Núi Thái Sơn

Nói đến núi người ta thường nghĩ đến một cấu trúc địa lý đất đá có chiều cao. Hẳn nhiên chiều cao ở đây phải xứng tầm chứ nếu chỉ lùm lùm người ta sẽ bảo đấy là đồi. Vâng. Núi là một dạng địa thế có địa hình rất đặc trưng. Nhiều hiện tượng đời sống xã hội tâm linh xảy ra gắn liền với núi. Từ ngôi cổ tự linh thiêng đến những áng mây lững lờ trôi ngang lưng núi cho đến những truyền thuyết vững bền trước dòng chảy thời gian. Từ mạch nước nguồn rót xuống, đổ tràn trên gềnh đá những bọt nước trắng xóa cho đến những ngọn tùng, ngọn bách ngàn năm tuổi cùng những con hạc trắng sải cánh vẽ lên một bức tranh tiên cảnh bồng lai… bất luận nơi đâu, một ngọn núi luôn là biểu tượng của những điều cao quý linh thiêng. Dù có tuyết hay không có tuyết, dù chiều cao chọc thủng mấy tầng mây hay chỉ là chiều cao khiêm tốn, núi luôn để lại trong lòng người chiêm ngưỡng những cảm tưởng rất riêng, rất đặc trưng, vừa linh thiêng vừa đầy ấn tượng bởi sự hiện diện rất độc đáo của núi. 

Vâng. Là thế. Núi đã đi vào lòng người như thế đấy. Từ đông sang tây, từ những màu da khác biệt, nơi đâu có núi và người dân sống gần núi đều yêu thương núi. Hãy hình dung, trước mắt bạn là một ngọn núi cao ngất, dẫu là núi phủ cây xanh hay núi đá, núi độc hay núi đàn, núi luôn luôn vẫn là núi. Từ đây, trước sự hiện diện rất đỗi hùng vĩ của núi con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé. Để rồi núi đã đi vào những truyền thuyết huyền bí. Núi trở thành một biểu tượng để người đời có thể liên tưởng đến những giá trị thẳm sâu vượt qua những vạch kẻ tư duy thông thường. Trong đó, đặc biệt với người Việt chúng ta, núi là biểu tượng của tình cha (hay công cha) qua câu ca dao bất hủ ai ai cũng biết đến:

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ, kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.     

Với tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”, ông cha chúng ta luôn cổ xúy giá trị đạo hiếu, đặc biệt trước ảnh hưởng của tư tưởng Nho, Khổng, Giáo; đạo hiếu (hay còn gọi đạo làm con) chính là một lẽ đạo không ai được phép xem nhẹ. Vẫn biết theo lẽ thường, đặc biệt qua lăng kính sinh học của muôn loài, nước mắt chảy xuôi (tức mọi loài có xu hướng dồn tâm huyết của mình chăm sóc cho con cái của chúng), duy chỉ có con người là còn nghĩ đến bậc sinh thành. Tất nhiên ở đây vẫn là chuyện “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, đạo hiếu có thể là nếp nhà còn giữ được của nhiều gia đình song với nhiều gia đình kém may mắn khác cảnh nhà “dột từ nóc dột xuống”, đạo hiếu suy mòn, những đứa con trở thành nghịch tử, ơn cha nghĩa mẹ đối với chúng mỏng như lá tre, nhẹ như vỏ trấu.

Vâng. Tự ngàn đời. Với người Việt công cha, nghĩa mẹ là những giá trị to lớn vô biên. Người ta thờ mẹ. Người ta kính cha. Thờ và kính ở đây nặng sâu đến vô cùng như suối nguồn không hề cạn kiệt hoặc như núi cao sừng sững bao la thấu đến tận trời. Có lẽ (vì thế) người đời đã nhiều lần tự hỏi từ khi nào núi cao và suối nguồn đã trở thành biểu tượng của công cha, nghĩa mẹ? 

