T
heo kết quả phân tích của viện nghiên cứu Brookings Institution ước tính chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Mỹ từ khi mới lọt lòng mẹ cho đến khi học hết bậc trung học đã tăng lên hơn $300,000 do tình trạng lạm phát trong thời gian vừa qua gia tăng tới mức cao nhất trong gần bốn thập niên qua.
Bản phân tích cho biết một cặp vợ chồng trung lưu với hai đứa con sẽ phải chi tiêu $310,605 – hay chi phí trung bình mỗi năm là $18,271 – để nuôi dạy một đứa con nhỏ sinh vào năm 2015 cho đến hết tuổi 17. Brookings căn cứ trên số liệu của chính phủ liên bang ước tính trước đó rồi tính ra tổng chi phí, với một vài điều chỉnh cho phù hợp với tỷ lệ lạm phát gần đây.
Theo viện Brookings cho biết, tính ra, tổng chi phí nuôi dạy tăng thêm $26,011, hay hơn 9%, so với tổng chi phí được tính ra dựa trên tỷ lệ lạm phát của hai năm trước, trước khi giá cả tăng vọt ảnh hưởng đến tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc sống.
Bài toán chi phí nuôi con của Brookings là dựa trên bản ước lượng năm 2017 của Bộ Nông nghiệp. Bản ước lượng bao gồm nhiều khoản chi tiêu khác nhau, trong đó có nhà ở, thực phẩm, quần áo, chăm sóc sức khỏe và gửi trẻ, đồng thời cũng tính luôn các chi phí sinh hoạt ở từng cột mốc tuổi tác của đứa trẻ – như tã lót, cắt tóc, dụng cụ thể thao và lớp học khiêu vũ, cùng nhiều chi phí khác.
Theo nhận định của một trong những nhà nghiên cứu của viện Brookings, do lạm phát tăng cao trong thời gian qua, nhiều người sẽ phải so đo tính toán trước khi quyết định có đứa con đầu lòng hoặc thêm đứa thứ hai là vì mọi thứ chi phí đã tăng cao hơn trước, và tình trạng lạm phát khiến người ta có cảm giác là họ sẽ phải làm việc nhiều hơn nữa thì mới đủ chi tiêu cho gia đình.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm xuống 8.5% trong tháng Bảy vừa qua, thấp hơn so với 9.1% một tháng trước đó. Giá xăng và những mặt hàng năng lượng khác giảm so với một tháng trước, nhưng giá thực phẩm thì lại tiếp tục tăng. Theo Bộ Lao động, giá thực phẩm mua về nấu ở nhà tăng 13.1% vào tháng Bảy so với cùng thời gian một năm trước tạo thêm áp lực cho ngân sách chi tiêu của gia đình.
Giá cả tăng cao tại các tiệm thực phẩm khiến nhiều gia đình người Mỹ phải vận dụng sức sáng tạo cho các bữa ăn của họ. Một gia đình sống tại thành phố Raleigh, North Carolina, cho biết đã buộc phải thay đổi thực đơn trong các bữa ăn, chẳng hạn Thứ Hai không ăn thịt và Thứ Năm là ngày dọn sạch tủ lạnh, nghĩa là những thức ăn còn dư lại của những bữa trước sẽ nằm trong thực đơn của ngày hôm đó.
Chi phí nuôi gia đình tăng cao gây ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là với những gia đình có thu nhập thấp. Đối với những cha mẹ độc thân có thu nhập $20,000 hoặc $30,000 một năm, phải chi thêm tiền để nuôi con có thể sẽ khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Nhiều gia đình người da đen cũng sẽ gặp khó khăn do tình trạng lạm phát cao. Các nhà ngiên cứu của Đại học California San Diego và Ngân hàng Dự trữ Liên bang thuộc chi nhánh Richmond, Virginia cho biết các gia đình người da đen gặp nhiều khó khăn nhất do mức độ biến động quá nhanh của giá cả và họ không thể tính trước được số tiền họ kiếm được sẽ mua được những gì.
Để phản ứng lại với tình trạng giá cả tăng cao hơn, thông thường thì người ta chọn mua sắm ở những cửa hàng có giá cả phải chăng hơn, nhưng các gia đình người da đen cũng đã thường mua sắm ở những cửa hàng có giá rẻ nhất gần đó rồi. Thế nên, đã nghèo lại gặp eo, họ chỉ còn lại một lựa chọn là mua ít đồ hơn, hay nói cách khác, là phải chịu thiếu thốn, tằn tiện đến mức không thể tằn tiện hơn được nữa.
Như câu chuyện của bà mẹ trẻ Tamera Dixon sống tại thành phố Pittsburgh đã than thở rằng cô phải tìm đủ mọi cách để tiết kiệm tiền, thậm chí ngay cả trong giấc ngủ.
Bây giờ hãy thử xét tới nhóm người đang bước vào lứa tuổi làm cha mẹ: lớp thế hệ thiên niên kỷ (millennials – sinh ra trong khoảng thời gian 1981-1996). Đây là nhóm người chưa tới 40 tuổi và nhiều người trong số họ đang phải mang một gánh nặng nợ nần và từng trải qua hai lần suy trầm kinh tế, và nhiều người trong số đó vẫn chưa ổn định được nơi ở do thị trường nhà cửa trở nên qua đắt đỏ trong thời gian đại dịch.
