, và nếu tôi bị bệnh là ông phải bồi thường! Tất cả các điểm mơ hồ nêu trên không được đáp ứng thỏa mãn, nên tôi xin tòa phán quyết thân chủ chúng tôi không có nợ nần gì cô Cẩm Ly cả, và xin tòa bác đơn kiện của cô Cẩm Ly bởi sự phi lý, mơ hồ của lời quảng cáo như chúng tôi đã trình bày.

Sau lời trình bày của luật sư Vũ Văn Diệu của đất Thần Kinh, đại diện của nhà thuốc Võ Văn Dần đang có mặt tại tòa để nghe tòa xử, mặt mày coi bộ hí hửng, sáng lên. Thầy Biệt và cô Cẩm Ly thì mồ hôi vã ra trên trán. Riêng ông Bao Công mặt sắt đen sì ngồi trên bàn xử án kia thì không lộ một nét gì! Ông Bao Công Lữ Tấn Phương mới mời luật sư thứ hai của công ty bào chế thuốc lên tiếng. Luật sư Trần Quang Dũng của Sài Đô mới có dịp trổ tài, ông nói:

– Thưa quý tòa, nếu chiếu theo án lệ tư pháp từ trước đến nay chúng ta chưa có vụ án nào mà người bệnh nhân đi kiện công ty bán thuốc theo lời quảng cáo trên báo mà người đi thưa được thắng kiện cả, bởi lẽ, một quảng cáo trên báo không đủ yếu tố để hình thành một bản hợp đồng trọn vẹn đúng nghĩa giữa nhà sản xuất thuốc và người tiêu thụ. Theo luật, một hợp đồng trọn vẹn phải hội đủ ba yếu tố: Lời đề nghị (offer); sự chấp thuận (acceptance); và sự trao đổi (consideration). Nếu xem mẩu quảng cáo nói trên là một lời đề nghị và sự trao đổi là mua thuốc uống và tiền thưởng là hai chục ngàn đồng thì vẫn còn thiếu một yếu tố cần thiết nữa cho bản hợp đồng là sự chấp thuận của đàng bán và đàng mua, hay nói cách khác hơn là sự chấp thuận giữa thân chủ nhà thuốc chúng tôi và cô Cẩm Ly dùng thuốc. Thưa quý tòa, một bản hợp đồng không trọn vẹn thì không được xem như một hợp đồng, và lời quảng cáo trên không được xem như một hợp đồng chính thức giữa thân chủ chúng tôi là nhà thuốc và người tiêu thụ thì xin tòa tiêu hủy vụ án và phán vụ kiện này không đủ cơ sở để khởi tố.
Là một nhà văn có tiếng trên văn đàn, nhưng cô Cẩm Ly không giấu được nỗi xúc động của mình khi nghe hai trạng sư kia bắt bẻ, mặt cô biến đổi theo từng lời nói của luật sư bên kia, khi trắng, khi xanh. Còn thầy Biệt thì dường như đang nghĩ ngợi lung lắm. Có lẽ thầy đang nghĩ mình sẽ giải thích làm sao cho tòa hiểu được nỗi oan trái, bực tức của vợ mình. Dường như thầy có chủ đích trước và chuẩn bị sẵn sàng. Sau lời biện luận của luật sư Trần Quang Dũng đại diện nhà thuốc xong thì tòa mời thầy Biệt lên phản biện. Thầy Biệt bước ra, hai tay thầy vịn chắc trên thành ghế và từ tốn nói:

