Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị trị vì rất lâu, nhưng qua đời rất nhanh.
Vào khoảng 1 giờ chiều ngày 8 tháng 9, sau BBC, các hãng thông tấn đồng loạt đưa tin về sự ra đi của bà.
Trước đó vài giờ, Điện Buckingham chỉ mới công bố Nữ hoàng đang mệt và được chăm sóc y tế tại Lâu đài Balmoral, cung điện mùa hè của bà ờ Scotland.
Chỉ mới hai ngày trước đó, bà còn vững vàng đứng để chấp nhận sự từ chức của cựu Thủ tướng Boris Johnson và lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Liz Truss.
Một triều đại dài nhất trong lịch sử các vương triều ở Anh quốc, cũng là một kỷ lục của các vương triều trên thế giới: 70 năm. Người phụ nữ trị vì Vương quốc Anh, đứng đầu Canada và khối Thịnh vượng chung, trở thành nữ hoàng thứ sáu của Anh quốc lên ngôi năm 25 tuổi (năm 1952) và vị vua ngồi trên ngai vàng lâu nhất lịch sử vương quốc này. Thời gian trị vì của bà bao trùm hơn 13 đời tổng thống Hoa Kỳ. Triều đại của bà tượng trưng cho sự ổn định và trật tự của đất nước, và cho đến hôm 8 tháng 9, không ít thần dân của bà đã tưởng là sẽ không bao giờ kết thúc.
Đến 1:48 chiều (giờ London), đài BBC ngưng chương trình thường lệ. Huw Edwards, một phát thanh viên kỳ cựu, xuất hiện với bộ vest đen và cà vạt đen. Trên màn ảnh hiện lên chỉ một hàng chữ đơn giản: “Sức khỏe của Nữ hoàng Elizabeth”.
Các nhân vật trong vương thất vội vàng đổ về. Các trang mạng theo dõi các chuyến bay cho thấy các chuyến đi bất thường đến Aberdeen – sân bay gần Balmoral nhất – từ các căn cứ của Lực lượng Không quân Hoàng gia ở các vùng khác của Anh.
Trong những giờ sau đó, ngày càng nhiều thành viên của gia đình hoàng gia đến Balmoral. Người ta thấy Hoàng tử William, cháu trai của nữ hoàng, lái chiếc Range Rover chở các Hoàng tử Andrew, Edward và Sophie, vợ của Edward.
Lúc 6:41 chiều (giờ London), hơn sáu giờ sau khi những lời xì xào bắt đầu, danh khoản Twitter của gia đình hoàng thất ra thông báo: “Nữ hoàng đã qua đời trong yên bình tại Balmoral vào chiều nay”. Trang mạng của hoàng gia chuyển sang màu đen, với một bức ảnh giản dị của nữ hoàng và thông điệp: “Nữ hoàng Elizabeth II 1926 – 2022”.
Nữ hoàng đã băng hà.
Từ 1 giờ 30 chiều ngày 8 tháng 9, bạn đọc đã ngộp thở với những tin tức, tường trình ngắn dài về Nữ hoàng – từ tiểu sử đến công nghiệp.
Không lập lại để tránh nhàm chán, Chuyện Cuối Tuần này sẽ chỉ đi một vòng những gì sẽ diễn ra trong 10 ngày tới, và vài chuyện bên lề.
Chiến dịch “Cầu London”
Hoàng gia Anh đã chuẩn bị hết sức bài bản cho những sự kiện và biến cố của triều đình. Việc chuẩn bị cho sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II lại càng bài bản hơn, vì có quá nhiều thời gian, bà sống và trị vì quá lâu. Chắc chắn sẽ không để xảy ra cảnh tang gia (và cả quốc gia) bối rối.
Khi có tin Nữ hoàng không được khỏe, Người Kể Chuyện đã tìm tòi những thông tin về trường hợp bà băng hà để phóng khi hữu sự và may mắn được nhà báo Ngy Thanh chỉ cho ngay một bài báo trên tờ báo Anh The Guardian.
