“Chuẩn úy Lê Văn Hưng, số quân…, trình diện Trung úy Đại đội Trưởng và đợi lệnh.”
Đang ngồi sau bàn giấy, Trung úy Đại đội Trưởng ngước mắt nhìn người vừa trình diện, đưa tay ngang mày chào lại, ra lệnh “nghỉ”, rổi mỉm cười thân mật đưa tay bắt tay Hưng. Ân cần chỉ chiếc ghế trước bàn giấy, Đại đội Trưởng nói:
“Nghi lễ xong rồi, cậu ngồi xuống đi. Từ nay đừng bận tâm nhiều đến quân cách khi gặp riêng nhau vì là anh em một nhà, sống chết có nhau, đúng nghĩa đen của câu nói.”
“Cám ơn Trung úy.”
Hưng ngồi xuống ghế. Đại đội Trưởng đưa gói thuốc Marlboro mời:
“Mình là Duy, Võ bị Đà Lạt, nắm đại đội hơn hai năm rồi.”
“Cám ơn Trung úy, tôi không hút thuốc.”
Bật quẹt châm một điếu thuốc, chỉ tay đến viên thượng sĩ đang ngồi sau bàn giấy đặt trong một góc phòng, Duy giới thiệu:
“Thượng sĩ Phát, Thường vụ.”
Thượng sĩ Phát đứng lên đưa tay chào Hưng. Hưng đứng lên chào lại rồi bước qua bắt tay Phát. Duy bảo Phát:
“Cậu ra mời Thiếu úy Tường giúp tôi.”
Tường mở cửa văn phòng bước ào vào như một luồng gió, tay đưa lên nón chào:
“Chào Trung úy… A ha, nhà có cô dâu mới.”
Thấy có sĩ quan cao cấp hơn bước vào, Hưng đứng bật dậy đưa tay lên chào. Duy chỉ Hưng, giới thiệu:
“Giới thiệu với Tường, Chuẩn úy Hưng mới trình diện.”
Nhìn qua Hưng, Duy nói:
“Thiếu úy Tường, Đại đội Phó kiêm Trung đội Trưởng Trung đội Chỉ huy.”
Hưng đưa tay lên nón chào lần nữa:
“Trình diện Thiếu úy Đại đội Phó.”
Tường tươi cười chào lại rồi bắt chặt tay Hưng:
“A ha, thêm một con bò để húc. Mình là Tường, Thủ Đức.”
Tính dễ dãi và nhiệt tình của Tường làm Hưng mất đi cảm giác xa lạ với đơn vị mới. Cùng lúc đó, hai chuẩn úy và một trung sĩ nhất ồn ào kéo nhau vào văn phòng. Tất cả đưa tay chào Duy và Tường. Hưng đứng lên chưa kịp nhận ra là ai thì một chuẩn úy đã ôm chầm lấy anh:
“Tưởng ai hóa là Hưng, không ngờ mày về cùng đại đội với tao.”
Hưng vui mừng nhận ra Long, bạn cùng trung đội ngày ở Quân trường. Duy chỉ tay giới thiệu:
“Các cậu, đây là Hưng, sẽ nhận Trung Ba hiện do Lạc tạm quyền.”
Duy bảo Hưng:
“Chuẩn úy San, Trung đội Trưởng Trung Một, Thủ Đức. Còn đây là Trung sĩ Nhất Lạc, Phó Trung Ba hiện tạm quyền Trung Trưởng đợi Hưng đến.”
Tường và San cho dẫu là khóa đàn anh nhưng tình nguyện vào Thủ Đức nên cả hai đều kém tuổi Hưng và Long vào trường theo lệnh động viên. Riêng San, với khổ người nhỏ nhắn và khuôn mặt non nớt cho dẫu đã sạm nắng, nắng Quân trường và nắng Đơn vị, nếu không khoác trên người bộ quân phục, San rất dễ bị người khác nhận lầm là một học sinh trung học. Hưng chào và bắt tay San, rồi bước về phía Lạc. Lạc kéo chân vào thế nghiêm, đưa tay lên chào Hưng:
“Chào Chuẩn úy.”
Hưng mỉm cười chào lại rồi nắm chặt tay Lạc:
“Chào Lạc. Mình sẽ còn nhờ Lạc nhiều.”
