QUÊ NHÀ THỜI… “HIỆN ĐẠI”!

Vụ 22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng ở Nha Trang 

Nhà hàng C.S tại TP Nha Trang, tâm điểm trong vụ “22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng” (tức hơn 2.000 đô-la Mỹ, một số tiền rất lớn tại VN .- ĐD) sau khi bị tố cáo trên mạng xã hội, quán trở thành… nổi tiếng một cách bất đắc dĩ, được nhiều người biết nhưng kể từ đó khách cũng ngày càng thưa thớt dần.

Các nhân viên trong quán, tất cả đều mong muốn khách hàng sớm trở lại để nhân viên phục vụ có việc làm, có thu nhập nuôi gia đình.

Quản lý nhà hàng C.S buồn bã nói: “Sau khi sự việc xảy ra tối 27/4/2022, lượng khách đến quán chỉ còn khoảng 10% so với trước đây. Anh em phục vụ trong quán rất lo lắng vì sợ tình trạng ế ẩm kéo dài thì sẽ mất việc làm. Do vậy quán chỉ mong sự việc khép lại, để chúng tôi tiếp tục đón khách, yên tâm làm ăn».

Còn quán T.S.2 (quán mà đoàn khách trong vụ 22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng đã đặt bàn nhưng bị các tài xế taxi lừa gạt, đưa đến quán C.S), thì người đại diện quán này xác nhận đúng là có nhận được đặt bàn đón đoàn khách nhưng chờ mãi không thấy đoàn tới.

“Mong khách và nhà hàng hóa giải mâu thuẫn, bỏ qua cho nhau

Khi được hỏi ông nghĩ thế nào vè cái hóa đơn 22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng của quán C,S? Người đại diện quán T.S 2 nhận xét: “Giá cả ở quán C.S như vậy là quá cao. Đem 42 triệu đồng qua đây có khi ăn được hết các loại hải sản chúng tôi bày bán tại cửa hàng”.

Một chủ quán hải sản khác ở trên địa bàn TP Nha Trang khi xem hóa đơn 42 triệu đổng của quán C.S mà nhóm khách đã phải trả, cũng lắc đầu: “Giá như vậy là quá cao. Ông thử nhìn bảng giá của quán chúng tôi sẽ thấy. Các thứ của quán chúng tôi cũng là hải sản nhưng giá chỉ bằng một nửa so với giá bên C.S. Nhờ đó nên ở cùng con đường mà quán chúng tôi đông khách còn quán C.S rất vắng”.

Công an can thiệp 

Đại tá Trần Văn Giang, giám đốc Công an TP Nha Trang xác nhận cơ quan này đang thụ lý vụ đoàn khách tố cáo quán hải sản C.S “chặt chém”.

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của TP Nha Trang đã khẳng định không có việc “chặt chém” tại quán C.S. như đoàn khách đã tố cáo.

Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành TP Nha Trang đã đến quán hải sản C.S. làm việc, trích xuất camera thời điểm phục vụ đoàn khách nêu trên và kết luận: Số lượng thực phẩm đã chế biến tương đối phù hợp với số tiền thanh toán và chưa có cơ sở xác định quán này tăng giá bất hợp lý; Đối chiếu đơn giá trên hóa đơn bán lẻ, đoàn kiểm tra nhận thấy phù hợp với giá niêm yết tại quán. Đối chiếu giá mua vào – bán ra các mặt hàng, đoàn kiểm tra chưa thấy quán tăng giá bất hợp lý; Các cân cũng đều có tem kiểm định và còn hiệu lực…

Tuy nhiên, ông Đ.V.M. (đại diện nhóm khách 22 người) cho hay ông thấy nhiều điểm chưa chính xác. 

Ông Đ.X.M. không đồng tình và mong muốn công an vào cuộc kiểm tra thông tin, đồng thời ông sẵn sàng đối chất với các bên liên quan.

Ông M nói: “Bọn mình mới dự tiệc về. Không ai ăn nhiều như thế vào khung giờ khuya như vậy. Mình hỏi lại C. – bạn mình, là người chọn món – thì thực tế món tôm hùm chỉ dọn lên 2 con nên không thể có việc tính tiền 5,8 kg được. Hỏi giá tôm hùm, nhân viên báo một triệu tám trăm ngàn dồng /2kg. Mực cũng lấy từ túi bóng chứ không phải mực tươi. Mình cũng đề nghị C. viết tường trình để làm cho ra ngô ra khoai”.

