Ô nhiễm tiếng ồn

SGCN

Sống ở thành phố lớn không chỉ bị ô nhiễm từ bụi bậm, khói xe, rác rưởi…

Nhiều người ngoại quốc hay Việt kiều lâu ngày về VN, thường bị cảm sốt, viêm họng… do môi trường ô nhiễm nặng nề. Ra ngoài đường, người ta luôn nhìn thấy bầu không khí mờ mờ như có màn sương bao phủ. Các công trường xây dựng mọc ra khắp nơi cũng đóng góp thêm phần bụi bặm cho thành phố.
Đừng nghĩ ngoại ô hay ven đô thành phố trong lành hơn. Các bãi rác lưu niên, các dòng chảy nhiễm hóa chất từ nhà máy thải ra, khai thác quặng mỏ… đều làm môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Ngoài ra, đặc biệt thành phố còn bị ô nhiễm bởi tiếng ồn mà hiện nay đã tới mức báo động.

Nội ô thành phố có đủ mọi tiếng ồn. Từ tiếng còi xe, trên các con đường lúc nào cũng đông nghẹt và người ta vô cùng mệt nhọc nóng nảy khi phải chờ đợi trong dòng lưu thông luôn tắc nghẽn đó. Quẹo phải, quẹo trái đều bấm còi, đèn đỏ chuyển đèn xanh xe trước chưa kịp đi, xe sau đã bấm còi inh ỏi để thúc giục… Người ngoại quốc khi đến thành phố rất ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta thíich bấm còi nhiều như vậy. Không phải tiếng còi xe nào cũng dễ nghe. Trên xa lộ, khi chiếc xe tải bất ngờ bấm còi, âm thanh chát chúa đột ngột phát ra khiến một chiếc xe gắn máy của đôi vợ chồng già giật mình hoảng hốt loạng choạng, xe ngã và một người tử vong. Sau tai nạn đó, âm thanh của một số loại còi xe bị đề nghị giảm bớt cường độ.

Thành phố tấc đất tấc vàng, nhà cửa nhỏ xíu san sát nhau. Bởi vậy nhà này mở TV hay vặn nhạc, nhà bên cạnh không muốn cũng phải nghe lây những chương trình càng bực bội càng phải nghe.
Xóm bình dân càng khổ vì hàng xóm. Ở trong các con hẻm lao động. nhà nọ sát nhà kia vách mỏng, hai nhà đối diện balcon nhô ra gần như úp mặt vào nhau thì tiếng ồn ào xuất hiện gần như suốt ngày. Nào là nói to, đánh con cháu, cãi lộn, mở băng ca nhạc, tấu hài, nổ máy xe… Tiếng máy xe cũng là một loại âm thanh gây khó chịu. Ở An Giang, thanh niên nẹt pô xe và chửi thề khi dừng lại bên đường bị nhóm thanh niên ngồi trước quán nhậu chạy ra đánh chết, bạn đi cùng bị trọng thương.

Khổ nhất là phải nghe hàng xóm hát karaoke. Không có tiền để đi đến các tiệm karaoke và cũng chẳng cần một căn phòng cách âm. Mọi người chỉ cần sắm micro và dàn loa về nhà là có thể hát thảnh thơi. Thậm chí bây giờ không cần sắm mà có thể thuê giờ có người mang đến tận nhà, tiền thuê chỉ vài trăm ngàn một giờ. Vài người họp mặt hùn nhau thuê dàn loa hát thỏa thích khỏi cần vào quán. Dù gian nhà hẹp cách mấy, ai nấy vẫn rống hết sức vì giọng hát phát qua loa nghe giống như… ca sĩ. Sau này có phong trào thuê dàn loa về hát karaoke cho sôi động. Trước kia chỉ có thuê dàn loa khi nhà có đám: đám cưới, đám ma, đám tiệc… Nhưng bây giờ thì tràn lan, một bàn nhậu, một đám bạn tụ tập cũng lôi dàn loa ra cho thêm phần… xôm tụ. Hát karaoke chẳng ai hát một mình không có khí thế, mà ít nhất vài ba người thay phiên nhau khoe giọng. Đơn giản hơn nữa chỉ cần một smart phone sẵn danh mục bài hát và một mic giá không quá một trăm ngàn là thiên hạ có thể hát vang trời. Số “ca sĩ tự phát” này có khuynh hướng ngày càng gia tăng.

Hát ở một căn nhà thì không phải chỉ hàng xóm điếc tai mà âm thanh còn vọng qua các xóm bên.
Đã có nhiều trường hợp cãi nhau, ẩu đả vì hát karaoke bởi vì âm thanh mở càng to, hát mới càng đã. Nói chung nhà của mình thì mình cứ tự do mà hát thôi. Loa vặn hết cỡ khiến người ở gần nghe ngực tức, đập thình thịch, nhét bông gòn vào tai cũng chẳng ăn thua. Mới Tết vừa qua, bực tức vì hàng xóm hát karaoke quá to không thể nghỉ trưa, người đàn ông 59 tuổi ở Hà Tĩnh đã xách ba con dao sang đâm một người tử vong.