Đứng trước núi, người ta thấy mình nhỏ bé, hiển nhiên điều ấy chẳng có gì là thiên kinh địa nghĩa. Song chẳng phải vì ngày nào cũng thấy núi mà người ta bỗng thấy núi tầm thường, nhàm chán. Thậm chí người xưa còn tự hỏi ai đã sinh ra núi. Người ta không thể coi chuyện một ngọn núi đứng đó thi gan cùng tuế nguyệt bao đời chỉ là chuyện bình thường. Có lẽ khi chứng kiến núi đi vào kho tàng thi ca, hòa lẫn vào những câu chuyện răn đời, răn người, những ngõ ngách đời sống dân dã chất phác, mặc nhiên núi đã trở thành một phần của di sản đời sống tinh thần ngàn đời được trân quý. 

Núi kia ai đắp mà cao,

Sông kia biển nọ ai đào mà sâu?

(Ca dao Việt Nam)

Cứ thế, núi xem ra không còn là núi nữa. Núi không còn là một cấu trúc địa lý bình thường trong suy nghĩ con người. Núi hiển nhiên đóng vai trò ngôi nhà của nhiều thế hệ sinh linh trú ngụ, nhiệm vụ ấy đối với núi hình như bình thường như không thể bình thường hơn nữa. Vâng. Núi vốn luôn luôn vẫn thế. Núi là quà tặng của Mẹ thiên nhiên. Núi là tinh hoa thể hiện đất trời. Núi không xuất hiện đơn giản chỉ để xuất hiện. Núi đến giữa nhân gian thực hiện những chức năng mục đích của núi. Núi hiện diện để rừng có nhà, chim có tổ, muông thú có nơi chọn làm lãnh địa, núi còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những tư tưởng uyên thâm (khi thi nhân, mặc khách có dịp giao duyên với núi).

Bàn về núi trong nếp nghĩ thuần Việt của chúng ta, nếu gẫm kỹ, có lẽ không quá lời nếu bảo núi hiện diện vững chãi như cái xác để đạo hiếu có thể gởi gắm tâm hồn; từ đây đạo hiếu, hiện thân giá trị cốt lõi tinh túy nhất của đạo làm con có dịp tỏa sáng. Bởi từ nay đạo hiếu không còn trừu tượng xa xôi bóng gió nữa. Có núi, đạo hiếu, đặc biệt là công cha, tình cha đã được cụ thể hóa một cách trọn vẹn. Núi là ngôi nhà để bao sinh linh có nơi trú ngụ. Núi là cứu cánh để nhiều loài muông thú sinh sống. Từ củi. Từ nấm. Gỗ. Cây thuốc. Bao món nợ đồng lần vắt chéo giữa muôn loài chọn núi làm đất sống đã hòa quyện cùng dòng chảy thời gian đi qua bao bến bờ hồi ức. Tình cha cũng thế. Công cha cũng thế. Có đứa con nào (nếu cảnh nhà đừng vô phúc quá) không từng nhận ra công cha là kiệt tác của sự hy sinh, là núi cao của tận tụy hết lòng, là bài kệ trong cuốn kinh chép ra từ cõi lòng mênh mông vắt ra từ tiền kiếp.  

Vâng. Núi. Thế đấy. Núi luôn đầy tánh Phật. Bởi núi bao dung và độ lượng đến muôn trùng. Vâng. Đã mấy lần chúng ta nghĩ đến công cha, tình cha qua lăng kính bao dung ngút ngàn đầy tánh Phật ấy? Những tháng ngày của hành trình từ thuở thơ ấu non dại cho đến ngưỡng tuổi trưởng thành biết tìm người gá nghĩa, có lúc nào một đứa trẻ thiếu vắng dấu vết bàn chân người cha song hành trên hành trình đá cứng, chân mềm ấy? Để rồi nếu biết học hành tu tập đàng hoàng tử tế, một đứa trẻ (sẽ) trở thành người lớn, tiếp tục hành trình được làm núi như ngày nào từng được cưu mang bảo bọc bởi ngọn núi tình cha. Và bạn, và tôi, các anh các chị nữa, khi hiểu được mình từng được tình cha lắng sâu như núi yêu thương đùm bọc, chúng ta có suy nghĩ nghiêm túc về trách nhiệm đáp lại tiếng gọi thiêng liêng trở thành núi với những đứa con của mình (như cha mình đã từng là núi bảo vệ cho mình)?