Với tình trạng tài chính eo hẹp, những người tuổi còn tương đối trẻ này bắt buộc phải ngần ngại do dự trong việc lập gia đình. Theo kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew, con số những người trẻ trưởng thành nói trên nói rằng họ chưa sẵn sàng có con đã tăng từ 37% năm 2018 lên 44% năm 2022. Điều này thực ra cũng không hẳn gây ngạc nhiên nếu ta xét tới giá nhà trung bình tại nước Mỹ hiện nay cũng chỉ cao hơn $100,000 so với chi phí để nuôi một đứa con trong nhà.
Nói một cách ngắn gọn hơn, thế hệ millenials có thể sẽ bị kẹt giữa hai lựa chọn: mua căn nhà mơ ước trong đời hay có một đứa con yêu. Theo công ty tài chánh Redfin, giá trung bình một căn nhà tại nước Mỹ hiện nay đang ở mức $412,739. Nếu có đủ khả năng chắc nhiều người sẽ nói là muốn có được cả hai, nhưng trên thực tế, không mấy người được may mắn để có được cả hai.
Chi phí giữ trẻ cũng ngày càng trở thành một gánh nặng cho cha mẹ. Theo dữ liệu từ một phúc trình của trang mạng về tài chính LendingTree hồi tháng Ba, do cuộc khủng hoảng thiếu người làm việc trong ngành giữ trẻ cộng thêm trận đại dịch khiến cho tình trạng càng trầm trọng thêm, chi phí giữ trẻ trong mấy năm qua đã tăng 41%. Cũng theo LendingTree, mức giá quá mắc mỏ này đã khiến các bậc cha mẹ trẻ phải chi trung bình 20% thu nhập của họ để đưa những đứa con dưới 5 tuổi của họ tới cho các nhà giữ trẻ trông nom trong khi họ đi làm.
Bản phân tích về chi phí nuôi dạy con cái của viện Brookings hiện đang gây nhiều chú ý từ giới truyền thông. Một số khác thì xem con số khủng nói trên như thể đó là một cú sốc. Chúng ta không cần phải tranh cãi về con số, nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên nhìn vấn đề qua khía cạnh là những con số mà Brookings đưa ra.
Một điều không thể bác bỏ là để nuôi dạy con cái qua việc cho con ăn, cho con mặc và chi phí giáo dục thì cần phải có tiền, và tình trạng lạm phát khiến cho chi phí nuôi dạy con cái lại càng trở nên một gánh nặng cho gia đình hơn. Nhưng trẻ em cũng không hẳn là tâm điểm của chi phí đắt đỏ. Thậm chí kể cả khi gạt bỏ qua tình cảm và suy nghĩ của con người theo thực dụng nhất, trẻ em vẫn là thứ tài sản quý giá nhất – đối với gia đình đã nuôi dạy chúng, đối với quốc gia nơi chúng sinh ra và đối với thế giới mà chúng sẽ đóng góp điều gì đó theo khả năng trong suốt cuộc đời của chúng.
Đôi khi chúng ta nghe được một vài ý tưởng hơi lạ đời từ một vài người trẻ trưởng thành là họ không muốn có con cái vì lo sợ về một vài lý do vu vơ huyễn hoặc, chẳng hạn như tình trạng biến đổi khí hậu. Có con hay không là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Nhưng việc có thêm một mạng người gia nhập vào cùng với thế giới của chúng ta không hẳn sẽ khiến cho nhiệt độ toàn cầu thay đổi dù là ở con số nhỏ nhất. Có thêm một đứa trẻ có nghĩa là có khả năng khi đứa trẻ trở thành một người lớn nó có thể sẽ là một nhà khoa học khám phá ra một kỹ thuật mới, hay một nhà kinh doanh phát minh ra một sản phẩm mới giúp nâng cao đời sống của nhân loại hoặc góp phần xây dựng để biến thế giới thành một nơi chốn tốt đẹp hơn. Vậy thì tại sao lại từ chối hay lo sợ trong việc nuôi dạy một đứa con chỉ vì chí phí tăng cao (và có lẽ chi phí sẽ còn tăng cao nữa với xu hướng lạm phát như hiện nay).
Điều chúng ta thực sự nên quan tâm là tỷ lệ sinh đẻ đang sụt giảm không chỉ tại Mỹ mà còn nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là tại những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Số trẻ em sinh ra không đủ để thay thế cho lớp người già có nghĩa là quốc gia đó trong tương lai sẽ gặp nhiều khó khăn vì không đủ người làm, và số người đi làm quá ít để có thể hỗ trợ cho số người già nghỉ hưu ngày càng đông. Ngân sách quốc gia thiếu hụt và nợ nần chồng chất thì lúc đó chúng ta mới thấy hậu quả của việc không sinh con là như thế nào. Dù chí phí nuôi dạy con cái có tốn kém hơn một chút thì cũng phải chấp nhận vì chúng chính là tương lai. Không có con nít có nghĩa là tương lai của thế giới đang hướng tới sự lụi tàn. Thêm một điều nữa là cảnh những cặp vợ chồng không có con cái xem ra có phần hẩm hiu, buồn tẻ lắm.
Huy Lâm