Có thể đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Hôm thứ Hai 24 tháng 10, đúng vào ngày lễ Diwali, ông Rishi Sunak trở thành thủ lãnh đảng Bảo thủ Vương quốc Anh. Ở vị trí này sau khi bà Linda Truss từ chức có nghĩa là ông trở thành Thủ tướng Anh quốc.
Việc bà Truss không ngồi lâu được trên ghế thủ tướng đã được báo trước với sự sụp đổ của tài chánh nước Anh do chính sách không được hoan nghênh của bà.
Nhưng Diwali là một lễ hội quan trọng của Ấn Độ, hội ánh sáng, mừng chiến thắng của cái thiện (tốt) chống lại cái xấu (ác) và ông Rishi Sunak là một người gốc Ấn, không phải Ấn trắng.
Thế mới có chuyện để nói.
Trước Anh quốc và Sunak, vài nước ở Âu châu đã có một số thủ tướng người gốc Ấn Độ. Như đương kim Thủ tướng Bồ đào nha, ông António Costa, người gốc Goa (một tỉnh của Ấn Độ). Trước Costa còn có một ông thủ tướng Bồ đào nha nữa cũng người gốc tỉnh Goa. Gần sát với Anh quốc hơn là Ái nhĩ lan. Leo Varadkar, thủ tướng xứ này từ 2017 đến 2020 có cha là di dân từ Mumbai. Ông Varadkar đang ra sức giành lại ghế trong cuộc tuyển cử tháng 12 tới để cùng Sunak trở thành một cặp thủ tướng gốc Ấn ở hai hòn đảo có lịch sử gắn kết với nhau trên biển Đại tây dương.
Nhưng với không ít người – trong đó có nhiều nhà bình luận chính trị quốc tế, thì việc Sunak lên nắm quyền ở Anh mang ý nghĩa cay chua hơn với người Anh.
Tiểu lục địa Ấn Độ từng là thuộc địa của Đế quốc Anh suốt 200 năm. Bị cai trị và bị khai thác. Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong hơn 75 năm độc lập và người Ấn Độ hiện đã đạt được vị trí uy tín và quyền lực trên toàn thế giới, nhưng chỉ cách đây mười năm, khó có thể hình dung một chính trị gia gốc Ấn Độ lãnh đạo chính phủ của quyền lực thuộc địa cũ.
Một người thuộc một dân tộc mà cố thủ tướng Winston Churchill, một nhân vật khổng lồ của Anh quốc, người đã từng cư ngụ ở nơi mà Rishi vừa bước vào, đã ghét và nặng lời thóa mạ. Churchill được cho là từng nói với bộ trưởng bộ Ấn Độ trong nội các của ông “I hate Indians. They area beastly people whith a beastly religion” (Tôi ghét người Ấn. Họ là một dân tộc thú vật với một tôn giáo thú vật).
(Điều khá lạ là Sunak, ngày nhậm chức Bộ trưởng Tài chánh đã nói: Một trong những điều tuyệt vời nhất khi trở thành Thủ tướng là được làm việc tại một số tòa nhà mang tính lịch sử nhất của Anh. Tuần này, tôi đã lên cái ban công, nơi Churchill đã phát biểu về chiến thắng của mình cách đây 75 năm ngày hôm nay. Nó nhắc nhở tôi rằng khi nước Anh hợp sức, chúng ta có thể vượt qua mọi thứ.”)
Nay một ông người gốc Ấn lại “cai trị” chính cái đất nước đã cai trị cha ông của ông ta hai thế kỷ. Một hiện tượng mang ý nghĩa “full circle” – đủ 360 độ.
Và việc ông Sunak trở thành thủ tướng nước Anh được nhìn vào với đủ khía cạnh để bàn tán.
Vậy nên tài nguyên cho để tài “chuyện về ông tân thủ tướng Ấn Độ” kỳ này khá giàu có.
Chuyện màu da
Sunak trở thành vị thủ tướng không trắng đầu tiên – bao gồm thêm hai thứ đầu tiên nữa: gốc Á châu đầu tiên và người gốc Ấn đầu tiên của Anh quốc.
Ông cũng là vị thủ tướng trẻ tuổi nhất (42 tuổi) của xứ này trong vòng 200 năm nay, qua mặt một vị tiền nhiệm – David Cameron, người trở thành thủ tướng Anh quốc năm 43 tuổi.
Rishi Sunak có phải là…người Ấn Độ không?