Bài phóng sự điều tra công phu dài đến hơn 5000 chữ báo của ký giả Sam Knight được xuất bản từ cách đây 5 năm – ngày 17 tháng 3 năm 2017.
Bài tường trình có tên “London Bridge is down: The secret plan for the days after the Queen’s death” (Cầu Luân đôn đã hạ: Kế hoạch mật cho những ngày sau cái chết của Nữ hoàng).
Theo bài báo, trong các kế hoạch của Điện Buckingham, chính phủ và đài BBC về cái chết của Nữ hoàng – hầu hết đều dự đoán rằng bà sẽ qua đời sau một thời gian ngắn ốm đau. Gia đình và bác sĩ của bà sẽ có mặt. (Dự đoán này chính xác hoàn toàn!)
Có vẻ như tất cả những gì được nhà báo Sam Knight viết năm 2017, được trình bày ở dưới đây với chữ sẽ của thì tương lai, đều chính xác, và cần thay “sẽ” bằng “đã” khi nói về những gì diễn ra từ hôm 8 tháng 9 đến nay.
Trong những giờ cuối cùng đó, một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa và là viên ngự y cao cấp của Nữ hoàng, Giáo sư Huw Thomas, sẽ là người phụ trách. Ông sẽ chăm sóc người bệnh, kiểm soát việc ra vào phòng của bà và xem xét những thông tin nào nên được công khai.
Đôi mắt của bà sẽ được khép lại và Charles sẽ trở thành vua. Các anh chị em của Charles sẽ hôn tay ông. Viên chức đầu tiên lo về tin này sẽ là Sir Christopher Geidt, thư ký riêng của Nữ hoàng, ông sẽ liên lạc với thủ tướng.
Lần sau cùng Anh quốc có một vị vua qua đời là cách đây 65 năm, khi vua George VI băng hà. Ngày đó, tin ông qua đời đã được truyền đi bằng mật mã tới Điện Buckingham để các tổng đài viên điện thoại khỏi phát giác ra. Mật mã đó là “Hyde Park Corner” (góc Công viên Hyde).
Với Nữ hoàng Elizabeth II, mật mã này là “London Bridge is down” (Cầu London đã đổ) và kế hoạch cho những gì xảy ra tiếp theo được gọi là chiến dịch “London Bridge”. Thủ tướng – nay là bà Truss, sẽ bị đánh thức và các công chức sẽ sử dụng các đường dây an toàn để liên lạc. Từ Trung tâm Phản ứng Toàn cầu của Bộ Ngoại giao, tại một địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô, tin về cái chết của Nữ hoàng sẽ được truyền đi tới 15 chính phủ bên ngoài Vương quốc Anh, nơi Nữ hoàng cũng là nguyên thủ quốc gia và 36 quốc gia khác của Khối thịnh vượng chung nơi bà đóng vai trò quốc trưởng tượng trưng.
Người ta sẽ giữ kín việc bà ra đi trong vài giờ. Thông tin về cái chết sẽ được truyền đi giống như sóng nén trước một trận động đất. Các toàn quyền, thống đốc, đại sứ và thủ tướng sẽ biết trước.
Sau đó đến lượt những người còn lại trong số đó có chúng ta, được biết, nhưng nhanh hơn ngày xưa một chút.
Trong nhiều năm, đài BBC đã được thông báo về những cái chết của hoàng gia trước tiên, nhưng độc quyền phát sóng cho đế chế đã không còn nữa. Ngày nay, khi Nữ hoàng qua đời, thông báo này sẽ được đưa đến Hiệp hội Báo chí và các phương tiện truyền thông còn lại trên thế giới cùng một lúc.
Những màn hình sẽ sáng lên. Sẽ có những dòng tweet. Tại BBC, “radio alert transmission system” (hệ thống truyền cảnh báo vô tuyến, gọi tắt là Rats), sẽ được kích hoạt – một hệ thống báo động thời chiến tranh lạnh được thiết kế để chống lại một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của quốc gia.
