Ông Hoàng Philip, phối ngẫu của Nữ hoàng Elizabeth II: Không là “chiếc bóng bên đường”!

Thông báo được điện Buckingham Anh quốc công bố trưa ngày 9 tháng 4 viết: 

“Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh… đã qua đời một cách yên bình sáng nay tại Lâu đài Windsor….”

Phúc lộc thọ là những thứ mà người đời ít ai không muốn. Hoàng tế Philip quả thật là đầy đủ các thứ đó: ông sống…gần như vua, con cháu đầy đàn – bốn con, tám cháu và 9 chắt, tất cả đều xinh đẹp, khôi ngô, giỏi giang và tăm tiếng. Hôm 9 tháng 4, ông qua đời, chỉ thiếu hai tháng một ngày nữa là đủ 100 tuổi.  

Nhưng câu chuyện về cuộc đời của ông, và chính triết lý sống của ông, lại cho thấy rằng ông đã phải vất vả hết sức để có thể sống được như thế.

Philip ra đời mang dòng máu xanh nhưng lại mồ côi, ăn nhờ ở đậu ngay từ nhỏ, rồi vào trường nội trú, trở thành một quân nhân, chiến đấu dũng cảm trong Đệ Nhị Thế Chiến. Đến khi lấy vợ, ông lại chỉ “làm chủ gia đình” được có vài năm để rồi phải hy sinh binh nghiệp để trở thành “the queen’s consort”, phối ngẫu của Nữ hoàng, lúc nào cũng đi sau bà vợ hai bước. Trong cuộc hôn nhân dài 73 năm với bà Elizabeth, có tất cả 67 năm ông đã đóng vai trò người chồng của Nữ hoàng một cách toàn hảo, ít ra là dưới con mắt soi mói của thế giới. Không dễ! 

Trong một bài diễn văn tại Ghanda năm 1958, ông đã nói:  “The essence of freedom is discipline and self-control” (Bản thể của tự do là kỷ luật và tự kiềm chế).

Ông đã sống cuộc đời của mình đúng như thế, cho đến ngày tạ thế.

Ông hoàng mồ côi

Philip (tiếng Hy lạp Φίλιππος, chuyển sang mẫu tự La mã: Fílippos) chào đời với thân thế của một Hoàng tử Hy lạp và Đan mạch. Ông là con út và con trai duy nhất của Hoàng tử Andrew Hy lạp và Công chúa Alice Nhà Battenberg (trong tiếng Anh là Mountbatten), một vương tộc Đan mạch có nguồn gốc từ Đức. 

Vào đầu thế kỷ 20, khi chỉ mới có một số ít quốc gia ở Âu châu trở thành dân chủ, số còn lại đều là vương quốc, đế quốc… các ông hoàng bà chúa của Âu châu ít nhiều đều là họ hàng xa gần. Ông nội của Philip là Hoàng đế Hy lạp, bà mẹ là chắt của Nữ hoàng Victoria. 

Tính theo huyết thống, cả hai đều có họ hàng xa với nhau: cả hai đều là “chút” của nữ hoàng Victoria. Theo báo Independent của Anh, hai người là “third cousins” của nhau. 

Sử sách nói rằng Philip ra đời trên một cái bàn ở phòng ăn trong một dinh thự trên đảo Corfu, khi gia đình bước vào giai đoạn tan nát. Cha ông, Hoàng tử Andrew là chỉ huy một sư đoàn Hy lạp trong trận chiến Hy lạp – Thổ nhĩ kỳ. Phía Hy lạp thảm bại, người chú của ông, Hoàng đế Hy lạp Constantine I bị buộc trách nhiệm và phải thoái vị. Hoàng tử Andrew cũng lãnh đủ, và bị đày biệt xứ. 

Có lẽ nhờ cha của Công chúa Alice – Lord Mountbatten, từng là sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh, họ được chiến hạm Anh quốc HMS Calypso giải cứu, đưa sang Ý. Sau đó, gia đình sang Pháp, được bà dì giàu có Công chúa George của Hy lạp và Đan mạch, cho mượn ngôi nhà ở ngoại ô Paris.

