Palestine – Israel lại đánh nhau

. Lửa cháy lúc mặt trời mọc ở Khan Yunish sau cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu ở phía nam Dải Gaza, sáng sớm ngày 12 tháng 5 năm 2021. Photo: Youssef Massoud / AFP via Getty Images

Bầu trời Tel Aviv trong nhiều đêm qua rực sáng những tia lửa như một đợt thi bắn pháo bông quốc tế, hoặc một pha trong các phim Star Wars. Những tia sáng vút lên cao từ một phía để gặp nhiều tia lửa khác ở phía đối diện và nổ tung trong tiếng còi báo động rền rã ở Tel Aviv, thủ đô thực tế của Israel.

Cuộc đấu rocket giữa Hamas và Israel đã kéo dài hơn một tuần. Theo Israel, tính đến Chủ Nhật 16 tháng 5, hơn 3000 trái rocket đã được bắn từ Dải Gaza vào lãnh thổ Israel, 

Phía Israel cho hay hệ thống ngăn chặn Iron Dome của họ đã chặn được hơn 90% số rocket của Hamas bắn sang, phá hủy chúng ngay ở trên trời.

Nhưng những trái rocket đã không chỉ được gửi đến Tel Aviv ban đêm. Trưa ngày thứ Bảy, một trái rocket đã rơi xuống một con đường ở Ramt Gan, ngoại ô Tel Aviv.

. Lửa cháy lúc mặt trời mọc ở Khan Yunish sau cuộc không kích của Israel vào các mục tiêu ở phía nam Dải Gaza, sáng sớm ngày 12 tháng 5 năm 2021. Photo: Youssef Massoud / AFP via Getty Images

Trong khi đó, phía Israel đã liên tục tung ra những cuộc không kích trả đũa, đúng hơn là trừng phạt. Không quân Israel công bố những mục tiêu mà họ tấn công là các cứ điểm quân sự của lực lượng Hamas. Tuy nhiên, tin tức bảo rằng có cả các trại tỵ nạn ở Gaza, và gần nhất, sáng ngày 15 tháng 5, một cao ốc có văn phòng của hai hãng thông tấn quốc tế Associated Press và Al Jazeera. Phía Israel giải thích trong một tweet rằng building này là nơi chứa chấp các “tài sản quân sự” của Hamas và trại tỵ nạn bị oanh kích là nơi Hamas dùng người ở đó làm “tấm chắn”. 

Đất này… của ai? 

Cuộc xung đột bùng lên từ rất nhỏ, nhỏ xíu: Chuyện “nhà đất” và “dân oan”, một vụ “cưỡng chế di dời” liên quan đến “nhà đất”, kiểu như, nhưng nhỏ hơn nhiều những vụ đã và đang xảy ra ở Việt Nam, như ở Thủ Thiêm, Dương Nội…

Đầu tháng 5, một số cư dân sinh sống tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem – con số không chính xác, chừng 5, 6, hoặc 7 gia đình, được cho là sắp sửa có quyết định của tòa án Israel, buộc phải ra đi để lấy nhà cho người Do thái vào ở. 

Con tàu Exodus

Shiekh Jarrah, nằm ở phía bắc Cổ thành Jerusalem, đã bị sáp nhập một cách không chính thức vào Israel nhưng theo luật pháp quốc tế vẫn là một phần của lãnh thổ Palestine mà Israel quản lý sau khi chiếm đóng. Những người sắp bị trục xuất đã sống ở đây từ năm 1956, và đã tranh đấu chống lại việc trục xuất từ nhiều năm nay.

Luật pháp của Israel cho phép người Do Thái đòi lại tài sản bị mất trong cuộc chiến năm 1948 nhưng người Palestine không được hưởng quyền đó. 

Người Palestine xuống đường phản đối, cảnh sát được gọi đến và đụng độ đẫm máu xảy ra.

