Duy Thức
Buổi trưa nghe tiếng con chim cu cườm kêu hót gù gù ở trên tầng gác ngoài mái hiên nhà, tôi cảm thấy tâm hồn thật thư thái.
Tôi cũng quên bao nhiêu bài báo viết về bảo vệ động vật và các thứ cả thực vật, các bài viết đôi khi quá trớn vô tình làm mất đi sự giao hòa giữa người và chim thú rất êm đềm tốt đẹp.
Nhà tôi gần một trường trung học. Học sinh thường mang nhiều đồ chơi lặt vặt vào trường chơi. Tan học hay bỏ quên lại nhiều thứ. Trong đó đặc biệt là tại sao lại có một lồng chim với một con chim cu cườm. Loại này hay kêu gù gù và gáy liên tục rất đáng yêu bị bỏ lại ở góc sân trường. Kkhông biết các cô cậu học sinh đã mang lồng chim cu vào trường để học hay chơi mà mấy ngày rồi chưa thấy ai đến nhận lại.
Mấy em nhỏ mở cửa lồng thả con chim cu nhỏ màu ngà ra nhưng con chim nhỏ này quen nuôi lồng, không bay đi đâu cả, một lát sau nó lại vào lồng chim và nhảy nhót mổ đồ ăn trong đó. Vì thế ông bảo vệ mang cho tôi nuôi. Trong lồng chim có đủ thức ăn, nước uống, các loại đậu nữa nhưng các hột đậu đen trắng dường như lớn quá chim non nuốt không được. Lâu quá tôi không nuôi chim thú gì cả, chỉ một lần gần đây, thằng con thứ hai mua một con gà tre mang luôn cả cái lồng bằng kẽm xuống nhà cho tôi nuôi vì nó biết tôi rất mê đá gà.
Tôi nuôi được vài ngày mỗi buổi sáng nghe gà tre gáy tôi rất thích. Vốn từ lâu tôi đã viết nhiều câu thơ về gà gáy như:
Trăng ơi ngủ với hồn ta
Chiều hôm nghe vọng tiếng gà bình minh
Lá kia sương bỗng rung mình
Khói đồi chim lạ kêu thành Xuân Thu
(Thơ Nai)
Con gà tre nuôi được vài hôm thì có buổi họp tổ, một người lên tiếng kêu gọi không nuôi gà vì sợ lây virus H5N gì đó, nghĩa là họ sợ cúm gà. Vì thế tôi phải cho một người bạn, anh ta cũng không nuôi được mà bỏ nó luôn vào nồi rồi.
Bây giờ thì chim, chẳng lẽ người ta bảo bỏ luôn con chim cu nho nhỏ dễ thương này sao.
Kìa! Nó đang gáy cúc cu cúc cu trước hiên nhà. Thôi thì mình cứ nuôi rồi tới đâu thì tới. Tôi thấy trong xóm có anh dạy đàn, hằng tuần vẫn chở hai, ba lồng chim tới nhóm bạn khoe chim hót. Tôi còn nghe tiếng con khướu kêu nữa.
Khướu kêu lớn không như tiếng cúc cu của con chim cu này. Nó khiến tôi nhớ một dĩa nhạc có cô ca sĩ hát trong cảnh ven rừng gần giòng suối đầy hoa lá. Có tiếng cu vừa gáy y hệt giọng gáy của con chim tôi đang nuôi. Bỗng nhiên xuất hiện một anh thợ săn nhắm bắn vào con chim đang hót trên cành. Chim rơi gần chỗ cô gái đứng nhìn khiến cô xúc cảm, ngã ra bất tỉnh. Tỉnh lại thì cô nhìn anh chàng thợ săn nọ bàng hoàng và vội bò bỏ chạy đến giòng suối
Tiếng hót của con chim cu, tiếng súng thợ săn nổ và tiếng hát véo von của nàng ca sĩ danh ca tài sắc một thời lại vang lên khiến cho lòng người nghe cũng vô cùng xúc động…
Dường như hồi sáng sớm trong lồng có tiếng phành phạch. Tôi mở cửa ra ngoài hiên coi thử. Thì ra không phải con chim tìm đường ra khỏi lồng mà nó đang tắm. Tôi vội vã đem nước sạch đổ thêm vào nhưng rồi một lát lại thấy nó đưa mỏ vào uống nước. Nuôi chim non, săn sóc đút mồi cực như nuôi con nhỏ nhưng vui. Trời muốn đổ mưa to nên tôi kéo chiếc áo lồng chim che phủ kín chiếc lồng tròn nhỏ. Giông to gió mạnh e con chim cu cườm ở trong cái lồng nhỏ đó có thể bị chết rét. Cả nước nhất là miền Trung và miền Đông Nam Bộ đang hứng cơn bão đánh vào nhất là Tuy Hòa nhà cửa ruộng vườn tan hoang trở thành bình địa hết.