Năm lên 7 tuổi, ông được đưa sang Anh quốc, tiếng là để sống với bà ngoại Victoria Mountbatten, Dowager Marchioness of Milford Haven, tại Kensington Palace. 

Một năm sau khi Philip vừa lên 8 thì bà mẹ được đưa vào một dưỡng trí viện do chứng bệnh tâm thần phân liệt. Người cha bỏ sang Pháp với người tình mới.

Suốt giai đoạn thiếu niên, Philip sống và học tập trong ngôi trường nội trú Gordonstoun ở Scotland, sáng lập bởi nhà tiên phong giáo dục Kurt Hahn. Ông này là một người Đức gốc Do thái đã phải rời Đức vì lên án Đức Quốc xã.

Chính ngôi trường Gordonstoun đã đào luyện, hun đúc con người của Philip với những chế độ sống khắc kỷ, đầy tự chế và kỷ luật: học sinh phải dậy từ rất sớm, tắm nước lạnh, chạy băng đồng …

Ngày Philip đến tuổi rời ghế nhà trường, nước Anh đang đứng trước bờ vực chiến tranh với Đức. Ông gia nhập Học viện Hải quân Hoàng gia Britannia ở Dartmouth. Được trường nội trú sửa soạn sẵn sàng cho đời sống đầy đòi hỏi của quân đội, mặc dù vào đại học muộn hơn nhiều so với hầu hết các học viên khác, Philip đã trở thành một sinh viên sĩ quan xuất sắc. Năm 1940, ông tốt nghiệp đầu khóa năm 1940. Trong giai đoạn huấn luyện tại Portsmouth, ông đã giành được điểm cao nhất trong 4/5 phần của kỳ thi. Philip trở thành một trong những thiếu úy trẻ nhất trong Hải quân Hoàng gia Anh. Năm 1942, ông được phong Trung úy khi được 21 tuổi, cũng lại là một trong số các Trung úy trẻ tuổi nhất của Hải quân Hoàng gia. 

Philip tham dự những chiến dịch quan trọng trong thế chiến II trên các chiến trường Âu châu và Á châu và có mặt ở Vịnh Tokyo ngày Nhật bản đầu hàng.

Lọt vào mắt xanh 

của bà hoàng tương lai

Một năm trước ngày Philip ra trường, tháng 7 năm 1939, Anh Hoàng George VI đến thăm Học viện, dắt theo hai cô công chúa trẻ:  Elizabeth và  Margaret. Sinh viên sĩ quan Philip được chỉ định để thừa tiếp nhị vị công chúa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chàng để lại trong đầu và cả trong tim nàng công chúa mới 13 tuổi một ấn tượng sâu đậm.

Nàng Công chúa trẻ và viên sĩ quan Hải quân liên lạc trao đổi thư từ với nhau trong những năm sau đó.

Vị nữ hoàng tương lai của Vương quốc Anh là một phụ nữ cương quyết. Trong dịp Giáng sinh năm 1943, sau khi Philip được mời đến thăm viếng Hoàng gia, Elizabeth đặt một bức ảnh chụp Philip mặc quân phục hải quân trên bàn trang điểm của nàng. 

Năm 1946, Philip chính thức ngỏ lời cầu hôn với Elizabeth tại Scotland. Nàng công chúa nhận lời không chút đắn đo, nhưng hoàng gia không chuẩn thuận ngay quyết định mà họ cho là hấp tấp đó.

Trong khi vua cha, Anh hoàng George VI đòi hai người hoãn lại công bố đính hôn cho đến năm Elizabeth được 20 tuổi, những người khác trong hoàng gia tỏ vẻ nghi ngại. 

Trong số đó có cả Hoàng hậu. Bà cho rằng Philip “quá Đức” và gọi ông là “the Hun”.

Nhưng công chúa vẫn quyết tâm lấy Philip và cuối cùng, nhà vua và hoàng hậu đã xiêu lòng. 

