LTS: Nhà văn Văn Quang đã gác bút vì lý do tuổi tác, nhưng ông vẫn giữ lời hứa “hễ có gì mới là sẽ dành độc quyền cho Thời Báo” với niềm vui cuối năm dưới đây…
TB
Văn Quang
“Tổng Cóc” là cái tên thân mật chúng tôi thường để gọi ông Quốc Phong từ khi ông lên chức Tổng thư ký tòa soạn tuần báo Truyện Phim từ thời 1956-57 ở Sài Gòn. “Tổng thư ký tòa soạn Quốc Phong” nghe dài lê thê quá. Cái tên “Tổng Cóc” gọn gàng dễ nhớ, dễ gọi và nó cũng biểu lộ phần nào cái “bản tính cố hữu” của con người. Bởi Quốc Phong thẳng thắn, nóng tính, dễ nổi giận và khi đó thì anh vung chân múa tay, đập bàn xô ghế… oai như… cóc. Vả lại cái tên “Quốc” nó gần giống với “cóc” nên anh em tặng ông cái “nick name” này quá đúng. Tôi không nhớ ai đã tặng “biệt danh” đó, tôi cũng thích đặt tên cho người khác theo một cái nghĩa vui vẻ thân mật, đôi khi nó còn mang ý nghĩa của một hình ảnh, một giai thoại dù nhỏ nhưng rất riêng biệt. Tất nhiên, những cái ‘biệt danh” đó, có người thích, có người không thích, nhưng lâu dần rồi nó cũng “chết” cái tên rồi, không thay đổi được nữa. Cứ gọi như thế, “cả làng” cùng biết.
Riêng trường hợp ông Quốc Phong thì ông vui vẻ chấp nhận cái tên “Tổng cóc” mà chính ông cũng không biết “thằng phải gió nào” đã đặt cho mình. Lần đầu tiên, sau vài chục năm xa cách, từ Pháp, ông gọi điện thoại cho tôi và xưng danh ngay: “Tổng Cóc” đây”!
Nghe cái tên ấy thôi, dù xa nhau bao nhiêu năm tháng, tôi vẫn thấy chúng tôi gần gụi nhau quá, có thể cởi mở, nói tuốt hết mọi chuyện với nhau không cần giữ gìn ý tứ, khỏi phải đề phòng, màu mè. Hơn bao giờ hết, tôi nhận thấy cái “nick name” nó quan trọng với tình bạn như thế nào. Cho nên hôm nay viết những dòng tưởng nhớ anh, tôi vẫn muốn giữ nguyên cái biệt danh ấy cho gần anh thêm, như chẳng bao giờ muốn rời xa.
Một thời xưa cũ
Tôi biết anh Quốc Phong từ khi viết cho tờ báo Truyện Phim của anh Nguyễn Ngọc Linh. Hồi đó – vào khoảng năm 1957 – anh Linh đi học Mỹ mới trở về Việt Nam, tòa soạn báo còn đặt ở một ngôi nhà nhỏ đường Ký Con, thuộc Quận 1, Sài Gòn. Tuần báo Truyện Phim nhanh chóng được độc giả trẻ yêu thích. Nó được đón nhận và gây tiếng vang từ miền Nam đến miền Trung. Hầu như các sinh viên, học sinh thời đó, không ai là người không biết đến Truyện Phim. Tờ báo cũng nhanh chóng thay hình đổi dạng, trở nên bảnh bao hơn, bìa offset 4 màu, ca sĩ tài tử ngoại và VN thường được trưng lên trang bìa hàng tuần. Bài vở về “cinéma” được dịch từ những báo Tây qua Air France rất nhanh, những sáng tác trang trong hầu hết là những truyện thời đại rất thích hợp với tuổi trẻ. Đặc biệt là mỗi lần ra số Tết đều có tặng thêm một cuốn lịch năm của hãng Paramount Picture rất bảnh chọe gồm 12 trang, mỗi tháng một trang, in hình toàn những tài tử thượng thặng thời đó của Hollywood như Ava Gardner, Grace Kelly, Audrey Hepburn, Marylin Monroe, Frank Sinatra… Mỗi năm, ông Tổng thư ký đích thân đi thuê đóng tất cả những số báo trong năm, thành một tập bìa da, gáy mạ chữ vàng, tặng anh em trong tòa soạn mỗi người một cuốn dày cộm lưu giữ làm kỷ niệm. Đó là những nét rất đặc biệt của tòa soạn báo Truyện Phim mà không tòa soạn nào thực hiện.
