Nghe cái tên hơi lạ của ai đó, nhiều khi người nghe không hiểu nổi những bậc cha mẹ sao quá kỳ vọng trong chuyện đặt tên con, như Nguyễn Toàn Thắng chẳng hạn. Nghe đơn giản như bao cái tên (để gọi) trên đời, nhưng ngẫm nghĩ thật lớn lao, khó ai đạt được. Lịch sử còn ghi mỗi Quang Trung Ðại Ðế (1752-1792) là chưa từng thất trận cho đến lúc qua đời. Một người toàn thắng hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam, sự mất sớm ở tuổi bốn mươi của vị vua anh minh là mất mát lớn của dân tộc; nhưng ở một góc nhìn khác hơn, chưa chắc ngài trở thành vị vua bất bại của lịch sử nếu tuổi trời của ngài cao hơn. Người cùng thời (sau Quang Trung chút đỉnh) ở phương Tây có Ðại đế Napoleon (1769-1821), làm kinh động Âu-Á nhưng cuối cùng thất bại ở Nga. Ai chiến thắng không hề chiến bại? Ðôi khi sự kết thúc sớm để lại nuối tiếc nhưng lại hoàn mỹ ở một góc cạnh khác…
Rồi một chiều hè ngồi khâu dĩ vãng với người bạn bên bờ Ngũ Ðại Hồ, anh bạn cho hay Quỳnh Ðơn đã qua đời tháng trước vì ung thư. Vợ anh có dòng họ với Quỳnh Ðơn nên mới biết. Tôi hình dung ra ngay gương mặt người bạn chỉ biết khóc khi bị bạn bè chọc ghẹo trong lớp; không biết tháng năm xa, cô ấy có còn bị bắt nạt, ăn hiếp như hồi đi học… Chúng tôi giải thích cái tên Quỳnh Ðơn của người bạn từ khi còn đi học đến bây giờ vẫn chưa xong-khi nhớ tới bạn bè. “Hoa quỳnh vốn nở về đêm, nổi tiếng đẹp tinh khiết nhưng buồn; vậy mà Quỳnh lại chỉ có một mình-Ðơn-thì thật là cô đơn hơn hết những cô đơn trên đời… Từ đó bạn bè gọi Quỳnh Ðơn bằng cái tên thân mật là: Lẻ Bạn”. Những suy nghĩ mang một chút cảm hoài, ngậm ngùi với dĩ vãng về đêm. Hoa quỳnh nhà ai nở trong khu nhà ven hồ thơm thoảng; hay hoa quỳnh trong lòng tôi thức giấc…
Theo tương truyền, vào thời nhà Tùy (Dương Quảng 605-617) ở Dương Châu, Trung Hoa, có Tùy Dạng Ðế là một hôn quân vô đạo, xa hoa phung phí, một đêm mơ thấy cây trổ hoa thơm, đẹp lạ lùng. Trong khi ở Lạc Dương thành có ngôi chùa cổ là Dương Ly, giữa khuya có loài hoa lạ nở gần giếng nước trong khuôn viên chùa, hương thơm lan tỏa một vùng. Dân chúng đổ xô đến xem bông hoa lạ, đặt tên loài hoa thơm tinh khiết, nở về đêm là hoa Quỳnh. Lời đồn đến Dương Châu, đến tai vua Tùy Dạng Ðế. Hoa mơ của hôn quân sao trùng khớp với hoa thật ở Lạc Dương nên vị vua thích hưởng lạc này niêm yết bố cáo: “Ai vẽ được loại hoa Quỳnh dâng lên thiên tử, vua trọng thưởng”. Không lâu, vua nhận được bức họa đóa hoa xinh đẹp hơn hẳn nhiều loài hoa; không biết hoa quỳnh thật còn đẹp đến đâu nữa? Vua quyết định du nam xuống Dương Châu để xem hoa Quỳnh.
Vua Tùy Dạng Ðế ban lệnh khai kênh Vạn Hà từ Trường An đến Dương Châu để thuyền rồng du nam thưởng cảnh, xem hoa quỳnh thật một chuyến. Vị hôn quân bất kể vạn dân phải lao khổ bỏ mạng, ngân lượng triều đình cạn kiệt vì xa hoa… Con kênh xương máu dân lành rộng cả chục trượng, hai bờ kênh trồng đều lệ liễu tính dặm không hết, nên văn thơ có câu dặm liễu từ đó.
