O-mi-cron

Còn hơn một tháng nữa mới đến ngày “kỷ niệm” đệ nhị chu niên sự xuất hiện của – nói đúng hơn là sự công bố của thế giới về, con siêu vi khuẩn cho đến nay không ai không biết tên: SARS-CoV-2.  

“Nó” được nhận ra đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đợt bùng phát là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng cần Quan tâm Quốc tế vào ngày 30 tháng 1 năm 2020 và đại dịch vào ngày 11 tháng 3 năm 2020. 

Theo mô tả của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, nó là hậu duệ của SARS-CoV-1, loại virus đã gây ra đợt bùng phát SARS trong giai đoạn 2002–2004. 

Con virus có hình một quả cầu có nhiều gai này trong thời gian đó đã nhiễm vào gần 266 triệu người, giết gần 5 triệu hai trăm sáu mươi ngàn người (số liệu của Trung tâm Tài nguyên Coronavirus Đại học John Hopkins ngày 5 tháng 12, 2021). 

Điều đáng nói là khả năng đột biến (mutate) của nó để trở thành một biến thể (variant) mới.

Oan ơi ông Địa

Một biến thể mới của SARS CoV-2 đã được tìm thấy ở Nam Phi hôm 26 tháng 11. Nói cho thật đúng, Nam Phi công bố việc phát giác biến thể này, B.1.1.529.

Trong vòng 36 giờ kể từ khi phát giác biến thể mới, các nhà khoa học ở Nam Phi đã báo động cho thế giới. Lập tức, một số quốc gia đã đưa ra các biện pháp cấm du hành và nhập cảnh.

Đến hôm thứ Sáu 27 tháng 11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt tên cho nó là Omicron (phát âm là O-mi-kron), một chữ cái Hy lạp, giống như các anh chị em của nó, và xếp nó vào loại Variant of Concern (VOC – Biến  thể đáng lo ngại).  

Bảng chữ cái Hy lạp có 24 chữ cái. Về cái hệ thống chữ cái của nền văn minh cổ đại này, hầu như  ai cũng biết hai chữ đầu và cuối: Alpha (chữ hoa Α, chữ nhỏ α) và Omega (Ω, ω). (Những người biết rõ nhất là các thanh niên miền Nam Việt Nam thời đệ nhất và đệ nhị cộng hòa trong các quân trường. Họ gọi hai chữ Hy lạp đó là Con cá và Quai chảo!). Thêm vài chữ quen thuộc nữa là Beta (Β, β), Gamma (Γ, γ), Delta (Δ, δ), Epsilon (Ε, ε), Pi (Φ, φ)… những chữ trong Toán  học và Vật lý học. Nhưng Omicron (Ο, ο) thì quả thật ít người để ý đến. 

Omicron là chữ thứ 15 trong số 24 mẫu tự, và hình như trước nay ít thấy ở đâu, ít ra là với người kể chuyện mỗi tuần, từng và vẫn rất  làm biếng học.  

Cho đến nay, những biến thể của SARSCoV-2 đã xài hết 12 chữ của bảng chữ cái của tiếng Hy lạp, biến thể vừa được phát giác, “đối tượng” của chuyện tuần nầy là con thứ 13. Đáng lẽ ra nó phải được đặt tên là là Nu (Ν ν), chữ thứ 13. Vậy nhưng vì Nu phát âm giống chữ “new” của tiếng Anh, WHO bèn bỏ qua, sợ không rõ ràng.

Chữ kế tiếp, sau Nu là Xi (Ξ ξ)– tuy phát âm theo tiếng Anh là “zai”, nhưng khi viết, nó giống như cái họ của ông trùm cộng sản Trung quốc. Chọc ông ấy lúc này là chuyện chẳng nên chút nào. Vậy là WHO cũng né luôn, bước thêm một bước để xài chữ thứ 15: Omicron. Omicron có thể là chữ dễ viết nhất trong bảng chữ cái Hy lạp. Giống y chữ O, tròn vo, hoặc con số zéro. (Các tay viết diễn văn cho quý vị lãnh đạo Việt Nam coi chừng, nên đánh máy trọn chữ omicron và phiên âm kỹ chứ đừng làm biếng. Làm biếng, chỉ dùng chữ Hy lạp O, lãnh đạo dám đọc là biến thể O, biến thể dê-rô hoặc biến thể hột vịt lắm.)