Ông M. cho biết đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, khi chờ lâu không thấy mang cá đến bàn, đoàn thanh toán để về thì quán mang 2 con cá ra. Khi đó, có 2 người đàn ông đi vào. Một người xăm trổ hỏi: «Các ông gọi ra mà không ăn thì giờ như thế nào?».

Sau đó, thấy hóa đơn tính tiền, ông M. cho biết cũng giật mình nhưng đành chuyển khoản trả để yên chuyện. Khi ông M. cầm điện thoại lên thì người trong quan hỏi “định làm gì?”. Thấy vậy, cả nhóm lên taxi đi về, có 2 người chạy xe máy theo sau cho đến khi tới khách sạn.

Về bài đăng trên mạng xã hội, ông M. cho hay ông là người trả 42 triệu đồng bằng hình thức chuyển khoản. 

Trong khi đó, quản lý quán hải sản C.S cho rằng quán làm đúng. Các món ăn khách gọi được đem lên kịp thời. Song, thời gian ngồi quán của đoàn khách quá ngắn, trong khi 2 con cá bò da nhám (nặng 8,8 kg) chế biến lâu hơn, món lên chậm nên nhân viên đã gói lại để khách mang về. Quán đã trả tiền lại cho khách 12 triệu đồng vì chỉ là muốn “yên ổn để làm ăn”.

Liên quan đến vấn đề nói trên, sáng 6/5, ông Phan Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang cho biết đã mời đại diện nhà hàng, du khách cùng làm việc với đoàn kiểm tra liên ngành.

Tại buổi làm việc, các bên đều mong muốn khép lại chuyện này để yên tâm làm ăn. 

“Hai bên đã tìm được tiếng nói chung, thông cảm, thống nhất đồng ý bỏ qua những sai sót không đáng có. Mong muốn của nhà hàng là trở lại hoạt động bình thường, tốt hơn”.

Ông Đ.X.M cũng xác nhận sự việc đã kết thúc, ông không muốn trao đổi gì thêm về vấn đề này.

Nổ súng hỗn chiến ngay sau phiên tòa 

Thấy bạn bị vây đánh sau khi tham dự phiên tòa, Trần Võ Công Minh, 23 tuổi, dùng súng đạn cao su bắn các đối thủ để giải cứu, gây náo loạn.

Ngày 13/5/2022, Trần Võ Công Minh cùng 14 người bị công an tỉnh Tiền Giang triệu tập, lấy lời khai, điều tra dấu hiệu phạm tội trong vụ nổ súng gây rối trước cổng TAND tỉnh Tiền Giang. Qua test nhanh, ba người trong nhóm này dương tính với chất ma túy.

Trưa hôm trước (12-5-2022), TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án đối với 22 bị cáo về tội Giết người; Gây rối trật tự công cộng trong vụ hỗn chiến tại quán karaoke X.O ở TP Mỹ Tho làm một người chết. 

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Thanh Triều (biệt danh Triều “điên”, 24 tuổi) và Thạch Minh Quân (25 tuổi) giữ vai trò chính.

Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn cá nhân nên Thạch Trung Nghĩa và Dương Minh Nhựt hẹn nhau tại quán karaoke X.O để giải quyết.

Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 17-3-2021, Nghĩa cùng Triều, Quân và bốn thanh niên khác đang ở lầu 1 của quán karaoke XO vui chơi.

Lúc này, Nguyễn Thanh Hải (biệt danh Hải Bạch, ngụ tại TP Mỹ Tho), Nguyễn Tấn Anh Quốc cùng nhóm bạn gồm sáu người khác đến, hai bên xảy ra xô xát với nhau.

Triều đã dùng súng bắn trúng Hải và Quốc. Hậu quả làm Hải tử vong, Quốc bị thương tích 15%.

Trần Quang Quốc Bảo cũng nhờ Lê Đức Phú đến quán Karaoke chém nhóm Hải Bạch. Phú đã rủ thêm chín thanh niên khác cầm theo nhiều dao tự chế, súng cùng đi.

Đến nơi, Phú dùng dao chém, còn Bảo dùng súng bắn trúng Đinh Tuấn Kiệt gây thương tích 23%.

