Tuần dương hạm Moksva đã có mặt gần cảng Odessa trên vùng biển Hắc Hải từ tháng 2 năm nay.
Nó rất to, kích thước đứng hàng thứ ba trong số các tàu chiến đang hoạt động của Nga.
Nó rất mạnh, được trang bị 16 phi đạn chống hạm, 64 phi đạn phòng không, 2 súng cối chống tiềm thủy đĩnh, 10 ống phóng ngư lôi, 6 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần, bắn gần, 1 đại bác 130mm đa công dụng.
Vì nó lớn, nó mạnh, nên Moksva được sử dụng làm kỳ hạm, tàu của vị chỉ huy hải quân trong chiến dịch đặc biệt – tên gọi mỹ miều thay cho từ xâm lăng, của Nga đánh vào Ukraine.
Nó là niềm tự hào của Hải quân Nga và của vị tổng thống muôn năm nước này, ông Vladimir Putin.
Không phải tự nhiên mà nó được đặt cho cái tên của thủ đô nước Nga vĩ đại.
Nhưng hầu như chẳng ai để ý đến nó vì chiến sự ở Ukraine quá tàn khốc và những tội ác ở các thành phố quá khủng khiếp. Cho đến tuần qua.
Khi chiếc Moksva bị (đánh) đắm.
Tự nổ hay bị bắn?
Hôm 13 tháng 4, phía Ukraine khoe một chiến thắng lớn. Hai ông quan lớn của Ukraine, Oleksiy Arestovych – Cố vấn của tổng thống, và Maksym Marchenko – thống đốc Odessa, cùng thông báo rằng sáng ngày 13 tháng 4 năm 2022 lực lượng của họ đã tấn công chiếc tuần dương hạm Moskva. Hai hỏa tiễn hành trình R-360 Neptune của Ukraine, được bắn đi từ một bệ phóng trên đất liền gần Odessa, đã đánh trúng vào sườn chiếc Moksva và chiếc tàu đã bốc cháy.
Tin từ hai ông quan Ukraine được xác nhận ông Arvydas Anušauskas, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, xác nhận trên mạng xã hội: “Một tín hiệu SOS đã được phát đi từ tàu tuần dương Nga Moscow vào lúc 0h55. Đến 1 giờ 14 sáng. Chiếc tàu tuần dương nằm nghiêng và sau nửa giờ thì mất điện toàn bộ. Từ 2h sáng, tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán 54 thủy thủ khỏi tàu tuần dương, đến khoảng 3h sáng, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania thông báo rằng con tàu đã bị chìm hoàn toàn. Các thiệt hại liên quan về nhân sự của Nga vẫn chưa được xác định, mặc dù có 485 người trên tàu (trong đó có 66 sĩ quan).”
Ngày hôm sau, Bộ chỉ huy quân sự miền nam Ukraine đưa tin chiếc tàu đã lật úp và bắt đầu chìm.
Phía Nga xác nhận có hỏa hoạn trên tàu. Chỉ là một tai nạn, dùng từ ngữ “hiện đại” thì đây là một “sự cố nghiêm trọng.”
Nhưng họ quả quyết chiếc tàu không bị trúng thủy lôi, phi đạn hay hỏa tiễn, và không có cuộc tấn công nào cả.
Lý do “tự nó” là một cái cớ quen thuộc mà phe cộng sản luôn sẵn sàng dùng trong mọi trường hợp cả để biện hộ lẫn để đổ tội.
Như những vụ phía Ukraine giết dân thường rồi dàn dựng là bị quân Nga tàn sát, tự bắn vào các khu vực thường dân, các nơi trú ẩn của người tỵ nạn, cả các ga xe lửa nơi dân tỵ nạn đang chen chúc nhau chờ tàu…
Như các vụ tự treo cổ bằng quần xà lỏn trong nhà giam, tự té vào dùi cui của cảnh sát, tự cắt cổ hàng chục vết… ở Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Nga nhanh chóng thông tin rằng một vụ hỏa hoạn đã làm cho đạn dược trên tàu phát nổ, và con tàu đã bị hư hại nặng, tuy nhiên không hề có bất kỳ liên quan nào đến một cuộc tấn công của Ukraine.
Họ cũng cho biết các thủy thủ đoàn đã được di tản hết.
