Nguyễn Thơ Sinh
Mùng năm, mười bốn, hai ba,
Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn
(Ca dao Việt Nam)
Miền nam có từ “quạu”, một từ rất dễ thương. Nói theo tiếng miền bắc nó là nổi cáu. Như vậy quạu và cáu là gì, có khi nào bạn hỏi mình câu hỏi đó? Và khi nổi quạu bạn sẽ làm gì? Bạn có hay dễ dàng nổi quạu hay không?
Vòng vo tam quốc một chút để mở khúc dạo đầu trước một chi tiết khá thú vị khi Tổng thống Trump mở cuộc họp báo chung với Tổng thống Finland, Mr. Sauli Niinistö của Findland tại Bạch Cung hôm thứ tư, ngày 02 tháng 10 năm 2019 khiến nhiều người ôm bụng cười.
Vâng. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, vài chục giây thôi, người ta nhận thấy vẻ mặt Tổng thống Trump căng thẳng, và người ta thấy ông nổi quạu một cách không giấu giếm. Thực ra dạo gần đây phong thủy không lợi, Tổng thống Trump lẽ ra nên tránh chuyện “ra đường” ngày xấu, kiểu người mình hay nói: Chớ đi mùng bảy, chớ về mùng ba. Hoặc một câu ca dao khác được nói đến trong cách tính ngày, xem giờ của người xưa: Mùng năm, mười bốn, hăm ba, Đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn. (Nên) nếu cứ giả định như thế, đến đi chơi, ăn cỗ không mất tiền còn hỏng việc, còn không đáng, nói gì đến chuyện làm ăn, chuyện công việc. Tìm hiểu, hóa ra mấy ngày 05, 14, 23 khi đem cộng lại với nhau nó là số 05, con số nửa chừng nửa đoạn sau này khiến công việc không hoàn tất, đánh rắn giữa khúc, thui chó nửa mùa hết rơm…
Rồi lan man chiết tự, thấy ngày 2/10/2019 (ngày Tổng thống Trump họp báo với Tổng thống Niinistö) nếu cộng lại cũng là số 05 nếu chúng ta cộng lại, cứ đủ số 10 rồi bỏ, sau đó cộng tiếp. Rõ ràng Tổng thống Trump nên tránh chuyện mở họp báo chung với Tổng thống Finland bởi phong thủy xấu, đi chơi còn thiệt, nói gì đi buôn.
Thực ra với Tổng thống Trump tính từ mùa phiếu năm 2018 (mid-term) khi Hạ viện rơi vào tay Đảng Dân chủ, con đường quan lộ của ông rõ ràng có những trở ngại rất khó chịu. Ông cay cú liên tục bởi những chuyện hỡi ơi cứ đeo bám dai như đỉa, tìm đủ cách, thế mà cánh nhà báo và Đảng Dân chủ vẫn xúm vào toa rập, cản mũi kỳ đà, bực không chịu được.
Thực ra ông bị oan? Hay Đảng Dân chủ làm đúng những gì họ cảm thấy mình có trách nhiệm? Xin thưa, chẳng biết đâu mà lần. Vạch đầu gối hỏi có khi tốt hơn bởi lắm lúc chợ tin ngoài kia hàng giả nhiều hơn hàng thật, fake news lan tràn nên thông tin chính thống bị nhiễu sóng.Vụ cú điện thoại Tổng thống Trump gọi chúc mừng Tân tổng thống Ukraine rõ ràng gây nên những tranh luận gay cấn dù thiên hạ không ngạc nhiên với cách làm việc khá sáng tạo của Tổng thống Trump.
Chợt nhớ mùa phiếu năm 2008 khi cố TNS John McCain năm đó ra tranh cử với Cựu tổng thống Obama nhiệm kỳ đầu, một lần trong buổi đi vận động, trên máy bay, một phóng viên cứ chĩa cái microphone vào người ông rồi lẵng nhẵng hỏi han lung tung. Đang bận bỏ xừ, ông quát chị phóng viên nọ. Thế là vụ đó được báo chí có dịp làm ầm lên mất… hai hôm. Nhắc lại chuyện cũ để thấy “quỹ thời gian” củ mấy vị quan to thường hiếm, bị phóng viên quấn chân, không nổi quạu mới là chuyện lạ.