Vâng. Nếu nghĩ về núi bằng tình cảm tôn vinh công lao người cha với tánh Phật lắng sâu thiêng liêng ấy, bạn có thấy tình cha, công đức cao như núi của cha đã cho bạn những trải nghiệm làm người, làm con (vốn) là một trải nghiệm vô cùng quý giá. Quả nhiên thế. Đức hiếu sanh của núi càng gẫm càng thấy cao cả, hùng vĩ hoành tráng đến lặng người, đúng không, thưa các anh, các chị? Tình cha, ôi, cao đẹp thay, xuyên thủng chín tầng mây; đó là đỉnh cao của tinh thần trách nhiệm, của đỉnh cao cứng rắn kỷ luật, của ngọn đèn hướng dẫn dạy dỗ, những uốn nắn tận tụy giúp cho ngọn lửa thiêng “đạo làm người” nơi mỗi đứa con liên tục tỏa sáng. Ôi công lao ấy; bạn, tôi, các anh chị phải làm gì để có thể đền đáp?

Thế đấy. Núi đã lồng vào đạo hiếu. Núi đã hóa thân trở thành gần gũi như tương cà, dưa kiệu, song cũng chính núi đã hóa thân trở thành giá trị biểu tượng hướng thiện không thể phủ nhận. Núi và đạo hiếu đã trở thành mối giao hòa linh thiêng huyền nhiệm. Công cha đã theo núi cõng con thơ trên lưng và tiếp tục đồng hành cho đến khi chúng không còn cần đến núi nữa. Núi không chỉ bảo bọc muôn loài song chính núi đã trở thành một mắt xích quan trọng cho phép những tiếp nối đa thế hệ có cơ hội duy trì. Núi đã hy sinh. Núi đã trao ra tất cả. Núi tuyệt nhiên chẳng giữ lại điều gì cho mình bởi rất đơn giản núi luôn luôn là núi. Chính thế. Bản thân núi đã quên đi những nhu cầu bản thân, nói khác đi trước trách nhiệm làm cha, người đàn ông nào cũng thấy mình có nghĩa vụ dạy dỗ hướng dẫn con cái, nói khác đi núi sinh ra là để dấn thân trước những trách nhiệm giúp đỡ những sinh thể cần đến núi để di sản núi mãi mãi được tiếp nối. 

Trong văn cảnh đời sống tinh thần người Việt, công cha được ví với núi Thái Sơn – một ngọn núi không nằm trên đất Việt nhưng có tầm ảnh hưởng sâu đậm đối với hậu duệ Giao Chỉ. Vâng. Núi Thái Sơn tọa lạc bên Tàu, không ít người đã cắc cớ hỏi chẳng lẽ đất Việt không có núi? So sánh rồi chiết tự, họ bảo nước ta có nhiều ngọn núi cao hơn núi Thái Sơn, song từ góc nhìn thông thoáng, rất có thể, giao thoa văn hóa và ảnh hưởng Nho, Khổng, Giáo; đặc biệt ảnh hưởng mối quan hệ văn hóa Hán-Việt như lời Trịnh Công Sơn đã từng nhắc đến trong ca khúc Gia Tài Của Mẹ (một ngàn năm nô lệ giặc tàu), ca dao Việt sử dụng hình ảnh ngọn Thái Sơn so sánh với công lao người cha Việt Nam hoàn toàn có thể hình dung, liên hệ được.

