Một trong những nghịch lý lớn nhất trong cuộc sống của thời hiện đại là trong khi, tính trung bình, cuộc sống vật chất theo thời gian trở nên thoải mái hơn thì hạnh phúc lại giảm xuống.
Theo Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, lợi tức trung bình của một gia đình tại Mỹ, sau khi điều chỉnh tỷ lệ lạm phát, cao hơn trong năm 2019 so với bất kỳ năm nào từ trước tới nay. Và mặc dù tình trạng bất bình đẳng về lợi tức có tăng, nhưng điều này lại không phản ánh bởi sự bất bình đẳng trong việc tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ. Một ví dụ, từ năm 2008 đến 2019, các gia đình người Mỹ nằm trong nhóm có lợi tức thấp nhất ngày càng đi ăn ở ngoài nhiều hơn với con số trung bình tăng khoảng 22 phần trăm, trong khi các gia đình trong nhóm lợi tức cao nhất đi ăn ở ngoài cũng nhiều hơn nhưng chỉ tăng trung bình gần 8 phần trăm.
Nhà xây ở Mỹ trong năm 2016 rộng hơn 1,000 bộ vuông (93 mét vuông) so với nhà xây năm 1973 và diện tích nhà ở tính trung bình trên mỗi đầu người tăng gần gấp đôi. Số người Mỹ sử dụng internet tăng từ 52 phần trăm năm 2000 lên đến 90 phần trăm năm 2019. Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội tăng từ 5 phần trăm năm 2005 lên đến 72 phần trăm năm 2019.
Nhưng mặc dù với những tiến bộ về phẩm chất cuộc sống như vừa nói tới ở trên, mức độ hạnh phúc trung bình lại đang ngày một giảm trong xã hội Mỹ. Kết quả một cuộc khảo sát có tên là Khảo sát Xã hội Tổng quát, bắt đầu từ năm 1972 và cứ mỗi một hoặc hai năm lại đo lường các xu hướng xã hội của người Mỹ một lần, cho thấy tình tạng suy giảm hạnh phúc đều đặn – song song đó thì tình trạng không hạnh phúc lại gia tăng – trong nhiều năm qua kể từ 1988 đến nay.
Có nhiều lý do đưa ra để giải thích về sự nghịch lý này. Một trong những lý do đó là có thể người ta đã không nhận thấy được những tiến bộ quan trọng như nói trên, là vì thường con người nói chung khó có thể cảm nhận được sự tiến bộ khi điều đó xảy ra trong một thời gian kéo dài nhiều thập niên, hoặc là vì chúng ta đã đo lường sai các chỉ số của cái gọi là “phẩm chất cuộc sống”. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt quan trọng mà chúng ta cần phải tìm hiểu để có thể tự mình cải thiện mức độ hạnh phúc trong cuộc sống của chính chúng ta: sự tương quan giữa vật chất và hạnh phúc.
Thực ra đây không phải là một ý tưởng mới mẻ gì khi nói rằng sự tiêu xài, hay nói rõ hơn, của cải vật chất thật sự không đưa đến hạnh phúc. Khái niệm này đã được chỉ dạy trong mọi tôn giáo từ nhiều ngàn năm qua và được nói đến trong nhiều triết thuyết từ cổ chí kim.
Xã hội chúng ta đang sống là một xã hội vật chất với một nền kinh tế luôn luôn khuyến khích người dân tiêu thụ, và dù muốn hay không chúng ta cũng là một phần tử và bị cuốn hút vào trong guồng máy đó. Không có gì ngạc nhiên nếu như ta thấy người bên cạnh mặc chiếc áo mới thì ta cũng muốn có một chiếc áo mới như thế, thấy một người khác lái một chiếc xe xinh đẹp thì ta cũng muốn được lái một chiếc xe xinh đẹp. Vật chất là thứ dễ gây sự cám dỗ và khiến người ta xiêu lòng chấp nhận lao theo sự cám dỗ đó dù ý thức được điều đó hay không.
Nhưng chúng ta cũng không cần phải là một người thông minh hiểu nhiều biết rộng để có thể nhận ra những sự hứa hẹn xuất phát từ một xã hội tiêu thụ vật chất mà chúng ta đang sống thật sự không có cơ sở vững vàng. Chúng ta vẫn được hứa hẹn là sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn trong lần được tăng lương tới, hay khi mua được một món hàng mà mình mong đợi. Các công ty sản xuất và các hãng quảng cáo luôn tìm đủ mọi cách đưa ra những lời hứa hẹn về sự thoả mãn, hài lòng khi người tiêu thụ có được đầy đủ những tiện nghi vật chất, nhưng thay vào đó lại chỉ khiến cho người ta nhảy vào một cuộc chạy đua sản xuất và tiêu thụ một cách vô bổ. Mặc dù những tiện nghi vật chất trong cuộc sống ở Mỹ đã tăng lên rất nhiều trong mấy thập niên qua, nhưng điều rõ ràng đã được chứng minh qua kết quả nhiều cuộc khảo sát là những thứ vật chất đó đã không mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.
