Lòng heo (lợn), giò heo là một trong những món ăn khoái khẩu của người Việt.
“Bacon” – thịt heo ba chỉ, “jambon” không thể thiếu trên menu của người Mỹ châu và Âu châu.
Nhưng ngoài giá trị của thực phẩm, con heo – loài vật được loài người nhìn đến một cách đầy mâu thuẫn – bẩn/sạch, khôn/ngu, này đã cứu mạng cho hàng ngàn người.
Đúng vậy, trên thế giới có không biết bao nhiêu người cần phải thay van tim, và đã được thay van tim bằng van tim của heo.
Nhưng cái van tim chỉ là một mẩu thịt nhỏ. Mới đây nhất, hôm 7 tháng 1 năm 2022, David Bennett Sr., một cư dân 57 tuổi của tiểu bang Maryland, đã được thay quả tim bịnh hoạn của ông bằng một quả tim heo.
Bennett Sr. đã nằm trong danh sách chờ được thay tim ở Mỹ từ khá lâu. Cái danh sách dài dặc này ngày càng dài thêm vì nhiều lý do. Nhưng lý do lớn nhất là thiếu tim người để thay cho họ. Thế nên số người chờ cũng rơi rụng dần, vì họ chờ hết nổi, đành ra đi. Mỗi năm, trên thế giới có vài triệu người chết vì thiếu nguồn cấy ghép. Không có đủ bộ phận cơ thể người, thu thập từ những người hiến tặng không thể sống nổi sau những thảm kịch như tai nạn, để cấy ghép, thay vào cho họ.
Chỉ riêng ở Hoa Kỳ đã có hơn 106.000 người nằm trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia, và mỗi ngày có 17 người ra đi vì chờ hết nổi.
Cho đến ngày hôm nay, khi người kể chuyện viết những dòng chữ này, ông Bennett Sr. vẫn sống.
Vậy, sau này tôi có kêu ủn ỉn không?
Nhân vật vừa trở thành người đầu tiên trên thế giới mang trong người một quả tim heo, ông Bennett Sr. thực ra có đến hai món của heo trong người. Cách đây hơn 10 năm, ông đã được ghép một cái van tim, van tim heo.
Thế cho nên khi được hỏi về việc có muốn được ghép tim hay không, ông ta đã trả lời “Bác sĩ ơi, trong người tôi đã có sẵn một bộ phận heo rồi.”
Trong các cuộc phỏng vấn ngay sau ca phẫu thuật lịch sử kéo dài chín tiếng đồng hồ, các bác sĩ của Bennett cho biết họ đề nghị phẫu thuật thử nghiệm này sau khi bệnh viện của họ và những bệnh viện khác cho rằng Bennett không đủ điều kiện để cấy ghép tim người bình thường.
Bác sĩ Bartley Griffith, người thực hiện ca phẫu thuật, nói với các phóng viên rằng tình trạng của bệnh nhân – suy tim và nhịp tim không đều – khiến Bennett không đủ điều kiện.
Con trai của ông, David Bennett Jr., một nhà trị liệu vật lý ở Bắc Carolina, cũng cho hay một số bệnh viện đã từ chối đưa ông già của anh vào waiting list vì trước đây ông đã không tuân theo các chỉ định của bác sĩ, không dự các cuộc tái khám, cũng chẳng uống thuốc đều đặn.
Bennett Sr. bắt đầu có các triệu chứng suy tim vào tháng 10 – phù chân, mệt mỏi, khó thở. Vào ngày 10 tháng 11, ông được đưa đến Đại học Maryland.
Bác sĩ Griffith nói với báo New York Times rằng ông đã đưa giải pháp tim heo cho Bennett vào giữa tháng 12 năm 2020.
Ông bác sĩ kể thêm rằng lúc đó “Tôi không chắc ông ấy có hiểu tôi hay không. Nhưng sau đó, ông ta nói, ‘Vậy, (về sau) tôi có kêu ủn ỉn không?’»