Đến hôm sau, ngày 14 tháng 4, phía Nga đưa tin thêm rằng hệ thống phi đạn của chiếc tàu tuần dương không bị hư hại, các thủy thủ đã khống chế được ngọn lửa (không biết thủy thủ ở đâu ra khi chính phía Nga đưa tin họ đã được “sơ tán hết”), và mọi các nỗ lực đang được tiến hành để kéo con tàu về cảng.
Trong khi đó, phía Ukraine đưa tin một số lớn thủy thủ trên tàu Moksva đã thiệt mạng, trong số này có cả thuyền trưởng.
Đề rồi đến ngày 15 tháng 4 năm 2022, các phương tiện thông tấn và truyền hình Nga đưa tin chiếc kỳ hạm đã chìm khi được kéo trên đường về cảng Sevastopol trong thời tiết mưa bão. Một bản tin rất ngắn: do hư hại ở vỏ tàu, con tàu mất thăng bằng trong khi được kéo, “vì biển động, con tàu đã chìm.”
Niềm tự hào của hải quân Nga
Nhà nghiên cứu Michael Petersen thuộc Russia Maritime Studies Institute (Viện Nghiên cứu Hàng hải Nga) nói với BBC. Sự có mặt của chiến hạm này là “biểu hiện của sức mạnh hải quân Nga trên Hắc Hải”.
Theo truyền thông Nga, con tàu này, một tuần đương hạm lớp Slava, khá có tuổi, được đóng từ thời Sô viết, và chua chát thay, tại một xưởng đóng tàu ở Ukraine, được đưa vào hoạt động vào đầu những thập niên 1980.
Tuần dương hạm Moksva là chiếc tàu lớn thứ ba trong hạm đội đang hoạt động của Nga. Ông Jonathan Bentham, chuyên gia về hải quân của International Institute for Strategic Studies (Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế), nói con tàu này là “một trong những tài sản được bảo vệ kỹ nhất của Nga”.
Ông Mykola Bielieskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Ukraine vui vẻ hơn, nhận định rằng việc mất tàu Moskva được coi là chuyện lớn và là một điều sỉ nhục đối với Tổng thống Nga Putin.
Ở mức độ thế giới, Moskva là chiến hạm lớn nhất bị đánh chìm trong khi chiến đấu kể từ Thế chiến II. Con tàu có cùng kích thước tương tự như Moksva bị đánh chìm gần đây nhất là tuần dương hạm ARA General Belgrano của Argentina. Chiếc này bị Hải quân Hoàng gia đánh đắm trong cuộc Chiến tranh Falklands.
Về phía Nga, Moskva là con tàu lớn nhất của Nga bị đối phương đánh đắm kể từ khi máy bay Đức ném bom chiến hạm Marat của Liên Xô vào năm 1941, là con tàu lớn nhất của Nga bị đắm sau chiếc thiết giáp hạm Novorossiysk (thời Liên Xô) năm 1955. Nó cũng là chiếc đầu tiên của Nga bị mất trong thời chiến từ sau vụ thiết giáp hạm Knyaz Suvorov bị hải quân Nhật Bản đánh đắm năm 1905 trong Chiến tranh Nga-Nhật.
Carl Schuster, một thuyền trưởng Hải quân Mỹ đã về hưu, cựu giám đốc hoạt động tại Trung tâm Tình báo Liên hợp của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Hoa kỳ nói rằng nếu tuyên bố của Ukraine là đúng, Moskva “có thể sẽ là chiến hạm lớn nhất từng bị phi đạn loại khỏi vòng chiến”.
Vậy nên việc Nga công bố tàu “tự cháy” là chuyện dễ hiểu.
Nhưng Ukraine đã nhất định cho rằng họ đã bắn chìm chiếc kỳ hạm này.
Cũng là đương nhiên, vì chẳng có lý do gì để không thọc sâu vào nỗi đau của Putin. Và để tuyên truyền nâng cao tinh thần chiến sĩ. Bỏ qua quá uổng.
Mà có vẻ như chuyện Ukraine lập chiến công là chính xác. Sự việc, theo lời của họ, được giới chức tình báo quân sự Hoa kỳ xác nhận.
Các giới chức phương Tây cũng bác bỏ lời bào chữa cháy của Nga về sự việc, sau khi các giới chức Moscow cho rằng chỉ có một đám cháy trên tàu Moskva, dẫn đến vụ nổ một lượng lớn đạn dược. Một giới chức nói thêm: ‘Tôi không thể nói rõ ràng cho bạn biết chính xác điều gì đã xảy ra. Nhưng trước giờ tôi không hề được biết có chuyện đám cháy trên tàu chiến lớn sẽ dẫn đến việc đạn dược phát nổ. “
Chiếc Moskva đã gặp nạn vào đêm thứ Tư 13 tháng 4 khi nó đang di chuyển ngoài khơi Hắc Hải, cách bờ biển Odessa, cảng lớn nhất và căn cứ hải quân chính của Ukraine, chừng 60 cây số.