Tất cả các tổ chức thông tấn sẽ tranh giành để đưa các đoạn phim (xưa) lên sóng và các bản cáo phó (mới) lên mạng. Tờ The Times được cho là có sẵn sàng các bản tường trình cho 11 ngày báo. Hai đài truyền hình Sky News và ITN sẽ gọi cho các chuyên viên về hoàng gia mà họ đã ký sẵn hợp đồng để bình luận độc quyền trên các đài đó.
Trong các đài phát thanh thương mại của Anh có một mạng lưới “obit lights” màu xanh lam, sẽ phát sáng trong trường hợp có thảm họa quốc gia. Khi có tin về cái chết của Nữ hoàng, các đèn này sẽ bắt đầu nhấp nháy, để báo cho các DJ chuyển sang tin tức và phát loại nhạc đã được chuẩn bị – loại “Mood 2” (buồn) hoặc “Mood 1” (buồn nhất) để phát trong những lúc bất ngờ có tang.
Với hệ thống BBC, các phát thanh viên sẽ mặc vest đen và đeo cà vạt đen. – hạng mục một. các chương trình sẽ ngưng lại. Thính giả của Đài phát thanh 4 và Đài phát thanh 5 trực tiếp sẽ nghe thấy một công thức tiêu chuẩn: “Đây là đài BBC (phát thanh) từ Luân Đôn…”
Cả hai viện của quốc hội sẽ được triệu tập khẩn cấp, mọi người đi làm sẽ được về sớm, và các phi công sẽ thông báo tin tức cho hành khách trên máy bay của họ. Trong chín ngày tiếp theo (trong tài liệu Chiến dịch Cầu London, ngày nhà vua qua đời là “D-day” và 9 ngày sau sẽ là “D + 1”…) sẽ có các nghi thức tuyên vương, một chuyến ngự du bốn nước của vị vua mới, một dịp quy tụ của các nhân vật ngoại giao quốc tế ở London.
Về lý thuyết, mọi thứ đã được sắp xếp đâu vào đó. Nhưng trong vài giờ sau khi Nữ hoàng ra đi, sẽ có những chi tiết mà chỉ Charles mới có thể quyết định. Charles dự kiến sẽ có bài phát biểu đầu tiên với tư cách là nguyên thủ quốc gia vào tối ngày mẹ ông qua đời.
Các tổng đài – Cung điện, Phố Downing, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao – sẽ ngập trong các cuộc gọi trong 48 giờ đầu tiên. Hoạt động vui chơi tại các Công viên Hoàng gia (Royal Parks) sẽ bị đình chỉ.
Thị trưởng sẽ che các huy chương của họ (những cây trượng (mace) sẽ được bao phủ bằng túi đen). Tại các thành phố trực thuộc tỉnh, những màn hình lớn sẽ được dựng lên để đám đông có thể theo dõi những sự kiện diễn ra ở London và tất cả các loại cờ, kể cả cờ ở bãi biển (trừ cờ báo nguy màu đỏ), sẽ được hạ xuống nửa cột. Một trong những vấn đề đau đầu nhất sẽ là đối với Bộ Ngoại giao, đó là đối phó với tất cả các chức sắc đến từ khắp nơi trên trái đất. Các gia đình hoàng gia châu Âu sẽ được đưa vào cung điện; số còn lại sẽ ở khách sạn Claridge’s.
Vào ngày D + 1, một ngày sau khi Nữ hoàng qua đời, các lá cờ sẽ được kéo lên và vào lúc 11 giờ sáng, Charles sẽ tuyên vương. Accession Council (Hội đồng lên ngôi hay tuyên vương) sẽ được triệu tập tại Entrée Room trải thảm đỏ của Cung điện St James.
Hội đồng này, được chủ trì bởi vị chủ tịch của Hội đồng Cơ mật, sẽ họp vào thứ Sáu, chính thức tuyên bố cái chết của Nữ hoàng và sự lên ngôi của người kế vị.