Vào đêm giao thừa, các giới chức liên bang đã cấp phép khẩn cấp cho quy trình thử nghiệm.
Một ngày trước cuộc phẫu thuật, sau khi đã nằm liệt giường hàng tuần trong bệnh viện, Bennett Sr. nói trong một tuyên bố: “Hoặc là chết hoặc làm ca cấy ghép này. Tôi muốn sống. Tôi biết đó là chuyện cầu may, nhưng đó là lựa chọn cuối cùng của tôi.”
Hy vọng là ông sẽ sống lâu, sống khỏe.
Hồi năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health/NIH) Hoa Kỳ đã giữ cho một trái tim heo đập trong lồng ngực một con khỉ baboon trong ba năm.
Có nhiều dấu hiệu lạc quan. Ba ngày sau cuộc giải phẫu, Bennett đã tự thở được tuy các bác sĩ vẫn cẩn thận cho ông dùng máy tim phổi và chỉ gỡ máy ra ngày hôm sau đó.
Bệnh viện từ chối cho biết chi phí cuộc giải phẫu là bao nhiêu, nhưng có kế hoạch trang trải chi phí vì đây là thử nghiệm.
Bác sĩ Bartley P. Griffith, người đã làm phẫu thuật ghép quả tim cho ông Bennett, nói đây là “một cuộc phẫu thuật đột phá”, nó “đưa chúng ta đến một bước gần hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng thiếu nội tạng. Đơn giản là không có đủ trái tim người hiến tặng để đáp ứng danh sách dài những người chờ nhận. “
Trong một đoạn video do bệnh viện ghi lại, hôm thứ Tư 12/1, Bác sĩ Griffith hào hứng. “Trái tim mới đó vẫn là một rock star.”
Cũng chỉ vài ngày sau ca phẫu thuật, Bennett đã có thể nói được. “Rõ ràng là một giọng nói yếu ớt nhưng thế là đã tốt hơn những gì tôi nghĩ mà mọi người có thể kỳ vọng,” con trai ông nói.
Vụ thay tim heo cho ông Bennett Sr. mà Bác sĩ Griffith và nhóm chuyên viên y tế ở bệnh viện Maryland vừa làm thành công hôm 7 tháng 1 năm 2021 không phải là ca ghép tim heo cho người đầu tiên trên thế giới.
Cách đây gần một phần tư thế kỷ, một y sĩ giải phẫu người Ấn độ đã làm được việc đó.
Bác sĩ Dhani Ram Baruah, năm nay 72 tuổi, đã thực hiện một cuộc phẫu thuật cấy ghép tại clinic của ông ở Sonapur, ngoại ô Guwahati cho một người đàn ông 32 tuổi.
Tiếc rằng người được thay tim đó chỉ sống sót được có 7 ngày. Ông qua đời vì nhiều chứng nhiễm trùng.
Vụ ghép tim đã dẫn đến một cuộc tranh cãi lớn và chính quyền lúc bấy giờ ở Assam đã ra lệnh điều tra và ra lệnh bắt giữ ông cùng Jonathan Ho Kei-Shing, một y sĩ phẫu thuật người Hồng Kông đã giúp Baruah trong ca phẫu thuật.
Bị kết tội tiến hành một thủ thuật phi đạo đức và tội sát nhân nghiêm trọng chiếu theo Transplantation of Human Organs Act, 1994 (Đạo luật Cấy ghép bộ phận cơ thể người), hai ông bác sĩ Baruah và Ho Kei-Shing cùng bị bỏ tù. May cho hai ông, án tù chỉ có 40 ngày.
Thất bại của bác sĩ Dhani Ram Baruah ngày đó, và các y sĩ giải phẫu trong các vụ cấy ghép xeno không phải vì họ dở mà vì họ không thể giải quyết được việc cơ thể con người từ chối một bộ phận không phải của chính nó.
