Quán nhạc Lệ Liễu ngày xưa

Trần Tuấn Kiệt

Về chuyện ăn chơi ở Sài gòn ngày trước về đêm thì có rất nhiều phòng trà ca vũ nhạc, đặc biệt nhất có lẽ là quán Anh Vũ ở ngã tư quốc tế vì không những ban đêm mở cửa dọn sân khấu cho ca nhạc trẻ thời bấy giờ, mà đặc biệt vào buổi trưa còn là quán cơm xã hội chuyên bán cơm cho người nghèo, mỗi người đều có lá phiếu mua trước, chỉ trả có một đồng nói theo tiếng lóng ngày nay chỉ cái giấy bạc mười đồng vậy. Ở gần quán Anh Vũ có nhà sửa chữa xe hơi của ông Điện Quang, dân làm thơ gia truyền gần với nhóm ông Đông Hồ.

Điện Quang rất nổi tiếng, được mọi người biết mặt ngao du cùng anh em văn nghệ sĩ bấy giờ hơn là các bài thơ đường luật hay song thất lục bát của ông ta. Vì có nhà gần ngã tư quốc tế nên Điện Quang vốn là Mạnh Thường Quân của cụ Lê Văn Trương, nhà văn miền Bắc di cư vào Nam.
Nhà Điện Quang lại gần nhà của nhạc sĩ Lê Thương. Tôi hay ghé Lê Thương để xin bài tự truyện hay truyện ngắn của ông về đăng trên báo Huyền do Lâm Tương Vũ tức Khưu Ban Lâm làm chủ biên. Đó là tờ báo của sinh viên người miền Nam, tôi và Mặc Tưởng làm thư ký tòa soạn.
Đồng thời với Khưu Ban Lâm là Trương Đình Thụy, Hồ Đắc Tâm, Mai Vi Phúc… giao cho họa sĩ Nghiêu Đề vẽ. Nhờ tờ báo này in ở nhà in Nguyễn Thị Trâm ở bến xe đò miền Tây mà tôi đã in được tập thơ Bài Ca Thế Giới do Nghiêu Đề vẽ bìa.

Ngoài làm họa sĩ, Nghiêu Đề còn làm thơ thật hay, nhất là lọai thơ trào lộng như Tú Kếu Trần Đức Uyển vậy. Mỗi lần tôi đến cụ Lê Thương lấy bài thì trước tiên ghé nhà Điện Quang, tìm Tân Hiến, nhà thơ em nuôi của Lê Văn Trương và cả Lê Văn Trương thường ngồi café thuốc lá với nhau ngay cái quán ngang nhà Điện Quang ở đường Bùi Viện.
Chúng tôi la cà ở quán này quán nọ khắp nơi. Đi đâu cũng có nhau nhất là bộ ba Mặc Tưởng, Điện Quang và tôi.

Lúc chiến sự càng khốc liệt thì Điện Quang dời nhà lên Bùi Môn, bắt đầu học kinh và lập một cái am lấy tên Trúc Lâm. Bắt đầu mộ đạo, say mê tu hành nhưng Điện Quang vẫn không quên thời giang hồ cũ ở ngã tư quốc tế nên đôi khi thường xuống tìm chúng tôi đi uống rượu.
Sở dĩ tôi nhắc tới Điện Quang là vì có mối liên hệ với cô Lệ Liễu chủ phòng trà ca nhạc đậm tính văn nghệ. Điện Quang mê hương sắc của Lệ Liễu. Vì Lệ Liễu cũng sính thơ nên ở đó có bày sân khấu tự do để khán giả ai thích thì lên hát ca hát vọng cổ, tân nhạc và ngâm thơ giống như phong trào Hát Với Nhau ở Saigon bây giờ. Khách đến quán uống nước cứ việc lên sân khấu cầm mic tha hồ hát.