Các cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang thành các cuộc đối đầu bạo lực giữa những người biểu tình Do Thái và Palestine. 

Bạo lực diễn ra trùng với Đêm Qadr, lễ của người Hồi giáo kỷ niệm đêm mà những dòng đầu tiên của kinh Koran được mặc khải cho Tiên tri Muhammad và Ngày Jerusalem, người Do thái mừng ngày chiếm được Đông Jerusalem. Hơn 300 người bị thương, hầu hết là người Palestine.

Người xuống đường đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại khu thánh đường al-Aqsa ở Jerusalem, ngày 7 tháng 5, 2021. Photo: AHMAD GHARABLIAFP via Getty Images

Thực ra thì căng thẳng đã có ở Đông Jerusalem từ khi Israel đặt rào cản không cho người Hồi giáo vào Cổ thành, nơi có nhà thờ al-Aqsa đúng vào tháng Ramadan. Chuyện đuổi nhà ở Shiekh Jarrah chỉ là giọt nước cuối cùng. 

Thế là vào ngày 10 tháng 5, hai nhóm chiến binh Palestine, Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Palestine Jihad, bắt đầu phóng rocket vào Israel từ Dải Gaza. Đáp trả lại, Israel đã tiến hành các cuộc không kích Gaza.

“This land is mine, God gave this land to me”

Mảnh đất này là của ta, Chúa đã ban cho ta mảnh đất này.

Không bao nhiêu người còn nhớ cuốn phim dài hơn 2 giờ đồng hồ Exodus năm 1960 với tài tử Paul Newman và Eva Marie Saint trong các vai chính dựa trên quyển tiểu thuyết lừng danh cùng tên của nhà văn Leon Uris. Cả cuốn phim, lẫn quyển sách, đều là tiểu thuyết, nghĩa là tuy có dựa trên sự kiện, nhưng không có thực.  Vậy nhưng hầu như mọi người đều biết, và nhớ bản nhạc Exodus, chủ đề của cuốn phim, bản nhạc được trổi lên khi chiếc tàu Exodus 1947 chở người Do thái tỵ nạn từ Âu châu về “đất tổ” vào cảng Haifa. Thậm chí, nhiều hệ thống thông tấn tôn giáo đã dùng bản nhạc hào hùng, bi thiết này làm nhạc hiệu.

Xung đột trong khu Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem

Lời nhạc, do ca sĩ Pat Boone đặt trên nền nhạc của nhạc sĩ Ernest Gold, mở đầu bằng câu “This land is mine, God gave this land to me” (Mảnh đất này là của ta, Chúa đã ban cho ta mảnh đất này.)

Nếu không muốn lạc đường trong lịch sử để đi ngược trở lại thời Cựu ước, có thể nói rằng “mảnh đất này” đó là lý do để người Israel và người Palestine không thể ngừng đánh giết lẫn nhau suốt hơn 70 năm nay. Cả hai đều bảo đó lả quê cha đất tổ của họ. 

Những gì đang diễn ra giữa Israel – Palestine là sự tiếp diễn của cuộc xung đột đẫm máu khởi diễn từ năm 1947, khi Liên hiệp quốc tuyên bố chia mảnh đất gầy guộc, đầy sỏi đá và cát bụi, nằm ở ven bờ phía Đông của Địa trung hải thành hai phần. 

Palestine: Vài dòng lịch sử

Vùng đất nhỏ mang tên Palestine đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cổ đại và hiện đại của Trung Đông. Lịch sử của Palestine đầy những dấu mốc của xung đột chính trị thường xuyên và những cuộc giành giựt đẫm máu vì tầm quan trọng của nó đối với một số tôn giáo lớn trên thế giới, và bởi vì Palestine nằm ở ngã tư có giá trị về mặt địa lý giữa châu Phi và châu Á.