Duy cười bảo Hưng:
“Cậu nhận xét đúng người đúng của rồi đó. Lạc nhiều năm lăn lộn chiến trường, nhiều kinh nghiệm. Cậu khéo chiều, anh ta giúp cậu nhiều việc lắm đó.”
Lạc cúi đầu khiêm tốn:
“Trung úy Chuẩn úy quá khen, em chỉ làm tròn nhiệm vụ người lính.”
Duy xua tay, cười xuề xòa:
“Xong rồi, nghi lễ phép tắc xong rồi, bây giờ các cậu làm quen với nhau đi, mình ký nốt cái Phiếu trình rồi ta xuống Trung Ba.”
Duy bảo Lạc:
“Lạc về tập họp Trung đội, chuẩn bị đón Chuẩn úy Hưng.”
Khi Lạc quay ra, Hưng hỏi Duy:
“Nhận trung đội mà cũng theo nghi lễ sao Trung úy?”
Duy mỉm cười:
“Khẩn cấp thì không, nhưng lúc này bình thường nên long trọng một chút.”
Duy lúi húi đọc giấy tờ trong khi mấy anh em xúm lại thăm hỏi nhau, thân tình như quen biết đã lâu ngày. Vừa đọc giấy tờ, Duy vừa bảo Phát:
“Phát ra bảo chúng nó kiếm cái gì nhậu một cái để mừng Chuẩn úy Long và Chuẩn úy Hưng.”
Phát đi ra. Duy nói tiếp:
“Mình chưa mừng Long vì còn chờ Hưng. Hai cậu biết nhậu không?”
Long cười:
“Ai sao tôi vậy, bi nhiêu thì bi.”
Hưng trả lời dè dặt:
“Tôi không quen uống nhiều.”
Long nói:
“Thằng này vốn dân nhà giáo.”
Duy hỏi Hưng:
“Cậu là nhà giáo? Nhà giáo sao không được hoãn quân dịch?”
Hưng trả lời:
“Trình Trung úy, tôi dạy học nhưng không học Sư phạm, chỉ đi dạy sau khi tốt nghiệp đại học.”
Duy cười:
“À, tôi hiểu rồi, xuất thân Đại học Sư phạm mới được hoãn. Nhưng nhà giáo liên quan gì đến nhậu với không?”
Long nói:
“Hắn không dám rượu chè be bét, sợ học trò cười.”
Duy cười:
“Long lầm rồi, nhiều tay nhà giáo vẫn nhậu long trời lở đất. Nhà giáo nhà binh đều là nhà, không biết nhậu rồi cũng sẽ biết, không nhậu lính cười cho. ”
Hưng nói:
“Tôi không quen uống nhiều, nhưng có đem theo chai Martel làm lễ ra mắt.”
Long nói:
“Tôi có lít Nếp than nhà làm, cũng để ra mắt nhưng chưa trình làng.”
Tường cười:
“Long An hay Gò Đen? Anh này khéo giấu, tụi này mà biết thì không còn tới giờ này đâu.”
Duy gật đầu:
“Vậy ngon rồi, thiếu thì mua thêm đế. Mồi ở đây chợ quán thứ gì cũng có.”
Tường đứng lên:
“Xin phép Trung úy tôi về thu xếp chút việc rồi quay lại ngay. San, Long, về hay ở?”
San đứng lên chào Duy, theo Tường đi ra. Long ngồi xuống cạnh Hưng trò chuyện. Duy hỏi:
“Hai cậu vợ con gì chưa?”
Long nói:
“Tôi chưa, Trung úy.”
“Còn Hưng?”
“Dạ coi như có, đám hỏi rồi.”
“Vậy sao? Tên gì? Con cái nhà ai vậy?”
Hưng cười:
“Dạ, tên Nhi, con cái nhà tôi! Cô ấy vốn là học trò trung học của tôi, ở gần nhà, hiện đang học đại học sư phạm Huế.”
“Cậu hư nha, quân sư phụ, thầy mà lấy trò. Thế bao giờ cưới?”
“Dạ, khi nào Trung úy cho phép.”
Duy cười:
“Tớ không cho cậu cũng cưới.”
Hưng cười theo:
“Dạ, năm tới, mùa hè cô ấy ra trường, trước Tết ba mẹ tôi lo chuyện.”
“Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cậu vậy là ván đã đóng thuyền, còn lại bốn đứa tụi này mồ côi.”
