Đoàn Dự ghi chép
THƯA QUÝ BẠN, tục ngữ miển Nam của chúng ta có câu “Đã nghèo lại nảy cái eo” khi nói đến trường hợp một gia đình nghèo nào đó mà gặp hoạn nạn như bị bệnh nặng hết người nọ đến người kia chẳng hạn. Tất nhiên bệnh tật thì người giàu cũng bị, người nghèo cũng bị nhưng người giàu có tiền chữa trị ngay từ đầu thì ít “nảy cái eo” hơn người nghèo. Tôi đã thấy một chị nhà rất nghèo, đông con, mắt bị cườm phải thay thủy tinh thể. Thay xong, bác sĩ dặn phải kiêng cữ, không được để hơi nóng xông vào mắt. Nhưng chị sống về nghề làm đậu phụ (tầu hủ), không làm thì lấy gì mà ăn? Vậy là chị không kiêng cữ được, tiếp tục nấu đậu phụ để bán do đó một bên mắt mới mổ bị hư không chữa được nữa. Nếu gặp trường hợp gia đình khá giả thì họ kiêng khem, đâu có “nảy cái eo” bị hư một bên mắt như vậy. Sau đây tôi xin trình bầy hầu quý bạn nỗi lòng của những bà mẹ gia đình rất nghèo mà gặp hoàn cảnh nọ hoàn cảnh kia rất tội nghiệp.
Có nhiều vị độc giả trách tôi khi đăng những trường hợp đáng thương như vậy sao không đăng rõ địa chỉ và số điện thoại của họ để quý vị đó giúp đỡ vì dịch vụ không chịu nhận chuyển quà nếu không có số điện thoại của người nhận. Về địa chỉ, tôi có đăng rõ, còn về số điện thoại thì có người có điện thoại, có người không, tôi không làm sao được. Ở trong Nam, trước đây các công ty cell-phone có “cho không” hoặc bán với giá rẻ 50 ngàn đồng tức khoảng 2 đô la Mỹ một chiếc điện thoại “khuyến mãi” 11 số (còn cell-phone chính thức thì có 10 số) nên đa số người nghèo ai cũng có. Ở những nơi họ không “cho không” hoặc bán giá rẻ thì người nghèo không thể mua được điện thoại chính thức giá cao, xin quý vị thông cảm. Sau đây xin mời quý vị xem xét về trường hợp của một số các bà mẹ nghèo…
Người mẹ một mình nuôi 14 đứa con
Bà Đặng Thị Hải (48 tuổi) sinh sống ở làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) sinh tới 14 con. Nhưng năm 2015, cô con gái lớn tên Thảo chết do bệnh úng não. Sau đó chồng bà cũng qua đời vì bệnh tật, gánh nặng đè lên đôi vai người đàn bà mới xấp xỉ ngũ tuần.
Gia đình nghèo khó lại quá đông con nhưng bà vẫn cố gắng nuôi tất cả các con. Cũng có người thấy bà vất vả, khuyên nên cho bớt con đi nhưng bà nói: “Con mình đẻ ra mình nuôi nấng nó chứ cho người ta hay cho viện mồ côi thì đứt từng khúc ruột”.
Trong căn nhà nhỏ khoảng 30 m2 luôn luôn ồn ào tiếng nói tiếng cười của bọn trẻ. Khi được hỏi lý do tại sao lại sinh nhiều con đến thế, bà bảo có thai lúc nào không hay. Khi sinh đến đứa thứ 6, gia đình được chính quyền, tổ dân phố vận động đi triệt sản nhưng chồng bà không đồng ý. Ở nhà, thay vì gọi tên các con, bà điểm danh theo thứ tự từ một đến số 13.
Khó khăn hơn khi con trai lớn bị bệnh phổi, không làm được việc nặng nhọc nhưng sớm lấy vợ, đẻ con rồi cả 2 vợ chồng, người thì mắc con nhỏ, người thì sức yếu không làm được việc gì, bà Hải lại phải nuôi cả con trai, con dâu và cháu nội.
Thấy nhà đông đúc, có người trong làng nhờ trông coi bò cho có thu nhập, bà Hải nói, con cái đang tuổi chơi tuổi học, chưa có ý thức, trông coi hàng bao nhiêu bò, lỡ mất một con bò thì lấy tiền đâu mà đền và sợ nhất là người ta nghĩ nhà mình nghèo nên khuất tất.