Hồi đó tôi còn độc thân, đi chiếc xe vespa cọc cạch, mỗi tuần ít nhất phải đến tòa báo một lần đưa bài. Phóng sự tiểu thuyết “Những ngày hoa mộng” là feuilleton đầu tiên của tôi đăng trên tờ báo này. Cùng viết với tôi có Thanh Nam, Hoàng Hải Thủy, Gia Tuấn, Mai Châu… Anh em trong tòa soạn lại thường gặp nhau vào buổi chiều, buổi tối ở một nơi nào đó để cà phê, nghe nhạc. Nhà hàng La Pagode ở góc đường Tự Do còn được bày những bộ bàn ghế ra vỉa hè rộng thênh và đó cũng là nơi hội tụ của khá nhiều gương mặt những “nhà văn nghệ” của Sài Gòn thời ấy. Hầu như không ai không biết đến nhà hàng này. Muốn gặp nhau thì buổi chiều cứ đến đó.
Vào năm 1957, tôi được biệt phái lên Pleiku thành lập Đại Đội 3 Văn nghệ của quân khu 3, dưới quyền của ông tướng nổi tiếng về kỷ luật Đỗ Cao Trí. Nhưng tiểu đoàn văn nghệ của tôi lại trực thuộc trung ương nên thỉnh thoảng tôi có dịp bay về Sài Gòn. Mỗi lần như thế ông Tổng Cóc lại kéo tôi đi ăn, đi chơi và không quên nhờ viết bài giới thiệu một ca sĩ đang được yêu chuộng để làm bìa báo. Thế cho nên tôi bỗng có thêm cái nghề tường thuật về “cuộc đời ái tình sự nghiệp” của các danh ca tài tử, nhưng tôi lấy một bút danh khác: Hoài Giang Ngọc. Vì thế nên mới có chuyện trớ trêu là một nữ ca sĩ, sau khi tôi phỏng vấn và viết bài, ngay hôm báo ra, nữ ca sĩ gặp tôi và “phỏng vấn” lại:
– Anh phỏng vấn em, mà sao lại để anh “vớ vẩn” nào viết bài vậy?
Hôm đó, có mặt cả Thanh Nam, Hoài Bắc, Mai Thảo, Quốc Phong. Mọi người cười phá lên, tôi cũng cười. Thanh Nam chỉ tay lên sân khấu, lúc đó Hoài Bắc đang đứng hát:
– Người viết bài cho em là “thằng vớ vẩn” đang hát trên kia đấy.
Em ca sĩ trợn mắt:
– Ui cha, thật thế không anh?
Quốc Phong cũng hùa vào:
– Thật đấy, anh Hoài Bắc viết hay hơn nên anh đăng bài của anh ấy.
Tôi phụ họa:
– Hoài Bắc tức Phạm Đình Chương mà viết bài là nhất rồi, làm sao anh so sánh với anh ấy được.
Em ca sĩ nửa tin nửa ngờ, nhưng sau đó, đợi Hoài Bắc hát xong, em đến cảm ơn như một người lịch sự nhất thế giới. Hoài Bắc cứ ớ mặt ra chẳng hiểu chuyện gì. Nhưng bản tính vốn hiền lành, chậm chạp và ít nói nên Hoài Bắc không thể nói nhiều và nói nhanh bằng mấy người chúng tôi họp lại. Cho nên ca sĩ vẫn tin rằng người viết bài đó cho mình là Hoài Bắc. Sau này khi biết chuyện, ca sĩ đó trả thù tôi bằng cách cứ gặp tôi là chắp tay chào “Thưa chú Hoài Bắc”.
Trong số những ca sĩ mà ông Tổng Cóc đã cùng tôi đi phỏng vấn, tôi chỉ còn nhớ mang máng có nữ ca sĩ Khánh Ngọc, Kim Chi, Minh Hiếu, Lệ Thanh, Thanh Thúy, Băng Tâm, Thùy Trang…
Từ báo Truyện Phim đến Kịch Ảnh
Sau vài năm, khi tôi đã trở lại làm việc tại Sài Gòn, anh Nguyễn Ngọc Linh được lệnh động viên vào trường Thủ Đức. Tờ Truyện Phim không có chủ, Quốc Phong bèn ra riêng, làm tuần báo Kịch Ảnh. Từ đó Kịch Ảnh được cải tiến nhiều trang mục khá hay và ăn khách hơn. Chúng tôi lại có mặt, nhưng công việc của tôi cũng chẳng khác gì khi còn viết cho Truyện Phim. Và cũng theo thông lệ, hàng năm Kịch Ảnh vẫn đóng thành tập tặng cho anh em trong tòa soạn, đặc biệt cứ mỗi dịp cuối năm lại có một chầu tất niên rất linh đình. Sau mục ăn uống tất niên ở một nhà hàng thuộc loại khá sang như Văn Cảnh lại có mục đi ăn đi chơi, bất chấp sang hèn ở một bất kỳ nơi nào, theo đề nghị của đa số biên tập viên.