Tiếng Anh có một thành ngữ: “Don’t shoot the messenger” – đừng bắn người đưa tin.

Rõ ràng là các nhà khoa học Nam Phi đã (chỉ) nhanh chóng “đưa tin” và cảnh báo thế giới về biến thể mới Omicron. Tử tế hơn nữa, họ còn có công cung cấp chi tiết về một số đột biến liên quan đến khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine, khả năng lây truyền của virus và cả mức độ nghiêm trọng của con virus. 

Nhưng thay vì được vỗ tay khen ngợi, họ bị bắn vào chân.

Một số nước trên thế giới lập tức ban hành lệnh cấm các chuyến bay và người từ các nước châu Phi, trong đó có Nam Phi, vào quốc gia họ!   

Sau tin này, lập tức nhiều quốc gia – Canada và Hoa kỳ cũng có mặt – đã ban hành những quy định hạn chế hoặc cấm du khách đến từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia ở miền nam Phi châu. Nhiều nước cấm người từ các nước Nam Phi,  Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique, Malawi  và Nigeria vào trước nhập cảnh.

Hành động này đã bị nhiều người lên án. Khỏi phải nói, có Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong số đó.

Ông Cyril Ramaphosa bày tỏ nỗi “thất vọng vô cùng” trước các lệnh cấm du lịch, mà theo ông là vô lý.

Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đã cảnh báo rằng các biện pháp quá đà đó đang trừng phạt miền nam châu Phi một cách bất công và vô lý.

Bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch của Hiệp hội Y khoa Nam Phi, người đầu tiên, bác sĩ người Nam Phi đầu tiên phát giác biến thể Omicron đã…ân hận. Ở vai trò của bà, bà Coetzee có bổn phận phải thông báo sự hiện diện của “nó” (Omicron) ở bệnh nhân của mình, nhưng “tôi đã vô tình thu hút sự chú ý của toàn cầu.”

Bằng “vô tình thu hút sự chú ý của toàn cầu”, bà Coetzee muốn nói đến việc nhiều nước vội vã ban hành cách quy định hạn chế, thậm chí cấm chỉ, người và các chuyến bay từ và đến khu vực miền nam Phi châu. 

Mà đúng vậy, trước cả Nam Phi, Omicron đã xuất hiện ở nhiều nơi. Thí dụ như 9 ca Omicron có liên quan đến một sự kiện riêng vào ngày 20 tháng 11 ở Tô cách lan. Cả 9 người này không có ai trước đó đã đi khu vực nam châu Phi. Thí dụ như ở Thụy điển, nó đã xuất hiện từ giữa tháng 11. Những trường hợp này đã khiến một số người đặt câu hỏi về sự cần thiết của các hạn chế đi lại, việc đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên lục địa châu Phi. Nhiều người coi lệnh cấm là thêm một thí dụ về việc người châu Phi chịu gánh nặng của việc hoạch định chính sách đại dịch một cách vội vàng, trong đó có việc ​​các nước giàu tích trữ liều lượng và nguồn lực vaccine để rồi gây thiệt hại cho các quốc gia nghèo hơn.

Bộ Ngoại giao Nam Phi phàn nàn: “Khoa học xuất sắc cần được hoan nghênh và không bị trừng phạt”, các hạn chế (nhập cảnh) “giống như trừng phạt Nam Phi vì có kỹ thuật giải trình tự gen tiên tiến và khả năng phát hiện các biến thể mới nhanh hơn.” 

Giám đốc Khu vực Châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Matshidiso Moeti nhận định: “Việc áp dụng các lệnh cấm du lịch nhắm vào châu Phi sẽ đánh vào sự đoàn kết toàn cầu. Covid-19 liên tục khai thác sự chia rẽ của chúng ta. Chúng ta sẽ chỉ thắng được virus nếu cùng nhau tìm ra các giải pháp.”

Đáng sợ hay không?

Sợ chứ! Sợ vì cho tới nay, các nhà khoa học vẫn nói rằng họ chưa biết gì nhiều về Omicron ngoài chuyện nó đột biến như Frankenstein, và nó lây lan với tốc độ khủng khiếp, ít ra là ở Nam Phi.