Bản đồ Israel và Palestine

Ngày nay, trên lý thuyết, Palestine bao gồm Bờ Tây (lãnh thổ nằm giữa Israel ngày nay và Jordan) và Dải Gaza (giáp Israel và Ai Cập ngày nay). Tuy nhiên, việc kiểm soát khu vực này là một tình huống phức tạp và đang phát triển. Không có sự đồng thuận quốc tế nào liên quan đến biên giới, và nhiều khu vực mà người Palestine tuyên bố chủ quyền đã bị người Israel chiếm đóng trong nhiều năm.

Palestine được hơn 135 quốc gia thành viên Liên hiệp quốc công nhận là một quốc gia độc lập. Nhưng Israel, Hoa Kỳ và một số nước khác không công nhận Nhà nước Palestine, mà chỉ chấp nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện của người dân Palestine và Chính quyền Quốc gia Palestine là cơ quan quản lý hợp pháp các vùng lãnh thổ của Palestine theo Hiệp định Oslo. 

Các học giả tin rằng cái tên “Palestine” ban đầu xuất phát từ chữ “Philistia”, dùng để chỉ những người Philistine đã chiếm cứ một phần của khu vực này vào thế kỷ 12 trước Công nguyên.

Miền đất bé tí này đã qua tay nhiều nhóm, từ người Assyria, người Babylon, người Ba Tư, người Hy Lạp, người La Mã, người Ả Rập, người Fatimids, người Thổ Seljuk, lực lượng Thập tự chinh, người Ai Cập và người Mameluke (một loại chiến binh Hồi giáo).

Trong khoảng 400 năm, từ đầu thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20, phần lớn khu vực này, với đa số dân là người Palestine và một thiểu số Do thái, nằm dưới sự cai trị của Đế chế Ottoman. 

Khi cuộc Thế Chiến I kết thúc (1918), Ottoman thua,  Hội Quốc liên (League of Nations, tiền thân của Liên hiệp quốc sau này) giao cho Anh quốc quyền cai trị khu vực. Anh cũng được giao luôn trách nhiệm thành lập một quốc gia cho dân Do Thái ở Palestine – có hiệu lực vào năm 1923, thế là căng thẳng giữa hai dân tộc gia tăng.

Với người Do Thái, đây là quê hương của tổ tiên họ. Từ thập niên 1920, con số người Do Thái đổ về vùng đất này ngày càng tăng, với nhiều người chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở châu Âu và tìm kiếm quê hương sau cuộc diệt chủng Holocaust trong Thế chiến II.

Người Ả Rập Palestine cũng tuyên bố tương tự, đất này là của họ. Họ có mặt ở đây ít ra cũng lâu bằng người Do thái.

Nhưng rồi mãi 20 năm sau người Anh vẫn không được thực hiện nổi, hay không muốn thực hiện, điều khoản đó. Đến sau Thế chiến II, Liên Hiệp Quốc đưa ra kế hoạch mới năm 1947: chia đôi Palestine thành hai quốc gia độc lập, một Do Thái và một Ả Rập. Thành phố Jerusalem, nơi cả người Do Thái và người Ả Rập Palestine đều tuyên bố là thủ đô, được coi là một lãnh thổ quốc tế có tư cách đặc biệt.

Hamas

Hamas (tên tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo trong tiếng Á rập) chủ trương tận diệt Israel, là nhóm đối lập với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat, được thành lập vào năm 1987.

Năm 1993, khi Arafat làm hòa với Israel, kết thúc đợt intifada đầu tiên, Hamas đã bác bỏ tiến trình hòa bình theo hiệp ước Oslo và tiếp tục các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Israel.

Năm 2006, Hamas giành đa số tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử ở Gaza, đánh bại phong trào Fatah bị coi là nhu nhược do Mahmoud Abbass, người kế vị Arafar lãnh đạo.  