Lúc đó ông Tổng thư ký đã lên chức “ông chủ báo” nhưng cái tên Tổng Cóc thì vẫn còn nguyên si. Không ai gọi ông là ông chủ như ông Đinh Văn Khai hay bà chủ báo Bút Trà. Kỷ niệm của chúng tôi về cái thời làm Kịch Ảnh thì quá nhiều, không làm sao kể hết. Từ công việc của tòa soạn đến những lúc đi quay phim, ngồi đánh chắn, đánh xì và sau này là xoa mạt chược còm.
Cái số đào hoa của ông Tổng cóc
Ông Tổng Cóc cũng lại là một con người rất hào hoa và cũng có số đào hoa nữa. Ông cũng có vài mối tình với những người đẹp từng là danh ca, tài tử màn bạc. Chuyện này thì bà Quốc Phong cũng đã “biết tỏng ti” đi rồi nên tôi có nhắc lại cũng chỉ là “ca tụng” một người đàn ông mà thôi. Có lần tôi đến tòa soạn báo Kịch Ảnh, lúc đó đã dọn về ngôi nhà 69 Cống Quỳnh cũng là nhà riêng của gia đình Quốc Phong, bà Thuận nói ngay: “Ông có muốn tìm ông Quốc Phong nhà tôi thì đến nhà cô XY… mà tìm”. Tôi hiểu ngay rằng bà… hơi ghen một tí đấy, nhưng đó là chuyện tất nhiên của những bà vợ, ai chẳng vậy. Tôi chỉ thầm phục bà Thuận là cái ghen của bà rất trầm tĩnh, dường như bạn bè không ai biết. Bà ghen nhưng vẫn giữ gìn thể diện cho chồng con và hàng tuần bà vẫn tiếp chúng tôi đến nhà đánh chắn, ăn cá nướng, đớp bún chả tưng bừng, trong khi ông Tổng nhà ta lợi dụng lúc bà bận rộn cũng lỉnh đi chơi với đào như thường. Vậy mà vợ chồng ông vẫn sống rất hòa thuận cho đến cuối đời. Sang đến Pháp cũng lại thỉnh thoảng giở bài ra đánh chắn với những người bạn Việt kiều ở quanh đó.
Từ Kịch Ảnh đến Liên Ảnh và Chân Trời Tím
Làm báo kịch Ảnh được vài năm, một bữa ông Tổng Cóc quyết định làm phim và ông tập hợp 7 hãng phim lớn ở Sài Gòn thời đó như Mỹ Vân, Alpha… thành lập công ty Liên Ảnh để làm cuốn phim “CinémaScope” màu đầu tiên ở VN. Ông đến gặp tôi để bàn về việc lấy truyện dài Chân Trời Tím quay thành phim. Đạo diễn đầu tên mà ông nhắm tới là Hoàng Vĩnh Lộc, tài tử ông dự định chọn một số người khác chứ không phải là thành phần tài tử đã đóng phim Chân trời tím. Nhưng sau đó, vì là một công ty nên có nhiều ý kiến khác nhau, cuối cùng công ty chọn đạo diễn Lê Hoàng Hoa, nữ tài tử chính Kim Vui, nam tài tử Hùng Cường. Mai Thảo và tôi được yêu cầu viết kịch bản đối thoại (bây giờ gọi là kịch bản văn học). Tôi mù tịt về cách viết kịch bản nên phải mang giấy bút đi học Hoàng Vĩnh Lộc và Hoàng Anh Tuấn. Hai tháng sau truyện phim mới hoàn thành. Tôi gặp Lê Hoàng Hoa để thảo luận về truyện phim trên chuyến máy bay từ Sài Gòn đi Nha Trang và vỏn vẹn một ngày trước khi quay cảnh đầu tiên ở tiền đồn Suối Dầu. Tôi cũng là người của quân đội, được Bộ Tổng Tham Mưu cử đi phối hợp các lực lượng yểm trợ cho những cảnh quay lớn gồm có căn cứ Không quân, Hải quân Nha Trang, trường Hạ Sĩ Quan và Trường Biệt Kích ở Động Bà Thìn, Cam Ranh. Và như thế nghiễm nhiên bước lên vai “cố vấn quạt mo về quân sự” cho cuốn phim. Mãi đến lúc đó chúng tôi mới quyết định mời nữ ca sĩ Mộng Tuyền đóng một vai trong cuốn phim này.
