Quốc khánh Úc! Cãi hoài tới Tết Congo!

Đoàn Xuân Thu

Quốc khánh là một ngày đặc biệt! Người lớn khỏi phải đi làm; con nít khỏi phải đi học! Cả nhà sẽ rảnh rang mà ăn mừng đất nước mình hằng năm vào đúng ngày nầy.

Nhiều xứ là thuộc địa của thực dân, đế quốc giành được độc lập từ tay ngoại bang, vui mừng vui quá vui nên tuyên bố cái ngày đất nước được tự do, thoát khỏi gông cùm nô lệ là ngày Quốc khánh.
Nhưng nước Úc là khác nhe! Ngày Quốc khánh của Úc, 26 tháng 1 đánh dấu ngày Hạm đội thứ nhứt, chở đầy nhóc tội phạm vào Vịnh Sydney vào năm 1788.
Chỉ có Úc là hỏng giống ai, chọn ngày dân da trắng Âu Châu đặt chân lên hòn đảo khổng lồ nầy làm ngày Quốc khánh.
Hoa Kỳ nào có chọn ngày Christopher Columbus đến để làm ngày Quốc khánh đâu nè?!

Người Úc thường khoe khoang lòng ái quốc bằng cách: già xệ tới rún, không có gì để khoe thì quấn cờ Úc, gái đang xuân thì mặc áo ‘sú’ hay quần ‘xì’ cũng bằng cờ Úc , trai đang sung thì xăm trên cần cổ đầy lông ben chùm sao Nam Tào! (Ở các nước độc tài CS chơi vậy là nó nhốt đầu hết ráo!)
Đi coi đại giải quần vợt có đấu thủ Úc tranh tài là trên khán đài la rùm beng “Aussie Aussie Aussie, Oi Oi Oi”, giơ cao mấy con kangaroo màu vàng gục gặc tới lui như vừa nốc cạn hết cả một thùng beer VB của Úc.
Chính vì ái quốc như vậy nên Úc ăn mừng ngày Quốc khánh rất lớn.
Nhà thì trang hoàng trước cửa cờ Úc với hai con kangaroo! Mở nhạc đồng quê Úc um sùm lên! (Vì nghe nhạc hay hơn là nghe con vợ biểu làm cái nầy cái nọ!)
Nếu đang ở hải ngoại, bên Hoa Kỳ hay Canada gì đó, thì rống bản “I Still Call Australia Home” (Anh vẫn gọi nước Úc là quê nhà).
Hát xong, nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu để làm ‘gia vị’ cho ngày Quốc khánh Úc.
Gọi là ăn mừng Quốc khánh thì ăn là điều trước tiên. Nướng xúc xích, nướng thịt trừu, thịt kangaroo, ăn với món rau trộn ớt, xoài trộn với bột cà ri.
Đó cũng là dịp mấy em Úc ú nu trổ tài nội trợ; mỗi người mang đến tiệc vui một món ăn chánh hay món tráng miệng.

Ăn xong, bỏ phiếu coi em nào nấu ăn bá chấy? Với điều kiện là ông chồng không được quyền bỏ phiếu cho con vợ mình nhe… cho nó công bằng!
Em thắng giải ‘Chef cook’ “Bếp trưởng”, thì anh chồng cực kỳ may mắn cưới được con vợ Úc biết nấu ăn nầy sẽ được thưởng một thùng beer Úc; còn con vợ sẽ được một cái ‘tạp dề’ có in cờ Úc để em yêu đeo vào lúc xuống bếp.
Tui thấy cuộc thi nầy quá xá là hay để mấy em Úc vì miếng đỉnh chung mà học nấu ăn với người ta; chớ bấy lâu tui nghe mấy tay ‘Mít’ xấu miệng, xầm xì là:
Vợ Úc chỉ biết ăn chớ không biết nấu!” “Thua vợ Việt mình xa lắc nên tui bỏ nó rồi!” “Thiệt vậy không huynh?”
Ăn đã rồi nhậu! Uống beer Coopers , Boag’s, VB hoặc Little Creatures Pale Ale, tới 76 đô Úc một thùng.
Nếu nhiều khách thì gia chủ (kiêm khổ chủ) phải mua tới vài thùng (đủ mạt) và chừng 20 kí nước đá ở cây xăng đem về đổ vô bồn tắm rồi bỏ beer vào ướp lạnh, uống mới đã khát.
Úc đang mùa hè mà. Có bữa nhiệt độ trên 40 độ C, nóng rát trong gió sa mạc thổi về làm chảy mở luôn. Khui một lon beer, quất nghe ót ót! Ối giời đất ơi nó đã làm sao đâu!
Tuy nhiên mấy hãng beer Úc chơi đểu, lợi dụng lòng ái quốc một cách ngây thơ của tui,dụ khị: ‘người Úc uống beer Úc’ để bán mắc hơn thiên hạ không hè! Chơi vậy là chơi không có đẹp với đồng hương đó nhe ‘mate’ (bồ)!
Tuy nhiên có đứa không khoái ở nhà mà thích ra ngoài bãi biển vì sóng biến sẽ làm dịu đi cái nắng nung người của mùa hè xứ Úc.