Dải Gaza là một trong những vùng lãnh thổ có mật độ dân số cao nhất trên thế giới. Biên giới đất liền với Israel và Ai Cập, cùng với biên giới trên biển, bị kiểm soát chặt chẽ đã khiến nền kinh tế nước này bị cô lập phần lớn. Phần lớn dân số ở Gaza sống trong cảnh nghèo đói khủng khiếp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ nhân đạo từ nước ngoài.

Từ Dải Gaza, Hamas tiếp tục cuộc chiến chống lại Israel, tuyên bố rằng họ hành động để “tự vệ”. Tổ chức này đã tham gia vào các cuộc giao tranh ác liệt chống lại các lực lượng vũ trang của Israel vào các năm 2008/09, 2012 và 2014. Hamas bị Israel, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và Vương quốc Anh, cùng một số cường quốc khác đua vào danh sách các nhóm khủng bố.

Chiến thuật của Hamas là thường xuyên bắn rocket vào Israel từ trong các khu dân cư và điều hành các sở chỉ huy trong các khu chung cư, dùng thường dân làm lá chắn. Hamas đã bí mật đào các đường hầm dưới lòng đất để tuồn vũ khí, chính yếu từ Ai cập, vào khu vực này. Tuy nhiên, chính phủ Ai Cập đã kiểm soát được hoạt động này.

Đồng minh và hậu thuẫn tài chính quan trọng nhất của Hamas là Qatar. Cho đến nay, tiểu vương quốc này đã chuyển 1,8 tỷ Mỹ kim cho Hamas. Hamas cũng được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. 

Nguồn rocket của Hamas trước đây chủ yếu đến từ Iran. Rocket từ Iran được đưa lậu vào Gaza qua ngả Sudan và sau đó là Ai Cập. Tuy nhiên, sau khi nhà độc tài Omar al-Bashir của Sudan bị lật đổ vào năm 2019, việc này đã trở nên khó khăn hơn. Người ta tin rằng với sự giúp đỡ từ bên ngoài, Hamas hiện đã tự sản xuất được hầu hết các rocket của họ.

Tuần này, tờ The Jerusalem Post dẫn các nguồn tin tình báo Israel ước tính kho vũ khí của Hamas cùng với Nhóm Chiến binh Thánh chiến Hồi giáo Palestine, hợp tác với Hamas, có trên 10 ngàn trái rocket.

Các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận kế hoạch đó, nhưng nhiều nhóm Ả Rập Palestine – những người đã tích cực chống lại các lợi ích của Anh và Do Thái trong khu vực từ những năm 1920 – đã phản đối kịch liệt.

Các nhóm Ả Rập này lý luận rằng họ đại diện cho phần lớn dân số ở một số vùng nhất định và phải được chia nhiều lãnh thổ hơn, và bắt đầu thành lập những đội quân tình nguyện trên khắp Palestine.

Tháng 5 năm 1948, chưa đầy một năm sau khi Kế hoạch Phân vùng cho Palestine được đưa ra, Anh chào thua và rút khỏi Palestine. Israel nhanh chóng tuyên bố họ là một quốc gia độc lập, sẵn sàng thực hiện Kế hoạch Phân vùng.

Nhiều người Palestine phản đối. Gần như ngay lập tức, phe Ả rập, gồm các nước láng giềng Jordan, Iraq, Syria, Ai Cập và Liban. tiến quân vào để ngăn cản việc thành lập nhà nước Israel. Cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel nổ ra.

Bức tường Than khóc

Hàng trăm ngàn người Palestine phải chạy trốn hoặc buộc phải rời bỏ nhà cửa trong biến cố được gọi là Al Nakba – Thảm họa.

Một mình Israel chống năm nước Ả Rập, và …thắng. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 7 năm 1949, Israel đã kiểm soát hơn hai phần ba diện tích được ủy thác cho Anh trước đây, trong khi Jordan nắm quyền kiểm soát West Bank, Ai Cập và Dải Gaza.

