Saigon: Theo những tin tức vừa loan báo hôm thứ tư ngày 7 tháng 9, nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng vừa qua đời, hưởng thọ 83 tuổi.
Vào năm 16 tuổi, ở thập kỷ 1950s, bà đã thắng trong một cuộc thi tuyển diễn viên của hãng phim Mỹ Vân, vượt qua 2 ngàn thí sinh, để được chọn làm tài tử điện ảnh cho hãng phim Mỹ Vân.
Bước ra từ cuộc thi, bà được hãng phim chọn đóng vai chính Tam Nương trong phim điện ảnh Người đẹp Bình Dương (địa danh xưa ở Trung Quốc). Tác phẩm do đạo diễn Thành Châu (tức Nghệ sĩ Nhân dân Năm Châu) biên soạn dựa trên tích xưa, kể về cô gái xấu xí vốn bị gia đình ghét bỏ. Nhờ suối tiên, cô thoát xác trở thành thiếu nữ kiều diễm. Nỗ lực vượt mọi gian truân, cô kết duyên, sống hạnh phúc cùng một chàng trai khôi ngô. Cốt truyện đơn giản, môtíp vốn không lạ so với nhiều tác phẩm cùng thời. Nhờ lối diễn cuốn hút, nhan sắc khả ái của Thẩm Thúy Hằng, bộ phim tạo nên hiện tượng, thu hút đông đảo công chúng khi ra rạp vào dịp Noel 1957 và đầu năm 1958. Tên phim cũng trở thành danh xưng khán giả đặt cho Thẩm Thúy Hằng – “Người đẹp Bình Dương”, giúp bà trở thành một tên tuổi của nền điện ảnh Việt Nam.
Tên tuổi của Thẩm Thúy Hằng còn vươn tầm châu lục. Năm 1974, bà cùng nghệ sĩ Thanh Nga, Kim Cương… dự Liên hoan phim châu Á lần thứ 20 tại Đài Bắc, Đài Loan. Kỳ giải đó, điện ảnh trong nước được vinh danh với giải Nữ diễn viên xuất sắc thuộc về Thanh Nga – phim Nắng chiều, Một thoáng đam mê, còn Thẩm Thúy Hằng được trao giải đặc biệt là Ảnh hậu Á Châu (Nữ diễn viên nổi tiếng nhất của năm0>
Sau năm 1975 bà tham gia nhiều phim truyện như: “Như Thế Là Tội Ác,” “Ngọn Lửa Krông Jung,” “Hồ Sơ Một Đám Cưới,” “Đám Cưới Chạy Tang,” “Cho Cả Ngày Mai,” “Nơi Gặp Gỡ Của Tình Yêu”…
Ngoài điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn xuất hiện trên sân khấu trong các vở: “Cho Tình Yêu Mai Sau,” “Đôi Bông Tai,” “Hoa Sim Gai Trắng,” “Biệt Thự Hoang Tàn”… Vai diễn cuối cùng của bà là vai Phồn Y trong vở “Lôi Vũ” của đoàn kịch Kim Cương.
Năm 1984, bà được nhà cầm quyền trao danh hiệu “Nghệ Sĩ Ưu Tú” dành cho những nghệ sĩ có công tuyên truyền về chính sách văn nghệ của nhà cầm quyền.
Về tình duyên thì vào năm 1968, bà gặp ông Nguyễn Xuân Oánh, một tiến sĩ Kinh Tế lớn hơn bà 19 tuổi, từng làm thống đốc Ngân Hàng Sài Gòn, phó thủ tướng VNCH. Hai người kết hôn vào năm 1970.
Cùng với những nghệ sĩ Kim Cương, Kiều Chinh và Thanh Nga, bà được liệt kê vào nhóm “Tứ Đại Mỹ Nhân” dưới thời VNCH.
Những năm cuối của cuộc đời, bà đã chọn cuộc sống ẩn dật, tu tại gia cho đến khi qua đời.