Năm 1947, Philip cầu hôn với chiếc nhẫn đính hôn làm từ những viên kim cương từng nạm trên chiếc vương miện của người mẹ, Công chúa Alice. 

Vua George VI cho phép Philip kết hôn với con gái, nhưng Philip phải qua một số “hiệu chỉnh”. 

Ông Hoàng Hy Lạp và Đan Mạch phải nhận quốc tịch Anh, chính thức gia nhập Giáo hội Anh và từ bỏ các tước vị nước ngoài. 

Vào ngày cưới, 20 tháng 11 năm 1947, ông được phong Công tước của Edinburgh.

Ngày đó, Philip được 26 tuổi và Elizabeth vừa tròn 21.

Họ sống như một đôi vợ chồng bình thường và Philip thỏa mãn với hai niềm đam mê của mình: biển cả – ông nắm quyền chỉ huy một chiến hạm, và người vợ yêu quý. 

Nhưng chỉ được hơn bốn năm.

Tin Anh hoàng George VI băng hà đến với họ khi hai vợ chồng đang trong một chuyến công du thay mặt vua cha tại Kenya. Người giữ ngựa của Philip kể lại, lúc đó, “như thể có cả một tấn gạch đổ xuống người ông.”

Thiếu tá Michael Parker, bạn và thư ký riêng của Công tước xứ Edinburgh, đã mô tả khoảnh khắc ông nhận ra vợ ông giờ đã là Nữ hoàng: “Ông ta trông như thể đã bị người ta làm rơi cả nửa thế giới vào người. Trước nay, tôi chưa bao giờ cảm thấy tội nghiệp cho một người nào đến như thế. Ông thở một cách nặng nhọc, thở ra, hít vào, như thể đang bị chấn động. Ông nhìn thấy ngay rằng cuộc sống chung lý tưởng của họ đã kết thúc.”

Philip biết rằng thế giới của mình đã thay đổi, niềm đam mê đầu tiên – biển cả và sự nghiệp hải quân, đã mất. Nữ hoàng Elizabeth mới sẽ cần chồng ở bên.

Công tước Edinburgh được mệnh danh là phối ngẫu của Nữ hoàng, và nhiệm vụ chính của ông là hỗ trợ vợ.

Trong suốt sáu mươi lăm năm sau đó, cuộc đời của ông, đúng như thế. 

Chính Philip đã nói về thời gian trước khi Nữ hoàng lên ngôi: “Trong nhà, tôi cho rằng tôi đương nhiên đảm nhiệm vai trò chính. Khi có việc, mọi người thường đến xin ý kiến tôi. Vào năm 1952, toàn bộ sự việc đã thay đổi, thay đổi rất đáng kể.”

Chiếc bóng bên đường

Ở thời điểm ông Philip lấy vợ, việc đàn ông phục tòng vợ không phải là bình thường, cho dù vợ là vua đi chăng nữa. Ông Philip lại là một một người đàn ông độc lập, cứng cỏi.  

Nhưng Nữ hoàng Elizabeth cũng là một người có cá tính mạnh mẽ. 

Trong hồi thứ 5, Smoke and Mirrors (khói và gương) của The Crown, bộ phim truyền hình nói về Nữ hoàng Elizabeth và triều đại của bà, có một cảnh mà người ta cho là “hư cấu”, nhưng hoàn toàn có thể là sự thật.

Trong cảnh đó, tài tử Matt Smith trong vai Công tước Edinburgh đã yêu cầu Elizabeth (do tài tử Clair Foy thủ diễn) miễn cho mình nghi thức quỳ trước Nữ hoàng/ Vợ trong lễ tấn phong và bị trả lời cộc lốc: “Không”. Đoạn đối thoại bất hủ đó như sau: 

– Em là vợ tôi hay nữ hoàng của tôi?

– Em là cả hai, và một người đàn ông mạnh mẽ sẽ có thể quỳ trước cả hai.

– Tôi xin em cho tôi được một ngoại lệ.

– Không!