Sau đó, tân vương sẽ tổ chức phiên họp đầu tiên với các cố vấn riêng và sẽ tuyên thệ nhậm chức, việc này đã được mọi quốc vương thực hiện từ thời George I vào năm 1714.
Tuyên bố đánh dấu việc lên ngôi của nhà vua sau đó được tuyên đọc từ ban công phía trên Sân Friary tại Cung điện St. James.
Người thư ký, một viên chức cao cấp tên là Richard Tilbrook, sẽ đọc văn bản chính thức, “Xét vì, Đức Chúa Toàn năng đã gọi Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhị về với Ngài …” và Charles sẽ thực hiện những nhiệm vụ chính thức đầu tiên trong triều đại của ông, tuyên thệ sẽ bảo vệ Giáo hội ở Scotland, và nói về gánh nặng bây giờ là của ông.
Vào lúc bình minh, cửa sổ trung tâm nhìn ra Sân Friary, ở mặt tiền phía đông của cung điện, sẽ được dỡ bỏ và mái bên ngoài được phủ nỉ đỏ. Sau phát biểu của Charles, đội kèm trumpet của trung đoàn kỵ binh hoàng gia Life Guards sẽ tiến ra để trổi lên ba loạt kèn. Vị Garter Kings of Arms (Đoàn trưởng Kỳ hiệu đoàn), một nhà phả hệ tên là Thomas Woodcock, sẽ đứng trên ban công và bắt đầu nghi lễ tuyên vương của Vua Charles III.
Từ Điện St James’s, Garter Kings of Arms và nửa tá sứ giả khác, sẽ đi bằng xe ngựa đến tượng Charles I, ở chân Quảng trường Trafalgar, nơi đánh dấu điểm giữa chính thức của London, và đọc bản tin một lần nữa. Loạt đại bác chào 41 phát – gần bảy phút pháo – sẽ được bắn từ Hyde Park.
Trên ranh giới cũ của Thành phố London, bên ngoài Tòa án Tư pháp Hoàng gia, một sợi dây màu đỏ sẽ treo ngang đường. Viên Marshal của Thành phố (một chức vụ tượng trưng), ông Philip Jordan, sẽ lên ngựa đợi. Các sứ giả sẽ được chính thức nhận vào Thành phố, và sẽ có thêm nhiều tiếng kèn và nhiều thông báo hơn: tại Royal Exchange, và sau đó trong một phản ứng dây chuyền trên toàn quốc.
Sau tuyên bố tại Cung điện St James’s, Charles sẽ lập tức đi khắp đất nước, đến Edinburgh, Belfast và Cardiff để tham dự các buổi lễ tưởng nhớ bà mẹ và gặp các nhà lãnh đạo. Theo dự kiến, Anh hoàng Charles III sẽ thăm Scotland trước nhất, có thể là vào Chủ nhật, trước khi tiếp tục đến Bắc Ireland vào thứ Hai. Chuyến đi cuối cùng, đến xứ Wales, dự kiến vào D-Day + 7, tức là thứ Năm tới. Cũng sẽ có những buổi tiếp tân công dân, dành cho giáo viên, bác sĩ và những người bình thường khác.
Trong chín ngày trước lễ tang sẽ có cả ngàn công việc chuẩn bị.
Vào ngày D + 1, Sảnh đường Westminster Hall sẽ được khóa lại, làm sạch và sàn đá được trải thảm 1.500 mét. Nến được đốt sẵn sẽ được mang đến từ Tu viện Westminster Abbey. Các đường phố xung quanh sẽ được chuyển đổi thành không gian nghi lễ. Các cột chắn xe trên đường The Mall sẽ được loại bỏ, và các thanh chắn được dựng lên để bảo vệ hàng rào. Có không gian cho 7.000 chỗ ngồi trong Cuộc diễn hành Ngự lâm quân Horse Guards và 1.345 trên Sân thượng của Carlton House. Mười người khiêng quan tài của Nữ hoàng sẽ được chọn và thực tập mang gánh nặng của họ tại một doanh trại ở đâu đó. (Quan tài của các nhân vật hoàng gia Anh rất nặng vì được lót chì. Quan tài của Công nương Diana nặng đến 250 ký.)