Hàng ngày, để kiếm thu nhập, bà Hải ra túp lều ở ngoài cánh đồng để chăn gà, nuôi cá, nhưng phải chờ đến cuối năm mới bán được nên bữa cơm trong gia đình thường rất đạm bạc.
Để có được thức ăn, mỗi ngày các con bà Hải đều đi mò tôm, bắt ốc, hễ được nhiều thì bán lấy tiền đưa cho mẹ. Nhìn những đứa con vừa mò cua bắt ốc vừa đùa nghịch với nhau ngoài đầm, bà Hải bảo: “Đẻ nhiều quá nên không chăm sóc chu đáo được đứa. Chúng nó thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất so với bạn bè cùng trang lứa”.
Nhờ sự ưu tiên của nhà trường, các con bà được miễn học phí nhưng bữa ăn hàng ngày còn không đủ thì tiền sách vở, giấy bút, tiền quần áo cho chúng là vấn đề vô cùng khó khăn đối với người đàn bà này. Trong số 13 đứa con thì cháu Tới được học cao nhất, đến lớp 11. Không biết cuộc sống khó khăn của gia đình bà Hải bao giờ mới kết thúc, song bế tắc lại ập đến khi khu đầm và bãi đầm bà xin tăng gia hàng chục năm nay thuộc đất của làng Cồ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, nay phường Đồng Mai đang lấy lại để san lấp làm việc khác. Bà Hải nói: “Cuộc sống của gia đình tôi hàng ngày trông chờ vào khu đầm, nay phường lấy lại không biết chúng tôi sẽ sống ra sao”.
Không đẻ được cũng là cái tội mà đẻ nhiều quá cũng là cái tội!
Người mẹ có ba con mắc trọng bệnh
Ba lần làm mẹ mà chưa được một lần vui
Bà Lê Thị Hòa, sinh năm 1965 và ông Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1963, cùng sống trên mảnh đất nghèo Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Không có nghề nghiệp ổn định nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống của hai vợ chồng cũng tạm ổn. Những tưởng hạnh phúc sẽ nhân lên khi lần lượt các con chào đời. Song chỉ ít lâu sau đứa con trai đầu lòng (ra đời năm 1987), vợ chồng đau đớn khi biết con bị bệnh động kinh. Nuôi đến năm 19 tuổi, đứa con không qua khỏi bệnh tật, đã qua đời.
Cũng giống anh trai, đứa con trai thứ hai (1990) mắc căn bệnh bại não và có biểu hiệu tâm thần, lâu lâu lại lên cơn động kinh. Việc ăn uống, sinh hoạt của con đều do vợ chồng ông bà Hòa chăm sóc. Nuôi niềm hi vọng mong manh, vợ chồng bà Hòa sinh thêm cậu con trai út vào năm 2004 và đặt tên Nguyễn Thắng Lợi. Nhưng rồi số phận thêm một lần nữa trêu ngươi khi Lợi bị căn bệnh tan máu bẩm sinh (các hồng cầu trong máu tự nhiên tan ra).
Bà Hòa nghẹn ngào nói với các phóng viên trong nước mắt: “Tôi không thể nghĩ được rằng mình có tới ba lần sinh mà vẫn chưa được trọn niềm vui của một người mẹ. Đứa đầu đã mất, đứa thứ 2 phải nhốt trong cũi vì sợ con đi ra ngoài phá phách. Nhìn đứa con điên dại bị nhốt, ruột tôi như đứt ra từng khúc. Vậy mà đến đứa con út cũng chẳng được khỏe mạnh, cứ thường xuyên phải đi bệnh viện”.
Bà Hòa kể, sinh ra, Lợi cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng được 25 ngày tuổi, bụng của cháu bỗng dưng to lên, ăn vào nôn ra. Gia đình đưa cháu lên bệnh viện huyện rồi bệnh viện huyện chuyển lên bệnh viện tỉnh. Lợi được các bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassamie) và cho truyền máu rồi khuyên gia đình đưa xuống tuyến Trung ương điều trị. Khi ấy, vì điều kiện gia đình khó khăn nên vợ chồng bà đành đem con về nhà.
Năm Lợi được 5 tuổi, bệnh ngày càng nặng hơn, da dẻ xanh xao, thường xuyên mệt mỏi. Vợ chồng bà Hòa cố vay mượn được mấy triệu đồng đưa con xuống Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương Hà Nội. Kể từ đó, Lợi thường xuyên phải đi bệnh viện.