Thức ăn dự trữ cho chim gần hết. Lúc này trước cửa nhà trong cơn gió giật mạnh có tiếng người rao bán chuối. Tôi gọi lại trả mười hai ngàn mua một nải chuối sứ. Chị bán chuối nói:
– Đây này là chuối Bến Tre, ngon thơm và dẻo hơn chuối Long Khánh nhiều.
Tôi hỏi:
– Vậy chị ở Bến Tre lên?
Chị ta trả lời:
-Tôi ở Sài gòn. Mỗi ngày đi ra Thanh Đa. Ven sông có bến. Ghe dừa và chuối thường cặp ở đó bỏ sỉ cho người bán rong.
Nhìn chị ta đẩy xe bán chuối đi chị mà tôi ái ngại. Xe chuối nặng có thể làm vẹo cả cột sống người phụ nữ nhỏ bé đó. Nhà không nuôi mèo nên không sợ mèo vồ com chim cu. Trước đây mấy tháng. tôi xin con mèo của người hàng xóm đem về nuôi để trừ chuột nhưng một thời gian nó đẻ ra năm con mèo con.
Mấy con mèo trửng giỡn trong nhà, leo cả lên bàn giấy của tôi phá quá. Tôi mang cho hết chỉ chừa một con đực để nuôi. Nuôi mèo bây giờ cũng tốn vì mèo không ăn cơm thừa, thải ra hôi hám mà phải đi siêu thị mua thức ăn đóng hộp riêng cho chúng.
Nhà hàng xóm đối diện có hai mẹ con rất yêu thú cảnh. Người con trai lớn tuổi chưa vợ không nhậu nhẹt, không xì ke ma túy chỉ duy nhất thú vui nuôi chó. Anh ta mua con pug mặt xệ có gương mặt xề xệ tội nghiệp cưng hơn anh em ruột. Ngoài ra còn hai con chó nữa mà bà mẹ kế có bổn phận chăm sóc hằng ngày.
Bà ta nuôi nấng tắm rửa cho ăn uống chu đáo, dẫn đi dạo buổi sáng sớm, muộn hơn đường phố đông đúc, lỡ lơi tay gặp xe bắt chó bắt lẹ lắm, mất công đi nộp phạt lãnh về, bệnh hoạn gì gọi bác sĩ thú y tới hay chở đi chữa bệnh. Tuy có than phiền sau lưng nhưng bà ta hiểu chỉ có thằng con trai mở tiệm bán máy móc cơ khí đó đem tiền về nuôi gia đình và nuôi bầy chó rất hao tốn này.
Bận bịu nhưng bà mẹ không than vãn vì con trai thỉnh thoảng cho tiền đi du lịch khắp nơi. Con mèo tôi cho bà là con mèo cái nhỏ. Bà cưng nó y như thằng con vậy. Mấy hôm chưa có mèo, bà đọc trên mạng thấy người ta rao bán một con khỉ nhỏ nên vội đi mua về nuôi. Con khỉ này được một cô gái nuôi từ nhỏ. Khi về nhà chồng thì cô ta mang theo suốt ngày bồng bế quen tay, quen hơi. Anh chồng đôi khi thấy vợ yêu con khỉ ẵm bồng suốt ngày, ngủ với nó ban đêm nên tức bực đăng kêu bán con khỉ cưng của vợ với giá hai triệu bảy.