Duy cười nói tiếp:
“Con gái chỗ này nhà quê chân đất nhưng đẹp ra phết. Thế nhưng cậu nào mết thì coi chừng dính Việt Cộng.”
Long nói:
“Bộ ai cũng theo tụi nó cả sao Trung úy?”
“Không phải thế. Có điều, không nhiều thì ít, nhà nào ở thôn quê cũng có chút liên hệ, chẳng ruột thịt cũng họ hàng. Cuộc chiến tranh này khốn nạn ở chỗ chẳng phân biệt được ai thù ai bạn. Việt Cộng biết Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chúng ta mang trên mình trách nhiệm bảo quốc, an dân, không hề động đến sinh mạng và tài sản của bất cứ người dân nào nên lợi dụng khoác áo nông dân, mặt giả bộ hiền lành chất phác nhưng bụng chứa đầy âm mưu xảo quyệt.”
Hưng gật gù:
“Trung úy nói đúng, thà rằng hai bên dàn quân đánh nhau có chiến tuyến rõ ràng còn hơn.”
Duy ngẫm nghĩ rồi nói tiếp:
“Truyền thông nước ngoài cho rằng cuộc chiến của chúng ta chỉ là một cuộc nội chiến, người Việt đánh người Việt. Nhận xét đó theo tôi chỉ đúng nửa phần….”
Long nhìn Duy:
“Đúng nửa phần?…”
“Phải, đúng nửa phần, phần người Việt đánh người Việt.”
“Nửa phần không đúng?…”
“Cuộc chiến hiện nay, theo định nghĩa, không đúng là một cuộc nội chiến. Lấy Nam Bắc Phân Tranh của mấy đời Trịnh Nguyễn từ 1627 đến 1667 và Chiến tranh Nam Bắc Mỹ từ 1861 đến 1865 làm ví dụ, ta thấy hai bên cùng một nước đánh nhau chỉ để giải quyết vấn đề nội bộ, ví như quyền làm vua hoặc chính sách nô lệ.”
Hưng nối lời:
“Nam Bắc Phân tranh, Trịnh Nguyễn đánh nhau tới bảy lần cho đến khi hai bên thuận chia đôi đất nước, lấy Sông Gianh làm ranh giới.”
Long tiếp lời:
“Vậy khác gì Nam Bắc hiện thời lấy Sông Hiền Lương làm ranh giới?”
“Giống mà khác. Giống ở chỗ chia đôi, nhưng khác ở chỗ đồng tình. Trịnh Nguyễn lúc trước đồng thuận phân chia đất nước, Quốc gia hiện thời không đồng thuận với Cộng sản, chỉ phía Cộng sản ký tên vào Hiệp định Genève 1954, Quốc trưởng Bảo Đại chỉ thị cho Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ không ký.”
Long chậc lưỡi:
“Lão Hồ ký, vậy mà cũng chính Lão không tôn trọng, vừa ký xong đã gài cán bộ ở lại, rồi sau đó gian trá đưa quân vào cố chiếm Miền Nam.”
Hưng nói:
“Cuộc chiến này do Miền Bắc gây nên, không do Miền Nam chúng ta. Thế nhưng, cuộc chiến này lại là cuộc đối đầu đích thực giữa chế độ Tự do và chế độ Cộng sản.”
“Đối là đối thế nào?”
“Là đối xem chế độ nào đem lại cho đất nước tự do hạnh phúc thực sự. Miền Nam không ký tên vào Hiệp định phân chia đất nước, nhưng Thủ tướng rồi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm vẫn chỉ muốn Nam Bắc ai đâu ở đó, cùng nhau lo cho dân cho nước, dân thì tự do no ấm hạnh phúc, nước thì phồn thịnh, rạng mày nở mặt với thế giới.”
Long nói:
“Còn Miền Bắc?”
“Miền Bắc chẳng bao giờ nói đến dân giàu nước mạnh mà ngày đêm thúc giục và bắt buộc người dân lao vào chiến tranh, giành quyền làm chủ đất nước bằng võ lực qua các khẩu hiệu thắt lưng buộc bụng, khoan yêu khoan đẻ, Miền Nam lúc nào cũng canh cánh trong lòng Bác Hồ, đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào.”
