San Hà
Tại bệnh viện Truyền máu huyết học ở TPHCM, tháng 9/2018 anh D. được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, bác sĩ T. thông báo anh chỉ sống từ 3-6 tháng nữa. Tuy nhiên bác sĩ có một loại thuốc chích giúp tăng sức đề kháng, kéo dài sự sống. Mỗi mũi chích giá 3 triệu đồng. Anh D. đã đưa tiền tận tay cho bác sĩ T. rất nhiều lần nhưng không nhận được hóa đơn chứng từ nào.
Số tiền nộp cho bác sĩ lấy từ người vợ tần tảo bán từng ly cà phê tích cóp cộng với tiền vợ chồng dành dụm nhiều năm. Khi mắc bệnh, anh không những thất nghiệp mà vợ cũng phải nghỉ việc để chăm sóc chồng. Con gái duy nhất của anh nhiều lần xin nghỉ học để dành tiền chữa trị cho cha
Anh D. cũng từng chứng kiến một nam bệnh nhân nghèo đã phải đi xin từng người một, hai trăm ngàn đồng để có tiền nộp cho bác sĩ T.
Anh N., 26 tuổi, cho biết gia đình toàn là nông dân ở quê khổ cực, lạ nước lạ cái lên đây chữa bệnh và hoàn toàn đặt hết niềm tin vào bác sĩ. Anh đã đưa cho bác sĩ T. 14,5 triệu đồng để mong chữa bệnh cho người thân. Bà N.T.D.H. cũng nhiều lần đưa tiền cho bác sĩ T. với giá 3,5 triệu/mũi để chữa trị cho người nhà. Khi hỏi hóa đơn để mang về địa phương xin giúp đỡ thì bác sĩ trả lời lấy hóa đơn thì khỏi chích!
Sau khi chứng kiến những bệnh nhân nằm cạnh đã đưa tiền cho bác sĩ T. nhưng vẫn tử vong, anh D. bức bối cầm lấy con dao gọt trái cây tìm bác sĩ T. hỏi chuyện. Hành động này đã gây “náo loạn” cả bệnh viện.
Vợ chồng anh X. đưa con nhỏ 5 tuổi từ quê lên bệnh viện chữa bệnh. Mặc dù được bảo hiểm y tế 100% nhưng đã tốn cho bác sĩ T. khoảng 27 triệu đồng cho thuốc kích thích ăn ngon, xét nghiệm bên ngoài… mà anh không nhớ rõ từng khoản. Khi thấy một người nhà bệnh nhân cầm dao rượt chém BS T. thì anh mới biết té ra bấy lâu nay mình bị gạt.
Lúc này, câu chuyện bác sĩ T. lừa bệnh nhân mới vỡ lở khắp bệnh viện và lan ra báo chí. Không thể đếm được đã có bao nhiêu bệnh nhân bị “vòi” tiền như vậy. Vợ bác sĩ đã vội vàng trả lại ba bệnh nhân 48,5 triệu đồng. Truy ra với thủ đoạn xét nghiệm “dùm” máu và chích kháng sinh tăng cường đề kháng, bác sĩ T. đã lợi dụng tình trạng tuyệt vọng trước căn bệnh ngặt nghèo để lừa của 15 bệnh nhân số tiền 81 triệu đồng. Dĩ nhiên chẳng có xét nghiệm hay chích thêm thứ thuốc nào cả. Các bệnh nhân vẫn được chữa trị theo đúng phác đồ của bệnh viện.
Ông bác sĩ T. Này không những chữa bệnh tại bệnh viện Huyết học mà còn giảng dạy của đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Tư cách như vậy mà còn dạy dỗ sinh viên thì đáng sợ thật!
Tấn công tính dục trong thang máy
Vụ “cưỡng hôn” trong thang máy khiến dư luận ầm ĩ suốt mấy tuần qua.