– Thưa quý tòa, chúng tôi rất đồng ý với quan điểm vừa đưa ra của người anh em ở phía bên kia là một hợp đồng trọn vẹn phải đạt đủ ba yếu tố: – Lời đề nghị – Sự chấp thuận của đối tác; và – Sự trao đổi. Tuy nhiên trên cõi đời này chúng ta còn có những hợp đồng dưới dạng khác nhau: – Hợp đồng song phương, hợp đồng đơn phương, hợp đồng bằng miệng, hợp đồng bằng chữ viết hay hợp đồng ám thị… vân vân và vân vân. Tùy theo hoàn cảnh, trường hợp khác nhau mà tòa án sẽ có những cái nhìn khác nhau khi phán quyết. Một hợp đồng song phương là thí dụ dễ hiểu nhất theo luật hợp đồng, ví dụ khi các bạn mua bán nhà. Người mua mở lời đề nghị, người bán chấp thuận và sự trao đổi là căn nhà và số tiền mà người mua phải trả. Để diễn tả hợp đồng khế ước một cách vui vui trong văn chương bình dân chúng ta có bài thơ “Thằng Bờm”. Thầy vừa đọc thơ Thằng Bờm vừa giải thích:

Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu.”

Ba câu thơ trên diễn tả một cuộc trao đổi giữa thằng Bờm và Phú Ông. Ba câu trên mở đầu cho một bản hợp đồng kỳ lạ. Phú Ông đề nghị (offer) đổi cái quạt mo với ba bò chín trâu (consideration), và thằng Bờm từ chối (no acceptance) lời đề nghị này. Lời thơ bình dân kia không dừng lại ở đó mà còn đi tiếp. Hai bên chưa đồng ý chấp thuận cuộc trao đổi ly kỳ mà còn tiếp tục thương thuyết cùng nhau.
Phú Ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè.
Phú Ông xin đổi một bè gỗ lim,
Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim.
Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi.
Phú Ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.


Bài thơ đi tiếp từ những cuộc trao đổi cao sang, quý giá xuống thang lần cho đến nắm xôi thì Bờm cười. Anh chàng Bờm này chấp thuận hợp đồng này vào giờ phút chót.

“Thông thường khế ước được lập do một bên khởi sự bằng mời chào dạm hỏi (offer) và bên kia hoàn tất bằng chấp thuận (acceptance). Thí dụ như Phú ông liên tiếp đưa lời dạm hỏi thằng Bờm đổi hết trâu bò, cá mè, gỗ lim, chim đồi mồi để lấy cái quạt mo nhưng Bờm từ chối tất cả, cuối cùng là đề nghị đổi lấy nắm xôi thì được Bờm chấp nhận, sự trao đổi giữa hai người đã hình thành một hợp đồng có hiệu lực theo luật khế ước. Tuy nhiên trong thực tế rất khó tìm được một hợp đồng hoàn hảo theo lý thuyết vì phần nhiều khế ước ẩn chứa ngôn từ mơ hồ thiếu chính xác.

Giả sử ngay từ lúc đầu Phú ông vì thích cái quạt mo quá và Bờm nhận lời ngay đề nghị đổi ba bò chín trâu, sau đó Phú ông thấy tiếc trâu mà đưa ra tòa xin đòi lại vì lẽ giá trị của cái quạt và trâu bò quá chênh lệch nhau thì chắc chắn tòa sẽ bác bỏ lời xin của Phú ông. Bờm vẫn thắng kiện vì chỉ có mỗi một cách thẩm định giá trị công bằng của cuộc đổi chác là sự tự nguyện của người mua và người bán trong việc ký kết hợp đồng.

Như vậy một khi hai người hứa hẹn và bằng lòng với nhau thì giao kết ấy luôn luôn hợp pháp? Thực ra không hẳn như vậy mà còn tùy thuộc vào tính cách hợp lệ của lời hứa theo nguyên lý trao đổi (consideration doctrine) có nghĩa là một điều gì cho đi để bù lại một điều gì nhận được từ người khác.

