Một nhà lập pháp Nam Hàn tiết lộ Jo Song-gil, quyền đại sứ Bắc Hàn tại Rome “mất tích” năm 2018, đang bí mật sinh sống ở Nam Hàn.
Jo Song-gil, khi đó 48 tuổi, là quyền đại sứ Bắc Hàn tại Rome khi ông và vợ “mất tích” vài ngày trước khi trở về Bình Nhưỡng tháng 11/2018. Tung tích của ông là điều bí ẩn, làm dấy lên nhiều nghi ngờ rằng ông là một trong những nhà ngoại giao cao cấp nhất đào tẩu khỏi Bắc Hàn.
Ha Tae-keung, dân biểu thuộc đảng đối lập Nam Hàn và là ủy viên Ủy ban Tình báo Quốc hội, hôm 6/10 thông báo trên Facebook rằng ông Jo đã tới Nam Hàn và bí mật sinh sống ở đây từ tháng 7/2019 dưới sự bảo vệ của chính phủ.
Tiết lộ về Jo có thể làm căng thẳng quan hệ giữa hai miền Nam Bắc Hàn. Quan hệ giữa hai nước xấu đi nhiều tháng nay sau khi Bắc Hàn cho nổ tung văn phòng liên lạc chung của hai miền và quân đội nước này bắn chết một viên chức ngư nghiệp Nam Hàn gần ranh giới trên biển giữa hai miền.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Nam Hàn tuyên bố “không xác nhận” thông tin của Ha Tae-keung. Cơ quan này thường sử dụng những cụm từ như vậy khi muốn giữ bí mật việc một người nổi tiếng Bắc Hàn đào tẩu do lo ngại gây hậu quả xấu cho quan hệ hai miền, hoặc để giúp bảo vệ thân nhân của người đào tẩu đang ở Bắc Hàn.
Nếu việc đào tẩu được xác nhận, Jo sẽ là viên chức cao cấp nhất trong chính phủ Bắc Hàn đào tẩu sang Nam Hàn sau Hwang Jang-yop, cựu bí thư đảng Lao động cầm quyền của Bắc Hàn, đào tẩu sang Seoul từ tòa đại sứ Nam Hàn ở Bắc Kinh năm 1997.
Nhà ngoại giao cao cấp Bắc Hàn gần nhất đào tẩu sang Nam Hàn là Thae Yong-ho, một viên chức trong tòa đại sứ Bắc Hàn ở London, bỏ trốn cùng vợ và hai con trai sang Seoul năm 2016.
Nhiều năm qua, một số người Bắc Hàn nổi tiếng như Hwang hay Thae đã sống công khai sau khi định cư ở Nam Hàn. Tuy nhiên, nhiều người khác muốn giữ bí mật để bảo vệ người thân còn ở Bắc Hàn và tình báo Nam Hàn tôn trọng nguyện vọng này.
Jo và vợ sống cùng con gái ở Rome nhưng khi đào tẩu, họ không thể mang theo con gái đi cùng. Giới chức Ý cho biết con gái họ sau đó được các nhà chức trách Bắc Hàn đưa về nước.
Sau khi Jo biến mất khỏi Ý, cựu viên chức ngoại giao đào tẩu Thae đã viết thư ngỏ kêu gọi quyền đại sứ đào tẩu sang Nam Hàn. Tuy nhiên, sau khi con gái của Jo được đưa về Bắc Hàn, Thae cho hay Jo sẽ vô cùng khó khăn khi định cư ở Nam Hàn.
Hiện chưa rõ lý do khiến Jo quyết định đào tẩu. Ông được điều tới Rome làm quyền đại sứ hồi tháng 5/2015, sau khi Ý trục xuất đại sứ Mun Jong-nam năm 2017 để phản đối vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bắc Hàn.
Việc Jo biến mất được giữ bí mật tới khi một tờ báo Nam Hàn đưa tin vào năm ngoái rằng ông đang xin tị nạn ở phương Tây.
Bắc Hàn vẫn chưa lên tiếng sau tiết lộ này. Hơn 30.000 người Bắc Hàn đã đào tẩu sang Nam Hàn kể từ giữa thập niên 1990. Bắc Hàn thường gọi họ là ‘kẻ phản bội’ hoặc tuyên bố đã bị cơ quan gián điệp Nam Hàn bắt cóc.