Duy gục gặc:
“Hưng nói đúng, rất đúng. Cuộc chiến này, Miền Nam chúng ta tranh quyền làm chủ đất nước bằng hòa bình.”
Hưng nói:
“Mỹ cút Ngụy nhào. Trung úy và Long có thấy từ ngày Mỹ gây áp lực nhất quyết đưa quân vào Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa chúng ta mất đi chính nghĩa chống chế độ Cộng sản Miền Bắc không? Tệ hại hơn nữa, Mỹ đưa quân vào tạo lợi thế cho Cộng sản Miền Bắc tuyên truyền chống Mỹ cứu nước.”
Long nói:
“Vậy trước khi Mỹ đưa quân vào, Miền Bắc tuyên truyền thế nào về việc gây chiến tại Miền Nam?”
Duy nói thay Hưng:
“Chẳng có chính danh nào để tuyên truyền cả vì đuổi Pháp thì Miền Nam đã đuổi rồi, thống nhất đất nước thì cả hai miền đều muốn, nhưng vấn đề đặt ra là thống nhất theo chế độ nào. Yếu tố để chọn lựa nằm ở thành quả xây dựng nước giàu dân mạnh mà Miền Nam chúng ta đặt nặng.”
Long hỏi:
“Rõ ra là thế nào, Trung úy?”
“Là hai miền đua nhau xây dựng đất nước, đem lại tự do hạnh phúc thực sự cho người dân để người dân qua đó tự mình chọn lấy chế độ Quốc gia hoặc Cộng sản.”
Long gật đầu:
“Đúng vậy thực. Nước giàu dân mạnh thì người dân thấy rõ hơn thua thế nào giữa hai chế độ. Nhưng, để thu lòng dân vào một mối, Miền Nam chúng ta cũng phải có một chính danh nào chứ?”
Duy góp ý:
“Có, hoàn toàn có. Miền Nam chúng ta có ưu thế bài phong diệt Cộng, hai trở lực làm hại đến công cuộc xây dựng đất nước mà người dân yêu nước nào cũng nhận thấy. Hết phong kiến tức mọi người bình đẳng, hết Cộng sản tức hết chiến tranh, khắp nơi thái bình.”
Ngừng một chút, Duy nói tiếp:
“Đau đớn là một số chính trị gia, trí thức, sinh viên, một số linh mục, đại đức, hòa thượng đã vì lý do này lý do khác, cố tình hoặc vô tình đi theo Cộng sản hoặc nói ra luận điệu có lợi cho Cộng sản. Họ đáng trách vì có học có hiểu biết mà lại không thấy được sự độc hại của chế độ Cộng sản.”
Long nói:
“Chiêu bài chống Mỹ cứu nước có tác động và ảnh hưởng rất rõ lên người dân ít học xa thành phố, nhận thấy được qua việc dân Miền Tây ủng hộ Mặt trận Giải phóng Miền Nam nhưng nhất quyết không ủng hộ Cộng sản Miền Bắc.”
Hưng hỏi:
“Nghĩa là thế nào?”
“Dân Miền Tây cho rằng Mặt trận không phải là Cộng sản. Đối với họ, Mặt trận là phong trào yêu nước nỗ lực đuổi Mỹ ra khỏi Miền Nam, chẳng khác các phong trào yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh ngày trước nỗ lực đánh đuổi Pháp.”
“Làm sao Long biết họ không ưa lính Cộng sản?”
“Họ ghét ra mặt, gọi lính Cộng sản là bọn Guế.”
Vừa mở cửa bước vào nghe tiếng được tiếng mất, Phát ngạc nhiên hỏi:
“Dân gì?”
“Dân Guế. Người Miền Tây nói ngọng chữ H thành chữ G, nên Huế thành Guế.”
“Nhưng lính Miền Bắc đâu phải người Huế?”
Long cười:
“Chẳng cần phân biệt. Với họ, ai không nói giọng Nam đều đơn giản là người Guế tuốt.”
“Nhưng, người Huế thì đã sao?”
“Với họ thì đã sao. Họ không ưa dân trọ trẹ vì biết ai nói giọng trọ trẹ là người từ Miền Bắc vào, mà người Miền Bắc vào là người theo Cộng sản. Vì thế, khi họ xách mé gọi lính Miền Bắc là đồ bọn Guế thì hiểu ngay là đồ bọn Cộng sản.”