Nhà siêu vi học Alex Sigal, người đứng đầu nhóm các nhà nghiên cứu ở phòng thí nghiệm nguy cơ sinh học an ninh cao của Africa Health Research Institute (Viện Nghiên cứu Y tế Châu Phi), nơi đầu tiên xác định được biến thể mới nói: “Đây có lẽ là loại virus đột biến nhất mà chúng tôi từng thấy. Nó giống Frankenstein hơn những biến thể khác.” 

Giáo sư Tulio de Oliveira, điều tra viên chính và lãnh đạo của Network for Genomic Surveillance (mạng lưới theo dõi hệ gene) của Nam Phi, cũng đồng ý rằng con Omicron có một “tổ hợp đột biến bất thường” và nó “rất khác” với các biến thể khác.

“Biến thể này làm chúng tôi ngạc nhiên, nó có một bước tiến hóa lớn [và] nhiều đột biến khác,” ông nói.

Giáo sư de Oliveira cho hay nhìn chung có 50 đột biến và hơn 30 đột biến trên protein của gai, đây là mục tiêu của hầu hết các loại vaccine và là chìa khóa mà virus sử dụng để mở cửa xâm nhập vào các tế bào của cơ thể chúng ta.

Nhưng nhiều đột biến chưa chắc đã là xấu. 

Đã có rất nhiều các biến thể có vẻ đáng sợ trên nghiên cứu, nhưng chẳng rồi chẳng thấy có đe dọa gì. Như biến thể Beta chẳng hạn. Hồi đầu năm, người ta đã lo ngại về khả năng thoát khỏi hệ thống miễn dịch của nó, nhưng rồi con Delta đã lây lan nhanh hơn và lan tràn ra thế giới.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là Omicron hiện đã hoàn toàn khác so với con SARSCoV-2 “nguyên bản” đã xuất hiện ở Vũ Hán bên Tàu. Như thế các loại vaccine hiện có, được thiết kế bằng cách sử dụng chủng ban đầu, có thể không hiệu quả.

Cho tới nay, ở Nam Phi, hầu hết người nhiễm Omicron là người trẻ và triệu chứng của họ là rất nhẹ.

Có một số ý kiến cho rằng biến thể mới có thể có triệu chứng hơi khác với Delta – trong đó có đau và mỏi người, nhưng không mất vị giác và khứu giác. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để khẳng định chắc chắn.

Hiện tại, Tổ chức Y tế Thế giới nói không có bằng chứng cho thấy các triệu chứng của Omicron khác với các biến thể cũ.

Điều đó có nghĩa là ho, sốt và mất vị giác hay khứu giác vẫn là ba triệu chứng chính cần quan sát.

Các bệnh viện ở Nam Phi ghi nhận nhiều người trẻ hơn nhập viện với các triệu chứng nặng hơn – nhưng nhiều người trong số đó chưa chích vaccine hoặc chỉ mới chích một liều.

Một báo cáo cho biết biến thể Omicron – có khả năng lây lan cao hơn bảy lần so với biến thể Delta, ít gây chết người hơn biến thể Delta vì nó đã có mặt ở châu Phi được hai tháng, nhưng số ca nhiễm bệnh và tử vong đều giảm. 

Ở Phi châu, trong hai tháng vừa qua – trước khi có báo cáo về Omicron, những ca nhiễm và tử vong mới đã thực sự giảm xuống. Số người chết hàng ngày được báo cáo cũng ít hơn 150 người. So với Âu châu, con số này ít hơn 26 lần. Khi so sánh với dữ liệu từ châu Phi, tình hình ở châu Âu rõ ràng là nghiêm trọng hơn. Bốn mươi lăm quốc gia ở Châu Âu có 10% dân số thế giới. Nhưng cứ mỗi 100 ca nhiễm được báo cáo trên thế giới, khoảng 67 ca là ở Âu châu (số liệu của Reuteurs). Con số tử vong hàng ngày được báo cáo đã lên đến gần 4.200 (báo cáo ngày 24 tháng 11) và tiếp tục tăng. Và, tất cả các trường hợp này đều thuộc biến thể Delta.

Omicron có dễ lây lan hơn Delta? 

Biến thể omicron tổng thể có 50 đột biến, với 32 đột biến chỉ trên protein đột biến. Protein tăng đột biến – tạo thành các núm lồi (hay gai – spike) ở bên ngoài của virus SARS-CoV-2 – giúp virus bám vào các tế bào để có thể xâm nhập. Đây cũng là loại protein mà cả ba loại vaccine hiện có ở Mỹ đều sử dụng để tạo ra các kháng thể bảo vệ. Để so sánh, biến thể Delta có 9 đột biến. Số lượng đột biến lớn hơn trong biến thể omicron có thể có nghĩa là nó có thể dễ lây truyền hơn và / hoặc trốn tránh sự bảo vệ miễn dịch tốt hơn – một yếu tố rất đáng lo ngại.