Hồi đó nhà văn Đỗ Tiến Đức còn làm Giám đốc Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia, kiêm Giám đốc Đài Truyền hình VN cho nên Chân Trời Tím được sự yểm trợ tối đa. Quốc Phong, Đỗ Tiến Đức và tôi chỉ gặp nhau đúng một lần, mọi chuyện đã trở nên xuông xẻ ngay, không có một trở ngại nào đáng kể.
Tuy vậy, thú thật là tôi cũng không hy vọng gì nhiều vào tương lai cuốn phim. Nhất là thành phần tài tử, không những chỉ mình tôi mà ngay cả những người xung quanh tôi cũng không yên tâm. Nhưng dù sao tôi cũng chẳng có quyền hạn gì và cũng chẳng biết gì về việc quay phim. Một đôi lần được hỏi ý kiến, tôi mang hết những hiểu biết về quân sự của mình ra bàn bạc. Ngay cả khi Hùng Cường đóng vai hạ sĩ nhất, anh cũng chưa biết cái “lon” của nó đeo ra sao, ở cánh tay hay trên cầu vai. Tôi phải đưa Hùng Cường đi mua “lon” và đích thân “gắn lon” cho anh ấy. Bọn trẻ bu lại coi danh ca cải lương đông quá.
Nhưng như nhiều bạn đã biết, cuốn cinemascope Chân Trời Tím đã thu hút một lượng khán giả rất lớn và gây một tiếng vang đáng kể. Ông Tổng Cóc hỉ hả trả cho tôi một khoản tiền và sau đó, khi phim mang sang chiếu ở Lào và ở Pháp, ông cũng không bao giờ quên tôi. Nhờ vậy tôi mới có được chiếc Toyota vi vút với thiên hạ. Xin cảm ơn ông Tổng Cóc.
Người “chạy nhanh” nhất Sài Gòn
Vào khoảng cuối tháng 2 – 1975, tức là trước ngày “bể dĩa” 30-4-1975 hơn một tháng, khi tôi chuẩn bị đưa phái đoàn đi du hành quan sát ở Đài Loan thì ông Quốc Phong đang xin giấy tờ đi Pháp dự Đại Hội Điện Ảnh. Buổi tối sau cùng, chúng tôi ăn cơm ở nhà Phương Hồng Hạnh cùng một số bạn bè, sau đó đi ăn chơi ở Bar Dancing Tự Do. Lúc đó Quốc Phong mới rù rì với tôi, đã bán nhà bán xe và mang theo cả vợ con đi Pháp. Tôi hiểu ngay anh đã có dự tính ở hẳn lại Pháp rồi. Anh còn bày tỏ ý định muốn mở một cửa hàng ăn ở Marseille là nơi anh đã có một người bà con ở đó. Chúng tôi bắt tay nhau từ biệt trong bóng tối của Tự Do. Thầm hiểu lần gặp nhau này khó mà có cơ hội gặp lại. Tuy vậy cũng chưa ai có thể dự đoán được tình hình sẽ bi đát như thế nào.
Khi tôi ở Đài Loan về thì Quốc Phong đã ra đi rồi. Anh có người con trai duy nhất sau Hồng Vân là Nguyễn Văn Thông. Cậu con trai đeo cặp kính cận thường hay ra tòa soạn báo Tiếng Vang ở đường Phạm Ngũ Lão ngồi với mẹ. Cậu ngồi oách lắm và tập làm “trị sự” nối nghiệp bố. Nhưng vào khoảng năm 1972 đã sang Thụy Sĩ du học, cả cô con gái út là Ngân Hà cũng đi du học ở Thụy Sĩ sau khi có bằng Tú tài 2. Còn Hồng Vân có gia đình riêng nên ở lại Sài Gòn, đến năm 79 mới vượt biên đến Thái Lan và Tổng Cóc qua đón mẹ con Hồng Vân qua Nice đoàn tụ. Ai cũng nói là ông Tổng Cóc khôn và “chạy nhanh” nhất Sài Gòn.