Theo nguyên lý này tất cả các cuộc trao đổi hai chiều đều có hiệu lực. Trở lại thí dụ chuyện thằng Bờm, Bờm nhận nắm xôi của Phú ông để đổi lấy cái quạt mo dĩ nhiên là một cuộc trao đổi hợp lệ vì cả Bờm lẫn Phú ông đều hành xử quyền tự do lập khế ước của mình do đó có thể coi như một hợp đồng có hiệu lực vì khi giao ước cả hai bên đều hiểu rõ giá trị của lời mình hứa.
Theo án lệ một khế ước hay hợp đồng không hẳn cần thiết phải viết ra thành văn bản. Chỉ cần hai bên tỏ thành ý thỏa thuận thì lời hứa miệng cũng đủ ràng buộc…”

Thầy Biệt nói tiếp:
– Hợp đồng giữa nhà sản xuất thuốc là công ty Võ Văn Dần và thân chủ của chúng tôi là cô Nguyễn Thị Hoàng là một hợp đồng đơn phương của công ty bào chế thuốc đưa ra cho tất cả mọi người trên thế gian này nhằm mục đích bán thuốc cho nhiều, hợp đồng đơn phương theo kiểu này, chính đối tác đưa ra hợp đồng đã mặc nhiên công nhận rằng mình không cần phải được thông báo để hình thành sự chấp thuận, một trong những ba yếu tố mà một hợp đồng thông thường đòi hỏi. Cũng chính vì yếu tố không cần sự chấp nhận của đối tác, nên chúng tôi kết luận hợp đồng giữa cô Cẩm Ly và công ty bào chế thuốc Võ Văn Dần đã thành lập và chúng tôi yêu cầu công ty phải bồi hoàn cho chúng tôi là hai chục ngàn đồng như trong lời quảng cáo của bản hợp đồng đã ghi rõ, và công ty phải có trách nhiệm thực hiện hợp đồng.
Thầy Biệt nói đến đây thì bọt mép sủi trên miệng thầy. Có lẽ do vì tức giận hay vì xúc động mà thầy nói liên tu bất tận không ngừng.
Đến đây thì ông tòa mặt sắt mới nghiêm mặt tuyên bố:
– Sau khi lắng nghe lời tranh biện của cả hai bên, bản tòa nhận thấy rằng nội vụ sẽ gút lại vào việc tranh luận của câu hỏi chính của vụ án này như sau:
“Khi một người đưa ra lời đề nghị đơn phương quảng cáo trên báo chí hoặc hệ thống truyền thông để bán sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt có phải họ đã mặc nhiên chấp nhận rằng người tiêu dùng không cần thông báo cho họ biết là có chấp nhận quảng cáo này không?”
Để trả lời cho câu hỏi chính này trước hết bản tòa xin nêu ý kiến về ý niệm mơ hồ và ý niệm thời gian của lời quảng cáo mà luật sư Vũ Văn Diệu trình bày ở trên. Theo sự nhận xét của bản tòa mặc dầu mẩu quảng cáo trên có phần mơ hồ về ý niệm thời gian, nhưng dịch cảm cúm vừa mới xảy ra trên toàn tỉnh của chúng ta rất gần đây và vụ án này hôm nay được tuyên xử thì ý niệm thời gian chỉ là vấn đề thời sự và yếu tố thời gian chỉ là sự thõa mãn và đồng ý của các vị luật sư trong cuộc. Hơn thế nữa luật sư Diệu còn cho rằng mẩu quảng cáo này phi lý không đáng được xem là mẩu quảng cáo nghiêm túc, bản tòa không nghĩ như vậy. Sau khi đọc kỹ mẩu quảng cáo có một chi tiết đáng chú ý bản tòa xin nhắc lại nơi đây: “Hiện công ty có để dành riêng hai trăm ngàn đồng trong ngân hàng Kỹ Thương tại đường Trần Hưng Đạo, Sài Đô để dành trả cho khách hàng nào sử dụng thuốc của công ty theo lời dặn trong toa mà còn mắc bệnh cảm cúm.” Nếu căn cứ theo lời nói này trong mẩu quảng cáo, bản tòa nghĩ rằng công ty sản xuất thuốc Võ Văn Dần khi đăng quảng cáo đã thiệt tâm muốn cho người tiêu thụ dùng sản phẩm của mình và xem quảng cáo này không phải là chuyện đùa chơi.