Gánh nặng chồng chất
Bà Hòa cho biết, vợ chồng bà sống về nghề làm nông, quanh năm chân lấm tay bùn. Ngoài việc trồng ngô, khoai, cả năm thu hoạch được 3-4 triệu đồng, cộng với 3 sào ruộng, ông bà còn nuôi thêm con gà con vịt để tăng gia sản xuất. Dù vậy vẫn không thể thoát cảnh nghèo đói khi nhà có đến mấy người bệnh tật.
Trước đây, ông Hùng còn khỏe mạnh vẫn đi làm thuê. Hơn một năm nay, ông có biểu hiệu hay quên, đi đâu không biết đường về. Bà Hòa nhiều lần phải đi tìm khắp nơi. Ngoài ra, ông còn có triệu chứng mang trọng bệnh, cứ đang đi bỗng dưng bị ngã, ngay đang ngồi ăn cũng ngã. Biết chồng bị bệnh nhưng bà Hòa không thể đưa ông đi bệnh viện vì không có tiền.
Kể từ ngày ông Hùng mắc bệnh, mọi gánh nặng gia đình đều đổ lên đôi vai gầy guộc của bà Hòa. Một mình bà bươn chải, đi làm thuê bất kể công việc gì, từ nhặt cỏ, cấy thuê, chặt mía đến dọn dẹp nhà cửa… Nhiều khi bà cũng tủi thân nhưng nhìn các con ốm yếu, lòng bà quặn thắt.
Cháu Lợi mắc bệnh hồng huyết cầu tan bẩm sinh, hàng tháng bà Hòa phải đưa con đến bệnh viện để truyền máu và thải sắt trong máu (vì hồng cầu tan rã cho sắt vào máu). Vừa rồi, đến kỳ Lợi phải xuống Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương để truyền máu, tài sản vốn liếng của cả nhà vỏn vẹn có mấy trăm nghìn từ tiền trợ cấp của đứa con trai bại não, bà Hòa phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi mới được 3 triệu đồng, mẹ con khăn gói xuống Hà Nội.

Bà Hòa cho biết, mỗi lần đi bệnh viện, trừ tiền khám bệnh và chữa bệnh được bảo hiểm trả, gia đình bà phải chi phí cho việc đi lại, ăn ở, tằn tiện lắm cũng tốn từ 3-4 triệu đồng. Nếu truyền máu đúng thời hạn thì chỉ phải nằm viện truyền máu vài ba ngày, còn nếu bệnh tình nặng hơn thì phải mất cả tuần truyền máu. Ở đây bệnh viện chỉ chi trả cho cháu Lợi theo chế độ bảo hiểm, còn các khoản chi phí phát sinh gia đình phải tự lo, vì vậy cũng gây tốn kém rất lớn.
Nhiều khi không chuẩn bị được tiền, bà Hòa chỉ dám lấy một phần thuốc điều trị để giúp con cầm cự và thu xếp tiền mua thêm sau. Cũng vì không lo được tiền, việc truyền máu của cháu Lợi không được đều đặn, có tháng truyền, có tháng không.
Bà Hòa thở dài: “Những tưởng sinh con ra là niềm vui, là điều hạnh phúc. Nhưng cuộc sống của vợ chồng tôi thật nghiệt ngã, chẳng biết rồi những ngày kế tiếp sẽ ra sao, đến bao giờ mới hết khổ tôi cũng chẳng dám nghĩ đến. Chỉ mong đứa con út có thể duy trì được sự sống là đã may mắn lắm rồi, bởi vì các bác sĩ cho biết bệnh tan máu bẩm sinh sẽ đeo bám bệnh nhân suốt đời và gây ra nhiều biến chứng khác có thể dẫn tới tử vong”.
Người mẹ có con gái bị ung thư di căn và 7 lần vượt cạn không thành

Về xóm Trường Chinh, thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, được nghe câu chuyện buồn về chị Ngô Thị Hiền (sinh năm 1989, năm nay 38 tuổi) mắc căn bệnh máu loãng và ung thư vú di căn lên não, khiến chị bị liệt một bên chân, đang gắng gượng giành giật sự sống từng ngày.
Trong căn nhà lạnh lẽo chớm đông, chị Hiền ngồi buồn bã hướng ánh mắt về phía xa xăm. Có lẽ lúc này chị đang cầu mong có phép lạ nào đến với mình để chị được sống tiếp bên cạnh bố mẹ và những người thân. Tuy nhiên, sự khó khăn về kinh tế trong gia đình như cánh cửa khép lại với cuộc sống bất hạnh đã 7 lần sinh mà chưa một lần được làm mẹ của chị.