Xenotransplantation, cấy ghép ngoại lai
Cấy ghép xenotransplantation (xenos- từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “ngoại lai” hoặc kỳ lạ), hay heterologous transplant (cấy ghép dị loại), là việc cấy ghép các tế bào, mô hoặc cơ quan sống từ loài này sang loài khác. Các tế bào, mô hoặc cơ quan như vậy được gọi là xenografts hoặc xenotransplants. Việc này tương phản với cấy ghép đồng loại (allotransplantation, từ một cá thể khác cùng loài), cấy ghép đồng hoặc cấy ghép đồng vị (syngeneic transplantation hay isotransplantation, cấy ghép giữa hai cá thể giống hệt nhau về mặt di truyền của cùng một loài) và cấy ghép tự thân (autotransplantation, từ bộ phận này sang bộ phận khác của cơ thể ở cùng một người).
Phương pháp cấy ghép ngoại lai xenotransplant, nghe có vẻ giống như trong các truyện hay phim khoa học giả/ viễn tưởng nhưng các y sĩ và nhà khoa học đã cố gắng phát triển nó từ hàng chục năm rồi.
Không kể tới…truyện Tàu, người ta đã nghe đến phương pháp này từ năm 1682, khi Job Janszoon van Meekeren, y sĩ giải phẫu người Hòa Lan, tường trình rằng ông đã dùng một mảnh xương của một con chó để vá sửa hộp sọ của một người lính Nga. Ngày đó, khi giáo quyền còn mạnh, các vị chức trách giáo hội Thiên chúa đã kinh hoàng và ra lệnh gỡ cái mảnh ghép quỷ quái đó ra, nhưng tiếc thay, mảnh xương vá đã liền lạc quá tốt và lành lặn nên không thể loại bỏ được.
Sau đó, các kỹ thuật khâu mạch máu tiên phong của nhà sinh vật học, giải phẫu gia Alexis Carrel (Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1912) đã mở đường cho các ca giải phẫu cấy ghép xenot đầu tiên vào năm 1902, nhưng phải đến những năm 1960 mới có bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào, khi các bác sĩ phẫu thuật đã thành công – ở mức độ hạn chế, khi nhiều cấy ghép nội tạng từ loài linh trưởng cho người.
Hầu hết đều thất bại trong vòng vài tháng, và bệnh nhân tử vong.
Vụ có thể được coi là nổi tiếng nhất là vụ ghép tim khỉ baboon cho một trẻ gái vào năm 1984.
Năm đó, bé gái Stephanie Fae Beauclair, về sau nổi tiếng với cái tên “Baby Fae”, ra đời với một khuyết tật tim bẩm sinh và được nhận định là có thể chết trong vòng một tuần. Thời đó, các ca cấy ghép sử dụng tim người cho trẻ sơ sinh gần như luôn không thành công. Nhưng bác sĩ phẫu thuật của “Baby Fae”, Leonard Lee Bailey, là một nhà người tiên phong trong việc cấy ghép động vật-động vật nên đã quyết định thử cấy ghép tim khỉ chó (baboon) cho cô bé. Ông hy vọng rằng quả tim khỉ sẽ giúp Baby Fae sống đủ lâu cho một ca phẫu thuật thứ hai để thay thế trái tim khỉ bằng tim người.
Cả thế giới nín thở theo dõi cô bé với trái tim dị loại. Chuyện buồn là cô chỉ sống được 21 ngày sau khi được giải phẫu, hưởng dương 32 ngày. Cơ thể cô từ chối trái tim “lạ”.
Vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20, các nhà khoa học đã thành công trong việc “ghép tạm” gan heo cho người, nhưng cũng chỉ nhằm mục đích giữ cho người bệnh sống đến khi có gan người để ghép.
Cho đến khi có những tiến bộ của kỹ thuật điều chỉnh gene di truyền.