Duy, Hưng, và Phát ồ lên gần như cùng lúc:
“Ra là thế.”
Tường, San, và Lạc mở cửa đi vào. Lạc nói:
“Trình Trung úy, Trung Ba tập họp xong rồi.”
Duy nói:
“Vậy thì các cậu, mình đi, cả Phát nữa. Lạc về trước đi.”
Hưng cúi xuống định gom balô và xắc maranh đem theo nhưng Lạc chặn lại:
“Thiếu úy để đó, chốc nữa có người mang xuống.”
Hưng nói:
“Để tôi mang theo cũng được, nặng nề gì đâu.”
Lạc lắc đầu:
“Biết là chẳng nặng nề gì nhưng luật nhà binh là thế, phải tôn trọng cấp chỉ huy, xin Thiếu úy cứ để đấy.”
Hưng ngạc nhiên chẳng biết luật nhà binh là luật nào. Quân trường quả có dạy phải tôn trọng cấp chỉ huy nhưng không hề dạy sĩ quan phải để đồ đạc cá nhân của mình cho thuộc cấp mang vác. Dẫu vậy, không phản đối, Hưng để yên mọi thứ tại chỗ.
Đến Trung Ba, sau nghi lễ quân cách chào đón, Tường đọc Bưu điệp của Đại đội Trưởng bổ nhiệm Hưng làm Trung đội Trưởng Trung đội Ba. Duy giới thiệu Hưng với Trung đội rồi bảo Hưng:
“Cậu ở lại làm quen với anh em. Nửa giờ nữa, Tường quay lại dẫn cậu đi cho biết địa hình địa vật, các vị trí phòng thủ, các tiêu lệnh. Cậu nên đem theo ống nhòm. Sau đó, mình nhậu. Cậu nhớ bảo Trung đội Phó, các Tiểu đội Trưởng Phó của cậu, trừ người trực.”
Sau khi ra lệnh cho Trung đội chào tiễn Đại đội Trưởng và các sĩ quan tháp tùng, Hưng quay lại nói với Trung đội:
“Chào anh em. Tôi là Chuẩn úy Hưng, Lê Văn Hưng, được Đại đội Trưởng bổ nhiệm phụ trách Trung đội chúng ta. Tôi đến với anh em với tình thân ái của người cùng chung một gia đình, tôn trọng Quân kỷ nhưng đồng thời cũng trong tình huynh đệ chi binh. Tôi mong tất cả anh em cộng tác chặt chẽ với nhau, mọi thành quả tốt đẹp Trung đội chúng ta gặt hái được là của tất cả anh em, không phải của riêng tôi. Trung đội là của anh em. Cá nhân tôi sống với anh em một thời gian nào đó rồi cũng sẽ đi đơn vị khác, trong khi anh em phần lớn sẽ là nòng cốt cho sự tồn tại của Trung đội.”
Hưng đi quanh bắt tay từng người. Anh giật mình nhận ra quân số của Trung đội không phải là 37 người như lý thuyết trong Bản Cấp số mà chỉ gồm một tiểu đội 8 người, hai tiểu đội 7 người, cộng 22, thêm Hưng, Lạc, Trí, và Lâm, tổng cộng 26. Quân số thực tế đó chưa tính người thương tích bệnh hoạn hoặc nghỉ phép. Đột nhiên anh nghĩ đến những người trốn lính, những kẻ tìm cách chạy chọt vào các chỗ an nhàn, nghĩ đến lính ma lính kiểng, và cảm thấy một chút buồn phiền bất mãn trong lồng ngực. Khi quay lại, nhìn thấy Tường đã đến, Hưng đặt Trung đội dưới quyền chỉ huy của Lạc, rồi theo Tường quan sát tiền đồn.
Giải tán Trung đội xong, Lạc bước vội theo Tường và Hưng để giải thích thêm cho Hưng vị trí mà Trung Ba có trách nhiệm phòng thủ. Tâm trí Hưng đột nhiên duyệt lại các bài học đã học được ở Quân trường, chiến thuật, chiến lược, dạ chiến, các bài học mà trước đây nhiều khi anh chỉ nghe nửa tai không ghi nhớ gì vào tâm trí. Khi Tường từ giã, Lạc bảo Hưng:
“Em đưa Chuẩn úy vào sắp xếp đồ đạc.”