Bây giờ chúng ta sẽ đi đến phần chính của vụ án hôm nay là liệu rằng với những mẩu quảng cáo kiểu như vậy trên báo chí, người đứng ra quảng cáo là công ty sản xuất thuốc đã tự mình từ bỏ sự chấp thuận và không cần sự thông báo của người tiêu thụ? Trả lời câu hỏi này bản tòa khẳng định rằng câu trả lời phải ở vào thể xác định. Tức là đúng như vậy, nhà sản xuất thuốc đã mặc nhiên chấp nhận rằng người tiêu thụ không cần thông báo từ người dùng thuốc và không cần sự chấp thuận của nhà bào chế thuốc.
Khi nhận thấy cán cân công lý hơi nghiêng về phía nguyên đơn là cô Cẩm Ly qua nhận xét của quan tòa, thì hai trạng sư của nhà thuốc Võ Văn Dần bắt đầu thay đổi chiến thuật. Hai trạng sư đều nêu lên ý kiến:

– Thưa quý tòa, đây chưa phải là một hợp đồng ràng buộc cho cả hai bên. Thực ra trong mẩu quảng cáo này thân chủ chúng tôi đã thể hiện một ý định, nhưng ý định này không thành hình một lời hứa hẹn. Mẩu quảng cáo trên đây thật sự mơ hồ để hình thành nên một bản hợp đồng, nói một cách cụ thể hơn, nó không có sự giới hạn về thời gian cũng như khó lòng kiểm soát được người tiêu thụ có thật sự đã dùng thuốc và dùng đúng theo lời chỉ dẫn trong toa hay không! Những hành xử này của người tiêu thụ làm sao kiểm chứng cho nổi! Hơn thế nữa, không có sự trao đổi từ nguyên đơn – Chắc gì nguyên đơn, người tiêu thụ, đã mua thuốc của hảng chúng tôi. Biết đâu họ có thể ăn cắp thuốc và dùng rồi hô toáng lên rằng họ đã dùng đúng theo lời quảng cáo và cách chỉ dẫn trong toa thuốc mà không hết bệnh để bây giờ họ đưa nội vụ ra tòa và xin bồi thường! Lẽ ra khi mua thuốc và sử dụng thuốc, người tiêu thụ phải minh thị điều này cho mọi người biết, cho nhà thuốc biết, họ chẳng làm như vậy, họ âm thầm thực hiện việc mua và sử dụng thuốc trong bóng tối không ai biết, nay thì họ la toáng lên rằng thuốc không công hiệu và đòi bồi thường. Nếu cho rằng đây là một hợp đồng thì chúng tôi cho rằng đây chỉ là hợp đồng trên danh nghĩa là một vụ đánh cược với nhau mà thôi, mà đánh cá, đánh cược với nhau thì hợp đồng xem như vô giá trị. Chúng tôi xin kịch liệt phản đối nếu quý tòa phán rằng bản án có lợi cho nguyên đơn.

Ông thẩm phán mặt sắt Lữ Tấn Phương im lặng ngồi nghe hai đàng tranh biện. Bên nào cũng có cái lý của nó. Vụ xử xảy ra hơn ba tiếng đồng hồ. Ba chàng thư sinh áo rách cũng cảm thấy mỏi lưng. Mấy chiếc quạt máy treo trên trần cứ rù rù mà chạy, cũng không giảm được cái nóng của miền Trung.

