HỎI:
Em có nỗi khổ tâm không biết chia sẻ với ai hay nhờ ai cố vấn, em làm phiền cô, mong cô đọc kỹ thư này của em và cho em một lời khuyên.
Em 24 tuổi, đến Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình được hơn một năm rồi. Ở Việt Nam, em ở tỉnh. Em có bằng trung học và có đi học anh văn ở một lớp chuyên dạy cho người chuẩn bị xuất cảnh. Em cũng có học làm tóc và móng tay để có một nghề mưu sinh.
Qua đây, em học lái xe, thi đậu bằng chỉ một lần và em đã tự lái chừng ba tháng nay, đứng chung bảo hiểm với chị em. Em cũng đã ghi tên học lại một lớp tóc và móng tay advanced, lấy được chứng chỉ hành nghề và tìm được việc làm rồi. So với nhiều người khác cùng hoàn cảnh, em tự thấy em tiến rất nhanh và ổn định đời sống tương đối không khó khăn lắm.
Về ngoại hình, em chỉ trên trung bình đôi chút nhưng vì em biết săn sóc mình nên cũng dễ coi theo câu nói phổ thông của mọi người: “nhất da, nhì dáng,” em may mắn được cả hai. Mới đây, em được bạn bè mai mối một anh kỹ sư công nghệ. Anh rất dễ thương, vui vẻ và hòa nhã. Cả anh và em đều thích nhau nên tụi em bắt đầu hẹn hò đi chơi, đi uống cà phê, ăn tối và nghe nhạc. Những ngày thời tiết tốt, tụi em đi biển. Trong câu chuyện trao đổi, em đối đáp với anh trôi chảy, không có sự lệch lạc nào khiến đôi bên có mặc cảm về nhau. Tuy em chưa đi học lại ở college vì còn phải lo đời sống thực tế, vả lại năm đầu nhập cư, học phí đại học cao mà em có thu nhập nên không được hưởng quyền lợi gì hết nhưng em vẫn tự học bằng mọi cách, mọi cơ hội. Em ráng coi truyền hình Mỹ, đọc tin tức trên Internet dòng chính và của truyền thông cộng đồng để bổ túc sự hiểu biết riêng. Có điều trước đây em học tiếng Anh ở Việt Nam, lại dưới tỉnh nên phát âm của em học từ thầy Việt Nam nay qua Mỹ thấy khác quá, em không nghe kịp và khi nói cũng hơi có vấn đề do em phải làm câu sẵn trong đầu nên có phần lúng túng và hơi quê. Em rất mắc cỡ, nhất là khi tới tiệm ăn của ngưởi Mỹ, em cứ phải nói tiếng Việt với anh. Những lần như vậy, anh khuyến khích em tự gọi món ăn cho quen nên em càng mắc cỡ hơn nữa và có khuynh hướng không muốn đi ăn ở tiệm Mỹ hay tiệm không phải Mỹ nhưng nói tiếng Anh.
Chuyện trở thành nghiêm trọng khi anh đem em về giới thiệu với gia đình anh. Hai bác thì thông cảm song các chị em của anh thì cứ xa gần chê em không có trình độ đại học. Tệ nhất là khi đứa con trai lên 6 của bà chị lớn tới bên em, khoe đồ chơi và hỏi ý kiến em về món đồ chơi của bé, nói bằng tiếng Anh và em trả lời bé theo những gì em nghĩ thì bé quay qua hỏi mẹ “Cô ấy nói gì vậy mẹ?” Bà chị liếc nhìn em rồi trả lời con: “Ờ, mẹ cũng không hiểu cô nói gì? Cô mới ở Việt Nam qua!” Thằng bé hỏi tiếp: “Vậy người Việt Nam không đi học hả mẹ?”
Câu chuyện tới đây dừng lại vì ba của anh can thiệp, không cho cháu bé hỏi lung tung nữa nhưng em cảm thấy bị tổn thương và rất buồn tủi. Trên đường đưa em về lại nhà em, anh an ủi em nhưng đồng thời cũng gần như thúc giục em phải sớm nghĩ tới chuyện đi học lên đại học và từ từ sẽ thay đổi việc làm.
Em không biết thực sự trong lòng anh ấy nghĩ gì về việc em không có bằng đại học? Liệu anh có coi đó là một điều kiện ắt có và đủ để em có thể trở thành vợ anh hay không? Và em có bắt buộc phải làm theo ý anh và gia đình anh như thế không trong khi em hoàn toàn thoải mái với em là em như bây giờ, có kiến thức đủ dùng và tay nghề khéo léo để nuôi thân và làm chủ đời mình? Gia đình em thì nói với em rằng nếu bên anh đã nặng thành kiến về gốc gác hàn lâm của một người thì họ sẽ rất khó bỏ qua. Mai sau dù em có khác bây giờ thì vẫn rất có khả năng là em sẽ phải nghe câu “Rửa mãi vẫn chưa sạch nước phèn.”
Cô nghĩ sao ạ?
Mai
TRẢ LỜI:
Quan trọng là em nghĩ sao chứ không phải cô. Ở phần trên, em viết: “Có điều trước đây em học tiếng Anh ở Việt Nam, lại dưới tỉnh nên phát âm của em học từ thầy Việt Nam nay qua Mỹ thấy khác quá, em không nghe kịp và khi nói cũng hơi có vấn đề do em phải làm câu sẵn trong đầu nên có phần lúng túng và hơi quê. Em rất mắc cỡ, nhất là khi tới tiệm ăn của người Mỹ, em cứ phải nói tiếng Việt với anh…” căn cứ vào đây, cô thấy có khi em không “hoàn toàn thoải mái với em là em bây giờ” như em viết ở phần sau, khi cử chỉ của những người trong gia đình anh làm em cảm thấy bị tổn thương và em cố chống chế. Vậy, em cần tìm hiểu kỹ mình, xem em thật sự muốn cứ là em hiện nay hay có một nơi nào khác trong em muốn em hội nhập tốt hơn và tự mình thăng tiến vì em có khả năng đạt tới điều này? Nước Mỹ cho mọi người cơ hội trở thành con người họ muốn và thực hiện giấc mơ họ theo đuổi, em có mẫu người nào, giấc mơ nào cho riêng mình không? Trả lời câu hỏi này xong, em sẽ biết con đường em đi trước khi lên xe hoa hoặc ngay cả sau khi lên xe hoa với người chồng em yêu và được yêu mà không có chút mặc cảm nào vì cả hai cùng chèo một con thuyền tới cái bến hai bên cùng chọn, không có sự hơn thua ở đây em nhé! Lời khuyên của cô là em đừng bận tâm về lời bình phẩm của người đi đường mà cần biết cách nào để vượt qua những lời bình phẩm ấy, không phải chỉ gặp lúc này, trong hoàn cảnh này mà sẽ còn gặp ở nhiều lúc khác, hoàn cảnh khác nếu em vẫn chỉ là em như bây giờ với nguyên mặc cảm đang làm em buồn phiền. Cô chúc em có thêm nghị lực và đừng để lòng tự tin đã sẵn có của em bị lung lay. Cám ơn em đã viết thư.
Bùi Bích Hà