Đánh bại hệ thống miễn dịch
Hệ thống miễn dịch của chúng ta là một tập hợp phức tạp tuyệt vời của các tế bào và cơ quan giúp bảo vệ chúng ta chống lại bất kỳ vật thể lạ nào xâm nhập và gây bệnh. Những kẻ xâm nhập, chẳng hạn như virus hoặc vi khuẩn có hại, bị tấn công bởi các tế bào được chuyên biệt hóa cao. Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng sinh lý để nhận biết rằng cơ thể và các cơ quan của nó là ‘của chúng ta’ và những vật thể xâm nhập thì không phải. Vì vậy, trong khi các tế bào bạch cầu và các thành phần khác của hệ thống miễn dịch của chúng ta tấn công các vật thể sinh học lạ bên trong chúng ta, chúng không tấn công chúng ta. Ưu điểm của điều này là rõ ràng: các sinh vật gây bệnh có thể bị tấn công và tiêu diệt mà cơ thể không tự chống lại để hại chính nó.
Khi cấy ghép cơ phận giữa người với người, cơ phận được cấy ghép thường bị người nhận từ chối vì một loại protein được gọi là kháng nguyên bạch cầu người (human leukocyte antigene/HLA), hầu như mọi loại tế bào của con người đều có các loại protein này trên bề mặt của nó. Và thông thường, chúng là những tác nhân bí mật của hệ thống miễn dịch đánh dấu mục tiêu để nó tấn công. Vì vậy, nếu bạn cấy ghép nội tạng từ người này sang người khác và hệ thống miễn dịch của người nhận ra HLA của người hiến là ngoại lai, nó sẽ tấn công mô được cấy ghép. Điều này có thể dẫn đến các cục máu vón đông nghiêm trọng, hỏng cơ quan mới và tất cả các loại triệu chứng đau đớn cộng lại với nhau dẫn đến đào thải cấy ghép. Vấn đề với những HLA này là chúng vô cùng đa dạng với hàng ngàn biến thể, điều này khiến rất khó tìm được người hiến tặng có hóa chất phù hợp với người nhận.
Để ngăn chặn điều này, bệnh nhân được cấy ghép từ người sang người thường phải được cho dùng liều lượng lớn thuốc ức chế miễn dịch để làm suy giảm hệ thống miễn dịch và ngăn nó tấn công cơ quan được cấy ghép. Không may, những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch bị ức chế như thế sẽ ít có khả năng chống lại vi trùng hơn, vì vậy họ dễ bị nhiễm trùng hơn. Với một hệ thống miễn dịch suy yếu, ngay cả những bệnh thông thường cũng có thể trở thành rất nghiêm trọng. Điều này nay đã ít xảy ra hơn với các loại thuốc ức chế miễn dịch mới nhất hiện có.
Khi nói đến việc cấy ghép các bộ phận không phải của con người như tim heo vào người, thêm một khó khăn lớn nữa xuất hiện. Trong vòng vài giờ sau khi cấy ghép, ngay cả khi thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng, cái gọi là “đào thải siêu cấp tính” (hyperacute rejection) thường xảy ra và làm cho ca cấy ghép thất bại. Trong một nỗ lực để khắc phục vấn đề này, các nhà nghiên cứu đang biến đổi gene của loài heo để mang một gene người duy nhất cho phép chúng tạo ra một loại protein người trên bề mặt các cơ quan nội tạng của heo. Người ta hy vọng rằng điều này sẽ lừa hệ thống miễn dịch, khiến hệ thống này nghĩ rằng cơ quan mới được đưa vào là của con người, do đó tránh được sự đào thải siêu cấp tính.
Tháng 5 năm 2014, khả năng đó đã đến gần hơn một chút với công trình tại Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ ở Bethesda, Maryland. Bác sĩ Muhammad Mohuiddin, người lãnh đạo công trình này thông báo rằng một quả tim heo đã sống được hơn một năm sau khi được cấy ghép vào một con khỉ đầu chó.
Tại sao lại là …heo?
Heo chia sẻ một số đặc điểm đáng ngạc nhiên với con người. Về đặc điểm giải phẫu và sinh lý, cả “hai chúng ta” đều có lớp da không có lông, lớp mỡ dưới da dày, đôi mắt sáng màu, mũi lồi và lông mi dày. “Chúng ta” cũng có những tương đồng về vị trí các cơ quan nội tạng (và thường là kích thước và chức năng) và một số tiến triển của bệnh tật.