Lần này cũng thế, Tổng thống Trump tại cuộc họp báo với Tổng thống Sauli Niinistö khiến nhiều người bật cười vì thái độ cố gắng điềm tĩnh của ông bị một tay phóng viên phá hỏng, khiến ông ngứa người quên khuấy phong thái chén kiểu của mình.
Phóng viên của Reuter, Jeff Mason bữa đó hỏi: What did you want President Zelensky to do about Vice President Biden and his son Hunter? (Dịch thoát nghĩa): Ông muốn Tổng thống Zelensky của Ukraine làm gì với hai bố con Phó tổng thống Biden? Trước đó Tổng thống Trump cáo buộc cha con Cựu tổng thống Biden là kẻ tham lam, cơ hội (nguyên văn: Biden and his son are stone-cold crooked). Chỉ là một câu hỏi “follow up” thôi. Bình thường chắc nó không to tát gì. Hơn nữa, nếu đã qua hồi nguy cấp, Tổng thống Trump sẽ phản đòn rất giỏi. Khi bình tĩnh, ai cũng thấy Tổng thống Trump thừa khả năng quật ngược thế cờ. Nhưng lần này có phần khác, câu hỏi của Jeff Mason khiến ông nổi quạu.
Nhắc thêm, trong buổi họp báo, một vài câu hỏi với phiên bản tương tự được đặt ra nhưng Tổng thống Trump tránh không đi trực tiếp vào vấn đề. Sốt ruột, Mr. Mason mới lên tiếng. Khi nghe Jeff Mason hỏi câu đó, Tổng thống Trump hỏi lại: Cậu đang nói chuyện với tôi đấy à? Rồi ông chuyển nhanh sang đề tài khác: Tổng thống Finland đang ở đây, hãy phỏng vấn ông ấy đi. Jeff Mason nói: Tôi sẽ hỏi, nhưng tôi chỉ muốn nối tiếp câu hỏi của tôi dành cho tổng thống ban nãy.
Thế là Tổng thống Trump nổi quạu. Ông nhìn thẳng vào Jeff Mason, vung tay lên chỉ: Cậu có nghe tôi nói gì không? Lúc nãy tôi đã trả lời nhiều rồi. Giờ hãy phỏng vấn vị này đi, đừng bất lịch sự như thế. Nghe vậy, Jeff Mason vội dịu giọng: Ồ không. Tôi không muốn mình là người bất lịch sự. Tôi chỉ muốn Tổng thống có cơ hội để trả lời câu hỏi của tôi.
Tổng thống Trump, như đã bàn, khả năng phản đòn rất linh hoạt. Ông nói liền: Tôi đã trả lời tất cả rồi. Mọi cái chỉ là chuyện ăn không nói có, và cậu có biết ai là kẻ chơi trò ăn không nói có ấy không. Đó là những kẻ giống như cậu và cánh truyền thông chuyên đưa tin fake news tại đất nước này như cậu. Vừa nói, Tổng thống Trump chỉ thẳng vào mặt phóng viên Jeff Mason.
Sẵn đó, tiện miệng Tổng thống Trump nói thêm: Tôi đã nói khắp nơi rồi, truyền thông Mỹ bị lũng đoạn (corrupt) vì các cậu là kẻ thích gây ra nạn lũng đoạn. Nhiều loa truyền thông tại Mỹ giờ không chỉ loan tin thất thiệt mà còn bị lũng đoạn nặng nề. Vẫn còn người tốt trong số các phóng viên, nhưng đa phần rặt những kẻ thích lũng đoạn và tung tin thất thiệt. Sau đó Tổng thống lên tiếng: Hãy phỏng vấn Tổng thống Finland ngay đi.
Jeff Mason buộc phải bỏ dở câu hỏi của mình dành cho Tổng thống Trump. Anh quay sang hỏi Tổng thống Finland quan điểm của ông về tình hình dân chủ tại Mỹ. Rồi một câu hỏi khác về tình hình trao đổi ngoại thương. Tổng thống Trump đã nhân cơ hội này đánh bóng thành tích ông đem lại cho kinh tế Mỹ trước khi Tổng thống Niinistö có dịp nói lên cảm nghĩ của mình. Sau đó Tổng thống Niinistö nói nhỏ: Tôi nghĩ đây là câu hỏi họ dành cho tôi.