Quân đội Ukraine nói một khẩu đội ven biển của họ đã tấn công con tàu bằng hai phi đạn hành trình Neptune. Cả hai đều bắn trúng vào mạn trái của con tàu. Một kết quả không dễ dàng.
Neptune là một loại phi đạn lô-can, do Ukraine tự chế, chỉ mới được đưa vào hoạt động từ năm 2021. Hai phi đạn bắn trúng chiếc Moksva đêm 13 tháng 4 là hai chiếc đầu tiên xung trận. Cái tên được Ukraine đặt cho loại phi đạn này cũng đầy ý nghĩa: trong thần thoại La mã Neptune là vị thần biển tay cầm cái đinh ba.
Chiếc Moksva được trang bị hệ thống phòng không ba tầng (three-tiered air defence) được hướng dẫn bằng radar, nếu hoạt động đúng cách, nó sẽ có ba cơ hội để tự vệ trước một cuộc tấn công bằng phi đạn Neptune. Ngoài khả năng phòng thủ tầm trung và tầm ngắn, con tàu còn có thể sử dụng sáu hệ thống vũ khí tầm gần (CIWS/close-in weapons systems) như một phương sách cuối cùng.
Tàu Moskva được trang bị các dàn radar mạnh để dẫn đường cho các phi đạn chống tàu chiến, chống máy bay và chống tàu ngầm của nó. Các dàn radar này cũng được sử dụng để vận hành sáu hệ thống CIWS, được thiết kế để hạ các phi đạn đang bắn tới.
Theo chuyên viên quân sự Jonathan Bentham, Moskva lẽ ra phải có phạm vi phòng không đủ 360 độ và “Hệ thống CIWS có thể bắn 5.000 viên đạn một phút, về cơ bản tạo ra một bức tường chắn xung quanh tàu tuần dương, tuyến phòng thủ cuối cùng của nó… Về cơ bản, bạn sẽ nghĩ rằng với hệ thống phòng không ba tầng đó, sẽ rất khó bị tấn công”.
Nhưng niềm tự hào về của hạm đội Hắc Hải đáng sợ của Nga đã bị hạ bởi một trong những chiến thuật xảo quyệt nhất của cuộc chiến. Các chỉ huy Ukraine đã phá hủy chiếc tàu khổng lồ bằng cách sử dụng máy bay không người lái để đánh lạc hướng hệ thống phòng thủ của con tàu, cho phép các phi đạn Neptune lướt trên mặt nước tấn công. Các sensor bảo vệ của tuần dương hạm 12.500 tấn này dường như không thấy các thủy thần đang bay tới vì chúng đang bận dõi những chiếc drone TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai phi đạn lao vào mạn trái của con tàu dài 105 mét, làm con tàu rung chuyển dữ dội và gây ra một vụ nổ thảm khốc và đám cháy lớn. Khi ngọn lửa bùng lên trên Hắc hải đầy bão tố, 510 thủy thủ của con tàu hốt hoảng leo lên xuồng cứu sinh và bỏ chạy.
Cuộc tấn công bất ngờ xảy ra lúc 2 giờ sáng khi tàu chiến Moskva, tàu ‘chỉ huy và kiểm soát’ chính của Nga, đang cách Odessa khoảng 60 dặm về phía nam. Thuyền trưởng và các sĩ quan phòng không của con tàu được cho là đang theo dõi các máy bay mồi nhử TB2, không hề biết rằng một cặp phi đạn Neptune R360 do Ukraine sản xuất được phóng từ một khẩu đội trên bờ biển đang hướng về phía mình. Các phi đạn, mỗi chiếc nặng một tấn và có tầm bắn 186 dặm, đã tiếp cận Moskva ở mực nước biển. Bay ở quỹ đạo thấp như vậy trong vùng biển động có nghĩa là chúng rất khó theo dõi. Chúng đã trúng đích.
Không chỉ Mỹ và phương Tây. Một số danh khoản Telegram của Nga có liên kết với tổ chức lính đánh thuê Wagner Group cũng cho rằng các drone Bayraktar đã được dùng để đánh lạc hướng hệ thống radar của Moskva trước khi một khẩu đội ven biển ở đâu đó gần Odesa phóng đi hai phi đạn Neptune.