Cơ thể một chú heo nặng khoảng 60 kg sẽ giống cơ thể người về nhiều mặt, bao gồm phân bổ chất béo, lớp lông bao phủ và khả năng thu hút côn trùng. Vì lý do này, heo đã được sử dụng trong nghiên cứu y tế trong hơn 30 năm và được gọi là “mô hình nghiên cứu chuyển giao” hoặc “mô hình nghiên cứu tịnh tiến” (translational research model). Điều này có nghĩa là nếu một thứ gì đó hoạt động ở lợn, thì nó rất có thể cũng hoạt động ở người.
Các mô và van tim bằng da heo có thể được sử dụng trong y tế vì tính tương thích của chúng với cơ thể người. Sinh viên y khoa thường dùng chân heo để thực tập khâu – suturing.
Heo còn có lợi thế hơn so với các loài linh trưởng trong việc lấy nội tạng, vì chúng dễ nuôi hơn và chỉ cần 6 tháng là đủ lớn đến kích thước con người trưởng thành. Van tim của heo thường được cấy ghép vào người, và một số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đã được cấy tế bào tuyến tụy của heo. Da heo cũng đã được sử dụng để ghép tạm thời cho các bệnh nhân bị phỏng.
Như đã kể ở phần trên, thoạt đầu, cho các thí nghiệm xeno là loài linh trường (primates) – khỉ, dã nhân, có lẽ vì sự giống nhau giữa loài cốt đột này với loài người khá rõ ràng.
Nhưng rồi các loài linh trưởng không còn được coi là các vật cho – sau donor đáng chú ý nữa, do các vấn đề như nguy cơ lây truyền bệnh tật và các cân nhắc về đạo đức của nghiên cứu linh trưởng. Hơn nữa, cơ thể có thể sẽ từ chối các cơ quan.
Heo đã được chứng minh là những donor tốt hơn, ít nhất là trong các thử nghiệm trên khỉ đầu chó. Tim heo tương tự về mặt giải phẫu học của con người, chúng ít gây ra rủi ro bệnh tật hơn và heo lớn nhanh hơn, khiến chúng trở thành một thứ thay thế tuyệt vời.
Màn ghép tim đầu tiên từ tim heo sang cho khỉ đầu chó thành công cũng đã diễn ra ở Maryland, tại US National Heart, Lung and Blood Institute (Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Hoa Kỳ) ở Bethesda vào tháng 5, năm 2014. Cầm đầu công trình này là Bác sĩ Muhammad Mohuiddin của Viện.
Bằng cách sửa đổi di truyền của heo, Bác sĩ Mohuiddin đã có thể khiến những trái tim được cấy ghép trở nên vô hình đối với hệ thống miễn dịch của khỉ baboon. Hai điều chỉnh di truyền đã làm giảm khả năng của các tế bào miễn dịch của khỉ trong việc xác định tim như một vật thể lạ. Một điều chỉnh thứ ba bổ sung một gene tạo ra chất chống đông máu của người để giúp chống lại các phản ứng của hệ thống miễn dịch có thể được gây ra bởi các cục máu đông hình thành xung quanh mô lạ. Cùng với nhau, những thay đổi này cho phép trái tim tồn tại lâu hơn nhiều so với những nỗ lực trước đó. Hai con khỉ được ghép những quả tim heo được điều chỉnh gene đã sống sót đến gần 200 ngày!
Quả tim heo đắt giáNhư đã trình bày, để một bộ phận nội tạng ngoại lai của người/vật cho được cơ thể người/vật nhận chấp nhận, phải loại bỏ/thay đổi những genee của cơ thể vật cho bộ phận đó để đánh lừa cơ thể người/vật nhận, khiến “nó” tưởng là của mình.
Quả tim heo mà ông Bennet Sr. vừa được ghép là một sản phẩm do công ty Revivicor sản xuất bằng kỹ thuật đó.