Về phía mình, Rishi Sunak luôn khẳng định mình là người theo Ấn Độ giáo (Hinduism). Ngày tuyên thệ nhậm chức bộ trưởng, ông không đặt tay lên Thánh kinh. Thay vào đó, ông dùng quyển thánh thi Bhagavad Gita bằng tiếng Phạn. Ông còn thực hiện nghi thức thắp đèn diyas của Ấn giáo ở ngoài cửa ngôi nhà số 11 Downing, tư dinh bộ trưởng.
Hồi tháng 8, vào dịp lễ Janmashtami 2022 (sinh nhật thần Krishna), Sunak đã cùng vợ đến dự lễ tại đền Bhaktivedanta Manor và ngay sau ngày nhậm chức, đã tổ chức buổi tiếp tân mừng lễ Diwali ở dinh Thủ tướng. Ông cam kết sẽ làm mọi thứ để xây dựng một nước Anh, “nơi con cháu chúng ta có thể thắp sáng các ngọn đèn Diyas của chúng và nhìn về tương lai với hy vọng.”
Trong những bức ảnh đầu tiên chụp ngày đầu tiên ông giữ vị trí người lãnh đạo Anh quốc, trên cổ tay phải của Sunak có chiếc vòng bằng sợi màu đỏ. Trong Ấn giáo, sợi chỉ này mang ý nghĩa cầu may, để bảo vệ và bày tở sự yêu thương gắn bó với người khác. Người ta tin rằng ông Sunak luôn mang vòng sợi đỏ này, nhưng trước đây ít người để ý.
Trên bàn làm việc của Sunak luôn có một tượng Shri Ganesh – vị thần đầu voi trong Ấn giáo, ông cũng được biết là không hề ăn thịt bò (còn phải kể thêm rằng trong thời gian còn đi học, ông cũng đã từng đi làm ở một nhà hàng cà-ri!)
Tin ông Sunak trở thảnh thủ tướng Anh được rất nhiều người Ấn (đương nhiên) hân hoan chào đón trong lúc một nhân vật bảo thủ nặng ký của Hoa Kỳ, ông Collin Pruet, một quản trị viên tại The American Conservative báo động: “Một Thủ tướng Ấn Độ giáo hiện chịu trách nhiệm tư vấn cho Vua Charles về các sự bổ nhiệm trong Giáo hội Anh. Nước Anh đã chết.”
Ở Ấn Độ, các hệ thống thông tấn tưng bừng đưa những tin tức đầy hoan hỉ. Một đài tin tức chạy tít: “Người con của Ấn Độ vươn lên trên Đế chế, lịch sử đã quay đủ một vòng ở Anh.”
Trên Twitter, tỷ phú doanh nhân Anand Mahindra, chủ tịch tập đoàn Mahinda Group hỉ hả: “Vào năm 1947 vào thời điểm Ấn Độ được độc lập, Winston Churchill được cho là đã nói “… tất cả các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ là ở hạng thấp và là loại người rơm yếu đuối…”. Hôm nay, trong 75 năm Độc lập của chúng ta, chúng ta đĩnh đạc nhìn thấy một người đàn ông gốc Ấn được phong Thủ tướng của Vương quốc Anh. Cuộc sống thật tươi đẹp”.
Những người theo chủ nghĩa Ấn tối thượng (Hindu supremacist) đã gọi Sunak là một “desi” bro (người anh em Ấn), thậm chí là một điệp viên ngầm của đợt sóng “Global Indian Takeover” – người Ấn thâu tóm trên toàn cầu, tên của một mục được ưa chuộng trên tờ báo Times of India. Một trong những tựa phổ biến của báo chí Ấn Độ trong tuần lễ vừa qua là “Indian son rises over the empire” (người con Ấn Độ vươn lên trên đế chế).
Nhưng không phải tất cả người Ấn, và gốc Ấn, ở cả Anh quốc lẫn bên ngoài Anh quốc đều đồng ý với nhau.
Có không ít người cho rằng Sunak không phải là người “Ấn-Anh”, mà là “Anh-Ấn”. Ông chỉ “Ấn” ở chỗ có nước da màu đen và theo Ấn Độ giáo.
Nếu ở Mỹ, ông đã được gọi là “oreo” – ngoài đen trong trắng.
Họ dẫn chứng bằng chính nền học vấn mà Sunak đã hấp thụ: trường tư ở Anh quốc, Đại học Oxford, Đại học Stanford. Chẳng thấy một góc Ấn Độ nào, ngoại trừ giáo dục gia đình. Nhưng cha ông và mẹ ông cũng làm việc trong các ngành không nặng màu sắc Ấn Độ.
Ông cũng chẳng có bao nhiêu dây mơ rễ má với Ấn Độ cả, ngoại trừ bên vợ.