Cáo trạng xác định Triều đã phạm tội giết người và cố ý gây thương tích. Các bị cáo còn lại phạm tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong nhiều ngày. Nhưng khoảng 11 giờ trưa hôm ấy (12-5)  vụ án được xét xử sơ khởi xong, Thạch Trung Nghĩa (25 tuổi, bị cáo được tại ngoại) và vài người khác ít liên quan như Trần Võ Công Minh được cho về nhà. Mấy người này vừa đi ra tới cổng tòa thì bị bị một nhóm 5 thanh niên khác chặn lại để đánh Thạch Trung Nghĩa. Thấy bạn bị đánh, Trần Võ Công Minh cùng 7 người khác (là bạn của Thạch Trung Nghĩa) lập tức xông đến giải vây, ẩu đả với nhóm kia. Minh rút súng (đạn cao su) bắn trúng một thanh niên, thương tích nhẹ. Những người còn lại chạy tán loạn. Lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại tòa đã bắt Trần Võ Công Minh và một số người liên quan, thu giữ tang vật, bàn giao cho công an Tiền Giang. Cơ quan điều tra cũng tìm thấy một khẩu súng khác cùng 14 viên đạn Minh giấu tại sân bóng đá huyện Chợ Gạo.

Kê biên tài sản của người tông nữ tiếp viên hàng không 

Cơ quan điều tra đã kê biên căn hộ của Nguyễn Trần Hoàng Phong, người lái chiếc xe Mercedes tông nữ tiếp viên Hàng không trọng thương, để bảo đảm việc bồi thường.

Quyết định này được nêu trong cáo trạng của VKSND quận Phú Nhuận vừa hoàn tất, chuyển hồ sơ qua tòa chuẩn bị xét xử lần hai đối với Phong, 34 tuổi, về tội Vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Theo cáo trạng, Nguyễn Trần Hoàng Phong không có bằng lái xe hơi, dùng giấy tờ giả để thuê chiếc Mercedes lái đi chơi. Sáng 30/1/2020 tức mồng 6 Tết, Phong chở nhóm bạn chạy ngược chiều trên đường Hồng Hà, theo hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất, tông phải tài xế xe ôm Lê Mạnh Thường đang chở tiếp viên Hàng không Nguyễn Thị Bích Hường từ phía sân bay đi ra. Tai nạn khiến ông Thường tử vong tại chỗ, cô Hường bị thương tật 79% do Phong đi ngược chiều và phóng quá nhanh.

Gây tai nạn xong, Phong vứt các giấy tờ giả trên đường bỏ trốn, hôm sau ra đầu thú. Kết quả kiểm tra cho thấy Phong dương tính với chất ma túy.

Cuối năm 2020, TAND quận Phú Nhuận xử sơ thẩm lần đầu, phạt Phong mức án 7 năm 6 tháng tù; buộc phải bồi thường cho cô Hường 1,4 tỷ đồng và gia đình ông Thường 447 triệu đồng.

Phong kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt; còn cô Hường và gia đình ông Thường thì đề nghị toà phúc thẩm tăng hình phạt bị cáo, đồng thời làm rõ việc bị cáo đã chuyển nhượng căn hộ của mình cho mẹ để «trốn tránh trách nhiệm bồi thường». Hồi tháng 4/2021, TAND Sài Gòn xử phúc thẩm, đã hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra và xét xử lại.

Theo HĐXX, lời khai của bị cáo tại phiên phúc thẩm và sơ thẩm về lý do sang tên căn hộ do mình đứng tên cho mẹ là mâu thuẫn với nhau. Cấp sơ thẩm chưa làm rõ căn hộ này là tài sản của Phong hay của mẹ bị cáo, nên cần phải điều tra lại để bảo đảm việc bồi thường cho các nạn nhân.

Trong quá trình điều tra lại, ngày 14/2, Công an quận Phú Nhuận đã ra lệnh kê biên căn hộ là tài sản của Phong ở quận Gò Vấp, để bảo đảm trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại.

Hiện, mẹ Phong đã bồi thường cho cô Hường và đại diện của ông Thường mỗi người 60 triệu đồng. Nay cô Hường yêu cầu bồi thường tổng cộng hơn 1,6 tỷ đồng, gia đình ông Thường tổng cộng hơn 400 triệu đồng.

Đoàn Dự

Xem thêm

Nhận báo giá qua email