Con heo “cho tim” (donor), một tuổi, cân nặng 240 cân Anh, được nuôi trong trang trại của Revivicor gần Blacksburg, đã được biến đổi gene để tương thích hơn với cơ thể người.
Con heo mà quả tim nay đã nằm trong lồng ngực ông Bennett Sr. được lai tạo từ một dòng heo đã được chỉnh sửa gene 10 lần cả thảy. Bốn gene đã bị loại bỏ hoặc làm cho bất hoạt, bao gồm một gene mã hóa phân tử gây ra phản ứng từ chối tích cực của con người. Thêm một gene tăng trưởng nữa cũng bị làm cho bất hoạt để ngăn không cho quả tim heo tiếp tục phát triển sau khi nó được cấy ghép.
Thêm vào đó, sáu gene của người đã được đưa vào bộ gene của con heo donor – những sửa đổi được thiết kế để làm cho các cơ quan của heo có khả năng chịu đựng tốt hơn đối với hệ thống miễn dịch của con người.
Để ức chế hệ thống miễn dịch và ngăn chặn sự đào thải, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một loại thuốc mới cũng đang trong vòng thử nghiệm được phát triển một phần bởi Dr. Mohiuddin và do công ty Kiniksa Pharmaceuticals sản xuất.
Giấy phép cho phép tiến hành ca phẫu thuật đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp vào đúng đêm cuối năm 2021.
Quá trình phẫu thuật cũng chẳng phải là suôn sẻ.
Bác sĩ Griffith nói: “Chúng tôi đã có một vài khoảnh khắc ‘uh-oh’ (hú hồn) và phải thực hiện một số phẫu thuật chỉnh hình khéo léo để làm cho mọi thứ trở nên phù hợp. Khi nhóm nghiên cứu tháo chiếc kẹp chặn nguồn máu đến quả tim ghép, “quả tim đập ngay tức khắc” và “bắt đầu co bóp”.
Còn những gì nữa?
Với thành công của cuộc ghép tim heo ở Maryland, người ta tin rằng cuối cùng sẽ đến ngày chúng ta có thể tạo ra các cơ quan theo đơn đặt hàng, nhờ vào… những con tương cận với chúng ta.
Ca phẫu thuật đang được nhiều người ca ngợi là một bước đột phá y học có thể rút ngắn thời gian chờ đợi cấy ghép và thay đổi cuộc sống của nhiều bệnh nhân trên khắp thế giới.
Người ta cũng cho rằng với tiến bộ của công nghệ xenotransplant, việc mua bán cơ phận nội tạng người – một hoạt động vô đạo đức, sẽ giảm dần và chấm dứt. (Nhưng chuyện này coi bộ còn lâu lắm, vì cái giá của quả tim heo vừa được ghép cho ông Bennett và chi phí phẫu thuật tuy không được công bố nhưng chắc chắn ở mức phải là tỷ phú mới có thể kham nổi. Trong khi đó, giá “đồ thiệt”, như ở Iran, một quốc gia nơi việc mua bán thận được cho phép, chỉ chừng 4 ngàn đô Mỹ.)
Và một số người đang đặt câu hỏi về khía cạnh đạo đức.
Họ đã chỉ ra những điểm tiềm ẩn rắc rối về đạo đức liên quan đến an toàn của bệnh nhân, quyền của loài vật và các quan ngại về mặt tôn giáo.
Về mặt an toàn của bệnh nhân, đây là một cuộc phẫu thuật mang tính thử nghiệm và mang lại những rủi ro rất lớn cho bệnh nhân. Ngay cả những cơ quan hiến tặng phù hợp của con người cũng có thể bị từ chối sau khi được cấy ghép – và với các cơ quan nội tạng của động vật, nguy cơ này có thể cao hơn.
Cho đến nay, chưa có người nào được cấy ghép cơ quan nội tạng loài vật còn sống sót. Và ca ghép tim cho ông Bennett, tuy tạm gọi là thành công, vẫn chỉ ở những ngày đầu.