Tờ báo Anh The Guardian nhận xét rất khéo rằng mặc dù người Ấn Độ thường háo hức coi những thành tích của người Ấn Độ ở nước ngoài là của họ và tự hào về họ – cho dù đó là người Ấn Độ đầu quân cho Google và Microsoft hay Kamala Harris trở thành phó tổng thống Hoa Kỳ – sự khác biệt với Sunak là mối quan hệ của ông ta với Ấn Độ thì yếu hơn, vì ông ta sinh ra và lớn lên ở Anh.
Không có ngôi làng hay thị trấn nào ở Ấn Độ mà các nhà báo có thể đổ xô đến để phỏng vấn các cô, chú hoặc các thầy cô giáo về thời còn thơ ấu hoặc mô tả môi trường mà ở đó cậu bé Rishi lớn lên như thế nào.
Không giống như bà Harris, người có họ hàng ở miền nam Ấn Độ, người ta tin rằng Sunak không có họ hàng ở Ấn Độ. Người thân duy nhất của ông ở nước này là cha mẹ vợ, những người được biết đến nhiều nhờ công ty Infosys mà ông cha vợ Narayana Murthy đồng sáng lập và xây dựng thành một gã khổng lồ nhu liệu.
Họ cũng dẫn chứng bằng chính các hoạt động và phát biểu của Sunak.
Trong một cuộc phỏng vấn trước đây, ông đã từng cho biết ông là một tín đồ của câu lạc bộ túc cầu Southampton FC. “Về mặt giáo dưỡng văn hóa, tôi thường đến đền thờ vào cuối tuần – tôi là người theo đạo Hindu – nhưng tôi cũng sẽ đến dự trận đấu với đội the Saints (tên thân mật của CLB Southampton) vào ngày thứ Bảy. Tôi làm mọi thứ, tôi làm cả hai.”
Ngay cả thức uống của Sunak cũng không phải là đồ Ấn Độ. Thứ nước mà tân Thủ tướng Anh ưa thích nhất là Coca Cola.
Nhiều người gốc Ấn ở xứ sở của Vua Charles, một quần thể khá đông đảo, cho rằng ông Sunak là sản phẩm của Anh quốc và của giới có đặc quyền tại Anh quốc. Như đã thấy trong “thân thế và sự nghiệp”, về xuất thân, giáo dục, nghề nghiệp…, ông ta chẳng có bao nhiêu điểm giống với họ.
Bản thân Sunak cũng đã thú nhận – Nhà báo Ngô Nhân Dụng viết trên VOA: “Sunak thú nhận rằng ông chỉ có bạn bè trong giới quý tộc (aristocrats) và thượng lưu (upper class), không ai thuộc giới lao động (not working class), mặc dù hồi trẻ ông cũng làm bồi bàn trong một tiệm ăn Ấn Độ và đi giao hàng cho tiệm thuốc.”
Giáo sư Priyamvada Gopal của phân khoa Anh văn Đại học Cambridge mỉa mai rằng Rishi Sunak đúng là đại diện cho một khối thiểu số – tầng lớp plutocrat (tài phiệt quyền thế) của ông ta.
Bà viết trên mạng thông tấn Aljazeera rằng Sunak rất giống một hoàng tử Ấn Độ của Anh, được hưởng nền giáo dục tư nhân và rất giàu có, người tận lực hoạt động cho giới nhà giàu và đặc quyền của tầng lớp nhỏ các tài phiệt của Anh trên xương máu của số đông.
Giáo sư Gopal khẳng định: “…Sunak, người nằm trong danh sách Những người giàu truyền thuyết của tờ Sunday Times, chắc chắn đại diện cho một nhóm thiểu số – nhưng không phải là người da đen, người châu Á và các cộng đồng dân tộc thiểu số khác của Anh… Ông ta đại diện cho một tầng lớp nhỏ những nhà tài phiệt, những người mà việc khai thác của cải và gây ra sự đau khổ về tài chính cho xã hội rộng lớn hơn chính là phương tiện để làm giàu hơn nữa.”
Chuyện giàu
Khác với các chính khách và quan chức ở Việt Nam, giới chính trị gia và viên chức cao cấp của Anh quốc thường giàu có trước khi bước vào chính trường hay nhậm chức. Thế nên chuyện tài sản của họ không là chuyện lớn. Nhưng đối với Sunak thì khác – có thể vì ông…đen, và cũng có thể vì ông giàu hơn cả đức hoàng thượng.