Kết quả là, như mọi người đã thấy trong phim và cả trên truyền hình lễ tấn phong, Philip đã phải quỳ để tuyên thệ sẽ là “thuộc hạ” của Nữ hoàng.

Cho đến ngày ông không còn giữ được lời thề đó nữa, hôm 9 tháng 4 vừa qua. 68 năm sau, ông luôn luôn ở bên cạnh, đúng ra là ở sau Nữ hoàng Elizabeth từ một đến hai bước.

Là người phối ngẫu của vua phục vụ lâu nhất trong lịch sử nước Anh, ông hoàng Philip đã thực hiện khoảng 22.191 cuộc gặp gỡ/tiếp khách chính thức một mình. Cho đến ngày ông nghỉ hưu vào năm 2017, ông được cho là người bảo trợ, chủ tịch hoặc thành viên của hơn 780 tổ chức thuộc nhiều lãnh vực giáo dục, y tế, khoa học, môi trường…

Tháp tùng Nữ hoàng toàn cầu trong các chuyến công du Khối thịnh vượng chung và các chuyến thăm cấp quốc gia, ông đã đến thăm 143 quốc gia với tư cách chính thức. 

Ông “làm tốt” vai trò của mình đến mức đã được coi là khuôn mẫu cho những “đệ nhất phu quân” khác trên thế giới học theo.

Bên cạnh đó, ông còn làm không biết bao nhiêu “việc nhà” ở điện Buckingham và lâu đài Windsor.

Nữ hoàng Elizabeth cũng xác nhận vai trò của ông. Năm 1997, trong kỷ niệm 50 năm ngày cưới của hai người, bà nói ông là “một người không thích được khen ngợi, nhưng ông, rất đơn giản, là nguồn sức mạnh của tôi và chỗ dựa của tôi suốt những năm qua, và tôi và cả gia đình ông, ở nước này và nhiều nước khác, nợ ông ấy một món nợ lớn hơn hơn những gì ông từng nhận hoặc chúng ta sẽ biết được.”

Có một ông hoàng Philip khác

Bên cạnh hình ảnh trên cũng có một Công tước Edinburgh khác.

Theo không ít người,  ông là một người bất mãn, cay cú, ác tâm và kỳ thị chủng tộc, giữ được vỏ bọc “phối ngẫu lý tưởng của một vị vua” bằng kỷ luật và tự kiềm chế bản thân. Thỉnh thoảng, ông đã để lộ ra những đặc điểm này, như những lần “xả sú bắp”, nhưng thường được bào chữa bằng cách cho là “lỡ miệng” (gaffle) và xí xóa bằng cách cười trừ.

Tính chất đó thể hiện qua khiếu hài hước cay độc, thường là đem chính mình ra để bôi bác – self-depreciation, cả trong những sự kiện chính thức. 

Thí dụ như ông từng nói: “Thế hệ của chúng tôi, mặc gì khá được ăn học, có lẽ là một bọn được dạy dỗ tệ hại nhất của thời này.”

Hoặc: “Đừng hỏi tôi tại sao (nữ hoàng) có ngày sinh nhật chính thức vào tháng 6 trong khi ngày sinh nhật đúng của bà là tháng Tư – quý vị cứ phải chấp nhận như thế đi.”

Hoặc ngay vào lúc vợ ông đăng quang. Theo tục lệ, bà vợ phải lấy họ của ông chồng. Nhưng chuyện đã không diễn ra như thế. Khi người chú của ông đề nghị dùng họ Mountbatten – House of Mountbatten, Philip đã khiêm nhượng từ chối. Ông đề nghị dùng họ Edinburgh (House of Edinburgh) theo danh hiệu mà ông bố vợ, vua George IV ban cho ông ngày chấp nhận ông làm rể. Nhưng bà nội của Elizabeth đã can thiệp, Hoàng hậu Mary nhờ Thủ tướng Winston Churchill khuyến cáo cháu gái giữ danh hiệu của nhà gái – House of Windsor. Lần ấy, Philip đã phàn nàn: “Tôi chẳng là gì hơn một con amíp. Tôi là người đàn ông duy nhất ở đất nước này không được phép đặt tên cho con theo họ của mình”.

