Hoàng Yên Lưu
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè
Phong tục cũ của chúng ta thực đẹp. Dịp Tết là dịp đoàn tụ, cho dù có vì một lý do ngoài ý muốn, phải rời xa gia đình, làng xóm nhưng cuối năm nếu không có phong ba bão táp gây trở ngại thì cánh chim lưu lạc nơi viễn xứ sẽ theo tập tục, tìm đường về tổ ấm.
Nếu ai không về được hay không muốn về vì đường xa diệu vợi, hoặc vì quê hương đã “trải qua một cuộc bể dâu” xui khiến “những điều trông thấy mà đau đớn lòng,” thì cũng có lá thư như Nguyễn Bính khi trước lưu lạc ở Sài gòn gửi thư về cho chị Trúc còn ở Hà đông nhân dịp cuối năm cũ:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Với lá thư này là tất cả
Những lời tâm sự một đêm đông
“Tâm sự một đêm đông.” Còn gì đúng hơn! Tháng giêng nơi góc biển chân trời nhiều khi tuyết phủ trắng xóa, lạnh thấu tâm can. Màu bạc càng nhiều, khí lạnh càng sâu, mấy ai không “đoái trông muôn dặm tử phần” và nhớ tháng giêng thuở ấy, cái thuở ngày xưa xa vời ở nơi quê cũ như Hồ Dzếnh đã từng viết:
Ngày xưa còn nhỏ, ngày xưa
Tôi đeo khánh bạc lên chùa dâng nhang
Lòng vui quần áo xênh xang
Tay cầm hương , nến, đỉnh vàng mới mua
Hay như Lan Sơn đã tâm sự:
Thuở bé tôi đeo chiếc khánh vàng
Quần đào xẻ đũng, áo hàng lam
Chân đi hài đỏ, tay thu pháo
Nhộn cả nhà lên tiếng hát vang
Muôn màu tươi sáng phấn, hoa, hương
Đời ngọt ngào như có vị đường
Tôi sống, tôi say và mỗi Tết
Lòng thơ thêm động chút yêu đương!
Thực vậy, “đời ngọt ngào như có vị đường” ngay từ những ngày cuối năm. Cuối tháng chạp, năm cũ hao mòn ai nấy đều nao nức đón tháng giêng tròn trặn sắp tới như nhà thơ Đoàn văn Cừ đã hồi ức:
Gạo nếp ngày xuân gói bánh chưng
Cá đêm cuối chạp nướng than hồng
Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn
Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông!
Khi khắp nơi đã chuẩn bị đầy đủ:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Mọi người sum họp quanh ngọn lửa hồng chờ đón xuân sang và rồi như Vũ Hoàng Chương tỉnh cơn say ngẫu hứng nghe pháo giao thừa nổ:
Bên trời vẳng báo xuân sang
Giữa khi Hợp Phố mơ màng về châu
Gác nằm hiu quạnh bấy lâu
Nửa đêm chợt nổi cái sầu Cô Tô
Tiếng pháo giao thừa nổ rộn rã khiến sầu muộn dâng lên trong lòng thi sĩ, vì nhớ, vì thương ngày vàng và kỷ niệm đầy mơ, tràn mộng lúc tuổi xanh.
Còn gì đẹp hơn và làm lòng người xúc động hơn hình ảnh sáng mồng một Tết dưới ngòi bút của Trần Trung Phương, một nhà thơ trước 1945:
Tiếng pháo nổ, rồi từng tràng pháo nổ,
Trên bàn thờ mâm cỗ đã bày xong.
Mẹ tôi đang châm dở nén hương vòng,
Và xếp lại trái hồng mâm ngũ quả.
Anh tôi cắt khoanh giò đang bóc lá,
Chị tôi bưng đĩa cá để lên mâm.
Ông tôi ngồi im lặng nghĩ trầm ngâm,
Người sẽ đọc thì thầm câu đối Tết.
Một ông khách trông tươi cười hớn hở
Bước vào nhà mừng rỡ mở phong bao,
Làm cả nhà tấp nập chạy xôn xao,
Chúc năm mới ồn ào không ngớt tiếng
Thạch Lam (1910-1942) một nhà văn tiền chiến, có chân trong Tự lực văn đoàn, nổi danh về truyện ngắn (Sợi tóc, Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn…), bình luận văn chương (Theo giòng) và ca tụng thuần phong mỹ tục của dân ta (Hà nội băm sáu phố phường), đã viết một bài về phong tục tết cổ truyền trên tờ Phong hóa (1932-1936) cách đây gần một thế kỷ.
Bài này được đăng lại trên số xuân Văn hóa ngày nay năm 1958 với nhan đề Tục lệ đáng yêu của ngày Tết. Bài viết có khung cảnh tiền chiến nhưng phong tục đẹp như tiệc giao thừa, hái lộc, bánh chưng, còn mãi trong sinh hoạt và tâm tư người Việt và mỗi khi Tết đến nhiều người lại gợi giấc mơ xưa khi đọc lại ngòi bút tài hoa, rất “đáng yêu”, đậm tình người và nặng tình dân tộc của Thạch Lam.