“Không hiểu sao cuộc đời em như một trò đùa, cứ lần nào chuẩn bị đến ngày sinh nở thì lại mất cháu. Trong khi bản thân đã tốn kém tiền bạc, chạy chữa khắp nơi mà 10 năm qua ông trời vẫn không thương em…”, chị Hiền kể.
Là con gái lớn trong gia đình, khi học hết lớp 9, chị đi làm cho một công ty trong huyện Tứ Kỳ, cũng từ đây chị Hiền gặp và kết hôn với người chồng hơn chị 5 tuổi, cùng huyện, làm nghề lái xe. Lấy nhau được 10 năm thì 7 lần chị có thai nhưng lần sinh nở nào cũng không thành và chính lần sinh cuối cùng tháng 6/2016, như một định mệnh, bác sĩ phát hiện ra nguồn gốc căn bệnh khiến chị không thể giữ được thai nhi là do máu loãng.
Chị kể rằng khi biết bản thân mang bầu khó giữ, từ lúc có thai chị cùng người thân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nằm điều trị cho đến ngày sinh. Nhưng khi thai nhi được vài tháng thì lại không giữ được, có những lần đến tháng thứ 8 vẫn không giữ được khiến chị cùng gia đình rất đau xót.
“Mỗi lần mang thai là mỗi lần thêm niềm vui, đó cũng là nỗi đớn đau khi lần nào cũng vậy, 7 lần mất con khiến tôi như sụp đổ mà nguyên nhân sâu xa thì không hề biết. Sau khi lần vượt cạn thứ 7 không thành, tôi được bác sĩ phát hiện ra là mắc căn bệnh máu loãng, đây cũng chính là nguyên nhân khiến tôi không giữ được con”, chị Hiền đau đớn nói.
Hai tháng sau ngày nhận tin dữ, chị Hiền thấy ngực phải của mình chai cứng nhưng không có hiện tượng đau. Khi đi khám tại Bệnh viện K Hà Nội, bác sĩ kết luận chị mắc căn bệnh ung thư vú di căn. (Bệnh viện K Hà Nội là BV chuyên về ung thư cũng giống như BV Ung Bướu ở Sài Gòn .- ĐD).
Nỗi đau về bệnh tật đã dày vò thể xác và nỗi khổ khi không có được mụn con càng khiến chị Hiền như sống trong tuyệt vọng. Tuy nhiên, nỗi đau ấy chưa nguôi ngoai khi vào mồng 2 Tết năm 2017, người chồng 10 năm chung sống đã trả chị về nhà bố mẹ đẻ và bỏ mặc chị ở đó không nói tiếng nào cả.
Đến tháng 3 cùng năm, chồng chị làm đơn xin ly dị, chị cũng chấp nhận không một lời ca thán. Ngày chị ký vào đơn ly hôn cũng là lúc chị đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ và việc này được Tòa án huyện giải quyết ngay sau đó không lâu. (Tòa án không thắc mắc gì về việc chồng xin ly hôn trong khi vợ đang bệnh hoạn hay sao? Tình nghĩa vợ chồng ở đâu? .- ĐD).
Hướng ánh mắt đau xót nhìn con gái bị trọng bệnh đang giành giật sự sống trong niềm tuyệt vọng, bà Phạm Thị Tuyết (58 tuổi, mẹ đẻ của chị Hiền) chỉ biết an ủi và khi gom góp được ít tiền nào, vợ chồng bà lại khăn gói đưa con lên bệnh viện để xạ trị. Nhưng ít lâu nay, do sức khỏe của ông Hòa quá kém, không làm lụng được việc nặng nên tình trạng kinh tế gia đình lại càng kiệt quệ.
Bà Tuyết nghẹn ngào: “Lúc biết con gái mắc phải hai căn bệnh quái ác, tôi như người chết rồi, đêm nào cũng khóc vì thương con mà không có cách nào cứu chữa. Nhiều khi tôi chỉ biết gạt nước mắt an ủi con, mong con đừng nghĩ quẩn. Nếu như ông trời thương mà cho con gái tôi một mụn con thì bây giờ đã khác, chắc thằng chồng không đến nỗi bỏ nó tàn nhẫn như vậy…”.