Từ những con số thu thập được xoay quanh ngọn Thái Sơn của Trung Quốc, ta có vài dữ liệu sau đây: Chiều cao của ngọn Thái Sơn tầm 1.545 mét. So sánh với đỉnh Phanxipăng của Việt Nam cao 3.143 mét và đỉnh ngọn Everest cao 8.850 mét. Với dữ liệu ấy xem ra ngọn Thái Sơn hẳn đã khiêm tốn hơn nhiều. Tuy nhiên Thái Sơn vẫn là ngọn núi cao. Ở đây, ngọn Thái Sơn nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng, hay ở đây núi Thái chỉ là biểu tượng. Công cha cũng thế. Nếu đã là biểu tượng thì giá trị thiết thực chỉ có thể thẩm thấu bằng niềm tin và lòng kính trọng. 

Thấp thoáng trong gió tiếng chuông vẳng đưa từ ngôi cổ tự trên sườn núi điểm xuyết bởi tiếng hạc kêu đem lòng người gần hơn với cõi lòng thanh tịnh. Núi thấp hay cao đều là núi. Ở bên Tàu hay ở bên Ta núi vẫn là núi. Tình cha cũng thế, công cha cũng thế, giá trị biểu tượng của sự hy sinh mỗi người cha dành cho con cái họ cũng tương tự như thế, cũng giống núi. Màu da và sắc tộc, ảnh hưởng văn hóa đặc trưng, tình cha, công cha xuất hiện qua những biến thể khác nhau song mãi mãi mối liên hệ giữa một ông bố và những đứa con luôn là mối liên hệ rất đỗi thiêng liêng, rất cao cả, rất núi!

Vâng. Tình cha hay công cha đã đi vào bao tác phẩm văn học nghệ thuật khắp nơi. Trong đó sớm hơn cả vẫn là những câu ca dao mang chức năng giáo dục ca ngợi tiền nhân đã khiêm tốn dành cho công cha một biểu tượng đã được nhân cách hóa một cách hoàn hảo nhất: Núi. Vâng. Núi: Một vị trí xứng đáng dành cho công cha tưởng không gì có thể xứng đáng hơn được nữa. (Và) Núi – hiển nhiên cấu trúc địa lý ấy đã được chọn lựa để chuyên chở những công lao to lớn của một người cha không gì (ngoài núi) có thể sánh bằng.

Khép lại những tâm tình về núi – một biểu tượng cao cả nói về công cha, tình cha vốn hằn sâu trong tâm khảm con dân đất Việt, mong thay chúng ta sẽ có cơ hội phản tỉnh để tri ân những tình cảm cao tày núi của những người cha. Để khi có dịp nhìn lại mình, chúng ta sẽ có thêm động lực cố gắng tiếp tục gìn giữ những di sản công cha cao như núi ấy, để chúng ta hiểu rõ hơn đâu là trách nhiệm, đâu là yêu thương, đâu là truyền thống. 

Năm nay Father’s Day lại về.

Happy Father’s Day đến tất cả mỗi chúng ta.

Vâng. Nhân ngày Hiền Phụ, mong thay mỗi chúng ta sẽ có dịp dừng chân ghé thăm, nhìn lại ngọn núi đã từng một lần che chở cho mình. Hy vọng chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra chân dung ngời sáng của công cha và cúi đầu khiêm tốn với tâm tình biết ơn chân thành nhất.

Vâng. Hãy quý trọng giá trị của ngọn Thái Sơn bạn nhận được từ tình thương yêu của cha để liên tục sống với tình thương hun đúc từ biểu tượng thiêng liêng của núi, không chỉ cho bạn mà còn là cho các con của bạn nữa.

Bởi lẽ chẳng có gì đáng tiếc (nếu không nói là đáng hổ thẹn) khi chúng ta không còn là núi trong ánh mắt các con nữa, phải thế không, thưa quý vị?

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email