Từ ngày đó đến nay, vùng đất này đã trở thành một lò lửa, lúc cháy bùng, lúc âm ỉ.

Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra đời với mục đích thành lập một nhà nước Ả Rập Palestine trên vùng đất trước đây thuộc quyền quản lý của Anh mà PLO coi là bị Israel chiếm đóng bất hợp pháp. Năm 1969, nhà lãnh đạo Palestine nổi tiếng Yasser Arafat trở thành Chủ tịch của PLO.

Ban đầu PLO nhất định phải tiêu diệt Israel, nhưng ở Hiệp định Oslo năm 1993, PLO đã chấp nhận sự tồn tại của Quốc gia Israel để đổi lấy việc Israel chính thức công nhận PLO.

Tiếp theo đó là một thời kỳ đầy biến động của căng thẳng ngoại giao và các cuộc giao tranh giữa Israel và các nước láng giềng. Vào tháng 4 năm 1967, các cuộc đụng độ trở nên tồi tệ hơn sau khi Israel và Syria giao tranh dữ dội bằng không quân và pháo binh. Sau trận này, dựa trên tin tình báo do Liên Xô cung cấp Ai Cập rằng Israel đang chuyển quân đến biên giới phía bắc giáp với Syria để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện, Tổng thống Ai Cập Nasser đưa quân vào Bán đảo Sinai, trục xuất luôn lực lượng của LHQ có mặt ở biên giới với Israel để giữ hòa bình.

Nhưng thay vì tấn công bằng bộ binh, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, tên chính thức của quân đội Israel) chỉ đánh phủ đầu Ai Cập ngày 5 tháng 6 năm 1967 bằng không quân. 

Cuộc chiến tranh giữa Israel và Ai cập (có Jordan và Syria tham gia) diễn ra đúng 6 ngày, kết thúc với phần thắng về phía Israel. Họ nắm quyền kiểm soát Đông Jerusalem, Dải Gaza, West Bank, Bán đảo Sinai (một vùng sa mạc giữa Địa Trung Hải và Hồng Hải) và Cao nguyên Golan (một cao nguyên toàn đá nằm giữa Syria và Israel ngày nay).

Hầu hết những người tỵ nạn Palestine và con cháu của họ sống ở Gaza và Bờ Tây, cũng như các nước láng giềng Jordan, Syria và Lebanon. Họ và con cháu của họ đều không được Israel cho phép trở về nhà cửa cũ – Israel nói rằng điều này sẽ làm đất nước trở nên quá đông và đe dọa sự tồn tại của nhà nước Do Thái.

Năm 1987, nổ ra đợt nổi dậy – Intifada, của người Palestine chống lại việc Israel tiếp tục chiếm đóng Gaza và West Bank. Cuộc nổi dậy tạm kết thúc với Hiệp định Hòa bình Oslo được khởi xướng vào đầu thập niên 1990.

Hiệp ước Oslo thứ nhất (Oslo I), được ký kết vào năm 1993 với sự chứng kiến ​​của Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat, đã tạo ra một thời gian biểu cho một tiến trình hòa bình Trung Đông và một kế hoạch cho một chính phủ lâm thời của người Palestine ở các vùng của Gaza và Bờ Tây. 

Arafat trở lại Gaza vào năm 1994 sau 27 năm lưu vong, lãnh đạo Chính quyền Palestine (Palestine Authority) mới thành lập.

Năm 1995, Hiệp định Oslo II đặt nền móng cho việc rút hoàn toàn quân đội Israel khỏi các khu vực của Bờ Tây và các khu vực khác. Nó cũng thiết lập một lịch trình cho các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine.

Không may, Hiệp định Oslo đã thất bại trong mục tiêu cuối cùng là buộc Israel và Palestine đồng ý về một kế hoạch hòa bình chính thức.

Người Palestine vẫn tiếp tục tranh đấu cho một nhà nước chính thức được tất cả các quốc gia chính thức công nhận.