Gần đây nhiều nhà không nhìn lên màn hình hát karaoke nữa mà hát những bài họ thuộc. Để bán kẹo kéo, sing-gum cho khách nhậu, người bán sắm chiếc xe có gắn loa để tự biên tự diễn hoặc mời khách hàng cùng thi thố giọng ca vàng. Đó là hát “kẹo kéo”. Tức là chỗ hát không cần giới hạn trong nhà mà có thể ra trước nhà, ngoài vỉa hè. Chỉ cần chiếc bàn thấp và mấy cái ghế, thậm chí tấm bạt trải dưới đất, hay thêm vài lon bia và dĩa mời, khi độ nhậu đã sương sương, mọi người có thể ngồi gào từ sáng tới chiều, từ tối tới khuya. Không có chương trình văn nghệ nào kéo dài như hát karaoke khi mỗi người thưởng thức giọng hát của mình khoái trá đến vậy. Càng nhậu người ta càng vặn loa tối đa nghe mới “đã”. Thật ra khi hát ngoài đường, vì không có giới hạn nên âm thanh bay cao vào tận các tầng trên của những ngôi nhà cao tầng dù đóng kín cửa vẫn không thoát khỏi những âm thanh vang dội đó.
Đám cưới dựng rạp hát nguyên buổi. Riêng đám ma hát vài ngày. Ban ngày là kèn tây hùng dũng từng chập rồi kèn ta với đàn nhị, guitar điện và trống ò e trỗi lên rền rĩ khi có khách viếng, ban đêm là ca nhạc giải trí có nhạc sàn lúc nghỉ giải lao kéo dài đến tảng sáng.

Ông Tuấn, 75 tuổi, đau khổ than thở:
-Cả gia đình tôi mất ngủ. Tôi phải sang nhà con gái ngủ đỡ mấy ngày mới về. Tôi không dám sang đề nghị họ giảm bớt âm thanh, càng không dám đi thưa tổ trưởng vì sợ hàng xóm ra vào nhìn mặt nhau mích lòng. Có khi lại bị đánh chứ chẳng cơi. Thôi thì đám ma có… một lần nên thôi, ráng chịu đừng.
Nín nhịn không thừa vì Nguyễn Hữu Phước (Gò Vấp) khi bị nhắc gây tiếng ồn ở khu nhà trọ đã đâm hai cha con trọng thương.
Gia đình đó cả đời có một đám nhưng hôm sau nhà khác sinh nhật, tuần tới nữa đám tân gia… nên tiếng ồn thường xuyên trong xóm bình dân. Thôi thì hôm nay nhà người ta, bữa khác tới phiên nhà mình vui một chút có hại gì đâu! Vả lại trong xóm nghèo thỉnh thoảng có nhà ồn ào lại mang chút tò mò giải trí cho hàng xóm!

Bây giờ không phải chỉ thành phố nhà cửa chật chội mà ngay cả ngoại ô, miền quê tưởng chừng sân vườn rộng rãi cũng bị tra tấn bởi tiếng ồn. Không còn tiếng đờn ca tài tử réo rắt của ngày xưa mà loa thùng đã được phổ biến về tận quê cho mọi người dễ dàng thưởng thức thú vui âm thanh chát chúa của thành phố. Giá đâu có bao nhiêu nên nhà này sắm một bộ máy, nhà khác thuê một bộ tha hồ khủng bố hàng xóm. Trâu bò tháo chuổng hoảng loạn chạy khi nghe nhạc mở lớn từ các đám tiệc đã là chuyện bình thường ở miền quê. Nhà này kèn cựa nhà kia. Hiện nay mỗi đám không thuê vài loa mà phải mười mấy loa cùng mở hết cỡ cho người ta đứng xa cách mấy cũng biết nhà mình có đám! Nhạc sống đã trở thành tiết mục không thể thiếu trong các dịp tang ma hiếu hỷ ở miền quê.
Thật ra luật cũng có quy định nếu còi xe, âm thanh… quá to gây ảnh hưởng đến người khác sẽ bị phạt. Thế như chưa nghe nói phạt bao nhiêu, ở đâu. Chắc là người ta mặc nhiên coi đây là một loại sinh hoạt bình thường hằng ngày của người dân nên có đi kêu ca cũng không được giải quyết.