Thấy Hưng và Lạc tiến đến doanh trại, Lâm chờ sẵn bước tới chào Hưng. Lạc giới thiệu:
“Trình Chuẩn úy, Lâm là liên lạc viên của Chuẩn úy, chăm sóc Chuẩn úy hằng ngày và truyền lệnh của Thiếu úy khi cần.”
Lạc hỏi Lâm:
“Cậu đưa đồ đạc của Chuẩn úy xuống chưa?”
“Xong cả rồi, Trung sĩ, đang để bên giường Chuẩn úy.”
Hưng chào lại và bắt tay Lâm:
“Cám ơn Lâm.”
“Có gì đâu Chuẩn úy, em chỉ làm tròn bổn phận người lính thôi.”
Hưng nhìn nhanh lên trời. Mới ngày đầu thực sự sống đời lính, anh đã hai lần nghe câu làm tròn bổn phận người lính được nói xuôi chảy như đã in sâu trong tâm khảm, như một bài học đã thuộc nằm lòng. Người lính chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là làm tròn bổn phận được giao phó. Với Hưng, bổn phận đó gói gọn trong mấy từ ghi trên nón sĩ quan, “Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm”, và trong châm ngôn của Trường Bộ binh, Cư an tư nguy.
Thấy Hưng bước vào, ai đó trong nhà vội hô “Nghiêm!” rồi tất cả đứng lên chào Hưng. Quân kỷ định rõ khi một sĩ quan bước đến nơi nào, người nào thấy trước tiên phải hô “Nghiêm!” nếu là sĩ quan cấp Úy, “Vào hàng! Phắc!” nếu là sĩ quan cấp Tá cấp Tướng, trừ phi nơi đó đang có mặt một sĩ quan cao cấp hơn. Khi nghe hô, tất cả phải chào, nếu đang ngồi phải đứng lên. Hưng chào lại, hô “Nghỉ” rồi cười nói:
“Các cậu ơi, lần tới thì miễn chào nghe, tôi đi ra đi vào một ngày cả chục lần, các cậu chào sao cho xuể?”
Có tiếng đáp lại:
“Chuẩn úy nói vậy thì tụi em nghe vậy. Có điều, ở nhà có cha mẹ, ở trung đội có Chuẩn úy, Thiếu úy, tụi em không kính trọng không được.”
Tiền đồn hẹp hình vuông, mặt trước có cổng nhìn ra đường cái. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo là mạch giao thông chính giữa các xã, quận, và tỉnh. Bên kia đường, lơ thơ mấy hàng tạp hóa và vài quán bán cà phê, bia, và bún phở mà khách hàng chủ yếu là quân nhân Đại đội. Ba mặt còn lại nhìn ra các dải ruộng hẹp nối nhau chạy dần về phía thôn xóm xa xa với những căn nhà lúp xúp nép mình dưới các vòm cây um tùm. Bốn căn nhà vách ván dành cho bốn trung đội, bên ngoài các vách ván sát hàng rào được đắp đất dày chừng ba bốn tấc để ngăn chặn phần nào mảnh đạn pháo kích và B40. Nhà tiền đồn tạm bợ, chẳng được tu bổ chăm sóc, mái lợp tôn cũ nhiều chỗ gỉ sét. Phần đất rộng sau cổng là Sân Cờ và là nơi tập họp Đại đội. Sau Sân Cờ là nhà Trung đội Chỉ huy trong đó có văn phòng và phòng ngủ của Đại đội Trưởng. Song song với nhà Trung đội Chỉ huy là nhà Trung Ba, nơi Hưng sinh sống cho đến ngày rời khỏi đơn vị. Trung Một và Trung Hai chiếm giữ hai căn nhà hai cạnh. Một giao thông hào hẹp ngăn ba căn nhà trung đội với lớp trong hàng rào kẽm gai. Giao thông hào này chạy vòng quanh đơn vị, đứt một quãng ở cổng ra vào.