Hoảng hồn vì được gửi tiền
Sau này, khi tôi từ “trại cải tạo” ra, đói rách thê thảm. Có tới bốn năm cái “không”: Không nhà cửa, không vợ con, không hộ khẩu, đi ở nhờ, nhất là không tiền. Bỗng một hôm nhận được một khoản tiền 1.100 quan Pháp của ông Nguyễn Văn Hanh gửi về từ Pháp. Lúc đó còn phải lãnh tiền ở đường Cô Giang, chợ Cầu Ông Lãnh. Tuy cánh cửa nhà nước đã hé mở tí ti, nhưng vẫn còn phải khai báo lôi thôi lắm. Tôi vừa khai báo xong thì một ông đúng người Bắc kỳ 75 thứ thiệt bèn xán lại hỏi tôi:
– Ông Nguyễn Văn Hanh có phải là Quốc Phong không và bây giờ ông ấy ở đâu? Ông quen với ông Hanh như thế nào?
Tôi hoảng hồn, cứ nghĩ là ông nào theo dõi mình, dò xét xem “cái sự liên hệ của bọn văn nghệ” này ra sao, có làm gì “phản động” không. Vừa ở trại cải tạo ra, những sự nghi ngại như thế là hoàn toàn “đứng đắn”, vừa ra lại vô ngay thì cuộc đời còn gì nữa. Thế nên tôi trả lời u ơ rồi lỉnh ra chỗ khác, chờ lãnh tiền xong là tôi biến. Nhưng sau này bình tĩnh lại mới chợt nghĩ ra rằng nếu là công an thì họ vào thẳng quầy trả tiền hỏi lý lịch, chứ cần gì hỏi tôi. Có thể đó chỉ là người nhà hoặc người cùng làng với ông Quốc Phong từ Bắc mới vô Nam mà thôi.
Tôi cũng hơi yên tâm, lúc đó tôi mới trả lời ông Tổng Cóc là tôi đã nhận được tiền và cũng nhờ món tiền đó tôi hiên ngang xin ghi tên theo học lớp vi tính ở trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn vào những khóa đầu tiên mà hồi đó chưa có Windows nên các thày cô giáo phải dạy tôi học vỡ lòng từ hệ điều hành dos.
Tôi lại phải cảm ơn ông Quốc Phong một lần nữa vì cái nghề mới mẻ này tôi đã học được và có thể kiếm cơm ngay sau đó ít lâu và cũng nhờ nó tôi có can đảm ở lại Sài Gòn. Sau này cứ mỗi năm, đến gần Tết, ông lại gửi cho tôi đúng một ngàn quan Pháp. Tôi biết là ông đã trích trong số tiền “già” ít ỏi mà ông đang nhận được chứ không làm ăn buôn bán gì.
Nhiều lần ông điện thoại hỏi tôi có nên về Việt Nam chơi không. Những năm đầu tôi trả lời khoan đã, đợi xem thế nào. Vài năm sau, tôi thấy có thể về chơi được nên mạnh dạn nói với ông: “Già rồi, ông còn làm được cái cóc gì nữa mà người ta làm gì ông. Tôi thấy có thể về được đấy”. Vậy mà hai ba năm sau, ông mới trở về. Hai vợ chồng và cậu con trai cùng cô con gái út và chồng kéo nhau đến nhà tôi vào một buổi chiều tối. Cậu con trai bây giờ đã là kỹ sư làm việc cho một hãng nước ngoài. Tôi chợt nhớ tới hình ảnh anh “nhóc” đeo kính cận hạng nặng ngồi với mẹ ở tòa soạn báo Tiếng Vang xưa. Lúc này cậu cũng viết lách như một thú vui và ký tên Nguyên Ngã. Còn cô con gái út, ngày nào chỉ thích ôm con mèo chạy lăng xăng hết trên lầu đến dưới nhà, bây giờ cũng đã có hai con. Cuộc đời trôi nhanh quá.