Đến đây thì ông mặt sắt mới từ tốn nói:
– Tôi xin trạng sư của hai bên về nghiên cứu kỹ lại vụ án và nhất là nghiên cứu kỹ lại luật đối chiếu mà chúng ta đã từng học qua nơi trường luật. Tôi đã đọc kỹ vụ án trước mặt chúng ta hơn ba tháng nay và cũng đồng ý với nhận xét của luật sư Trần Quang Dũng rằng trong án lệ của chúng ta khó mà tìm thấy có vụ án nào mà người tiêu thụ đi kiện nhà sản xuất thuốc và thắng kiện. Chúng ta cũng không có bộ luật nào qui định cụ thể về trường hợp này. Đây chính là một lỗ hổng của pháp chế nước ta. Nhưng với tư cách của một thẩm phán, chúng tôi cũng xin nói rõ cho các bạn hiểu khi có lỗ hổng về pháp luật, người thẩm phán xử án phải nghiên cứu sâu về luật đối chiếu, tức là phải tham khảo thêm về luật của những hệ thống luật pháp khác ví dụ luật của hệ thống của Pháp mà chúng ta thường gọi là luật Civil hay luật của hệ thống các quốc gia nói tiếng Anh mà chúng ta thường gọi là luật Common Law, hay là luật của các quốc gia theo Hồi Giáo…chính bản thân tôi đã tham khảo thêm về một án lệ lâu đời trong luật Anh. Trong luật hợp đồng khế ước luật pháp của nước này có một nguyên tắc thường nhắc đến đó là:”Cái gì anh thấy là cái gì anh được” nguyên tắc này nếu diễn giải sang tiếng Anh để được dễ hiểu hơn đó là: “What you see is what you get.” Điển hình của nguyên tắc này nằm trong vụ án: Carlill v. Carbolic Smoke Ball Co. [1893] Q.B. 256 (C.A.).

Đây là một vụ án đặc biệt, đôi khi một lời quảng cáo trên báo chí lại trở thành một bản hợp đồng không hơn không kém. Thẩm phán Lữ Tấn Phương nói tiếp:
-Vào mùa dịch cúm năm 1892, thì bà Elizabeth Carlill, là một nhà văn và cũng là vợ của một trạng sư mua của bị đơn một loại thuốc có tên là Carbolic Smoke Ball, nhà sản xuất thuốc tuyên bố huyên hoang rằng nếu người nào dùng thuốc này sẽ trị được bệnh cúm. Công ty sản xuất thuốc còn đăng báo quảng cáo hứa rõ rằng nếu ai dùng thuốc này mà còn bị bệnh cúm thì công ty thưởng cho 100 Quan Tiền Bảng Anh. Công ty còn mạnh dạn nói thêm rằng công ty sẵn sàng để dành số tiền lá 1,000 Quan Tiền Bảng Anh trong ngân hàng Alliance dự liệu để trả cho bệnh nhân, nếu cần thiết. Bà Carlill dùng thuốc đúng như lời quảng cáo mà vẫn bị bệnh như thường. Đúng là tiền mất tật mang! Mọi việc xảy ra không đúng như lời quảng cáo trên báo. Bà Carlill đứng đơn thưa công ty bán thuốc. Nhưng công ty bán thuốc không chịu trả tiền và họ lý luận rằng những lời quảng cáo trên báo chẳng qua là những lời “quảng cáo ba xạo, quảng cáo dỏm” mà thôi, và công ty từ chối không trả tiền cho bà Carlill.

Bà Carlill giận quá đâm đơn kiện công ty bán thuốc ra tòa và bà đã thắng. Nói cho rõ thêm không thôi người thường đọc qua bản án này sẽ khó hiểu là tại sao bà thắng và bà dùng lý luận gì để thắng? Tòa căn cứ Luật Hợp Đồng Khế Ước để xử bản án nói trên. Luật Hợp Đồng Khế Ước của Anh là Luật chỉ dựa vào án lệ mà phân xử. Theo án lệ một hợp đồng thành hình phải hội đủ 3 yếu tố:
1.Offer (lời đề nghị);
2.Acceptance (chấp thuận lời đề nghị);
3.Consideration (sự cân nhắc, suy xét, trao đổi thường là bằng tiền, hay hiện vật.)
Tòa ra án lệnh công ty bán thuốc phải trả cho bà Carlill 100 bảng Anh như trong lời quảng cáo. Công ty không chịu nên nội vụ kháng cáo lên đến tòa trên.
Khi lên đến toà trên thì thẩm phán Lindley tuyên bố rằng:
“Đối những quảng cáo như vậy, người tiêu thụ chỉ cần mua và làm đúng theo lời dặn trong toa thuốc mà không cần thông báo cho nhà sản xuất thuốc biết việc sử dụng thuốc của mình.”
Khi một người đưa ra lời đề nghị đơn phương quảng cáo trên báo chí hoặc hệ thống truyền thông để bán sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt có phải họ đã mặc nhiên chấp nhận rằng người tiêu dùng không cần thông báo cho họ biết là có chấp nhận quảng cáo này không?
Thẩm phán Lindley nhận xét:

– Đúng vậy. Khi một người đưa ra một đề nghị đơn phương để bán sản phẩm của mình bằng phương tiện quảng cáo trên báo chí hoặc truyền thông thì họ đã mặc nhiên chấp nhận không cần sự thông báo của đối tác, chính là những người tiêu thụ, thông báo về sự chấp thuận của sản phẩm mình, nếu mục đích của họ là thu hút được nhiều người mua và bán được sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt.
Tòa đã từng xử rằng khi một người quảng cáo đưa ra đề nghị có thể họ đã đưa ra yêu cầu rằng họ không cần thông báo của người tiêu thụ về sự chấp thuận của mình.
Khi chấp thuận môt hợp đồng, người tiêu thụ chỉ cần làm theo lời chỉ dẫn về cách chấp thuận hợp đồng. Nếu người đưa ra đề nghị đưa ra trong quảng cáo của mình rằng họ mặc nhiên chấp nhận rằng nếu người tiêu thụ làm theo lời chỉ dẫn trên hợp đồng thì điều này đủ kết luận rằng khi thực hiện lời chỉ dẫn này thì sự thông báo chấp thuận hợp đống là không cần thiết.
– Tòa án còn đi xa hơn khi chỉ ra rằng một mẩu quảng cáo trên báo chí là một lời đề nghị đối với tất cả mọi người đủ tiêu chuẩn để chấp nhận nó. Nếu một mẩu quảng cáo như vậy thì người tiêu thụ, người đề nghị không cần phải thông báo cho người mở lời đề nghị là mình đang thực hiện hợp đồng.
Tòa án còn chỉ rõ thêm rằng, quảng cáo trên là một lời hứa nghiêm túc hay chỉ là một mẩu quảng cáo tào lao? Tòa còn đưa ra nhận xét rằng công ty Carbolic Smoke Ball đã quảng cáo rằng công ty đang có sẵn 1000 Bảng Anh trong ngân hàng Alliance Bank để trả cho những khách hàng nào mua thuốc và sử dụng thuốc mà vẫn còn bị bệnh. Tòa án quyết định xử rằng chính câu nói này chứng tỏ công ty sản xuất thuốc có ý định bày tỏ sự thành thật của mình là sẽ trả cho những ai đã dùng thuốc mà còn mắc bệnh.
Người đồng nhiệm trong hội đồng xét xử là thẩm phán Bowen cũng đưa ra nhận xét của mình. Ông nói:
– Đã đành rằng theo luật lệ của chúng ta yếu tố bày tỏ sự chấp thuận trong một bản hợp đồng là cần thiết. Người đề nghị thường khi thông báo rõ trong lời quảng cáo của mình là họ muốn có sự thông báo chấp thuận hợp đồng. Người đề nghị có thể nói rõ ra hay mặc nhiên tạo ra một cách hay một phương pháp bày tỏ sự chấp thuận hợp đồng. Người được đề nghị chỉ cần thực hiện phương pháp đề nghị đó là coi như hợp đồng đã được chấp thuận rồi. Yêu cầu sự chấp thuận của một hợp đồng theo kiểu này phải được phán đoán theo tiêu chuẩn khách quan.

