Hôm 9/8, Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật được cả hai đảng biểu quyết tán thành trị giá 280 tỉ đô để thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước, một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc.
Dự luật là một phần cốt lõi trong chủ trương kinh tế của ông Biden khuyến khích đầu tư vào kỹ nghệ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào các chuỗi cung ứng ở nước ngoài đối với những mặt hàng hệ trọng, tối tân.
“Tương lai của ngành sản xuất chip sẽ được tạo ra ở Mỹ,” ông Biden nói trong một buổi lễ tại Vườn Hồng ngày 9/8, nhắc đến các thiết bị bé xíu cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, máy tính, đến xe hơi. Luật này dành ngân khoản 52 tỉ đôla để củng cố lĩnh vực chip máy tính của Mỹ.
Từ ngày 9/8 Bạch ốc bắt đầu quảng bá những tác động tức thời của luật này, lưu ý rằng Micron, hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ, sẽ công bố kế hoạch 40 tỉ đô để thúc đẩy sản xuất chip bộ nhớ trong nước, trong khi Qualcomm và GlobalFoundries sẽ công bố khoản đầu tư 4,2 tỉ đô mở rộng một nhà máy sản xuất chip ở phía bắc bang New York.
Chính phủ liên bang đã nhiều lần mô tả luật này như một phần hệ trọng trong nỗ lực chống lại ảnh hưởng của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và bảo đảm Mỹ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh trước Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn.
“Đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ đề ra một viễn kiến lâu dài cho cả đất nước, một chuyện rất là quan trọng vì nó đầu tư cho mấy chục năm tới,” tiến sĩ Đinh Xuân Quân, một chuyên gia kinh tế từng làm việc trong lĩnh vực phát triển quốc tế, nhận định.
“Các chip của Hoa Kỳ sản xuất tân tiến hơn là chip làm tại Trung Quốc và việc đầu tư thêm sẽ giúp cho kinh tế Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ có nhiều sức cạnh tranh và tiến lên vị trí số một,” ông giải thích. “Đây là chuyện quan trọng vì trong bao nhiêu năm không có đầu tư mà đưa qua Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể bị bắt chẹt.”