Vì không có giao thông hào phòng thủ, cổng ra vào được tăng cường an ninh phía trước với hai ngựa chắn bằng cọc sắt hàn lại với nhau, quấn kẽm gai và Concertina bao bọc chung quanh. Cổng gồm hai cánh hình chữ nhật, khung và hai cây chéo giữ cứng đều bằng cọc sắt hàn dính lại với nhau, giữa là kẽm gai đan ô vuông bên trên có một vòng Concertina do mấy thanh cọc sắt ngắn hàn thành hình chữ V nâng đỡ, rộng đủ cho xe tăng chạy vào khi mở rộng. Cổng và ngựa chắn đều đóng im ỉm ngày đêm, chỉ kéo ra khi có xe cộ chạy vào. Bên trái cổng có vọng gác và một lối hẹp để ra vào hằng ngày. Hàng rào kẽm gai vây quanh bốn phía doanh trại gồm hai lớp cách nhau chừng ba bốn mét, lớp trong cùng đan ô vuông dày kiểu lưới chống B40 để ngăn cản đạn phóng lựu B40 B41, lớp ngoài cũng đan ô vuông nhưng thưa hơn. Từ đầu trên của lớp ngoài cả bốn mặt, một lớp kẽm gai đan ô vuông thưa được kéo thêm chênh chếch xuống chạm đất thành cạnh tam giác. Từ lớp trong đến lớp tam giác và kéo thêm chừng hai mét ra bên ngoài là một lớp kẽm gai ô vuông nằm ngang cao hơn mặt đất chừng hai tấc, bên trên đặt các cuộn kẽm gai Concertina xoắn tròn chồng chất lên nhau. Rải rác trong vùng Concertina này, Đại đội đã cho gài các loại mìn Claymore, lựu đạn, mìn chống người, và treo tòng teng các lon kim loại dùng làm chuông báo động thô sơ. Các lớp nằm ngang mặt đất có nhiệm vụ làm chậm bước địch quân tiến sát hàng rào. Trên mặt đất cạnh hàng rào ba mặt nhìn ra ruộng là ba vọng gác thuộc trung đội, mỗi vọng phân chia phần giao thông hào thuộc trách nhiệm trung đội ra thành hai phần gần bằng nhau. Các vọng gác, cổng cũng như ba trung đội, đều có nhiều lớp bao cát chất cao che chắn bên ngoài, bên trong có các lỗ châu mai ngang tầm ngực. Bao cát được dùng che chắn vì đạn B40 B41 là các loại mang chất nổ lõm chỉ xuyên phá vật cứng mà mất hiệu lực khi gặp vật mềm.
Giường Hưng là một chiếc giường bố nhà binh đặt bên phải cửa ra vào song song với vách dài, chiếm một khoảng trống bằng hai chiếc giường. Trên giường trải một tấm ra vải thô màu vàng dưa cải muối, một cái gối có vải bọc cùng màu đặt phía đầu, và một cái mền xám đen xếp gọn phía chân giường. Trước giường, mấy thùng đạn rỗng chồng lên nhau làm bàn viết hoặc ghế ngồi khi cần. Thùng đạn màu gỗ thông còn nguyên các cây ngang nối các tấm ván nhỏ lại với nhau và hai sợi dây thừng quai xách ngắn màu đen. Hưng mỉm cười nhìn đến “phòng ngủ kiêm phòng làm việc” của mình. Giường của anh em trung đội chiếm phần còn lại của căn nhà, xếp thành dãy song song với giường Hưng, dãy này cách dãy kia chừng ba bốn tấc. Chiếc radio đâu đó trong phòng rè rè phát ra giọng Thanh Tuyền ca bài Phút Giao mùa của Trần Thiện Thanh:
Tiền đồn heo hút nhắc em kỷ niệm ấu thơ.
Hỏi “Em có nghe trong tâm hồn gợi giây phút xưa?”
Lạc bảo Hưng:
“Khi nào sửa soạn xong, xin Thiếu úy cho biết để anh em đến trình diện.”
“Lạc cho mình vài chục phút.”
Nhìn đồng hồ tay, Hưng nói tiếp:
“Giờ là 10 rưỡi, 11 giờ cậu cho anh em đến để kịp giờ cơm trưa.”
“Tuân lệnh Chuẩn úy.”