Từ ngày D-Day + 2…
Theo bài báo của The Guardian, công phu nhất là kế hoạch về trường hợp bà qua đời tại Balmoral. Đầu tiên, Nữ hoàng sẽ nằm yên nghỉ trong cung điện nhỏ nhất của bà, tại Holyroodhouse, ở Edinburgh. Sau đó, quan tài sẽ được đưa qua con đường Royal Mile đến nhà thờ St Giles, cho một lễ viếng, trước khi được đưa lên đoàn xe lửa Hoàng gia (Royal Train) tại ga Waverley để đi về bờ biển phía đông. Sẽ có những đám đông tại các ngã tư cổng xe lửa và trên các sân ga theo chiều dài của đất nước – từ Musselburgh và Thirsk ở phía bắc, đến Peterborough và Hatfield ở phía nam – để ném hoa lên đoàn tàu đi qua. (Tuy nhiên, đã có tin và tin đã đúng, là lần này, quan tài của Nữ hoàng sẽ được chuyển bằng phi cơ về London).
Thi hài của Nữ hoàng sẽ được đưa về phòng đặt ngai vàng (the throne room) trong Điện Buckingham, nơi nhìn ra góc Tây Bắc của sân trong Quadrangle. Sẽ có một bàn thờ, vải phủ quan tài, kỳ hiệu hoàng gia, và bốn vệ binh Grenadier, đội mũ da gấu, mũi súng chúc xuống sàn, đứng canh. Trong hành lang, các nhân viên được Nữ hoàng thuê trong hơn 50 năm – những người sắp sửa mất việc, sẽ lần lượt đi qua.
Bên ngoài, đội ngũ các nhà báo sẽ tập hợp tại các địa điểm đã được thỏa thuận trước bên cạnh Cổng Canada (Canada Gate), ở dưới cùng của Green Park. Trên khắp đất nước, cờ sẽ được hạ xuống và chuông sẽ vang lên.
Công tước Norfolk thứ 18, vị Earl Marshal (nhân vật chuyên trách tổ chức các nghi lễ lớn, cũng là chủ tịch College of Arms) sẽ là người phụ trách lễ tang. Các công tước Norkfolk là những người đã trong coi các lễ tang của hoàng gia từ năm 1672. Trong Chiến dịch Cầu London, văn phòng của Lord Chamberlain trong cung điện St.James’s sẽ là trung tâm của các hoạt động. Nhóm của chính phủ – phối hợp cảnh sát, an ninh, giao thông và lực lượng vũ trang – sẽ tập hợp tại Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao. Sẽ có khoảng 10.000 vé được in cho những vị khách được mời, những vé mời đầu tiên sẽ cần để gửi đến cho những người dự lễ tuyên vương của Vua Charles sẽ diễn ra trong 24 giờ nữa.
Vào ngày D + 4, quan tài sẽ di chuyển đến Westminster Hall, để nằm nguyên trạng trong bốn ngày. Cuộc tuần hành từ Cung điện Buckingham sẽ là cuộc diễn hành quân sự lớn đầu tiên của chiến dịch Cầu London: xuống đường The Mall, qua đường Horse Guards, và qua Đài tưởng niệm chiến tranh (Cenotaph).
Đám rước sẽ đến Sảnh Westminster vào giờ này. Thời gian sẽ chỉ như vậy. “Big Ben bắt đầu vang lên khi bánh xe dừng lại,” như một đài truyền hình đã nói.