Trong vụ án quảng cáo này, theo tôi chúng ta có thể rút ra được kết luận rằng người tiêu thụ không cần phải thông báo cho nhà sản xuất rằng mình đang thực hiện hợp đồng. Khi mình thực hiện những yêu cầu trong mẩu quảng cáo thì sự thông báo tự nó đã xảy ra rồi. Khi xử án chúng ta phải nhìn cho kỹ những điểm cần thiết của hợp đồng này và người mở lời đề nghị đã mở lời trong hoàn cảnh nào. Trong vụ án này, theo tôi người đề nghị không cần người tiêu thụ thông báo cho mình rằng họ chấp thuận hợp đồng.
Bà Carlill thắng kiện được tòa thưởng. Đây là một hợp đồng đơn phương bao gồm cả lời đề nghị qua quảng cáo trên báo chí của nhà bào chế thuốc và sự chấp thuận lời đề nghị nói rõ trong lời quảng cáo là người mua chỉ cần thực hiện những điều kiện nói rõ trong lời đề nghị.

Tòa cho rằng đây là một lời đề nghị hợp lệ mà ai ai cũng có thể được thực hiện được. Đây không phải là lối rao bán hàng tào lao mà bằng chứng là công ty tuyên bố rằng công ty đã gửi sẵn 1000 quan tiền trong nhà băng Alliance để chứng minh sự chân thành của quảng cáo này. Ngôn ngữ trong lời quảng cáo không phải là quá mơ hồ để được thực thi.
Thẩm phán Bowen còn đưa ra một ví dụ cụ thể hơn: Giả sử rằng tôi có con chó bị mất. Nếu tôi quảng bá với trên báo chí hay các phương tiện truyền thông rằng con chó của tôi bị mất, và bất kỳ ai mang con chó của tôi đến một địa điểm cụ thể sẽ được trả một số tiền. Thế thì tất cả các cảnh sát hoặc những người trong các doanh nghiệp chuyên đi tìm con chó con mèo hay vật bị mất hay những người thường khác chú ý đến quảng cáo của tôi và họ cố công giúp tôi đi tìm không lẽ trước khi đi tìm họ lại phải ngồi xuống viết cho tôi một lá thư lưu ý với tôi rằng họ đã chấp nhận đề nghị của tôi? Bổn phận của họ là đi tìm cho ra con chó bị mất và bổn phận của tôi là trả tiền cho họ khi họ giao con chó đến địa điểm qui định trong tờ quảng cáo.
Nói đến đây thì ông mặt sắt kết luận:

– Đứng trước bản án này, dầu phán quyết của tôi có làm buồn lòng quý vị đi nữa, tôi xin kết luận rằng hợp đồng giữa nhà thuốc Võ Văn Dần và cô Cẩm Ly là một hợp đồng đúng nghĩa. Nhà thuốc phải bồi thường cho cô Cẩm Ly đúng theo yêu cầu của luật sư của cô Cẩm Ly khiếu nại. Bên thua cuộc có hai mươi ngày để kháng cáo vụ án lên tòa trên nếu không đồng ý với phán quyết này. Ra lệnh bãi tòa!
Nói xong ông thẩm phán gõ chiếc búa gỗ trước mặt ông. Ông đứng dậy và biến mất sau khung cửa nhỏ gần bàn xử án. Mọi người lục tục đứng dậy ra về. Đại diện của công ty sản xuất thuốc mặt buồn như chấu cắn.
Giáo sư luật sư Tôn Thất Biệt dắt tay cô Cẩm Ly theo sau là đám học trò nhỏ của ông cũng vội vàng rời phòng xử án. Khi ra đến sân tòa ông nói:
– Nếu bên kia không chấp nhận phán quyết này họ sẽ kháng cáo lên tòa trên, tòa thượng thẩm Cố Đô Huế, thì đây cũng là dịp hai đứa mình về lại thăm quê. Còn nếu họ chịu thua thì mình được hai chục ngàn đồng. Chiều nay hai đứa mình dẫn mấy em ra bò bảy món Ánh Hồng ngoài bờ biển cho tụi nhỏ thưởng thức mùi bò bảy món, thưởng công cho các em đi ủng hộ tụi mình.

Phan Tấn Thiện
Toronto những ngày cuối tháng Một, 2018

Xem thêm

Nhận báo giá qua email