Không phải đợi đến khi Sunak làm thủ tướng báo chí mới xăm soi vào điểm này. Hồi tháng 8, họ đã hỏi về sự giàu có của gia đình ông, Sunak đã nói rằng người Anh không nên đánh giá ông ta dựa trên sự giàu có của ông ta. Sunak thừa nhận rằng mình có giàu, nhưng: “Tôi nghĩ ở đất nước của chúng ta, chúng ta đánh giá mọi người không phải bằng tài khoản ngân hàng của họ, chúng ta đánh giá họ bằng tính cách và hành động của họ. Và vâng, tôi thực sự may mắn khi ở trong hoàn cảnh như bây giờ, nhưng tôi không được sinh ra như thế này.”
Rishi Sunak giàu thật, và đúng là giàu hơn của Vua Charles đệ Tam.
Trên danh sách những người giàu nhất nước Anh, hai vợ chồng Rishi Sunak có số tài sản trị giá ròng 730 triệu Bảng Anh (837 triệu đô Mỹ).
Trong khi đó, Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla có tổng giá trị tài sản ròng từ 300 triệu Bảng đến 350 triệu Bảng.
Vợ chồng Sunak làm chủ bốn bất động sản ở Vương quốc Anh và California. Những bất động sản này bao gồm một ngôi nhà 5 phòng trị giá 7 triệu Bảng ở Kensington, một dinh thự thời Georgia rộng 12 mẫu Anh ở Yorkshire trị giá khoảng 1,5 triệu Bảng, một căn hộ trên đường Old Brompton ở phía tây London và một căn penthouse trên bãi biển Santa Monica trị giá 5,5 triệu Bảng.
Trong tổng số tài sản của họ, tuy phần tiền của Sunak cũng kha khá – trước khi bước vào chính trường, Sunak là nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và sau đó làm việc cho hai quỹ đầu cơ trị giá hàng tỷ đô la, nhưng phần to hơn là tiền của bà vợ.
Bà Akshata Murty có 0.93% cổ phần trong công ty tin học khổng lồ Infosys của người cha ở Ấn Độ.
Tuy nhiên, không phải Akshata chỉ nhờ cha. Bà cũng làm ra tiền. Akshata Murty là giám đốc của Catamaran Ventures UK, chuyên cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp. Công ty này do hai vợ chồng thành lập vào năm 2013. Thêm nữa, Akshata còn là một trong những giám đốc của thương hiệu quần áo nam New & Lingwood của Anh và chuỗi phòng tập thể dục Digme Fitness.
BBC nói Sunak là người luôn kín tiếng về tài sản cá nhân của mình và khẳng định rằng chưa bao giờ thu lợi từ các quỹ có trụ sở tại các thiên đường thuế.
Từ trước khi ông chồng trở thành thủ tướng Anh, bà Akshata Murty đã bị giới thông tấn “thắc mắc” về mặt thuế khóa. Bà không đóng thuế lợi tức từ thu nhập tại Ấn Độ, khoản thu nhập đó không nhỏ: chừng 11 triệu rưởi Bảng Anh hàng năm, đến từ tiền lãi cổ tức của công ty Infosys.
Tuy nhiên không phải như chuyện “trốn thuế” ở Việt Nam. Luật thuế ở các nước tiên tiến rất rõ ràng. Bà Akshata Murty được hưởng miễn trừ khỏi phải đóng thuế cho khoản lợi tức này vì có tư cách “non-domiciled status”. Luật này có từ thời Cách mạng Pháp, và mới được sửa đổi hồi năm 2015, đại khái là cho phép một người sinh ra ở một quốc gia khác, hoặc nếu cha mẹ của họ ở một quốc gia khác, chỉ đóng thuế cho phần thu nhập của họ tại Vương quốc Anh.
Để giữ quy chế này, bà Akshata đã phải đóng cho chính phủ 30 ngàn bảng Anh hàng năm. Rẻ chán, nếu so với số income 11,5 triệu Bảng từ Infosys. Báo chí Anh tính rằng với quy chế non-domiciled, bà đã né được đến 20 triệu tiền thuế.
Sau khi bị moi móc, bà Akshata đã tuyên bố để tránh áp lực chính trị cho chồng, từ năm sau bà sẽ từ bỏ quy chế non-domiciled và sẽ đóng thuế cho khoản thu nhập từ Infosys.
Một chỗ ngồi không yên
Tạp chí gal-dem của Anh đã viết trên Twitter, “Cuộc bầu cử không dân chủ của Rishi Sunak làm Thủ tướng không phải là một chiến thắng, và chúng tôi không coi đó như một chiến thắng của sự đa dạng”.