Bên trong Sảnh, sẽ có những bài thánh vịnh khi quan tài được đặt trên một bệ phủ màu tím. Vua Charles sẽ trở lại sau chuyến công du để dẫn đầu đoàn người đưa tang. Quả cầu, vương trượng và Vương miện của Hoàng gia sẽ được cố định tại chỗ, binh lính sẽ đứng gác và sau đó các cánh cửa mở ra cho đoàn người sẽ hình thành bên ngoài và giờ bước qua quan tài của Nữ hoàng suốt 23 giờ mỗi ngày.
Dưới mái nhà màu hạt dẻ của hội trường, bốn quân nhân sẽ im lặng đứng canh mỗi ca 20 phút. Không quân Hoàng gia, Lục quân, Hải quân Hoàng gia, vệ binh Beefeaters, lính Gurkhas – tất cả mọi người sẽ tham gia. Sĩ quan cao cấp nhất trong 4 người sẽ đứng dưới chân quan tài, cấp dưới nhất đứng ở đầu. Các vòng hoa trên quan tài sẽ được thay mới mỗi ngày.
Trước rạng sáng ngày D + 9, ngày diễn ra lễ tang, trong hội trường vắng lặng, các món trang sức sẽ được đưa ra khỏi quan tài và làm sạch. Vào năm 1952, ba thợ kim hoàn đã phải mất gần hai giờ đồng hồ để loại bỏ hết lớp bụi. (Ngôi sao Châu Phi, trên vương trượng của hoàng gia, là viên kim cương cắt lớn thứ hai trên thế giới.) Hầu như cả nước Anh sẽ có một ngày nghỉ. Các cửa hàng sẽ đóng cửa hoặc chuyển sang giờ làm việc của ngân hàng. Một số sẽ trưng hình ảnh của Nữ hoàng trong cửa sổ của họ. Thị trường chứng khoán sẽ không mở cửa. Đêm hôm trước, sẽ có các buổi lễ nhà thờ ở các thị trấn trên khắp Vương quốc Anh. Nếu cần thiết, các sân túc cầu sẽ được mở cửa để tổ chức lễ tưởng niệm.
Tang lễ cấp quốc gia của nữ hoàng dự kiến sẽ được tổ chức vào D-Day + 10, tức là Chủ nhật, ngày 18 tháng 9, tại Tu viện Westminster ở London. Các nguyên thủ quốc gia và các nhân vật VIP khác từ nước ngoài sẽ tham dự. Sau đó, sẽ có một buổi lễ an táng tại Nguyện đường St. George ở Lâu đài Windsor, bên ngoài London. Nữ hoàng sẽ được chôn cất trong Nguyện đường tưởng niệm Vua George VI bên trong Nguyện đường St. George.
9 giờ sáng ngày D+10, chuông đồng hồ Big Ben sẽ đổ. Búa của chuông sau đó sẽ được phủ bởi một miếng đệm bằng da dày 7/16 inch, chuông sẽ rung lên nghe với âm sắc như tắt nghẹn. Khoảng cách từ Westminster Hall đến Westminster Abbey chỉ vài trăm mét. Nữ hoàng sẽ là vị vua nước Anh đầu tiên được tổ chức tang lễ trong Tu viện kể từ năm 1760. Bên trong sẽ có 2.000 khách.
Khi quan tài đến cửa tu viện, vào lúc 11 giờ đồng hồ, cả nước sẽ im lặng. Các ga tàu sẽ ngừng mọi thông báo. Xe buýt sẽ dừng lại và người lái xe sẽ bước xuống bên đường.
Bên trong Tu viện, Tổng giám mục sẽ phát biểu. Trong các phần cầu nguyện, truyền hình sẽ hạn chế không thu hình mặt các nhân vật hoàng gia. Rồi những người khiêng áo quan sẽ quan tài đặt nó lên cỗ xe chở pháo màu xanh lá cây – từng được sử dụng cho đám tang các vị vua trước đó. 138 thủy thủ sẽ gục đầu và kéo cỗ xe. Truyền thống dùng binh sĩ Hải quân Hoàng gia kéo xe chở quan tài bắt đầu vào năm 1901 khi những con ngựa trắng trong tang lễ của Nữ hoàng Victoria tỏ dấu hiệu sẽ phóng chạy ở Ga Windsor và một đội ngũ binh sĩ đang xếp hàng chờ đợi đã kéo quan tài thay thế chúng.
