Quà Cáp Mến Thương

Trong cuộc sống hằng ngày, có vô số dịp cần quà cáp thăm hỏi để biểu lộ tình thương mến thương. Thăm người bệnh, em bé mới sinh hoặc đi ăn cưới, ăn giỗ… Rồi sinh nhật, thôi nôi, tân gia, thi đậu, lên chức… chẳng thiếu dịp nào cần gửi quà. Còn thêm ngày Phụ nữ, ngày Tình yêu, ngày Nhà giáo…

Trước khi tặng quà cần rõ người được tặng là ai, liên hệ thân sơ như thế nào, cấp trên, cấp dưới hay họ hàng bạn bè ngang hàng. Mục đích việc tặng quà thuần túy tình cảm hay để lấy lòng, cám ơn, xã giao… Khi đó mới quyết định giá trị món quà nhẹ nhàng, sâu sắc hay siêu khổng lồ…

Đã thế, món quà phải làm sao cho vừa túi tiền, phù hợp với hoàn cảnh và ý thích người được tặng. Đi thăm người ốm nhẹ thì mua hộp bánh, nằm bệnh viện thì trái cây cam quýt nho táo, bệnh nặng thì hộp sữa Ensure, còn sắp… chết thì… khỏi tặng gì nữa, sửa soạn phúng điếu là vừa!

Tặng quà xem ra khó chứ không dễ. Hỏi chung quanh hoặc nhìn xem người ta tặng cái gì mình bắt chước theo. Nghiên cứu ý kiến nhiều người để chọn ra quyết định tốt nhất. Tặng quà cho sếp thật khó vì phải dọ đoán ý sao cho đúng. Nghe nói sếp nói thích một bình hoa thì phải biết đó là bình hoa bằng gốm hay gỗ, sứ Trung quốc hay pha lê Tiệp Khắc, to nhỏ màu mè ra sao. Hay người này đã tặng chiếc lộc bình khảm trai thì người kia nên nghĩ đến chiếc đế chạm trổ!

Mỗi trường hợp thăm hỏi có các loại quà cáp phù hợp khác nhau. Thăm sản phụ theo tập quán ngày xưa có ký thịt nạc, chục trứng gà ta, giò lụa… Bây giờ không ai tặng thế nữa mà thay bằng nước yến và sữa bà đẻ, bộ đồ khăn quấn, tã áo nhãn hiệu “Con Cưng” cho bé sơ sinh…

Ăn giỗ thì trái cây là hàng đầu “trước cúng sau ăn”. Rất thiết thực ở vùng quê là cặp gà vịt, gạo nếp, bột ngọt, đường cát… là những thứ cần thiết cho việc nấu giỗ. Mừng tân gia là đồng hồ, bộ chén đĩa; bộ đồ đầm hoặc đồ vest cho thôi nôi em bé; đồ chơi cho sinh nhật con nít và xấp vải… cho người lớn.

Ăn cưới là nồi cơm điện, lò viba, nồi chiên không dầu…. Xưa kia đám cưới hiếm ai mừng tiền có vẻ trả tiền bữa ăn quá mà luôn là một bộ tách. Sau đám cưới, cô dâu chú rể có năm, bảy bộ tách không biết để làm gì. Bây giờ ấm tách không thông dụng. Khi có khách đến chơi, chủ nhà thường khui lon nước ngọt rót ra ly hay gọn hơn là chai nước suối. Người ta uống đủ thứ nước nhưng hầu như chẳng còn nhà nào pha bình trà để rót nước trà ra tách chế thêm nước sôi nữa. Nếu dùng trà, thường là trà túi lọc và chẳng ai quan tâm nước trà được đựng trong ly hay tách.

Theo thời gian, quà tặng thay đổi tùy thuộc vào nền kinh tế chung. Cuộc sống tân tiến lên, hàng hóa sản xuất nhiều loại phong phú đáp ứng cho mọi trường hợp, mọi lứa tuổi… Các cửa hàng lưu niệm rất đa dạng từ đồ trang trí, đồ trang sức, các thứ vật dụng… với đủ giá tiền cho khách hàng dễ chọn lựa.

Đám cưới hồi thời kỳ khó khăn chỉ là quyển album nhỏ, tấm gương treo tường…, sau đó là nguyên bộ drap, chăn gối… Đám cưới hiện nay rất thực tế chẳng ai “đi” quà cả, ai nấy nhất tề đưa phong bì, không đợi qua tới ngày hôm sau, cô dâu chú rể xổ thùng mừng, đếm tiền tại chỗ trả hóa đơn nhà hàng ngay sau tiệc tàn.