Chẳng là khoảng 22 giờ đêm 4-3, tại khu chung cư Golden Palm, (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Lúc đó, cô V. (20 tuổi, hiện đang là sinh viên của đại học) cùng em gái vào thang máy để lên phòng. Lúc này, trong thang máy còn hai người đàn ông khác.
Khi một người đàn ông lớn tuổi và em gái của cô rời thang máy, người đàn ông còn lại nhanh chóng tiến lại gần để xin số điện thoại làm quen. V. từ chối. Khi thang máy đi đến căn condo của V., gã đàn ông lạ mặt bất ngờ chặn cửa, không cho cô đi ra, đồng thời có những hành động sàm sỡ. Trong lúc cố gắng vùng vẫy để thoát, V. bị trầy xước ở mũi và tay, tinh thần hoảng loạn…
Hình ảnh từ camera trong thang máy tòa nhà cho thấy người đàn ông này ôm, ghì cô gái trẻ mặc cho nạn nhân chống cự. Sự việc diễn ra trong chốc lát, cô gái cố gắng thoát ra khỏi thang máy nhưng người này vẫn cố tình tóm lấy tay giữ lại.
Nạn nhân đã trình báo ngay vụ này với Ban Quản lý tòa nhà và cảnh sát phường. Sau đó, cô gái cũng nhận được tin nhắn của người đàn ông trên với nội dung: “Em cũng không nên đưa sự việc đó lên vì đưa lên cũng hay ho gì cho em đâu”.
Người đàn ông này sau được xác định là Đỗ Mạnh Hùng. Điều đáng nói là anh ta không phải xuất thân thành phần bất hảo, mà đã có gia đình và làm quản lý văn phòng xuất nhập khẩu lao động cho một người bạn tại chung cư Golden Palm.
Kết quả là Đỗ Mạnh Hùng bị phạt 200.000 đồng (chưa tới 10 đô la). Tối 13/3, tại Công an quận, Hùng đã xin lỗi cô V. nhưng đã tránh không đến xin lỗi chị tại chung cư Golden Palm sau đó trước sự chứng kiến cư dân tòa nhà, công an quận… như dự kiến
Mãi sau cô V. chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Công việc, chuyện học hành của cô bị ảnh hưởng khi nhớ lại hình ảnh Hùng tỏ ra thỏa mãn vuốt vuốt tóc tai sau khi sàm sỡ cô, tiếp đó là thái độ cười cợt, đểu giả khi xin lỗi với giọng thách thức và ra giá “em thích quà gì anh sang Singapore mua tặng”.
Sự việc không dừng ở đây khi mọi người nhất tề phản đối vì cho rằng đây là mức phạt quá nhẹ không đủ sức răn đe.
Cac ý kiến cho rằng mức phạt rất “vui vẻ” thế này sẽ khiến nhiều kẻ bệnh hoạn “được truyền cảm hứng” để làm những hành động tương tự hoặc tệ hại hơn. Phụ nữ và trẻ em là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ mà mức phạt cứ như một trò đùa nhởn nhơ với pháp luật…
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng vụ này phải được xếp vào hành vi quấy rối tình dục, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác để chịu hình phạt cao hơn, chứ không phải chỉ bằng cái giá ngang với vài ba cốc trà sữa, trà chanh mà thôi!.
Phụ nữ sợ hãi tự hỏi giờ làm sao dám đi thang máy một mình, ai dám chắc hành vi tấn công dừng lại ở mức đó, khi mọi hành động sàm sỡ chỉ phải trả với cái giá rẻ mạt.
Trách chi gần đây các vụ trọng án hãm hiếp, cưỡng dâm gia tăng chóng mặt. Chẳng qua vì đã không được ngăn chặn, trừng phạt thỏa đáng ngay từ đầu.
Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy vào nội đô
Hà nội mặc dù đã mở rộng diện tích ra rất nhiều, nhưng hình như việc giãn dân không hiệu quả mấy vì nạn kẹt xe vẫn xảy ra ngày càng nghiêm trọng. Thay vỉ chỉ kẹt xe vào giờ cao điểm tan tầm thì các con đường huyết mạch vẫn nhất định kẹt cứng suốt ngày.