Chúng tôi cùng hiểu rằng về VN lần này chắc là lần cuối. Đó là tâm trạng của hầu hết ông bạn già của tôi, muốn được trở lại nhìn quê hương, thăm họ hàng anh em một lần trước khi không bao giờ về được nữa. Dịp đó cũng là dịp đứa cháu ngoại của ông còn ở lại Sài Gòn với bố, lấy chồng ở Đan Mạch. Chúng tôi vui vẻ đi ăn cưới và đến nay thì cô cháu ngoại ở Đan Mạch cũng đã có một đứa con trai và cũng đã sang Nice thăm cụ cố ngoại trước khi cụ mất ít ngày. Thế là ông Tổng Cóc của tôi đã đạt được cả hai ước nguyện: về thăm quê hương và bế đứa chắt đầu tiên của mình. Đó là điều an ủi cuối cùng cho ông bạn tôi.
Trước tết vài ngày, năm nào ông cũng gọi điện thoại cho tôi ngay lúc ở bệnh viện về đến nhà ở Nice. Ông cũng than mệt mỏi, không ăn uống gì được và chỉ mong được ra đi. Tôi không chờ đợi nhưng cái tin buồn kia rồi cũng đến. Hồng Vân kể lại, ông ra đi nhanh chóng nhẹ nhàng trong giấc ngủ với gương mặt hiền hòa toại nguyện, vì đã gặp lại tất cả các con cháu và nói chuyện lần cuối cùng với những người thân thiết trong đời.
Vào một buổi sáng sớm ngày 28-2-2005 tức là ngày 20 tháng giêng năm Ất Dậu, theo thường lệ, tôi mở hộp thư điện tử, đã thấy ngay cái tin buồn của Hồng Vân, con gái anh Quốc Phong, từ Houston gửi cho tôi báo tin “Nhà báo Quốc Phong nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Tiếng Vang và tuần báo Kịch Ảnh, nguyên chủ tịch Hội Chủ Báo, Giám đốc hãng phim Liên Ảnh Công ty, vừa từ trần lúc 8 giờ sáng ngày 28 tháng 2 năm 2005 tại Nice – Pháp Quốc. Hưởng thọ 82 tuổi.”
Thật ra, đây là điều chúng tôi đã nhìn thấy từ lâu, từ một hai năm trước đây, khi bệnh tình của anh trở nặng, phải vào bệnh viện để cắt một phần bên phổi và một miếng gan. Sau đó phải làm chimo để ung thư không bị lan thêm ra. Mỗi lần vào thuốc như vậy anh rất khổ sở, mệt mỏi, buồn nôn. Thuốc đã làm rụng hết cả tóc .Đã có thời kỳ anh điện thoại cho tôi nói “không đi bệnh viện nữa vì chịu không nổi mỗi lần vào thuốc (làm chimo), muốn “đi” sớm cho đỡ khổ và khỏi làm phiền bà Thuận (vợ anh) nay cũng đã già yếu rồi”. Trước tình cảnh ấy tôi chẳng biết nên nói với anh câu gì. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện cho anh mà thôi.
Gặp lại các con ông Tổng Cóc
Vậy mà nửa thế kỷ sau, ngày 27 tháng 11-năm 2017 vừa qua, những người con ông Quốc Phong từ Pháp về VN tìm đến thăm tôi. May mà tôi còn nhớ các cháu vì hồi tôi làm báo cùng với ông Quốc Phong các cháu cũng đã gần 10 tuổi cả rồi. Tất cả 6 cô cậu vợ chồng các cháu kéo đến nhà.
Người anh cả là cậu Nguyễn Văn Thông tức Nguyên Ngã hướng dẫn các anh em đến trong khi tôi quá mệt, nhưng gặp các cháu bỗng tươi tỉnh hẳn lại và cố gắng lết ra salon ngồi nói chuyện ngày xưa.
Các con ông đều đã trưởng thành ngồi nhắc lại chuyện xưa để được sống lại một thời xưa cũ, chúng tôi tưởng như chưa xa nhau bao giờ. Tình nghĩa ngày xưa gắn kết chúng tôi lại như anh em con cháu trong một nhà.
Rất may bà Quốc Phong vẫn còn thọ 90 tuổi ở Pháp. Cháu Thông móc điện thoại cho chúng tôi nói chuyện ngày xưa với nhau. Bà Thuận vẫn còn tinh tường lắm nói chuyện rất trôi chảy, dường như bà chưa quên bất cứ con phố nào ở Saigon xưa.
Đúng là một ngày cuối ngày cuối năm của đời tôi rất trọn vẹn. Tôi không mong gì hơn nữa. Tôi xin chia sẻ hình ảnh và tâm trạng này cùng bạn đọc của tôi.
Văn Quang