Cựu Thủ tướng David Cameron có lần đã nói về “khiếu hài hước” của Công tước Edinbugh: “Khôi hài là một phần quan trọng trong đời sống người Anh và chúng ta cảm ơn công tước về sự đóng góp độc đáo của ông.” 

Trong khi thông tấn BBC chỉ liệt kê có trên 20 lần “lỡ miệng” của ông Công tước từ năm 1966 đến ngày ông qua đời thì tờ báo Anh The Independence kể ra tới 99 lần những câu nói nhẹ thì vô duyên, cay độc, nặng thì kỳ thị, miệt thị của ông, chỉ tính tới năm 2004!

Cả hai đều dẫn những trường hợp nặng nề nhất, dưới đây là vài “danh ngôn” của Công tước. 

Về giới thông tấn: 

Trao đổi với nhà báo Simon Keller trong buổi tiếp tân dành cho báo chí dịp lễ mừng Kim khánh của Nữ hoàng năm 2002, 

Philip: Ông là ai vậy? 

Simon Kelner: Tôi là chủ bút báo The Independent, Sir.
Philip: Ông đang làm gì ở đây vậy?
Kelner: Ông đã mời tôi.
Philip: Chà, ông không cần phải đến!

Về Anh quốc và người Anh: 

– Tại Women’s Institute, viện phụ nữ Tô cách lan, năm 1961: “Phụ nữ Anh quốc không biết nấu ăn.”

– Nhận định về cuộc suy thoái kinh tế năm 1981: “Mới vài năm trước, mọi người đều nói rằng chúng ta phải có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn, mọi người đều làm việc quá nhiều. Bây giờ mọi người đều có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn, họ phàn nàn rằng họ thất nghiệp. Làm như người ta không chắc được rằng họ muốn gì.”

– Về vụ thảm sát tại Dunblane ở Scotland năm 1996: “Nếu một tay chơi cricket, đột nhiên quyết định vào một trường học và dùng gậy cricket đánh chết nhiều người, điều mà anh ta có thể làm rất dễ dàng, ý tôi là, bạn có định cấm gậy cricket không?”

– Tại lễ trao giải thưởng của Công tước Edinburgh lần thứ 50, giải thưởng mà chính ông lập ra: “Người trẻ bây giờ cũng chẳng khác gì họ ngày trước. Họ cũng dốt nát y như thế.”

Về kỳ thị chủng tộc: 

– Tại cuộc tiếp tân ở Điện Buckingham dành cho 400 người Anh gốc Ấn xuất sắc, sau khi đọc cái tên Atul Patel trên bảng tên của một nhân vật được mời: “Đêm nay ở đây có đông người cùng họ với ông lắm.” 

– Năm 1995, ở Scotland, ông đã diễu thói nhậu nhẹt của người Tô cách lan bằng câu hỏi một người dạy lái xe: “Làm sao ông có thể giữ cho những dân bản xứ đủ tỉnh táo lâu để qua được cuộc thi?”   

– Năm 1986, trong khi công du nước Tàu, năm 1986, ông nói với một sinh viên người Anh ở Trung hoa: “Nếu cậu ở đây lâu hơn, cậu sẽ trở về quê hương với một cặp mắt hí”, hoặc nhận xét về Bắc kinh: “Hãi hùng!”

– Năm 1998, ông nói về các sinh viên Brunei đến học ở Anh quốc: “Tôi không biết làm sao mà họ có thể hội nhập được ở những nơi như Glasgow và Sheffield”.  

– Năm 1998, ông hỏi một sinh viên đã từng du lịch đến Papa New Guinea: “Thế rồi cậu giữ được cho mình khỏi bị ăn thịt?”

– Năm 1976, trong chuyến thăm Canada: “Chúng tôi không đến đây vì lý do sức khỏe. Chúng tôi có thể nghĩ ra nhiều cách khác để hưởng thụ.”