Về thiệt hại nhân sự, Anton Gerashchenko, một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, tin rằng ‘hàng trăm’ thủy thủ tàu Moksva có thể đã thiệt mạng. Ilya Ponomarev, một chính trị gia người Nga chống Putin, cũng cho là thế. Ông này nói cho đến nay người ta mới chỉ xác nhận có 50 người trong số 510 người của thủy thủ đoàn đã được giải cứu.
Con số này trùng hợp với con số ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Litva đưa ra trên mạng xã hội: “…tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã di tản 54 thủy thủ khỏi tàu tuần dương, đến khoảng 3h sáng, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania thông báo rằng con tàu đã bị chìm hoàn toàn. Các thiệt hại liên quan về nhân viên Nga vẫn chưa được biết, mặc dù có 485 người trên tàu (66 người trong số đó là sĩ quan).’
Ông Anton Gerashenko, cố vấn của Bộ Nội vụ Kyiv, cho biết Hạm trưởng tàu Moksva Anton Kuprin, 44 tuổi, đã thiệt mạng trong vụ tấn công: “ông ta đã chết trong một vụ nổ và cháy trên kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen của Liên bang Nga.” Ông Gerashenko nói thêm: “Chúng tôi không thương tiếc.”
Trong khi nhiều nguồn khác cũng đồng ý về sự ra đi của Hạm trưởng Kuprin, phía Nga không nói gì về Kuprin. Điều này dễ hiểu. Suốt từ đầu cuộc chiến đến nay, Nga đã không công bố gì về các tướng tá đã bỏ mạng ở Ukraine, và chỉ nói có vài trăm binh sĩ thiệt mạng.
Ngày 15 tháng 4, Nga đã tổ chức một “buổi lễ chia tay” chiếc Moskva tại một đài kỷ niệm ở Sevastopol trong dịp kỷ niệm 300 năm thành lập hạm đội Nga.
Hôm 16 tháng 4, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố một đoạn video ngắn, trong đó có một nhóm khá đông thủy thủ gặp Đô đốc Nikolay Yevmenov, Tổng tư lệnh Hải quân Nga. Họ nói rằng đây là thủy thủ đoàn của tuần dương hạm Moskva.
Đoạn video cho thấy Adm Yevmenov và hai sĩ quan khác đứng trên bãi diễn binh trước khoảng 100 thủy thủ. Không rõ cuộc họp diễn ra khi nào.
Chẳng có gì chứng minh rằng các thủy thủ này là những người sống sót của chiếc Moksva hết.
Một sự tình cờ
Mọi người chắc chưa quên câu chuyện truyền kỳ hồi đầu “chiến dịch đặc biệt” của Nga, khi 13 binh sĩ biên phòng Ukraine đương đầu với một chiến hạm Nga.
Tuần dương hạm Moksva vừa bị đắm chính là chiếc tàu trong nội vụ.
Hòn đảo nổi tiếng đó, có tên trong tiếng Ukraine là Đảo Zmiiny (Đảo Rắn) chỉ rộng 40 mẫu Anh gần bờ biển Ukraine và Romania trên Biển Đen, được cho là có tầm quan trọng chiến lược về mặt tài nguyên, gồm cả dầu mỏ.
Đoạn ghi âm của một đài radio Hải quân có tiếng một sĩ quan Nga trên tàu Moskva đưa ra tối hậu thư buộc các lực lượng Ukraine trên đảo phải đầu hàng, nếu không sẽ bị tiêu diệt bằng phi đạn. Sĩ quan Nga nói: ‘Đây là một chiến hạm. Đây là một tàu chiến của quân đội Nga. Tôi đề nghị các anh hạ vũ khí và đầu hàng để tránh đổ máu và thương vong không đáng có. Nếu không, các anh sẽ bị oanh tạc. Các anh có nghe tôi nói không?’
Sau một khoảng ngắn im lặng, người ta nghe thấy một tiếng nói từ phía các binh sĩ Ukraine. Một người hỏi các chiến hữu của anh ta: “Vậy là xong, tôi có nên bảo nó cút đi không?’ Một giọng nói khác cất lên, ‘Trong trường hợp …’ Âm lượng được tăng lên, và người thứ nhất cất giọng: ‘Tàu chiến Nga, cút mẹ mày đi.’
Nhân vật đưa ra thông điệp ngon lành đó là ông Roman Gribov.