Sau đó Tổng thống Trump yêu cầu Tổng thống Niinistö chọn một phóng viên của Finland “dễ thương” hơn đặt câu hỏi. Một phóng viên của Finland liền hỏi: Hiện nay vụ này khá to và đang sốt dẻo tại Mỹ, nên tôi buộc phải hỏi, vậy Tổng thống Trump đã đề nghị ông “làm ơn” cho ông ấy chuyện gì? Cả căn phòng buổi họp báo ồ lên cười. Nghe vậy, Tổng thống Trump liền nói: Tôi nghĩ là bạn hỏi theo ý ngược lại, đúng không?
Từ câu chuyện cuộc họp báo ngắn ngủi ấy, bạn nghiệm ra điều gì?
Khi có dịp xem lại đoạn clip video ngắn, không luận chuyện Tổng thống Trump và báo giới bên nào tám lạng, bên nào nửa cân, song quan sát thái độ của Tổng thống Trump đủ thấy ông rất dễ khó chịu, rất dễ nổi quạu. Còn cánh báo giới, chỉ vì miếng ăn nên phải tìm kiếm thông tin thời sự nóng bỏng, sốt dẻo. Vì thế cuộc va chạm dĩ nhiên đã khó tránh.
Những phát biểu của Tổng thống Trump gẫm kỹ lại không đơn giản xoay quanh tâm trạng dễ nổi quạu của ông thời gian gần đây. Hiển nhiên khó phủ nhận ảnh hưởng của Hạ viện tron nỗ lực muốn truất phế Tổng thống Trump. Chuyện này còn khá dài, chưa ai biết bên nào nắm dao đàng chuôi. Tuy nhiên giữa lúc dầu sôi lửa bỏng thế này, công việc bận rộn đăng đăng đê đê, thế mà còn vấp phải phường báo chí thì không nổi quạu mới là chuyện lạ.
Từ những gì nghe được, càng thấy rõ hơn khoảng cách thành kiến giữa Tổng thống Trump và truyền thông càng ngày càng bị đào khoét sâu hơn. Điều này có lợi hay có hại cho đại cuộc chung. Hiển nhiên người Mỹ đã mệt mỏi với những chuyện đôi co giữa đôi bên. Tình hình mùa phiếu xem ra chưa thể xác định được hướng diễn biến cụ thể nào..
Trong khi đó Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa đã tung ra một khoản tiền kỷ lục trong nỗ lực quảng cáo với chiến dịch tuyên truyền Đảng Dân chủ mượn con dao “cuộc điện thoại chúc mừng Tân tổng thống Ukraine” hồi tháng 07 để “ăn cắp” kết quả cuộc bầu cử 2020 sắp tới.
Trở lại chuyện người Việt mình xưa xem ngày để tránh ra đường, tránh những dịp khai trương, sắm sửa, tìm kiếm công ăn việc làm với hy vọng không gặp phải ngày xấu. Không luận chuyện đúng sai bởi có câu: Có thờ có thiêng. Chỉ nói đến khía cạnh chiết tự, nếu là ngày xấu thì nó xấu với ai? Bởi trong bối cảnh tương tàn khốc liệt của hậu trường sân khấu chính trị, có kẻ thắng ắt có kẻ thua. Nếu thế, ai là kẻ gặp xui, ai là kẻ gặp may khi tờ lịch, theo cách tính của người xưa nó được ấn định là một ngày xấu?
Hay ngày xấu, ngày đẹp hình như không áp dụng ở Mỹ, bởi không kiêng thì nói gì đến chuyện lành cho được. Cho nên tin tốt giữa Nhà Trắng và truyền thông cứ hiếm hoi dần, thay vào đó là đào bới và đục khoét. Cuối cùng cả hai bên, Nhà Trắng cũng như truyền thông đều rơi vào cảnh trên người đầy thương tích.
Ai có lỗi trước?
Phải chăng câu hỏi ấy hiện nay không còn cần thiết? Mà câu hỏi ý nghĩa hơn, ai là người có thiện chí dám đứng ra trình bày nhã ý cải thiện hạ tầng cơ sở thông tin. Bởi Nhà Trắng có nhiều ảnh hưởng với đất nước còn vai trò của truyền thông là đưa tin mà thôi, ít có vai trò định hướng ý thức xã hội. Nhưng nếu nhà trắng và cả ngành truyền thông không đứng vững, chẳng biết nó sẽ đem lại những ảnh hưởng nào cho xã hội Mỹ, cho những thế hệ con cháu mai sau.
Hay thôi, ai quạu mặc ai. Chuyện thời sự xã hội chẳng dính dáng gì đến chúng ta.
Nguyễn Thơ Sinh