Một nhóm nhà khoa học của Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung quốc (CAS) gần đây phát giác một mỏ lithium lớn tại vùng Qiongjiagang của đỉnh Qomolangma (tên tiếng Tây Tạng của đỉnh Everest).
Theo tờ South China Morning Post, mỏ quặng này ước tính có trữ lượng đến 1,01 triệu tấn ô xít lithium, loại khoáng sản còn gọi là “vàng trắng” được sử dụng để chế tạo pin cho các thiết bị điện tử và xe điện. Các nhà khoa học ước tính đây là mỏ quặng lithium lớn thứ ba tại Trung Quốc sau mỏ tại núi Bạch Long ở Khu tự trị Tân Cương và mỏ Jiajika ở tỉnh Tứ Xuyên.
Ông Tần Khắc Chương, trưởng nhóm nghiên cứu, dẫn những số liệu về độ sâu và chất lượng của quặng và đánh giá rằng mỏ quặng ở Qiongjiagang trong tình trạng tốt để có thể khai thác.
Ông Tần nói rằng khu quặng này có vị trí thuận lợi, cách xa khu bảo tồn thiên nhiên đỉnh Everest. Trước đó, các nhà nghiên cứu đã phát giác các mỏ lithium ở vùng cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng nhưng nằm ở khu vực gây nguy cơ cho hệ sinh thái nếu thực hiện khai thác.
Tuy nhiên, để khai thác được nguồn khoáng sản này vẫn cần thêm nhiều thời gian và đây mới chỉ là chuyến khảo sát ban đầu. Theo Bloomberg, trên thực tế, nhiều vùng chứa lượng khoáng sản lớn từng được tìm thấy trên thế giới nhưng không thể khai thác.
Hiện nay, khoảng 85% nguồn lithium được xuất đi từ khu vực Mỹ La-tinh và Úc.