Từ khi phát giác ra căn bệnh ung thư vú đến nay, bên ngực phải của chị Hiền bị mưng mủ và lở loét, không những vậy bệnh này còn di căn lên não khiến chị không còn nhanh nhẹn, thường mệt mỏi, giọng nói yếu ớt và chân trái bị liệt nên chị cả ngày chỉ ngồi hay nằm một chỗ.
Thương con bệnh nặng, vợ chồng ông Hòa đã bán mọi thứ trong gia đình và mang sổ đỏ nhà đất đi thế chấp ngân hàng, vay mượn với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng để chạy chữa, nhưng tiền mất mà bệnh tình không thuyên giảm khiến vợ chồng ông càng đau lòng hơn.
Tiếp lời vợ, ông Ngô Văn Hòa (60 tuổi, bố chị Hiền) cho biết, do con gái bị mắc bệnh máu loãng nên trước mỗi khi xạ trị phải truyền máu. Đến nay, số tiền truyền máu lên đến gần 40 triệu đồng và trải qua 5 lần truyền hóa chất, 10 đợt xạ trị. Đến lần thứ 6 thì sức khỏe của con gái ông quá yếu không thể tiếp tục được, đặc biệt số tiền của gia đình lúc này cũng đã cạn kiệt nên đành cho chị nằm ở nhà vậy thôi.
Gạt những giọt nước mắt, ông Hòa nói giọng xót xa: “Ngày nào cũng nhìn thấy con bị bệnh tật hành hạ mà vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột, xót xa nhưng biết làm thế nào được. Nhà thì thế chấp rồi, biết lấy đâu ra tiền điều trị cho con? Tôi chỉ mong sao con tôi kéo dài được sự sống đến đâu hay đến đó chứ bình phục thì cũng ít hy vọng”.
Người mẹ nghèo nuôi 9 đứa trẻ mồ côi
Suốt 40 năm, bà cưu mang, nuôi 9 đứa trẻ cơ nhỡ. Cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng bà K’Hiếu chưa từng để những đứa con của mình phải nhịn đói một ngày nào.

Vợ chồng bà K’Hiếu sống trong căn nhà gỗ cũ kỹ ở tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, khu kinh tế mới Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Cả 9 đứa con của người mẹ đặc biệt này đều là trẻ mồ côi. Đứa thì bị bỏ từ khi còn đỏ hỏn, đứa thì suýt bị chôn sống theo mẹ vì hủ tục mẹ chết thì phải chôn con nếu còn sơ sinh theo, có cháu bị cha bỏ sau khi mẹ chết. Các cháu người K’Ho có, người Kinh cũng có.
Bà K’Hiếu kể: “Hồi đó mình còn trẻ, chưa nghĩ được gì cho tương lai nhưng thương tụi nhỏ, thấy chúng có hoàn cảnh giống mình, cũng mồ côi từ nhỏ nên đành liều, nhận về nuôi”.
Bà K’Hiếu cũng không hiểu sao mình lại đủ sức, đủ nghị lực để cùng những đứa trẻ tội nghiệp vượt qua bao khó khăn chồng chất. Đến bây giờ, bà đã lo cho 5 đứa con yên bề gia thất, nhưng đằng sau đôi mắt đầy nếp nhăn ấy vẫn chứa đựng bao nỗi niềm. Ở cái tuổi 62, bà sợ mình không còn đủ sức khỏe để lo cho đứa con út bị bệnh tầm thần.
Người phụ nữ kể, cách đây mấy năm, bà gặp đứa con út ở bệnh viện. Lúc đó ai cũng sợ nó không sống được vì sinh thiếu tháng, còi cọc, bệnh tật. Bà K’Hiếu sợ không nuôi được nên cũng không dám nhận về. Nhưng rồi, tình thương đã giúp người mẹ đặc biệt này vượt qua sự lo lắng, sợ hãi.
Bà luôn tự nhận mình “ít cái chữ”, vì mới chỉ học hết lớp 6. Biết được tầm quan trọng của việc học chữ, bà thường đôn đốc các con học tập, “có cái chữ mình mới yên tâm đi đây đi đó”, bà K’Hiếu nói.
Năm 2010, bà được nhận bằng khen của Bộ Xã hội vì có lòng nhân ái, nuôi nấng, cứu giúp các trẻ em mồ côi trong hoàn cảnh nghèo nàn của một bà mẹ thuộc dân tộc thiểu số.
Đoàn Dự