Mang theo vài món ăn vặt, vài chai beer trong thùng lạnh, chở vợ và con, vẫn không quên con chó, trên xe gắn cái cờ Úc bên hông, chạy khí thế, bóp kèn tin tin mà hỏng sợ bị thiên hạ nói mình khùng!
Tới bãi biển St Kilda rồi, thì trải chăn ra trên cát, ngồi lai rai vài chai beer chờ xem bắn pháo bông xong; dọn dẹp bỏ rác vô thùng, rồi chở bầu đoàn thê tử về nhà ngủ.
Năm nay lễ Quốc Khánh Úc, 26 tháng 1 rơi vào thứ Sáu, ‘long week’, cuối tuần dài tới 3 ngày mặc sức mà chơi.
Người Việt mình thì gia đình, bạn bè chí cốt là trọng. Có gì vui là cùng vui với nhau trong nhà nhưng người Úc thì khoái đổ ra đường, tham dự các cuộc tranh tài thể thao như đua thuyền ở Sydney; lễ hội hòa nhạc, hay đi cả bầy diễu hành (vừa đi vừa diễu) ở Melbourne chẳng hạn.
Dân vốn là người thọ thuế, (đóng thuế cho tới chết vẫn còn đóng) thì chánh phủ phải có bổn phận bày trò để dân (là chủ) nó chơi!
Tổ chức đua trượt nước trên sóng biển; trên đó có con chó của mình làm đồng đội. Bắt mấy con gián cho đua như ở Brisbane, tiểu bang Queensland.

Sydney, tiểu bang NSW và Melbourne, tiểu bang Victoria đề xuất trò đua ăn dưa hấu, đua ném dép, đua vừa cõng vợ vừa chạy.
Đua ăn dưa hấu, tham dự viên ít nhứt là 10 tuổi, dưới 18 tuổi phải có cha mẹ đi cùng. Ăn mắc nghẹn, sặc hột dưa mắt trợn trắng, trợn dọc là rán chịu nhe!
Đấu thủ phải chắp hai tay sau lưng lúc ‘cạp’ dưa. Phun hột về phía trước thì được; phun vô mặt của đối thủ là hỗn, bị loại.
Đua ném dép là dép cầm trên tay, được quyền chờ gió thuận, tối đa tới 30 giây, rồi phải vẫy cho dép bay về phía trước! (Như mình lượm miếng đá mỏng ném lia thia trên mặt nước vậy mà).
Ai vẫy dép bay xa nhứt là thắng. Kỷ lục trên toàn thế giới là 42.8 m của một trự người Queensland.
Riêng cái trò cõng vợ chạy đua nầy đúng ra phải giấu kín nhứt; thì lại đem khoe với bàn dân thiên hạ! Úc đúng là dân ruột để ngoài da.

(Tui nè. cõng em yêu oằn nặng cả hai vai, mà có dám hé môi ra khoe với ai một lời nào đâu chỉ âm thầm vác nặng đời trai!)
Nói cõng không phải như kiểu Việt Nam mình; mà nó vắt hai cái giò của con vợ lên vai rồi chạy.
Chơi kiểu nầy, nếu em vừa thi ăn dưa hấu xong là ộc ra hết ráo báo hại thiên hạ tưởng em giận chồng mèo chó nên hộc cả máu mồm!
Còn chưa vợ thì đi thi được hông? Được chớ! Không có vợ thì cõng ‘con mèo hai chưn’ của mình. Chưa có mèo thì cõng em, chị gái, bà con chú bác cậu dì hay bạn bè cùng lớp cùng trường cùng sở cũng được…
Nếu mấy em gan cùng mình không sợ bất thình lình, nặng quá, mệt quá nó vụt cái thân bồ tượng xuống đất nghe cái đụi!
Dĩ nhiên là có tiêu chuẩn kí lô đàng hoàng. Chớ con vợ mình như cái hột mít mà con vợ nó như cái hột dưa thì chưa đua mình thua là cái chắc.