Đoàn diễn hành sẽ di chuyển đến đường the Mall. Trên không, một số phi cơ của Không quân Hoàng gia sẽ bay qua và nghiêng cánh chào vĩnh biệt Nữ hoàng. Từ Góc Công viên Hyde, xe tang sẽ đi 23 dặm bằng đường bộ đến Lâu đài Windsor. Hoàng gia sẽ đứng sẵn trên bãi cỏ đợi bà. Sau đó, các cổng của nguyện đường sẽ bị đóng lại và các camera sẽ ngừng phát sóng. Bên trong Nguyện đường King George VI’s Memorial Chapel, thang máy dẫn đến hầm mộ hoàng gia sẽ hạ xuống, và Vua Charles sẽ bốc một nắm đất đỏ từ một chiếc bát bằng bạc để thả xuống.
Cho tới giờ phút này, khi Chuyện Mỗi Tuần được gửi về tòa soạn, mọi diễn tiến quanh sự kiện đã diễn ra đúng như kế hoạch mà nhà báo Sam Knights đã tường trình.
Quốc táng của Nữ hoàng sẽ là Thứ Hai 19 tháng 9, ngày D+10, tại Wesmisnter Abbey.
Hoàng đế Charles đệ Tam
và Canada
Đất nước không thể một ngày không vua. Câu “The King is dead. Long live the King!” và việc nối ngôi tức khắc/tự động của tân vương phát sinh từ luật le mort saisit le vif — rằng việc thừa kế/chuyển giao chủ quyền xảy ra ngay lập tức vào thời điểm người tiền nhiệm/vua trước qua đời. Hồi đầu, nó được trình bày bằng tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ của giới cung đình Anh quốc trong nhiều thế kỷ. “Le roi est mort. Vive le roi!”
Thái tử Charles trở thành vua nước Anh ngay khi mẹ ông qua đời. Ông lên tiếng trước quốc dân buổi tối “Ngày D” và buổi lễ tuyên vương diễn ra sáng ngày hôm sau (D+1). Lễ đăng quang chắc còn phải khá lâu – lễ của bà mẹ ông diễn ra 6 tháng sau ngày bà được tuyên vương.
Charles đệ Tam cam kết cùng thần dân rằng ông sẽ dành trọn cuộc đời (còn lại) của mình để phục vụ thần dân. Nhưng triều đại Charles III chắc chắn không dài. Ông lên ngôi năm 73 tuổi và tuổi thọ trung bình của một người Anh theo Sở thống kê Anh quốc là 82.3. Cứ cho rằng ông là vua, sống dai hơn chút đỉnh, thì cũng chỉ tối đa 90 hay hơn một hai năm.
Cùng với việc Charles trở thành vua, vợ ông, bà Camilla, sẽ trở thành Hoàng hậu (mặc dù cũng là Queen, nhưng bà sẽ chỉ là Queen Consort).
Nhưng hãy trở lại với nhân vật chính: Hoàng đế Charles đệ Tam.
Charles cũng là vua của Canada. Buổi lễ tuyên vương của Charles III đã được tổ chức tại Rideau Hall, Ottawa sáng Thứ Bày 10 tháng 9. Trong tuyên bố dịp này, Thủ tướng Trudeau nói: “Thay mặt Chính phủ Canada, chúng tôi khẳng định lòng trung thành của chúng tôi với Quốc vương mới của Canada, Đức vua Charles III, và trao cho ông sự ủng hộ hoàn toàn của chúng tôi.”
Thế nhưng có vẻ dân Canada không mặn mòi với ông như họ đã yêu mến bà mẹ của ông.