Nguyên nhân được chỉ ra ngay chính là số lượng xe cộ gia tăng khủng khiếp. Hà nội hiện có khoảng 6 triệu xe hơi và xe máy, thêm 2 triệu xe vãng lai và 1 triệu xe công an, quân đội. Không kể các trường đại học, bệnh viện lớn và chung cư mấy chục tầng cứ thi nhau mọc lên tua tủa chóng cả mặt.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải hỏi tại sao cứ phải dùng xe gắn máy làm chi cho khổ. Nếu muốn mua con gà sống, có thể đi bằng xe đạp, mua nhiều gà hơn thì ngoắc taxi. Sở dĩ chỉ dùng hai loại xe này vì xe công cộng cấm chuyên chở các loại động vật. Gà chó mèo… đều không được bước lên xe buýt. Giám đốc đưa thí dụ con gà sống vì Hà nội vẫn còn quá nhiều chợ cổ truyền hiện diện khắp nơi và người dân vẫn giữ thói quen lựa bó rau, con gà, miếng thịt tươi hàng ngày ở những khu chợ gần nhà, tiện đường ghé này hơn là vào siêu thị mua thực phẩm cho cả tuần.
Cần cấp thiết đưa ra các biện pháp hạn chế xe. Ví dụ nên thu phí của một số xe dễ gây kẹt xe và ô nhiễm, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030 bằng cách ngưng đăng ký xe máy mới…
Anh thợ điện giống như thợ sửa ống nước, sửa máy lạnh, người giao hàng… trả lời họ phải chở đồ nghề từ chiếc khoan điện đến búa, kìm, tua vít… rồi cả bình gas bơm cho máy lạnh… lỉnh kỉnh trăm thứ đi xa gần, ngoắt ngoéo trong những hẻm bàn cờ dài dằng dặc hàng trăm mét, rẽ ra vô số ngõ ngách buộc phải dùng xe gắn máy chứ không thể đạp xe đạp tà tà được. Kế mưu sinh của hầu hết dân lao động thành phố đều tùy thuộc vào xe gắn máy. Ngoài ra chiếc xe còn chở cả một gia đình từ đi học, đi làm, khám bệnh, mua sắm chợ búa… Kinh tế nhỏ lẻ, quy hoạch đô thị manh mún và trong nhiều năm tích cực phát triển xe gắn máy đã đưa tới hậu quả này.
Thiên hạ nhao nhao phản đối bởi đề nghị đưa ra mà không có các biện pháp thích hợp đi cùng. Bỏ xe máy và xe hơi thì phải thay thế bằng một loại xe công cộng nào khác. Thế nhưng trong vòng 10, 15 năm tới, giao thông công cộng ở Hà Nội mới tăng lên được 20-25%, chưa thể hoàn thành 5 tuyến đường sắt đô thị vì tiền đầu tư lớn (1-2 tỷ USD mỗi tuyến), xe buýt cũng khó tăng thêm khoảng 1.000 xe, đi bộ không có vỉa hè, muốn dùng xe buýt không có chỗ gửi xe đạp, xe gắn máy và không có các đường buýt thuận tiện khắp nơi, xe buýt ngừng không đúng giờ và có khi bỏ trạm, xe điện ngầm chưa có, đường sắt trên cao ì ạch làm mãi không xong…
Vì vậy nếu hạn chế xe cá nhân thì “người dân không biết đi bằng gì”? Ngoài ra nếu khuyến khích dùng xe đạp thay vì xe máy thì có gì khác nhau. Ngược lại còn kẹt xe dữ dội hơn vì xe đạp chạy chậm hơn xe máy.
Thành thử chuyện kẹt xe xem chừng vẫn rối như mớ bòng bong. Trong lúc đợi giải quyết, người dân vẫn tiếp tục kiên nhẫn kẹt xe mệt mỏi trong nhiều năm trước mắt vậy!
Mất tiền cho… Quỹ có đòi được không?