Bác sĩ Anthony Fauci nói với NBC “Meet the Press” vào Chủ nhật “Đặc điểm của các đột biến cho thấy rằng nó (omicron) sẽ có lợi thế về khả năng lây truyền và nó có thể trốn tránh sự bảo vệ miễn dịch mà bạn nhận được.”

Đúng vậy, Viện Quốc gia về Các bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi ở Johannesburg xác nhận rằng Omicron đang lây lan nhanh chóng. Ngày 1 tháng 12, cả nước ghi nhận 8.561 trường hợp. Cách đó ít ngày, hôm 26 tháng 11, chỉ có 3.402 trường hợp được báo cáo và hồi giữa tháng 11, chỉ có vài trăm trường hợp được ghi nhận.

Adrian Puren, quyền giám đốc điều hành của Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD) của Nam Phi, một dấu hiệu cho thấy biến thể Delta gây chết người hiện đang nhanh chóng bị đẩy lùi trên thang truyền nhiễm.

WHO cho biết có bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có “nguy cơ tái nhiễm cao” và sự lây lan nhanh chóng ở Nam Phi cho thấy nó có “lợi thế tăng trưởng” so với Delta.

Các vaccine hiện có 

có giúp được gì không? 

Một số bác sĩ tin rằng các loại vaccine hiện có sẽ có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ chống lại biến thể mới.

Dr.Syra Madad, một thành viên tại Belfer Center for Science and International Affairs (Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer), cho biết cơ thể chúng ta tạo ra “toàn bộ các kháng thể khác nhau” để đáp ứng với vaccine.

“Tôi nghĩ rằng vaccine hiện có của chúng ta sẽ đứng vững được ở một mức độ nhất định, với biến thể mới này,” bà Madad nói rằng vaccine có thể cung cấp khả năng bảo vệ chống lại biến thể delta.

Nhưng BS. Madad khuyên “Chúng ta tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19 trên cơ sở liên tục. “Mang nhiều lớp (layering) thực sự là biện pháp tốt nhất ở đây.”

Chúng ta nên tiếp tục mở rộng tiêm chủng, giữ khoảng cách, đeo mask và đừng quá lo lắng.

Lo nhưng đừng hoảng

Những nhân vật có thẩm quyền về mặt dịch tễ và y tế cộng đồng đều nói y như nhau: “Đáng lo đấy, nhưng đừng có hoảng.”

Bà Soumya Swaminathan, khoa học gia trưởng của WHO nói: “Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ.”

Bà Swaminathan phát biểu tại hội nghị Reuters NEXT rằng biến thể Omicron “có khả năng lây truyền cao”, trích dẫn dữ liệu từ Nam Phi cho thấy số ca mắc bệnh tăng gấp đôi hàng ngày và nhận định rằng Omicron có thể trở thành chủng vi khuẩn thống trị trên toàn thế giới. 

“Đây là điều chúng tôi đã mong đợi, rằng các biến thể mới sẽ xuất hiện…Chúng ta nên lo lắng đến mức nào? Chúng ta cần chuẩn bị và thận trọng, không hoảng sợ, bởi vì chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh khác với một năm trước,” 

Cần “chuẩn bị và thận trọng, (nhưng) không hoảng sợ” vì “Ngày nay chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh khác so với thời điểm đầu năm 2020, chúng ta có công cụ, chúng ta biết phải làm gì, chúng ta biết những gì hiệu quả”.

Người đứng đầu công ty BioNTech, đối tác phát triển vaccine chống coronavirus cho công ty dược phẩm Pfizer, cũng nói y như vậy.

Ông Ugur Sahin bảo rằng:“Thông điệp của chúng tôi là: Đừng có hốt hoảng, kế hoạch vẫn như cũ: Tăng tốc độ thực hiện lần chủng tăng cường thứ ba,” 

Nhưng nhận định của Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành Moderna, ít lạc quan hơn. Ông này, người đã dự đoán “sự sụt giảm đáng kể” khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện có trong việc chống lại omicron so với các biến thể trước đó của virus. Bancel nói: “Tất cả các nhà khoa học mà tôi đã nói chuyện… [đã nói], “Điều này sẽ không tốt đâu.”