– Với một phụ nữ Kenya năm 1984,sau khi nhận tặng phẩm từ bà này: “Bà là phụ nữ, phải không?”

– Tại Thái lan, sau khi nhận một giải thưởng về bào tồn: “Đất nước của quý vị là một trong những trung tâm khét tiếng nhất về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng.”

– Tại bệnh viện Luton and Dunstable Hospital, khi gặp một y tá người Phi luật tân: “Nước Phi luật tân chắc phải vắng hết phân nửa vì tất cả các cô đang ở đây làm việc cho NHS”. 

– Tại La mã năm 2000, khi được Thủ tướng Ý Giuliano Amato mời dùng một ly vang được coi là niềm tự hào của nước Ý: “Cho tôi một chai bia, thứ gì cũng được, miễn là bia.”

– Năm 1967, khi được hỏi có muốn viếng thăm Liên bang Xô viết hay không: “Tôi muốn đi Nga lắm – mặc dù bọn khốn nạn đó đã giết phân nửa gia đình tôi.” 

– Tại quần đảo Cayman, năm 1994: “Không phải hầu hết quý vị đều là con cháu của hải tặc à?” 

– Một phát ngôn của ông năm 2000 nhắc đến người Mỹ,: “Mọi người nghĩ rằng ở đây (Anh quốc) có một hệ thống giai cấp cứng nhắc, nhưng người ta từng biết rằng có những các công tước đã kết hôn với những diễn viên đồng ca trong các vở nhạc kịch. Một số thậm chí đã kết hôn với cả người Mỹ.”

Một trong những câu nổi tiếng nhất là câu ông nói với thủ lãnh thổ dân Úc William Brin ở Aboriginal Cultural Park, bang Queensland nước Úc năm 2002, khi họ trình diễn chào mừng ông: “Thế các ông có còn phóng lao vào nhau không?”

Và về chính mình;

– Phát biểu trước General Dental Council (Hội đồng Nha khoa) năm 1960, được báo Time trích dẫn: “Dontopedalogy là khoa học về mở miệng ra rồi cho chân vào đó, một môn mà tôi đã thực hành trong nhiều năm.”  

– Trong một diễn văn năm 1956, ông thành thật: “Tôi luôn có thói quen không đổi là bắt đầu bằng cách nói lời tâng bốc để sau này mình sẽ được bỏ qua nếu lỡ có nói gì bậy bạ.”  

– Lời khuyên để giữ đời sống hôn nhân (năm 1997): “Lòng khoan dung là một trong những thành phần thiết yếu … Quý vị có thể nhìn tôi để thấy rằng phẩm chất khoan dung ở Nữ hoàng rất dồi dào.” 

Và năm 1992, khi được hỏi ông nghĩ gì về cuộc đời mình: “Đáng lẽ ra tôi đã phải ở lại Hải quân.” 

***

Vương quốc Anh và các quốc gia trong khối Thịnh vượng chung đang để tang Công tước Edinburg, phối ngẫu của nữ hoàng.  

Điện Buckingham cho biết các kế hoạch tổ chức tang lễ đã được thiết lập từ lâu phải được điều chỉnh và và thu nhỏ vì các hạn chế của COVID-19, nhưng rất phù hợp với nguyện vọng của Philip.

Công tước xứ Edinburgh, sẽ được tổ chức tang lễ theo nghi thức hoàng gia, không phải lễ quốc táng, và diễn ra hoàn toàn trong khuôn viên của Lâu đài Windsor và giới hạn cho 30 người đưa tang, tuy nhiên 

Tang lễ, sẽ được truyền hình trực tiếp, sẽ được tổ chức tại Nhà nguyện Thánh George trong khuôn viên lâu đài và sẽ bắt đầu bằng một phút im lặng trên khắp đất nước.

Thái tử Charles và các thành viên khác của Hoàng gia sẽ đi sau một chiếc Land Rover được sửa đổi đặc biệt do chính Philip giúp thiết kế. Sau thánh lễ, Philip sẽ được đưa vào hầm mộ hoàng gia.

Đỗ Quân (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email