Hưng xếp mấy thùng đạn lên phía đầu giường quay vào trong, bày lên trên mấy vật dụng cần dùng hằng ngày, tìm cách máng khăn mặt khăn tắm nhà binh cấp phát màu ôliu lên mấy cái đinh đã đóng sẵn trên vách, đặt đôi dép vào dưới gầm giường. Lục balô, anh lấy ra hình Nhi, vợ chưa cưới, đặt lên chồng thùng đạn ngang với gối, lấy cái áo gối vải trắng thêu hoa hồng và hai con chim châu mỏ vào nhau bọc chiếc gối trên giường, trải một chiếc khăn tắm nhà binh màu ôliu lên trên gối. Anh đứng ngắm nghía rồi cúi xuống balô lấy chai Martel đặt sẵn dưới gầm giường phòng khi Duy gọi. Loay hoay vừa xong, anh thấy Lạc dẫn Tiểu đội Trưởng, Phó và Trí Truyền tin đến. Người ngồi giường kẻ ngồi thùng đạn, anh em lần lượt tự giới thiệu. Hưng bắt tay từng người thật chặt rồi nói:
“Tôi có bệnh không nhớ ngay được tên nhiều người trong lần gặp mặt đầu tiên nên nhất thời chưa chắc đã nhớ được hết tên anh em. Vì vậy, xin anh em đừng buồn nếu lần gặp sau tôi lại hỏi tên. Hai là, chuyện tôi sắp nói quan trọng hơn. Đó là, để hoàn thành nhiệm vụ, tôi rất cần sự cộng tác của tất anh em là các cấp chỉ huy trực tiếp. Mọi chuyện, chúng ta sẽ thẳng thắn bàn bạc với nhau khi thời gian cho phép, hoặc ít nữa với tôi hoặc với Trung đội Phó khi cấp bách.”
Ngưng một chút, Hưng nói tiếp:
“Còn một chuyện nữa. Đó là, ý kiến đa số mà chúng ta có được sau khi hội ý buộc mọi người phải tuân theo dù trước đó đồng ý hay không. Dẫu vậy, khi thực hiện nếu thấy chỗ nào không phù hợp, anh em đừng ngần ngại cho tôi hoặc Trung Phó biết để điều chỉnh kịp thời.”
Một Tiểu đội Trưởng nói:
“Chuẩn úy đừng lo. Qua bao đời Trung đội Trưởng, Trung Ba chúng ta lúc nào cũng tuân lệnh cấp trên và đoàn kết nâng đỡ nhau.”
Hưng cười:
“Tôi cũng nghĩ đã là như thế, và hết lòng cám ơn anh em trước.”
Mọi người trò chuyện râm ran. Hưng đưa gói thuốc Pall Mall ra mời dù anh không biết hút thuốc. Cả đám phì phà phun khói làm Hưng ho sặc sụa. Một người nói đùa:
“Chuẩn úy chịu không nổi khói thuốc làm sao chịu nổi khói súng?”
Hưng cười thầm. Anh chàng này còn chút tế nhị, chẳng dám gọi anh là chuẩn úy sữa như lính tráng thường gọi sau lưng anh em chuẩn úy mới ra trường. Hưng trả lời:
“Tôi không biết vì chưa thử lửa bao giờ. Người ta nói lính say khói súng khi đụng trận, đúng thế không?”
Một người nói:
“Có thể đúng vậy. Trước khi đụng, ai cũng sợ hãi lo lắng, nhưng đụng rồi, sợ hãi biến mất tiêu.”
Hưng gật gù:
“Vậy sao? Tôi chỉ mới ngửi khói súng Quân trường, chưa biết khói súng chiến trường như thế nào.”
Lạc cười:
“Chuẩn úy đừng lo, sợ Chuẩn úy được ngửi sớm hơn mong đợi đó thôi.”
Hưng đổi hướng câu chuyện:
“Các cậu nè, Đống Đa bảo chốc nữa các cậu tập trung nhậu, cả Trí nữa, sau khi Đại đội Phó hướng dẫn tôi xem địa hình địa vật. Tôi không quen nhậu nên anh em nhớ rước giúp tôi.”
Nhiều người cười ha hả:
“Gì chứ chuyện đó Chuẩn úy khỏi lo. Cắt cổ hơn đổ rượu, bao nhiêu tụi này cũng rước hết cho Chuẩn úy.”
Hưng hỏi Lạc:
“Mà thường nhậu chỗ nào vậy Lạc?”
Lạc nói:
“Tiền đồn chẳng có câu lạc bộ nên nắng, cột cờ; mưa, văn phòng Đống Đa.”
Ai đó ngâm nga:
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say trời cũng đỏ gay, ai cười?
(Còn tiếp)
Trần Hữu Thuần