Ngày trước thăm người bệnh thường là hộp sữa đặc có đường nhãn hiệu Ông Tho, con chim Nestlé, chai nước suối, bịch trái cây hoặc theo “tây” thì thêm bó hoa, quyển sách… Sau 75 vào thời kỳ khó khăn, lương thực thực phẩm phân phối theo tiêu chuẩn nên thăm bệnh chỉ một ký đường trắng, nải chuối… là đủ. Hiện nay, các công ty sữa quốc nội, quốc ngoại ào ạt tuôn vào thị trường. Sữa đặc có đường bị chê là cổ lỗ sĩ và giá rẻ nên không đủ giá trị thành món quà, thường chỉ dùng làm yaourt hay pha chế sinh tố, cà phê. Nhất là từ khi có cuộc khảo sát cho thấy VN có khoảng 5,3 triệu người bị tiền đái tháo dường và 2/3 số nàysẽ chuyển thành đái tháo đường với nguy cơ tử vong cao thì hầu như chẳng ai mua loại sữa này để đi thăm bệnh. Mức sống đô thị ngày càng nâng cao, các loại sữa bột sản xuất trong nước giá rẻ dần dần đều bị… coi thường. Khi đi thăm ông già, bà cả, phải tặng các loại sữa có “thương hiệu”: hộp sữa này “chống loãng xương”, hộp kia nhiều vitami hay sữa non tăng sức đề kháng… mới hợp thời

Rồi dần dà không biết hãng sữa Ensure trong mục chi phí quảng cáo, hoa hồng cho ngành y dược có tăng cao không mà đi đâu cũng thấy nói đến. Nhất thiết hộp sữa này mới… đúng kiểu. Sau đó tới Herbalife của Mỹ. Đủ loại đáp ứng cho biếu tặng nhau từ giảm cân, phục hồi cơ, tim mạch, xương khớp…

Cho nên con ông sếp đau tim nằm bệnh viện, sữa En chất cả góc phòng vừa hộp, vừa lốc, tắm bằng sữa cũng không hết.

Hai bà nói chuyện với nhau:

– Này, chồng của bà Tư bị đột quỵ nặng lắm. Mua quà gì đi thăm bây giờ.

– Nhất quyết không mua trái cây nhé. Nho Pháp, lê Úc, táo Thái, cam Mỹ… gì gì đều mấy tháng đường trường mới tới nằm trên kệ hàng VN, không kể hàng Trung quốc giả dạng không đó. Ăn vào dễ bị ung thư.

– Thôi, tụi mình cứ chung nhau mua hộp Ensure Gold để ông không uống thì bà uống. Hai ông bà không uống thì cũng dễ mang đi tặng tiếp hay bán lại!

Một bà đã về hưu, mang hộp sữa đặc Cô Gái Hà Lan với gói bánh bích-quy đi thăm người bạn bị lên tăng-xông. Người bạn cau mặt, cự liền thẳng thừng. Tôi không có uống mấy thứ sữa này đâu, toàn đường không, đâu có bổ béo gì đâu mà cũng không ăn bánh dễ mắc tiểu đường. Bà bạn già sượng quá chẳng biết nói sao, đành vớt vát thôi thì chị lấy hộp sữa này về làm yaourt cho con nít ăn.

Thường thì quà tặng ưa trùng nhau. Cho nên sau ngày thôi nôi, chất cả ngăn quần áo, mặc chưa hết đã lớn rồi, trẻ con mau lớn lắm. Sau khi ăn mừng tân gia, chủ nhà có một kho đồng hồ treo tường, đèn ngủ, bộ ly tách… Sinh nhật xong đổ đống bộ đồ chơi, gấu bông, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc… chắc là mở tiệm tạp hóa mini được. Bà Đài đi vay tiền xây được căn nhà. Bữa tân gia, bà méo mặt vì nhận tới bốn bức tranh “mã đáo thành công”, hai nồi cơm điện, ba bộ chén dĩa… Tranh bức to bức nhỏ, bức vẽ mực tàu, bức dát vàng… Vài phân vàng dát mỏng cả bức tranh sáng chóe nên tiệc thọ, lên chức… nhiều người rất thích tặng các bức khánh dát vàng nhìn rất hoành tráng lộng lẫy mà giá cả chẳng bao nhiêu. Người tặng còn lưu ý chủ nhà bức tranh tới gần chục triệu, trao luôn hóa đơn làm chứng để lỡ tranh có cong vênh còn mang tới tiệm bảo hành. Bà Đài thừ người ngắm mấy bức tranh, phải chi quy ra tiền được để bà trả bớt tiền mượn xây nhà. Vả bà không thích vì tranh ngựa quá quen thuộc, đi tới nhà nào cũng y hệt nhau một đàn ngựa tung vó đó.