Ta tạm thời gọi những sự hứa hẹn không mang lại kết quả ở trên là thứ “chủ nghĩa tiêu thụ trống rỗng” đã giải thích phần nào cho ta thấy vì sao có sự suy giảm về mức độ hạnh phúc trong cuộc sống người dân của xã hội hiện đại.
Và nay lại có thêm một thứ hoàn toàn mới nữa đang làm sói mòn cuộc sống: kỹ thuật. Cuộc cách mạng kỹ thuật hứa hẹn mang đến cho con người những ước muốn ấp ủ từ lâu trong lòng và bất cứ điều gì người ta muốn biết thì chỉ cần một cú nhấp chuột là xong; nó tạo cơ hội để biến một người trở nên nổi tiếng chỉ trong một sớm một chiều; bất cứ thứ gì ta muốn mua, đều có thể được giao đến tận nơi cùng trong ngày mà không cần phải bước chân ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, kết quả là hạnh phúc trong cuộc sống của chúng ta đã không tăng, mà trái lại đã giảm như nói ở trên. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sử dụng kỹ thuật quá nhiều sẽ đưa đến những hậu quả có hại về tâm lý cũng như sinh lý, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp sử dụng mạng truyền thông xã hội, có khả năng làm tăng trầm cảm, nhất là ở nữ giới.
Cuộc sống của chúng ta không hạnh phúc hơn trong khi xã hội ngày càng giàu có hơn, bởi vì chúng ta theo đuổi sai mục tiêu.
Xã hội tiêu thụ và kỹ thuật hứa hẹn sẽ mang lại cho đời sống nhiều thoả mãn hơn, nhưng trên thực tế đã không được như vậy. Mua sắm, tiêu xài hứa hẹn sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy vui hơn và được người khác chú ý tới hơn; mạng xã hội hứa hẹn sẽ giúp cho mối dây liên lạc giữa người với người được thắt chặt hơn – nhưng những điều hứa hẹn trên chỉ là về vật chất và cái hời hợt bề ngoài mà thiếu phần tình cảm là yếu tố cần có để mang lại sự thoả mãn sâu đậm và lâu dài cho cuộc sống.
Những hứa hẹn vật chất sẽ không bao giờ mang lại sự thỏa mãn cho cuộc sống – không phải vì chúng có ý đó mà là vì chúng không thể. Và điều này ngày càng trở thành một vấn đề tất yếu, không chỉ cho xã hội, mà còn cho từng mỗi cá nhân.
Người phương Tây vẫn hay có thói quen đưa ra những quyết tâm để cố gắng thực hiện trong năm mới. Vậy thì tại sao chúng ta không nhân cơ hội đầu năm cũng thử đưa ra một vài quyết tâm của riêng mình với hy vọng có thể mang lại cho cuộc sống của chính mình một chút hạnh phúc và vui vẻ hơn. Chẳng hạn như:
Quyết tâm 1: Đừng mua vật chất. Thay vì tiêu xài cho những món hàng vật chất, thì tại sao không mua thời gian (chẳng hạn mướn người làm vườn hay dọn dẹp nhà cửa để ta có thêm thì giờ nghỉ ngơi); mua sự gần gũi, thân mật (chẳng hạn đi nghỉ mát với người thân); quyên tặng cho hội thiện nguyện hoặc tặng quà cho gia đình và bạn bè. Mặc dù tâm lý chung của đa số là có xu hướng nghiêng về vật chất, nhưng những việc làm thiên về tinh thần mang lại nhiều hạnh phúc hơn.
Quyết tâm 2: Đừng đánh đổi tình cảm cho bất cứ điều gì. Kết quả một cuộc nghiên cứu gần đây cho biết những người có cuộc sống hạnh phúc nhất là những người sống gần gũi với gia đình, thân mật với bạn bè và giàu tình cảm. Ngược lại, những người có cuộc sống trầm cảm và cô độc nhất về cuối đời thường là những người coi nhẹ và bỏ bê những mối quan hệ thân tình của họ. Điều này có nghĩa là nếu lấy bất cứ thứ gì để thay thế cho mối quan hệ tình cảm trong cuộc sống sẽ là một cuộc trao đổi thất bại.
Quyết tâm 3: Đừng ỷ vào người khác mà hãy tự mình tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình và mang hạnh phúc đến cho người khác.
Và hãy nhớ rằng sự giàu có vật chất trong cuộc sống mang lại cả điều lợi lẫn điều hại. Mà cái hại thì bao giờ cũng lớn hơn là vì ta đã để cho sự khao khát thèm muốn vật chất làm mờ mắt trước những nguồn hạnh phúc đích thực của con người: gia đình, tình bạn, lòng tin và công việc mà ta được hưởng từ chính thành quả của mình và phục vụ người khác.
Huy Lâm