HÁI LỘC
Hai chữ “ăn tết” của ta nghĩa đã rõ rệt lắm: mấy ngày tết là ngày của cái miệng, những ngày đầy các món ăn ngon, các thứ mứt thơm, rượu ngọt và bánh chưng mới. Những ngày tết còn nhiều thi vị khác nữa; cái thú sum họp của gia đình, những đêm thức khuya nói chuyện, những tục lệ xinh xắn và rất có duyên. Có tục lệ xinh đẹp và ý nghĩa nhất mà năm nào chúng ta cũng nên diễn lại: đi hái lộc. Bởi vì một cành lá tươi hay một búp mầm non, ấy là tất cả mùa xuân mới vui vẻ và may mắn mà chúng ta đem về. Trong cái với tay ấy, có cả một hy vọng vui đẹp, cả cái liên lạc mật thiết của người với cây cỏ xung quanh. Những năm gặp giờ khởi hành tốt về đêm, người ta đi hái lộc lúc khuya để về còn xông nhà. Trong đêm tối đầy hương thơm ngát, các đình chùa là nơi hội họp, lòng hòa tín ngưỡng với tình yêu, khói hương hòa lẫn với khói pháo. Thật là vui vẻ, ấm cúng và hiền từ.
Ngày lễ Noel, người ta đi nhà thờ dự lễ, rồi trở về ăn tiệc. Sao chúng ta không đi hái lộc đêm ba mươi thật đông và thật vui, rồi trở về đem cành xuân điểm thêm vào bữa ăn thân mật của gia đình? Đó là một tục lệ xinh đẹp và ngây thơ làm tươi thắm linh hồn và khiến cho chúng ta trẻ lại.
***
TIỆC GIAO THỪA:
Thuở nhỏ khi tôi lắng nghe tiếng pháo giao thừa từ nhà này trả lời nhà khác trong đêm tối, tôi vẫn nghĩ mùa xuân bây giờ mới được chính thức công nhận, mới được mọi người ân cần mời vào nhà. Rồi quanh mâm cỗ đầu năm mới, tôi thấy cảnh gia đình đầm ấm và thân mật quá. Nhưng cái vui đón xuân chỉ vui riêng từng gia đình một. Sao chúng ta không mời các bạn thân – nhất là các bạn xa nhà – đến cùng dự cái vui đó? Tôi muốn thấy mở rộng phạm vi buổi giao thừa ra ngoài ngưỡng cửa, bỏ những điều kiêng kỵ phiền phức đầu năm, để bữa tiệc đêm hôm ấy có thể hội họp được đông đủ người quen xung quanh một bàn đầy hoa đẹp. Hẹn nhau đi hái lộc, rồi cùng nhau trở về uống rượu mừng năm mới; nhà nọ mời nhà kia đến dự tiệc, người trong gia đình với bạn hữu, có phải cái vui được đầy đủ và rộng rãi hơn không?
***
BÁNH CHƯNG:
Gói bánh chưng là cái tục lệ cũ kỹ nhất của ngày tết, và cũng là cái tục lệ nhiều ý vị nhất của chúng ta. Ồ, chiếc bánh chưng vuông vắn và đầy đặn, màu xanh như mạ non, gạo nhiễn ra như bông tuyết và giữ trong lỏng bao nhiêu quý báu của miếng ngon: lượt đậu mịn và vàng đậm, những miếng mỡ trong như hổ phách, những miếng nạc mềm lấm tấm hạt tiêu. Và thoang thoảng một chút mùi cà cuống, gắt như cô gái chua, sắc như mùi kim lạnh. Biết bao nhiêu kỳ thú và bao nhiêu khi vị lạ lùng.Bánh chưng, cái cốt yếu của ngay tết chính là lương đống của giao thừa. Cho nên nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều phải có: nếu không có thì bữa tiệc xuân thành ra nhạt nhẽo mất vui.
** *
Bánh chưng đối với tết ta cũng như ngỗng quay đối với Noel. Không ai muốn thiếu món ăn chính đó. Đối với nghèo, ở bên Anh (là nơi mà nhiều tục lệ còn được giữ một cách trân trọng) người ta lập ra những “hội ngỗng” – “Goose Club”. Đó là một hội có từ lâu đời, và chỉ có mục đích là dành sẵn cho những kẽ ít tiền mà không biết lo xa, một con ngỗng rất non ăn ngày lễ. Góp một số tiền rất nhỏ, trong mười ba tuần lễ thế là người trong hội chắc chắn đã có ngỗng để phần mình. Và nếu góp phụ thêm một chút nữa, thì lại được hai chai rượu tốt mang đi. Nhưng có những người nghèo hơn nữa, hay không biết lo xa mà vào hội. – Những người đó chiều hôm ấy chen nhau đứng chực ở các cửa hiệu lớn bán thức ăn: ở đây người ta treo từng dãy hàng ngàn con ngỗng đã quay rán sẵn sàng. Bọn người kia đợi cho chủ hàng tiếp khách sang xong. Người ta bán rất đắt cho kẻ nhiều tiền, nhưng xong rồi, bao nhiêu ngỗng đều hạ giá rất thấp cho người nghèo. Đó là một cử chỉ từ thiện trong ngày lễ.
***
Bên ta cũng có những hội gọi là “hội bánh chưng”. Người chơi hội mỗi ngày đóng một xu, hay một tháng ba hào, để cuối năm lãnh một tá bánh chưng với ba bốn cân giò.Như thế cũng tạm đủ để cái tết được tươm tất. Nhưng còn bao nhiêu người nghèo kiếm gạo ăn cũng chưa đủ? Còn bao nhiêu kẻ khốn khó lang thang trên lề của thành phố, mà những tiếng kêu xin thảm đạm nổi lên các buổi chiều? Họ ăn tết ở dâu? Về ở đâu? Hỡi bạn đọc yêu quý, trong ngày tết này, bạn có nhà cửa, bạn có một gia đình, đoàn tụ hưởng thức ăn ngon và nóng, bạn nên nghĩ đến những người nghèo khổ quanh mình. Bạn nên thương người và rộng lượng: bạn cho đi, làm phúc đi, không tính toán không ngần ngại. Cái tết của bạn chẳng vui vẻ hơn ư vì bạn đã giúp đỡ mấy cảnh nghèo?
Hoàng Yên Lưu