Giáo sư Julian Savulescu, Chủ tịch Uehiro về Đạo đức Thực hành tại Đại học Oxford nói với thông tấn BBC cho biết điều quan trọng là họ được cung cấp tất cả các chọn lựa mà họ có, bao gồm hỗ trợ tim cơ học hoặc cấy ghép nội tạng người.
Các bác sĩ từng làm việc với trường hợp của Bennett nói rằng ca phẫu thuật là hợp lý vì ông không có lựa chọn điều trị nào khác và sẽ chết nếu không có cuộc ghép tim này.
Rồi, như với các sự kiện có liên quan đến động vật khác, nhiều nhóm bảo vệ quyền động vật cũng lập tức lên tiếng phản đối việc trị liệu của ông Bennett.
PETA, tổ chức Đối xử Đạo đức với Động vật, đã lên án ca ghép tim này là “phi đạo đức, nguy hiểm và lãng phí tài nguyên to lớn”.
PETA lý luận: “Động vật không phải là nhà kho chứa công cụ để mà cướp lấy mà là những sinh vật phức tạp, thông minh.” Họ cũng cho rằng sửa đổi gene của động vật để khiến chúng giống con người hơn là việc rất sai trái.
Thêm nữa, việc nuôi heo để lấy cơ phận ghép cũng có thể được coi là ác độc với súc vật.
Các công ty tham gia vào nghiên cứu về cấy ghép xenotransplant cho rằng heo của họ được chăm sóc rất tử tế, hơn heo nuôi để thịt nhiều!
Đúng vậy, xét về điều kiện chúng sống, những con vật được sử dụng trong nghiên cứu được chăm sóc tốt hơn những con heo ở hầu hết các trại heo.
Nhưng đề dùng vào các phẫu thuật, chúng phải là những con vật “gnotobiotic”, không có mầm bệnh. Những động vật như vậy có thể được lấy bằng phương pháp ‘surgical derivation’, nghĩa là một thời gian ngắn trước khi sinh, phải mổ con heo mẹ để lấy ra toàn bộ tử cung của con heo mẹ với heo con vẫn còn bên trong. Những con heo con sau đó sẽ được nuôi dưỡng trong điều kiện cách ly và vô trùng. Có nghĩa là nuôi riêng, và phải sống cô lập trong khi chúng là loại sinh vật xã hội.
Rồi người ta đặt câu hỏi khá ngộ nghĩnh là, cứ cho là sắp tới, vì các ưu điểm của loài heo, chúng sẽ là lựa chọn đầu tiên để trở thành donor, nhưng có những tôn giáo mà con heo bị coi là con vật không sạch sẽ, vậy có phải là những người Hồi giáo và Do thái giáo sẽ ra rìa hay không?
Tiến sĩ Moshe Freedman, một thành viên của Nhóm Cố vấn Đạo đức và Đạo đức của Bộ Y tế Anh quốc (MEAG), cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng mặc dù luật Do Thái cấm người Do Thái nuôi heo hoặc ăn thịt heo, nhưng việc ghép tim heo “về mọi mặt không vi phạm luật ăn kiêng kosher.” Ông giải thích rằng mối quan tâm hàng đầu của luật pháp Do Thái là bảo vệ tính mạng con người, “bệnh nhân Do Thái sẽ có cơ hội sống sót cao nhất và phẩm chất cuộc sống tốt nhất trong tương lai nếu phương thức điều trị này cung cấp cho họ cơ hội sống sót tốt nhất và chất lượng tốt nhất”
Đạo Hồi cũng có một luận điểm tương tự, việc sử dụng vật liệu động vật sẽ được cho phép nếu nó cứu được mạng sống của con người. Cơ quan trung ương trách nhiệm ban hành các phán quyết tôn giáo của Ai Cập cho biết van tim heo sẽ được phép sử dụng nếu có các “lo sợ về việc mất mạng, bệnh nặng hơn hoặc tiếp tục đau bệnh”.
Đỗ Quân