Quán nổi tiếng đông người đến ăn chơi ca hát vì Lệ Liễu giao du rất rộng. Điện Quang mỗi lần đến đã say lờ đờ cũng leo lên sân khấu hát một bài Tứ Đại Oán hoặc Nam Xuân, Nam Ai hay lúc hứng thì hò hét bài thơ Sở Bá Vương Hạng Võ do ông sáng tác. Sau đó hàn huyên với Lệ Liễu rất tâm đắc.
Lệ Liễu gặp khách văn nghệ đến thì vui mừng lắm. Nào thơ nào nhạc nào các nàng tiếp khách xinh tươi như hoa. Khi cao hứng, cô lại ca cho anh em nghe vì trước kia còn thanh xuân, Lệ Liễu rất duyên dáng xuất hiện nhiều lần ở các sân khấu. Sau này lớn lên sống một mình tuy bạn nhiều nhưng lúc nào cũng cô đơn vò võ một mình.

Quán Lệ Liễu ở góc Lý Thái Tổ gần ngã bảy trong một khu đất rộng. Nhà rộng và dài cả trăm thước chia làm ba phần. Phần ngoài của bước vào là chỗ bán nước. Khu giữa là sân khấu khá lớn cứ hết người này lên hò lại người khác lên hát ồn ào náo nhiệt không lúc nào êm. Dân chơi ở quán Lệ Liễu đủ loại, nhất là anh em chiến binh đôi khi mặc thường phục, có khi mặc binh phục vào quán vui chơi hết sức tự do và cởi mở.
Quán Lệ Liễu hay ở chỗ tuy hàng đêm tuy đủ hạng người vào chơi mà ít khi nào đụng trận đánh nhau như các quán khác thường xảy ra, có lẽ do không khí rất văn nghệ ở đó. Ban ngày cũng mở cửa buổi sáng đi từ đường Lý Thái Tổ vào hoặc từ đường 20 sang nay là Điện Biên Phủ nối dài.
Qua khỏi khu sàn diễn thì đến nhà trong. Nơi này đặc biệt đèn đuốc không sáng cho lắm, là chỗ đặt giường cho giới làng bẹp đi mây về gió. Đó là giới hút á phiện mà danh từ anh em miền Bắc gọi là hít tô phe.
Giới này không có mặt anh em quân nhân mà rất nhiều ông nhà văn lớn tuổi, cả đám mới vào làng báo làng văn thơ còn trẻ, trong đó có Tú Kếu. Lệ Liễu đôi khi cũng chiều lòng khách ngồi kể chuyện đời, chuyện tình nghệ sĩ với anh em.

Khi Điện Quang cao hứng hát xong bài Tứ Đại Oán thì bảo tôi lên ngâm. Thuở trẻ tôi thường ngâm thơ ở khắp nơi. Trên các diễn đàn hoặc sân khấu tôi thường ngâm hai bài thơ dễ đi vào lòng người nhất. Đó là bài thơ Một Thế Kỷ, mấy vần thơ của cụ Truy Phong tả lúc VN đánh Pháp để đòi độc lập. Thứ hai là Đường Sang Khu Chiến của Phạm Giật Đức. Bài này nói lên cảnh dân miền Bắc khổ sở vì trận giặc chiến tranh phá hoại của CS