Năm 2004, Quỹ hỗ trợ nông dân xã (gọi tắt là Quỹ) được thành lập nhằm huy động vốn để hội viên được vay khi gặp khó khăn trong cuộc sống hoặc cần làm ăn buôn bán. Thế nhưng khi người thân đau ốm cần tiền đi chữa bệnh, đám cưới con không có tiền, con cần tiền để đi xuất khẩu lao động… thì nhiều tháng qua, gần 70 gia đình xã Quỳnh Tân, (Quỳnh Lưu, Nghệ An) mòn mỏi đi đòi vẫn không rút được số tiền 2tỉ1 gửi tiết kiệm từ Quỹ.
Ông Hồ Sỹ Lâm – 64 tuổi, ngụ xóm 11, xã Quỳnh Tân – cho biết, từ năm 2010 đến đầu năm 2018 gia đình ông gửi 100 triệu đồng vào Quỹ. Đây là số tiền gia đình ông gom góp từ bán gà, bán lúa, bán nhung hươu… Cứ ba tháng, ông đi nhận tiền lãi. Tuy nhiên, từ tháng 7-2018 đến nay, ông Lâm không còn nhận được tiền lãi và không thể rút 40 triệu đồng vốn. Ông phải bán hai con hươu để lấy tiền cưới vợ cho con trai. Mới đây, do không thể rút tiền nên ông phải vay mượn 15 triệu đồng đưa vợ đi mổ mắt.
Ông Lâm bực tức nói:
– Lúc gửi vào thì dễ, cam kết đủ điều nhưng đến khi cần thì chúng tôi không thể rút tiền của mình. Đó là tiền mồ hôi, nước mắt của chúng tôi chứ phải tiền nhặt ngoài đường đâu
Anh Hồ Sỹ Sơn (con trai ông Lâm) gửi 42 triệu đồng vào Quỹ nhưng cũng không thể rút ra. Qanh cho biết:
-Lúc đầu gửi tiền rất dễ dàng vì tôi nghĩ gửi ở xã vừa dễ lấy tiền lãi vừa giúp được các gia đình khác khó khăn từ tiền nhàn rỗi của gia đình. Nhưng đến khi cần thì không thể rút tiền của mình. Lần nào lên hỏi họ cũng bảo tiền trong quỹ đã hết.
Tương tự, ông Hồ Ngọc Đắc (trú xóm 1, xã Quỳnh Tân) năm 2016, gửi vào Quỹ hơn 100 triệu đồng, lãi suất 0,7% (hiện hạ xuống 0,6%). Thời gian đầu, ông Đắc được trả tiền lãi và rút 50 triệu, hiện còn 50 triệu đồng kẹt cứng đó.
Ông Đắc lo lắng:
-Nhiều lần chúng tôi lên rút tiền nhưng Ban quản lý nói chưa nhận bàn giao từ BQL cũ nên chưa trả được. Nghe nói Quỹ này sẽ không hoạt động nữa. Vậy tiền của chúng tôi đi đâu?
Nhiều lần lên xã xin rút tiền gửi để cho con đi xuất khẩu lao động nhưng đều không được, bà Nguyễn Thị Nga – ngụ xóm 2, xã Quỳnh Tân, than thở:
-Bây giờ không biết đòi ở đâu. Nếu họ dùng tiền chúng tôi để cho vay thì phải đòi về để trả cho chúng tôi chứ?
Trong thực tế, Ban quản lý đã cho vay không đúng quy định. Nhiều gia đình vay nhiều lần và số tiền vay vượt quá mức quy định. Đáng lẽ mỗi lần chỉ được vay 10 triệu nhưng ông U. được vay hơn 1,4 tỉ đồng dù không có hồ sơ vay tiền; nhiều phiếu chi không có các chữ ký theo quy định, các phiếu vay “khống”… cho nên không lạ khi quỹ bị thâm hụt.
Thôi thì bắc thang lên kiện ông Trời vậy chứ biết sao bây giờ.
San Hà