Các dịp như vậy, chủ nhà rầu rĩ nhìn mớ quà cáp không biết để làm gì. Tranh treo hết không được, bán càng không ai mua, ly tách đâu có thiếu hay xấp vải, chiếc áo màu già quá lại rộng chật, kiểu cọ không hợp… Cô Linh là giáo viên nên ngày lễ tết thường được học sinh tặng quà. Phần lớn quà không dùng đến, cô chỉ cạy nhè nhẹ băng keo dán, mở he hé xem bên trong thứ gì rồi niêm phong kỹ lại y như cũ. Vải vóc, hoa giả, bánh kẹo… Quà chứa góc tủ không dùng hết và cũng không nên dùng kẻo… phí. Thôi thì cứ lưu kho chờ thế nào cũng có dịp dùng đến. Bất đắc dĩ lắm mới phải ra ngoài mua quà, còn thì đợi đúng người, đúng lúc mang ra tặng đỡ tốn tiền, tiết kiệm được một khoản ngân sách gia đình. Coi như đằng nào cũng là hàng hóa lưu thông vậy.

Do người tặng vắt óc nghĩ quà đã khó khăn, mà người nhận tìm cách tống đi cũng mệt không kém. Vì thế người ta đổi sang tặng nhau phiếu mua hàng ở siêu thị hoặc voucher các cửa hàng quần áo, giầy dép, quán ăn, thẻ cào điện thoại… Có thể bù thêm ít tiền nếu thiếu, người được tặng phiếu được tha hồ chọn lựa đúng món hàng mình ưa thích, tránh được việc ôm cả đống quà thừa không đúng ý, bỏ thì thương vương thì tội.

Nhưng loại phiếu này cũng đâm ra… lạm phát. Một ông do ở chức vụ trưởng phòng nhận báo cáo quyết toán của các doanh nghiệp, nên tới cuối năm được các doanh nghiệp tặng cả xấp phiếu mua hàng siêu thị. Đi siêu thị hoài cũng chán, khi nhà đã đầy nhóc dầu ăn, dầu tắm, dầu xả, dầu thơm… mà chồng phiếu vẫn căng phồng ví, ông nghĩ ra kế đem bán lại cho đồng nghiệp cấp dưới. Nể quá nên dù không cần, đám nhân viên quèn đành lấy nhưng họ rỉ tai nhau. Phiếu cũng như hàng hóa khi đã bán lại thì phải trừ hao, ví dụ phiếu trị giá năm trăm ngàn thì bán bốn trăm rưởi thôi, chứ phiếu năm trăm ép đủ năm trăm, chẳng bớt xu nào coi sao được. Nhưng thôi, bảo nhau ai nấy im lặng mỗi người lấy mấy phiếu để sau này làm báo cáo đỡ phiền phức.

Thành thử cuối cùng một số người nhận thấy đúc kết kinh nghiệm là nên đưa thẳng tiền mặt là tiện nhất. Cứ phong bì hoặc số tài khoản. Giàu nghèo, già trẻ, lớn bé… cứ hiện kim là giản dị, gọn gàng. Khỏi cần phải lỉnh kỉnh thùng bia, hộp kẹo chocolate, hamper… cho lôi thôi và mất công quá thể.

Một chị được mời đến họp mặt tất niên ở nhà bạn đồng nghiệp cũ. Chị ngẫm nghĩ chẳng biết mua quà gì. Xách chai rượu VN xem chừng không sang, rượu ngoại ưa mua lầm bên trong là nước lã hay rượu giả, chỉ có chai dán nhãn ngoại quốc thôi, bởi vậy mấy anh ve chai ưa rao thu mua vỏ chai rượu ngoại với giá cao là vậy. Vừa rồi người ta lại phát giác nhiều hộp bánh mang bán về miền quê bên trong toàn độn giấy carton vụn. Vì không biết trước thực đơn nên tới khi tàn bữa, chị mới nhẩm tính hai cái gỏi cuốn tôm thịt khoảng ba chục ngàn, tô bún bò, một lon nước ngọt, trái mãng cầu… Thôi nên rộng rãi một chút, chị dúi vào tay chủ nhà ba trăm ngàn. Người đưa nhẹ lòng, giải quyết “vấn đề” nợ bữa ăn nhặm lẹ, chủ nhà cũng hài lòng, đỡ ôm mớ bánh trái thừa mứa lại đỡ tiền chợ… Cả hai bên đều hài lòng vui vẻ.

Tình thương mến thương thể hiện bằng tiền thay thế tặng quà xem chừng quá thực dụng, mất đi vẻ đẹp của những món quà. Nhưng thay vì sự ngượng ngùng lúc đầu, mọi người dần dần quen đi, không còn thấy kỳ nữa. Rốt cuộc thì cũng chỉ là một thói quen như mọi thói quen mà thôi.

Xem thêm

Nhận báo giá qua email