Chúng ta còn có cả thuốc trị nữa.

Nhà sản xuất thuốc GlaxoSmithKline (GSK, Anh quốc) cho hay phân tích trong phòng thí nghiệm về liệu pháp COVID-19 dựa trên kháng thể mà đang phát triển với đối tác Vir của Hoa Kỳ đã cho thấy loại thuốc này có hiệu quả chống lại biến thể Omicron mới.

GSK cho biết các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và một nghiên cứu trên chuột đồng đã chứng minh loại cocktail kháng thể sotrovimab hoạt động chống lại các virus được thiết kế sinh học để mang một số đột biến đặc trưng của biến thể Omicron.

Các thử nghiệm đang tiếp tục để xác nhận kết quả chống lại tất cả các đột biến Omicron, với một bản cập nhật dự kiến ​​vào cuối năm nay.

Sotrovimab dựa trên các kháng thể đơn dòng, là các phiên bản được tạo ra trong phòng thí nghiệm của các kháng thể tự nhiên mà cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng. Eli Lilly, Regeneron và AstraZeneca cũng đã cung cấp hoặc đang được phát triển các sản phẩm tương tự.

Và có thể còn lạc quan nữa?

Nhiều nhà khoa học ở khu vực Omicron được phát giác và công bố đã đưa ra những nhận định mà chính họ cũng xác nhận là chỉ là nhận định sớm, rằng omicron coi bộ “hiền”

• Barry Schoub, một nhà virus học, cố vấn cho chính phủ Nam Phi, nói rằng các trường hợp Omicron có xu hướng “từ nhẹ đến trung bình”.  Ông cẩn thận: “Đó là một dấu hiệu tốt. Nhưng tôi nhấn mạnh đó là những ngày đầu.”

• Bác sĩ  Rudo Mathivha, trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Soweto, Nam Phi, cho biết những trường hợp nặng thường tập trung ở những người không được tiêm chủng đầy đủ.

• Bác sĩ Sharon Alroy-Preis, một viên chức y tế hàng đầu ở Israel, nhấn mạnh rằng khi những người đã tiêm chủng bị nhiễm, họ chỉ bị ốm nhẹ.

• Nhà báo chuyên về khoa học Carl Zimmer của tờ New York Times viết: “Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy Omicron gây ra bệnh nặng hơn các biến thể trước đó”.

WHO xác nhận những nhận định đó. 

Hôm 4 tháng 12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết chưa có ai chết với biến thể siêu đột biến mới Omicron mặc dù chủng này đã có mặt ở 38 quốc gia.

Số ca nhiễm Omicron đã đẩy tổng số ca nhiễm Covid 19 của Nam Phi lên con số 3 triệu.

Theo Adrian Puren, quyền giám đốc điều hành của Viện Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NICD), một dấu hiệu cho thấy Omicron đang mạnh mẽ đẩy biến thể Delta – biến thể nguy hiểm chết người, xuống hàng thứ.

Ông Puren nói: “Biến thể gì sẽ vượt qua Delta? Đó luôn là câu hỏi, ít nhất là về khả năng truyền nhiễm,… có lẽ biến thể cụ thể này (Omicron) là biến thể đó.”

Tin tức từ Nam Phi cho hay Omicron đã đẩy con số các ca nhiễm ở đây tăng lên gấp 4 lần trong vòng chưa đầy một tuần. Điều này có vẻ đang chứng minh rằng nó đang qua mặt Delta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có nguy cơ gây tái nhiễm cao – và sự lây lan nhanh chóng ở Nam Phi cho thấy nó có “lợi thế tăng trưởng” so với Delta.

Nhà virus học Marc van Ranst, Y sĩ Y tế công cộng, cũng là giáo sư Vi trùng học ở  Bỉ lạc quan hơn “nếu biến thể Omicron ít gây bệnh hơn nhưng có khả năng lây nhiễm cao hơn, giúp cho nó thay thế Delta, thì điều này sẽ rất tốt.”

Một cựu lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm vaccine của chính phủ Anh còn tin rằng trên thực tế, Omicron có thể trở thành “một cơn bão trong tách trà” và có thể bùng lên rồi tàn lụi chỉ trong vài tuần.

Đỗ Quân (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email