Nuôi được vài ngày, con khỉ được thả lỏng trong nhà bắt đầu leo lên đầu bứt tóc bứt tai đám chó. Tội nghiệp mấy con chó tuy mặt có vẻ ngầu nhưng hiền lành, không làm gì được con khỉ nhỏ láu cá. Anh con trai xót chó nên bắt bà mẹ đuổi con khỉ ra khỏi nhà. Chỉ mấy ngày nuôi mà con khỉ cứ câu chặt lấy bà ta không rời nên bà cũng thương nó lắm.
Vì sợ con trai cúp viện trợ nên cuối cùng bà hàng xóm buộc phải ẵm con khỉ trả cho chủ cũ dù có hoàn tiền hay không cũng được. Thế nhưng đến nơi gặp người chồng thì anh ta vui vẻ nói :
-Mấy hôm nay vợ tôi bỏ ăn bỏ uống cứ khóc lóc đòi tìm lại con khỉ đó. Nay bác đem nó trả thì tốt quá rồi.
Người vợ trong nhà chạy ra ôm lấy con khỉ. Nó đã quen hơi nên nhảy qua ôm chặt người vợ và nép vào nách như em bé đòi bú. Thế là người chồng vừa cảm ơn vừa trả lại hai triệu bảy cho bà ta.
Không còn con khỉ nên bà ta có vẻ buồn. Khi thấy bầy mèo của tôi cho hết còn một con thì bà ta xin ngay con mèo trắng đốm vàng thật dễ thương, ẵm về đeo vào cổ một vòng lụa màu hồng có vẻ đỏm dáng lắm. Anh con trai thích nuôi chó ngoại quốc kia cũng tỏ vẻ thích con mèo lắm.
Dầu sao cũng rạch ròi chia đôi lãnh thổ. Mấy con chó của con trai nuôi ở nhà dưới, còn tầng trên thì bà mẹ nuôi mèo. Suốt ngày hai mẹ con cứ lăng xăng hết mèo lại chó cho tới ngày hôm kia, tôi thấy bà hàng xóm ẵm con mèo trên tay gọi ông xe ôm chở đi. Bà quay lại nói với tôi:
-Tôi mang đi triệt sản không để cho nó đẻ. Đám mèo đực thấy nó cứ chạy đến rần rật cả đêm không chịu nổi đâu.
Khi nghe tiếng gáy của con chim cu bên nhà tôi đối diện vọng qua, con mèo cái của bà hàng xóm ra đứng trên bờ tường nhìn lom lom qua cái lồng chim có vẻ thèm thuồng con chim cu lắm!
Nuôi một con chim cu đầy đủ cũng phải nhờ xe ôm đi mua thức ăn cho nó. Nào gạo, bắp nghiền… nào calci, chất khoáng công phu chứ thường đâu. Còn nuôi chó theo kiểu bà hàng xóm bên cạnh phải mua các gói thức ăn hay đồ hộp công nghiệp nhập cảng bên cạnh thịt heo, thịt bò, gan bò… mỗi tháng một triệu, người nghèo như thì không nuôi nổi thú cảnh cao cấp theo kiểu đó được.
Tùy gia cảnh, mặc dù trong thành phố nhà cửa chật chội nhưng đa số các nhà đều ráng nuôi một, hai con vật cảnh, không chó, mèo thì chim, cá… làm thú vui tinh thần. Đồng thời những con vật cảnh này cũng quấn quít như thành viên trong gia đình. Ở Hà nội có cả một nghĩa trang dành cho chó.
Mặc dầu chiều nay có tin giông to gió lớn ảnh hưởng nhưng trong lồng, con chim cu vẫn gáy đều đều. Tôi mong hàng xóm không đòi đem bỏ nó đi như đã bỏ con gà tre trước đây. Tiếng chim cu gáy như đánh thức cỏ cây hoa lá, đem lại bao nhiêu khoan khoái và thanh bình trong tâm hồn người nghe.
Duy Thức