Cho đến nay, Israel vẫn chiếm đóng West Bank, và mặc dù đã rút khỏi Gaza nhưng LHQ vẫn coi mảnh đất đó là một phần lãnh thổ bị chiếm đóng.

Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai. Mỹ là một trong số ít các quốc gia công nhận yêu sách của Israel.

Trong 50 năm qua, Israel đã xây dựng các khu định cư ở những khu vực này và hiện có hơn 600.000 người Do Thái sinh sống tại đó.

Vào tháng 5 năm 2017, các nhà lãnh đạo của Hamas đã đề nghị thành lập một nhà nước Palestine sử dụng đường biên giới được xác định năm 1967, với Jerusalem là thủ đô, nhưng từ chối công nhận Israel là một quốc gia. Dĩ nhiên kế hoạch đó bị Israel bác bỏ lập tức.

Gần đây hơn, tháng 5 năm 2018, căng thẳng giữa Palestine và Israel lại nóng thêm khi Donald Trump quyết định chuyển tòa Đại sứ Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Cho rằng đây là tín hiệu cho thấy Mỹ xác nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, người Palestine đã phản ứng bằng các cuộc biểu tình tại biên giới Gaza-Israel. Chạm trán với lực lượng Israel, hàng chục người biểu tình đã thiệt mạng.

Để rồi đến tuần trước… Thánh địa Jerusalem

Jerusalem; tiếng Do Thái: יְרוּשָׁלַיִם Yerushaláyim; tiếng Ả Rập: القُدس al-Quds hoặc Bayt al-Maqdis, còn được viết là Baitul Muqaddas là một thành phố ở Tây Á, trên một cao nguyên trong dãy núi Judaean giữa Địa Trung Hải và Tử Hải. Đây là một trong những thành phố lâu đời nhất trên thế giới và được coi là thánh địa đối với ba tôn giáo lớn khởi nguồn từ tổ phụ Abraham: Do Thái giáo, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Cả Israel và Chính quyền Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của họ, tuy nhiên cả hai tuyên bố đều không được quốc tế công nhận.

Trong suốt lịch sử lâu dài thành phố, Jerusalem đã bị phá hủy ít nhất hai lần, bị bao vây 23 lần, bị chiếm và tái chiếm 44 lần, và bị tấn công 52 lần. Phần của Jerusalem được gọi là Thành phố David cho thấy những dấu hiệu định cư đầu tiên – các đồn điền của những người chăn cừu du mục, vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Vào thời kỳ Canaan (thế kỷ 14 trước Công nguyên), Jerusalem được đặt tên là Urusalim trên các bia ký cổ của Ai Cập, có lẽ có nghĩa là “Thành phố đá phiến” theo tên một vị thần của người Canaan. Trong thời kỳ Israelite (thời kỳ đồ sắt), hoạt động xây dựng quan trọng ở Jerusalem bắt đầu vào thế kỷ thứ 9 trước Công nguyên (Thời đại đồ sắt II), và vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên, thành phố đã phát triển thành trung tâm hành chính và tôn giáo của Vương quốc Judah. ​ Năm 1538, các bức tường thành được xây dựng lại lần cuối xung quanh Jerusalem dưới thời Suleiman đệ Nhất (Suleiman the Magnificent). Ngày nay những bức tường đó xác định Cổ thành (Old City), trước nay được chia thành bốn phần tư — được biết đến từ đầu thế kỷ 19 với tên gọi Khu phố Armenia, Cơ đốc giáo, Do Thái và Hồi giáo. Cổ thành trở thành Di sản Thế giới vào năm 1981, và nằm trong Danh sách Di sản Thế giới đang bị đe dọa. 

Dân số Jerusalem vào năm 2016 là 882.700 người, trong đó người Do Thái chiếm 536.600 (61%), người Hồi giáo 319.800 (36%), Ki-tô giáo 15.800 (2%), và 10.300 người không phân loại (1%). 