Bài Đường Sang Khu Chiến trích ở cuối tập truyện Đường Sang Khu Chiến đã xuất bản từ lâu. Khoảng năm 18 – 19 tuổi, tôi có làm báo chung với anh Phạm Giật Đức. Anh trao tôi làm tổng thư ký của báo này sau đó báo đem in ở Chợ Lớn
Phạm Giật Đức kể trước đó anh là thiếu tá pháo binh của cộng quân, sau bỏ về với quốc gia rồi di cư vào Nam. Hiện giờ nghe nói anh đã sang Mỹ từ lâu.
Khi Điện Quang về Hốc Môn. Tôi nhiều lần lên chơi ở nhà ông và cả ở am Trúc Lâm. Ông nói một câu tôi nghe hơi tức cười:
-Trong đời này ai tôi độ cũng được cả. Chỉ có Bùi Giáng và Kiệt là mình chưa độ được.
Đoạn ông rủ:
-Am này do mình sáng lập nhưng người thừa kế chẳng có ai. Kiệt nên về đây ở để sau này mình mất thì coi quản.
Tôi cả cười:
-Tôi còn ham chơi lắm, chưa tu được đâu ông ơi.
Sau này Điện Quang mất tại Ngã Tư Giếng Nước, Hốc Môn. Cái am ấy chẳng biết bây giờ ai ở.
Cả hai lên chiếc xe con cóc lâu đời cả trăm năm. Điện Quang lái xe đưa tôi đi uống rượu. Gần tới chợ Trần Quốc Toản thì rẽ vào con đường nhỏ, đậu xe lại trước một cái quán rộng mà chúng tôi từng vào đây vài lần rồi. Chủ quán dọn ra mấy món thịt cầy. Hốc Môn có rượu Bà Điểm mạnh nổi tiếng, dân ghiền rượu đế phải có loại rượu đặc biệt này uống vào khi ăn thịt cầy mới khoái khẩu. Quán này mấy lần tôi nhậu với Điện Quang và ông Vũ Bằng.
Nhậu xong tôi nói:
-Bây giờ ông lái xe về Hốc Môn một mình. Tôi sẽ lại chợ Vườn Chuối để về nhà.
Điện Quang nhét vào túi tôi ít tiền và cười:
-Bỏ túi chút đỉnh uống café. Chúng ta đi xuống Lệ Liễu chơi. Hay là mình đem cho Lệ Liễu một ít thịt chó nên không?
Tôi lắc đầu
-Mình cứ tới đó chơi thôi đừng mang thịt chó tới rủi người ta không ưa thì mất cảm tình
-Vậy thì đi nhưng Kiệt đi ngõ tắt ra đường lớn trước tôi lái xe sau.
Tôi đi ngõ tắt ra đường Lý Thái Tổ ngang qua một số hàng phở và có cả hàng bán thịt chó thì gặp Lê Minh Ngọc, anh ta vui vẻ hỏi:
-Kiệt đi đâu đó.
Lê Minh Ngọc rất vui tính và thảo bạn. Có lần qua khu chợ Trần Quốc Toản, tôi tạt vào hàng cầy tơ quen ăn vài miếng, uống một ly bia. Sau khi ăn xong gọi tính tiền thì chủ quán nhanh nhảu bảo:
-Có người trả rồi.
Lại dặn thêm:
-Khi nào anh lên ăn ở đây thì khỏi tính tiền.
Tôi gật đầu cám ơn và biết ngay đó là ông Lê Minh Ngọc đã hào phóng trả tiền cho tôi rồi. Lê Minh Ngọc có quán bánh mì thịt nguội nổi tiếng ở đường Cao Thắng do bà vợ học được nghề làm thịt nguội từ một người Pháp. Quán khá đông khách nhưng nhà thơ ít ngồi quán nhà mà hay lang thang tìm bạn văn nghệ ở những nơi khác. Sau này già yếu, cũng không còn bạn bè nhiều, Lê Minh Ngọc mỗi ngày ra ngồi chơi trước hiên quán đợi bạn quen ghé thăm và làm thơ, được câu nào viết trên tờ báo cạnh đấy. Ông cũng đã mất cách đây nhiều năm.

Tôi chào Lê Minh Ngọc rồi leo lên xe cùng Điện Quang đi tới quán Lệ Liễu để ca hát và ngâm thơ với chị Lệ Liễu cho vui trọn cả ngày ấy.
Ghi chú thêm: Sở dĩ trong bài viết này nhắc nhiều tới Điện Quang là vì lúc thiếu thời ông chơi thân và đi bán báo với nhà thơ nổi tiếng Vũ Anh Khanh, tác giả Nửa Bồ Xương Khô và Chiến Sĩ Hành, tập trường ca chiến đấu rất được người đương thời tìm đọc và nể trọng.
Đồng thời khi quán Lệ Liễu phòng trà ca nhạc xuất hiện thì trước đó từ lâu, Điện Quang và Kiệt đã chơi rất thân và thường xuyên với Lệ Liễu rồi.

Điện Quang cũng chơi thân với Tân Hiến là một nhà thơ đàn em của Lê Văn Trương. Tuy có vợ con nhưng hai người vẫn ham vui, thích nhậu thịt cầy và đôi khi cả thịt méo, có lúc bí quá thì Điện Quang và Tân Hiến bắt mèo của Lê Văn Trương nấu cháo hay lên nhà lén bắt cả gà nòi của Kiệt về nhậu rồi sáng ra mới báo cho chủ nhân của vật bị mất trộm biết. Cả bọn cùng cười cười.
Nay nhắc lại chuyện ăn thịt cầy nhớ các bạn xưa vậy.

Trần Tuấn Kiệt

Xem thêm

Nhận báo giá qua email