Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: Y hai án tử hình

Ông Lê Đình Chức và ông Lê Đình Công

Tòa phúc thẩm tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 3 năm 2021 tuyên y án đối với sáu người có kháng cáo các bản án sơ thẩm trong vụ lực lượng chức năng tấn công vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020. Trong số này có hai người bị y án tử hình là ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức.

Đây là những bị cáo trong số 29 người bị công an bắt giữ và truy tố sau khi lực lượng công an huy động hàng ngàn quân tấn công vào xã Đồng Tâm hôm 9/1/2020 liên quan đến một vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. 

Trước đó, Viện Kiểm Sát đề nghị giữ nguyên các mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên. Lý do giữ nguyên các mức án mà Viện Kiểm Sát nêu ra là hành vi của sáu bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm đến tính mạng của người khác.

Trong khi đó vào ngày 8 tháng 3, bản thân ông Lê Đình Công, trong ngày đầu của phiên phúc thẩm, đã kêu oan vì ông không có những hành vi mà phía Viện Kiểm sát nêu ra. Khi trả lời thẩm vấn của Hội Đồng Xét Xử liên quan việc ném hai chai ‘bom xăng’ về phía lực lượng Công an tấn công vào Thôn Hoành vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, ông Lê Đình Công khẳng định không hề bàn bạc, không đại diện cho ai, cũng không giao nhiệm vụ cho ai. Trong các ngày từ 6 đến 8 tháng 1 năm 2020 không hề có cuộc họp nào “để chống đối lực lượng công an” diễn ra. Ông Công phủ nhận thực hiện hành vi liên quan khiến ba công an được cho rằng chết cháy trong cuộc tấn công vào làng Đồng Tâm.

Ông Lê Đình Công nói rằng việc ném hai chai ‘bom xăng’ chỉ nhằm mục đích đe dọa và là hành vi vi phạm chống người thi hành công vụ chứ không phải giết người .

Hồi tháng 9/2020, Tòa án Hà Nội tuyên phạt 29 người dân Đồng Tâm các mức án từ tù treo cho đến tử hình về tội “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ”.

Vụ án xảy ra rạng sáng hôm 9/1/2020, khi lực lượng công an gồm hàng nghìn người đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, với lý do “bảo đảm an ninh, trật tự” cho công trình thi công tường rào sân bay Miếu Môn, nơi có tranh chấp đất đai giữa chính quyền với người dân.

Vụ đột kích dẫn đến hậu quả là ông Lê Đình Kình, được xem là thủ lĩnh tinh thần của người dân, bị bắn chết; phía công an có 3 người thiệt mạng, với nghi vấn là họ bị người dân đâm bằng giáo tự chế rồi đốt bằng xăng.

Nhà chức trách cáo buộc người dân thôn Hoành có chủ tâm “tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng công an”.

Ngược lại, những người dân bị đưa ra xét xử nói họ chỉ “bảo vệ đất đai” và “phòng vệ” trong tình huống chính bản thân và người nhà gặp nguy hiểm khi xảy ra vụ đột kích.

Phần lớn trong số 29 người Đồng Tâm bị xét xử sơ thẩm hồi mùa thu năm ngoái là con, cháu của cụ Lê Đình Kình.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email