Lý luận của tạp chí này căn cứ vào thể thức hiện nay của nước Anh, khi Thủ tướng bị đảng của của chính mình – đảng đang cầm quyền, bất tín nhiệm, một thủ lãnh khác sẽ được bầu thay thế và trở thành tân thủ tướng.
Đảng Bảo thủ nắm quyền từ 2019, được dân bầu lên trong một tình hình và với một chủ trương hiện không còn hợp thời nữa. Thế nên cần thay đổi luật để khi Thủ tướng đổ tức là chính phủ đổ, và phải tổ chức tuyển cử.
Thủ lãnh đảng Lao động Anh, Sir Keir Starmer cũng đã kêu gọi phải tổ chức tổng tuyển cử ngay sau khi bà Truss – vị thủ tướng thứ 4 tính từ sau Brexit năm 2016, từ chức.
Ở Anh, tổng tuyển cử phải được tổ chức ít nhất 5 năm một lần.
May mắn cho Đảng Bảo thủ, hiện đang nắm quyền nhưng đang đứng sau phe đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận, cuộc bỏ phiếu tiếp theo không cần phải được tổ chức cho đến tháng 1 năm 2025.
Đó là bởi vì ở Anh (ở Canada cũng vậy), thủ tướng không được người dân bầu trực tiếp. Trên thực tế, bốn trong số năm thủ tướng gần đây nhất của Anh quốc đã đảm nhận vai trò này mà không cần tổ chức tổng tuyển cử, chỉ vì Đảng Bảo thủ vẫn là đảng lớn nhất trong Quốc hội.
Tuy nhiên, ông Sunak không phải là được bảo đảm sẽ ngồi ở số 10 Downing cho đến hết năm 2024.
Vấn đề quan trọng nhất của nước Anh hiện nay là giữ được sự ổn định cho nền kinh tế Vương quốc Anh, đã chao đảo từ năm 2016 sau Brexit.
Sự suy thoái của thị trường cũng dẫn đến cuộc suy thoái hiện tại ở Anh. Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2022, mức lạm phát ở Anh song song với ở Mỹ, nhưng đến tháng 6 năm 2022, tỷ lệ lạm phát của Anh đã vượt qua tỷ lệ lạm phát của Mỹ.
Gần đây hơn, một cuộc khủng hoảng năng lượng tàn khốc và đồng bảng Anh xuống dốc đã góp phần dẫn đến việc từ chức của nhiều bộ trưởng trong nội các và của bà Truss.
Ben Emons, giám đốc Medley Global Advisors, lạc quan rằng “những gì chúng ta đã trải qua với Elizabeth Truss hiện đã không còn nữa, và bước tiếp theo ở đây là cố gắng kiểm soát nền kinh tế hiện đang trong hoàn cảnh khó khăn tệ hại…”
“Ít nhất thì việc Rishi Sunak là thủ tướng đang là một tín hiệu về sự ổn định cho thị trường bởi vì ông sẽ tuân theo chính sách thắt lưng buộc bụng mới, và ông ấy sẽ tuân theo một ngân sách cân bằng hơn và kỷ luật tài khóa thực sự hơn”.
Sunak được xếp hạng là người bảo thủ nổi tiếng thứ hai ở Vương quốc Anh sau Boris Johnson.
Một người tham dự một cuộc khảo sát của báo The Guardian đã gọi Sunak là “người giỏi nhất trong đám người tệ hại”.
Giáo sư Tim Bale, dạy môn chính trị học tại đại học Queen Mary, cũng lạc quan: “Ông ta (Sunak) là một người có nhiều kinh nghiệm toàn cầu bên ngoài chính trị và cũng từng giao dịch với các nhân vật toàn cầu với tư cách là bộ trưởng Tài chánh. Ông ta là một người thông đạt giỏi và biết mình đang nói về điều gì khi nói đến nền kinh tế. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mọi cơ hội đều sẵn có cho ông ta được cộng đồng quốc tế chào đón nếu ông ta không chỉ nếu ổn định được nền kinh tế mà còn cả chính trị của Vương quốc Anh.”
Thế nhưng tuy có tài và có chủ trương đúng về mặt kinh tế tài chánh, rất không may, Sunak đã thừa kế một đảng Bảo thủ đã tự cắn xé chính mình từ vài năm nay. Đảng Bảo thủ Anh quốc năm 2002 là một chính đảng bè phái và chia rẽ khiến cả Boris Johnson lẫn Lisa Truss đều không thể quản nổi.
Và đó có thể là khó khăn, lớn hơn cả kinh tế, sẽ lại hạ gục thêm một thủ tướng nữa của nước Anh.
Đỗ Quân (tổng hợp)