***

Tuy nhiên Thổ dân Úc coi ngày Quốc khánh , 26 tháng 1 là ký ức buồn đau do những người lính Anh, và tù hình sự cũng của Anh, cách hơn 10 ngàn dặm, không mời mà đến, đã gây ra nhiều đau khổ cho dân bản địa đã có mặt trên lục địa nầy ít nhứt là 50,000 tới 65,000 năm.
Thổ dân đã bị người lính Anh hay những tù nhân da trắng tàn sát để chiếm đất canh tác. Nhiều thổ dân khác bị chết bởi bịnh đậu mùa hay những bịnh hoạn khác do người da trắng mang ‘virus’ tới.
Mất nước nên Thổ dân gọi đó là ngày ‘Quốc hận’ để tưởng niệm, phản kháng từ năm 1938 kéo dài cho tới ngày nay; hỏng biết bao giờ mới chấm dứt!

Ngày nầy là ngày đau đớn của thổ dân nhưng lại là ngày vui của những tù nhân bị đi đày biệt xứ. Nó chứng mình là: đất quan trọng hơn hạt giống rất nhiều.
Những người cùng khổ sống bên lề xã hội, một đời tăm tối bên mẫu quốc Anh; nhưng chỉ cần có một chút ánh sáng của buổi bình minh đất Úc là như những cánh hoa xòe ra rực rỡ, hiến dâng cho đời bao nhiêu là hương sắc, đẹp như nước Úc ngày nay!
Trong đó có sự chung tay góp sức của Cộng đồng người Việt tỵ nạn CS mình đó nhe!
Kẻ vui người buồn thì vấn đề đặt ra là: Chúng ta có bị bắt buộc phải chọn ngày 26, tháng Giêng hàng năm, thổ dân gọi là ngày ‘Xâm lược’ để làm ngày Quốc khánh cho toàn dân Úc?

Úc trắng nhậu nhẹt, ăn thịt nướng, uống beer quá đã trong cái nắng mùa Hè xứ Úc lên tới 3,4 chục độ C; xem pháo bông đủ sắc màu rực rỡ nở bung ra trong bầu trời đang sẩm tối; trong khi tay hàng xóm thổ dân, Úc đen lại buồn bã khóc thương khi nhớ lại ông cha mình đã bị người da trắng đến từ nước Anh truy sát?
Dĩ nhiên dân Úc ngày nay đâu có trách nhiệm gì về chuyện diệt chủng tàn sát thổ dân cách đây 230 năm?
Tui là người Việt tỵ nạn CS, tới đây làm người Úc ngang hông. Là người Úc ngang hông nên cũng không biết nhiều về lịch sử Úc. Thấy có dịp ăn nhậu vui là tui tham gia hè.
Tui đâu có biết ngày Quốc Khánh Úc để ghi nhớ cái gì đâu? Mà không phải chỉ mình tui dốt vì trong một cuộc khảo sát cho thấy chỉ có 38% dân Úc chánh tông biết đó là ngày Hạm đội thứ Nhứt của hải quân Hoàng gia Anh đổ bộ ở Vịnh Sydney.

Cũng như hầu hết gia đình người Úc khác, tui chẳng quan tâm đến cái việc chuyển Quốc khánh qua ngày khác; vì tiền điện, tiền ga, tiền chợ cho vợ, tiền trường cho con cái đã chiếm hết cả cái đầu rồi.
Tuy nhiên năm nay tui thấy nhiều ‘cáo sồ’ (council), chánh quyền địa phương, không tổ chức lễ Quốc khánh vào ngày 26 tháng 1 nữa; vì sợ xúc phạm đến Thổ dân Úc. ( Ngày nầy ông cha mình đã mần thịt ông cha nó hồi xưa!)
Tui bèn sực tỉnh! À! Mình ăn nhậu tưng bừng trong khi đứa hàng xóm là Thổ dân lại khóc! Coi bộ nhẫn tâm quá!

(Như CS Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam tự do thì tụi nó mừng; chớ dân VNCH bị hành hạ, bị tù rạc mà kêu tui ăn mừng à? Không bao giờ có cái chuyện đó đâu nhe!)
Năm tới 365 ngày lận mà, ngày đứa nầy vui, cười; đứa kia buồn, khóc… thì thôi mình chọn ngày khác đi!
Chọn ngày nước Úc tách rời khỏi Vương quốc Anh, để thành lập một nước Cộng Hòa (sẽ xảy ra trong tương lai gần), làm ngày Quốc khánh thì sẽ vui vẻ cả làng!
Cầm bằng ‘cao kiến’ của thằng tui mà mấy chánh trị gia tai to mặt lớn xem thường, coi như pha, bỏ qua… thì ngày Quốc khánh Úc, 26 tháng 1, sẽ còn cãi như điên, cãi dài dài cho tới Tết Congo!

Đoàn xuân thu
Melbourne

Xem thêm

Nhận báo giá qua email