Thoạt đầu, người ta cho rằng tất cả 13 binh sĩ trên đảo đã chết trong cuộc tấn công sau đó của Nga, nhưng về sau, người ta biết rằng họ chỉ bị bắt cầm tù.
Họ bị giam một tháng trong một nhà tù bí mật ở Nga và sau đó được trao trả trong một cuộc trao đổi.
Các binh sĩ Ukraine đã được tặng huy chương. Bưu điện Ukraine còn phát hành một phát động một cuộc thi vẽ tem minh họa “chiến tích” này. Trong số hơn 500 tác phẩm dự thi, tác phẩm chiến thắng của nhà thiết kế Lviv Boris Groh cho thấy lưng một người lính Ukraine, anh đang đứng chĩa một ngón tay giữa lên vào mặt chiếc chiến hạm Moksva.
Con tem lập tức bán hết sạch ở nhiều nhà bưu điện. Tại bưu điện trung tâm ở thủ đô Kyiv, hàng trăm người Ukraine ở mọi lứa tuổi đã xếp hàng hàng giờ đồng hồ hôm 12 tháng 4 để có được một trong số 1 triệu bản in đợt đầu con tem “Russian Warship, F— You!’.
Trên trang web của Bưu điện Ukraine, tem này có hai loại, giá 23 UAH (0,77 USD) và 44 UAH (1,83 USD) một tờ (block) 6 cái. Nhưng ở thị trường quốc tế, nó có giá trên trời vì đã trở thành mục tiêu sưu tập. Trên ebay, một tờ tem này có giá từ 65 đến 400 đô Mỹ.
Tự chìm, và không quan trọng, nhưng vẫn phải trả thù
Trang mạng của VOA Việt ngữ hôm 16 tháng 4 viết:
“Các chuyên gia không cho rằng việc Nga mất soái hạm Moskva có thể có tác động lớn đến cái mà Nga gọi là ‘chiến dịch đặc biệt’ của họ ở Ukraine.
“Con tàu thực sự rất cũ. Trên thực tế, đã có kế hoạch loại bỏ nó trong 5 năm nay,” nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết.
“Nó có giá trị vị thế hơn là giá trị chiến đấu thực sự, và nói chung, nó không liên quan gì đến chiến dịch hiện tại. Nó sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình chiến tranh.” Có thể đúng là như vậy (tuy chẳng hiểu “giá trị vị thế” là cái gì), nhưng cái “giá trị mặt mũi” của chiếc tàu mang tên thủ đô nước Nga chắc chắn là lớn hơn nhiều đối với Putin.
Bởi vậy cho nên mặc dầu vẫn khẳng định Moksva “tự chìm sau khi tự cháy và tự nổ”, Putin đã nghiến răng ra lệnh cho các tướng (còn lại) của lực lượng quân sự lớn mạnh hàng thứ hai trên thế giới trả thù quyết liệt.
Đêm 16 tháng 4, Nga dội phi đạn vào một nhà máy ở thủ đô Ukriane.
Mạc tư khoa tuyên bố mục tiêu bị đánh sập, nhà máy Vizar, là nơi sản xuất các loại phi đạn chống chiến hạm (kiểu như… Neptune) và các loại rocket khác của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cảnh báo rằng họ sẽ đẩy mạnh các cuộc tấn công nhằm vào Kyiv trong những ngày tới. Tuy nhiên, họ giải thích rằng hành động này được đưa ra nhằm …đáp trả các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga.
Bên cạnh đó, MSN.com hôm 16 tháng 4 đưa tin tướng Dmitry Medvedev, đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã ra lệnh tấn công phá hủy các vệ tinh Starlink đang bay lơ lửng trên lãnh thổ Liên bang Nga, trên vùng chiến dịch quân sự đặc biệt và lưu vực Hắc Hải.
Đây là những vệ tinh thuộc chòm sao Starlink mà công ty Space X của Elon Musk đã phóng lên không gian trong hệ thống phủ sóng internet từ không gian.
Chùm vệ tinh này đã giúp phía Ukraine giữ được các dịch vụ internet và duy trì được kết nối trong suốt cuộc chiến chống Nga.
Cuộc tấn công này đươc tung ra vì, theo nhiều báo cáo, phía Nga đã cho rằng chính các vệ tinh Starlink đã dẫn đường hai phi đạn chống chiến hạm Neptune mà lực lượng Ukraine phóng đi đến được con tàu Moskva.
Đỗ Quân
(nguồn: BBC, MSN, Mirror, Wikipedia…)