Theo Cựu ước, Vua David đã chinh phục Jerusalem từ tay người Jebusite và chọn nơi này làm kinh đô của Vương quốc Israel thống nhất. Con trai của David, vua Solomon, xây dựng đền thờ đầu tiên tại đây. Thế nên người Do Thái giáo xem đây là vùng đất thánh. Cổ thành Jerusalem còn có Bức tường phía Tây, một trong những địa điểm thiêng liêng nhất của Do Thái giáo.

Với Ki-tô giáo, Jerusalem là nơi Chúa Giêsu đã tiến vào trên lưng lừa để rồi chịu cuộc khổ nạn, bị đóng đinh và sống lại. Thành cổ này còn có Nhà thờ Mộ Thánh, một địa điểm hành hương của tín đồ Ki-tô giáo toàn thế giới. Bên ngoài thành phố Jerusalem còn có Vườn Mộ.

Với Hồi giáo, Jerusalem là thành phố linh thiêng thứ ba, sau Mecca và Medina. Theo truyền thống Hồi giáo, vào năm 610 CN, nó trở thành qibla (hướng quay đầu về để cầu nguyện) đầu tiên, và theo Kinh Qur’an, tiên tri Muhammad đã đến đây trong Chuyến du hành trong đêm, lên thiên đường nói chuyện với Chúa… Kết quả là, mặc dù chỉ có diện tích 0,9 km2 (3⁄8 dặm vuông), Cổ Thành là nơi có nhiều địa điểm có tầm quan trọng về tôn giáo, trong số đó có Núi Đền với Bức tường phía Tây (còn gọi là bức tường Than khóc, nơi mỗi chiều thứ Bảy tín đồ Dothái giáo đến để đọc Cựu ước và dập đầu than khóc), Vòm Đá và Đền  Hồi giáo al-Aqsa, và Nhà thờ Mộ Thánh. 

***

Ở cuộc xung đột đẫm máu gần đây nhất giữa Hamas và Israel năm 2014, diễn ra sau khi Israel bắt giữ nhiều thành viên Hamas ở West Bank trong cuộc truy tìm các thủ phạm giết chết ba trẻ gái vị thành niên Do thái, Hamas đã bắn rocket sang phía Israel. 

Ngày hôm sau, quân đội Israel đã mở Chiến dịch Protective Edge, tấn công nhằm phá hủy các rocket của Hamas và đường hầm xuyên biên giới được chiến binh Hamas sử dụng.

Cuộc xung đột kéo dài 50 ngày, có ít nhất 2.251 người Palestine, trong đó có 1.462 thường dân, thiệt mạng. Tổn thất về phía Israel là 67 binh sĩ và 6 thường dân.

Lần này, cường độ xung đột và con số thương vong cũng tăng dần và chưa bên nào có dấu hiệu nhân nhượng.

Số lượng rocket bắn từ Gaza vào lãnh thổ Israel chỉ trong một tuần lễ đã cao hơn phân nửa con số được Hamas sử dụng trong cuộc chiến 51 ngày năm 2014.

Đương nhiên là thế giới chỉ còn cách kêu gọi hai bên tự kiềm chế và tìm cách giải quyết qua thương thuyết. 

Tại New York, Tổng thư ký LHQ nói với Hội đồng Bảo an rằng các hành động thù địch ở Israel và Gaza là “hoàn toàn kinh khủng” và kêu gọi chấm dứt ngay giao tranh.

Ông Antonio Guterres cho biết Liên Hiệp Quốc đang “tích cực mời gọi tất cả các bên hướng tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” và kêu gọi họ “để cho các nỗ lực hòa giải tăng cường và thành công.”