Thời gian Nữ hoàng Elizabeth II trị vì kéo dài gần phân nửa thời gian sự hiện hữu của Canada, đất nước chỉ mới 155 tuổi. Bà cũng đã đi thăm Canada 22 lần, lần nào cũng được nồng nhiệt chào đón mặc dù dân chúng ngày càng bớt tha thiết với nền quân chủ và các vua chúa. Trong khi đó, họ lơ là với các chuyến thăm của Thái tử Charles – mặc dù ông đã đến Canada 19 lần vừa chính thức, vừa là những chuyến du lịch gia đình hay ghé qua.
Việc dân Canada không yêu ông như yêu bà Elzabeth II có ít nhiều liên quan đến bà tân Hoàng hậu. Thật ra thì kể cũng tội. Bà bị ghét guổng vì cho là kẻ phá hoại (hoàng) gia cang trong lúc bà là mối tình đầu của Charles và Công nương Diana cũng (có thể đã) ăn nem khi Charles ăn chả.
Việc Nữ hoàng Elizabeth II băng hà và Vua Charles III lên ngôi cũng sẽ đem lại vài rắc rối cho chính phủ và dân chúng Canada.
Đầu tiên là những letterhead, và những tiêu đề trên các văn kiện chính thức.
Cho đến nay, tất cả đều là Her Majesty the Queen. Từ nay, các tổ chức và cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp Canada đều sẽ phải xem xét tất cả những văn kiện của mình để đổi thành His Majesty the King ở những chỗ cần thiết. Một công việc khá vất vả cho các ông bà công chức.
Sổ thông hành của công dân Canada cũng sẽ phải in lại vì ở trang đầu của quyển passport có hàng chữ “The Minister of Foreign Affairs of Canada requests, in the name of Her Majesty the Queen, all those whom it may concern to allow the bearer to pass freely…” (Nhân danh Nữ hoàng, Tổng trưởng Bộ Ngoại giao Canada yêu cầu, tất cả những người có liên quan, cho phép người mang (thông hành này) được tự do đi qua…”
Cho đến nay, sở Thông hành Canada (Passport Canada) vẫn chưa lên tiếng về chuyện này.
Mà không phải chỉ có chính phủ Liên bang. Không ít văn bản chính thức ở Canada có sử dụng đến nhóm từ “Her Majesty the Queen”, như các hợp đồng và lời tuyên thệ khi nhận quyền công dân.
Giới luật sư cũng sẽ phải đổi letterhead và danh thiếp của họ. Thay vì “QC” (Queen’s Counsel), từ nay họ sẽ là “KC” (King’s Counsel).
Có điều khá chắc chắn là trụ sở hội đồng lập pháp Ontario sẽ không đổi tên từ Queen’s Park sang King’s Park, bởi cái tên này được đặt – từ năm 1875, để vinh danh Nữ hoàng Victoria.
Một món quan trọng có thể sẽ có thay đổi là các tờ giấy bạc $20 bằng polymer và đồng quarter 25 xu bằng kim khí mang chân dung Nữ hoàng Elizabeth II.
In tiền mới chứ không phải đổi tiền như kiểu Cộng sản!
Cho đến nay, các cơ quan liên hệ- Ngân hàng quốc gia Canada, Sở Đúc tiền Hoàng gia và cả Bộ Tài chánh đều im re.
Chuyện này liên quan cả đến Anh quốc và một số quốc gia khác – bao gồm Úc, Tân tây lan và các đảo quốc vùng Caribbean dưới quyền quản lý tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Đông Caribbean. Cho đến nay, chưa có kế hoạch nào được công bố về việc có nên cập nhật hình ảnh trên tiền các và tiền giấy của họ để thay thế Nữ hoàng hay không.
Trong khi đó, một số đề nghị khôi hài của các mẫu thay thế cho tờ $20 với hình ảnh của Đức Vua đã được đưa lên các mạng xã hội (xem hình.)
Đỗ Quân (góp nhặt)