Khổ nhất là sống gần các ngã tư, bùng binh, cầu vượt. Xe cộ từ bốn phương tám hướng đổ qua. Từ sáng sớm đến đêm khuya tiếng động cơ xe chạy ảo ào như thác lũ, còi xe inh ỏi giành đường, tiếng nẹt pô nhức óc. Vì nẹt pô mà nhiều án mạng xảy ra. Ở Tiền Giang, Kiệt đi làm về, vượt qua một thanh niên chạy xe cùng chiều vừa nẹt pô, thanh niên lái xe tức giận đuổi theo cự cãi, dùng vật nhọn đâm chết Kiệt. Tại Cà Mau, một người đàn ông đâm chết thanh niên lạ mặt vì anh ta nẹt pô ầm ĩ trước nhà… Vụ khác, một người đàn ông lãnh hai mươi năm tù vì đâm chết người bấm còi giục giã khi kẹt xe. Ở Cà Mau, một thanh niên bị mắng khi nẹt pô xe, đã đâm chết người. Tại quận 4, SG, một người đàn ông bị đâm chết vì khuyên can đôi trẻ cãi nhau giữa khuya…

SG có khoảng hơn tám triệu xe máy và xe hơi lưu hành, đủ biết tiếng động của chúng gây ra là thế nào. Lắp hệ thống giảm âm vào mỗi xe là chuyện không tưởng. Nhà có đóng cửa kín mít tiếng ồn vẫn len lỏi vào nhà, nhà đâu phải phòng thu âm đâu mà làm tường cách âm. Vả nhà ở bình thường, sao mọi người có tiền làm tường cách âm nổi mà cứ ở đó chịu đựng thì có ngày mang bệnh: mất ngủ, stress, suy tim… Nếu không buôn bán làm ăn thì dọn nhà quách đi cho rồi.
Chịu đựng tiếng ồn lâu dài trong một thành phố lớn khiến người ta ngày càng căng thẳng. Không phải âm thanh to mà nói to, người ta cũng chịu không nổi. Hai nhóm thanh niên ngồi uống nước dưới chung cư Thanh Đa, do một nhóm nói chuyện lớn tiếng mà xảy ra cự cãi hỗn chiến. Kết quả hai anh em, một người chết, một vào bệnh viện.

Đến tiếng máy hàn, khoan, đục… ghê cả tai nếu ở cạnh các tiệm sửa chữa đồ dùng, công trình xây dựng, máy cẩu, máy khoan xe tải… máy chạy sầm sập ở các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp suốt đêm ngày, loa mở công suất lớn các nhà hàng, vũ trường, cửa hàng bán điện thoại di động, siêu thị điện máy mở loa nhạc và quảng cáo chương trình khuyến mại nồi cơm điện bảy trăm ngàn còn ba trăm ngàn mua gấp trong tuần…. Người bán rong bây giờ đâu có rao bằng miệng mà toàn dùng máy thu băng sẵn. Suốt ngày đi qua đi lại là tiếng rao của xe bánh mì, keo dính chuột, mài dao…

Ngay cả buổi sáng ở công viên cũng có nhạc xập xình của lớp khiêu vũ dưỡng sinh. Ban đêm cũng không yên, đó là giờ xe tải, xe container được phép chạy rầm rập, bọn thanh niên đua xe gắn máy, bợm nhậu say xỉn “dzô, dzô” hát hò thâu đêm. Đám nhậu càng đông cười nói càng lớn tiếng, mạnh người nào người đó nói cho nên mới có một vụ án mạng ở Bình Dương, một anh bị bạn nhậu đâm chết vì hát quá lớn.

Nếu gần quán nhậu, quán ca hát “Hát với nhau” thì bất đắc dĩ nghe hát ra rả suốt đêm. Quán không có ca sĩ thì ca sĩ “kẹo kéo” hát. Họ dừng xe và cứ đứng trên vỉa hè hát. Quán nào bán ế thì dời đi nơi khác nhưng quán nào bán được kẹo thì người bán cứ đứng đó hát mãi. Đôi khi thực khách lại trả ít tiền, mượn loa của anh kẹo kéo để rống lên một hồi, hoặc không trả tiền mà thay vào đó mua một nắm kẹo.
Người thụ hưởng âm thanh vượt mức khổ tâm nhất là người già, em bé, người đi làm suốt ngày chỉ có mấy tiếng đồng hồ ngủ để lấy lại sức mai đi làm tiếp…

Về phần buôn bán, tình trạng người bán nhiều hơn…người mua. Lôi kéo khách hàng bắng cách quảng cáo “mạnh miệng”: mỗi gian hàng sắm một cái loa. Hàng quần áo, hàng ví da, mũ nón, giày dép… Nhất là hàng bán loa thì khỏi nói.

Xứ Tây to tiếng một chút, cảnh sát đã đến hỏi thăm. Còn mình thì ráng chịu. Ai chịu được tiếng ồn thì chịu, không chịu được thì gắn cửa kính, dọn nhà đi nơi khác hoặc đối đế thì… xách dao đi xử.

SGCN

Xem thêm

Nhận báo giá qua email