Hôm Chủ Nhật, Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi chấm dứt xung đột. Ngài nói trong bài phát biểu hàng tuần trước những tín đồ tập trung tại Quảng trường Saint Peter: “Tôi kêu gọi sự bình tĩnh và những người có trách nhiệm chấm dứt tiếng ồn ào của vũ khí và đi theo con đường hòa bình.

“Nhiều người vô tội đã chết, trong số đó có cả trẻ em. Điều này thật khủng khiếp. Không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là dấu hiệu cho thấy (con người) không muốn xây dựng tương lai, mà hủy hoại nó … Tôi tự hỏi không biết hận thù và trả thù sẽ dẫn đến đâu?”

Hoa Kỳ nói với Hội đồng Bảo an rằng họ đã nói rõ với Israel, Palestine và những bên khác rằng Mỹ sẵn sàng hỗ trợ “nếu các bên tìm kiếm một cuộc ngừng bắn.”

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi điện thoại cho cả Chủ tịch Chính quyền Palestine Mamoud Abbas và Thủ tướng Israel Bebjamin Netanyahu. Ông Biden nói với báo chí sau đó: “Mong đợi và hy vọng của tôi là chuyện này sẽ sớm kết thúc.”     

Một cậu bé người Palestine kéo xe chở người em và đồ đạc khi chạy trốn khỏi nhà trong cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh của Israel.
Photo: Mohammed Salem / Reuters

Chỉ là hy vọng, mặc dầu chỉ có Hoa kỳ là quốc gia duy nhất có chút khả năng tạo áp lực với Israel. Nhưng ông Biden không có bao nhiêu uy tín với cả hai bên, vì chính quyền trước của Trump đã tỏ thái độ thiên lệch, ủng hộ chính sách bành trướng của Israel.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Israel Netanyahu nói trên truyền hình rằng “Bên phải chịu tội cho cuộc đối đầu này không phải là chúng tôi, mà là những kẻ đang tấn công chúng tôi. Chúng tôi vẫn đang trong chiến dịch này, chiến dịch vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục nếu cần thiết.” 

Trước đó, tại Quốc hội Israel, Thủ tướng Netanyahu nhắn với thế giới rằng Hamas rằng Israel đã quá mệt khi bị đòi hỏi phải tự kiềm chế. Lần này, Hamas đã đi quá xa và để bảo vệ người dân của chúng tôi, chúng tôi sẽ hành động bằng bất cứ giá nào.  

Trong khi đó, thủ lãnh Hamas Ismail Haniya kêu gọi “tất cả người Palestine đoàn kết lại” và kêu gọi Chính quyền Palestine “ngừng hợp tác an ninh” với Israel. Hanyia cũng tuyên bố nếu Israel tăng cường các cuộc tấn công thì “cuộc kháng cự đã sẵn sàng; và nếu họ muốn dừng lại, cuộc kháng cự đã sẵn sàng” 

Sự việc sẽ diễn tiến, theo Jeremy Bowen biên tập viên Trung Đông của thông tấn BBC, theo mô thức quen thuộc: Hai bên sẽ còn chưa ngừng trước khi cả hai bên đều chứng tỏ được cho người dân của phía họ rằng họ đã thắng.

“Hamas muốn nói rằng họ là người bảo vệ thực sự cho các quyền của người Palestine, không chỉ ở Gaza mà còn ở Bờ Tây bị chiếm đóng bao gồm cả Jerusalem.

“Israel sẽ muốn cho người dân của họ thấy rằng họ đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng của Hamas. Một cụm từ được sử dụng nhiều là “khôi phục tính răn đe”. Điều đó có nghĩa là cho kẻ thù của họ thấy rằng đánh Israel sẽ chỉ mang lại đau đớn và đau khổ.”

Để rồi chuyện vẫn chỉ tạm lắng, cho đến khi lại có cớ để bùng lên. Hòa bình thực sự và vĩnh viễn giữa Israel và Palestine vẫn sẽ còn là một cái gì xa vời lắm. 

Đỗ Quân (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email