Buổi lễ khánh thành kênh đào hoa lệ, rồi đoàn thuyền giương buồm khởi hành… thuyền rồng khai kinh du nam, ca nhi nhảy múa ca hát suốt ngày đêm… Vua Tùy Dạng Ðế ngồi trên thuyền rồng uống rượu nghe xem đàn hát, ngắm cảnh Giang Nam, nhưng đôi bờ chỉ có lời than tiếng oán, đất nước đói nghèo và lòng dân căm hận… sinh loạn lạc khắp nơi, đưa nhà Tùy đến tiêu vong, dựng nhà Ðường.
Nhưng trong những quan quân hộ giá cho chuyến du nam của vua Tùy Dạng Ðế hơn chín mươi ngày, có cha con Lý Uyên. Khi đoàn du hành đến Lạc Dương, con của Lý Uyên là Lý Thế Dân cùng bằng hữu rủ nhau lén lút đi xem hoa ngay trong đêm, sợ sáng hôm sau Hoàng đế cùng triều thần đi đủ đến đông thì những người trẻ không được xem cùng. Nhưng cơ trời khó biết, Lý Thế Dân là người có chân mạng thiên tử (về sau là Vua Ðường Thái Tông 627-649) nên giống hoa nhún mình lên xuống 3 lần để nghinh đón. Cánh hoa cong trắng nõn, nhụy hoa điểm xuyết màu vàng, hương hoa ngào ngạt… Dưới ánh trăng vằng vặc hoa đẹp tuyệt vời! Lý Thế Dân xem xong, một cơn mưa to trút nước làm rụng hết.
Sáng hôm sau, Tùy Dạng Ðế xa giá đến xem hoa, chỉ còn những cánh hoa úa rũ, tàn tạ… Vua Tùy Dạng Ðế tức giận, tiếc nghìn dặm không được xem, ra lệnh nhổ bỏ, vứt hết. Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở về đêm cho những ai có lòng nhân ái… Sau cuộc du nam lắm công nhiều bạc của vua Tùy Dạng Ðế, nhiều cuộc bạo loạn nổi lên khắp nơi… Tùy Dạng Ðế bị cận thần sát hại dẫn đến nhà Tùy mất ngôi, Lý Thế Dân lập nên nhà Ðường… mở ra một thời đại huy hoàng của Trung Hoa xưa, mọi mặt xã hội phát triển tột bậc, nổi bật là thơ Ðường đến nay còn vang tiếng một góc trời phương đông…
Nhưng đến đời Ðường, Cao Tông say đắm Võ Hậu, lúc vua băng hà con còn nhỏ, Võ Hậu chuyên quyền nhiếp chánh hãm hại công thần, tự xưng vương, đổi nhà Ðường thành nhà Ðại Châu, xưng hiệu Võ Tắc Thiên hoàng đế. Một hôm, Võ Tắc Thiên ngự du vườn thượng uyển nhìn cỏ cây xơ xác tiêu điều, liễu đào ủ rũ điêu tàn, liền truyền lệnh bằng bài thơ tứ tuyệt khắc ngoài cửa vườn thượng uyển…
Lai triều du thượng uyển
Hỏa tốc báo xuân trị
Bách hoa liên dạ phát
Mạc đãi hiểu phong xuy
(Bãi triều du thượng uyển
Gấp gấp báo xuân hay
Hoa nở hết đêm nay
Ðừng chờ môn gió sớm)
Trăm hoa phụng mệnh, chỉ trong một đêm bừng nở khắp vườn, hương thơm lừng kinh thành. Rạng sáng hôm sau, Võ Tắc Thiên dạo vườn trông muôn hồng ngàn tía nở rộ, lấy làm tự mãn cho rằng quyền uy tột đỉnh. Nhưng Võ Tắc Thiên vẫn thấy đóa Mẫu Ðơn bất tuân thượng mệnh, loài cây khẳng khiu cứng cỏi, không hoa lá, như một bất tuân vô lễ làm nổi giận thiên tử. Võ Tắc Thiên ra lệnh đày Mẫu Ðơn xuống Giang Nam. Do đó, vùng Giang Bắc không còn loài hoa vương giả như quốc sắc thiên hương, ám chỉ tuyệt sắc giai nhân này nữa… Người đương thời thấy vậy dệt bài Phú Ngọc Lâu Xuân Tưù để ta thán cho vẻ đẹp khẳng khái của loài hoa Mẫu Ðơn, thà chịu cảnh phong trần lưu lạc chứ không giam mình trong vườn hoa bạo chúa, Mẫu Ðơn khoe sắc đem hương đến đời thanh cao bất luận phú-bần.
Không chắc hoa quỳnh có xuất xứ ở Lạc Dương từ đời Tùy bên Trung Hoa. Hoa Mẫu Ðơn bị Võ Tắc Thiên bạc đãi… Ngày nay, đi tìm tông tích hai loài hoa này: xuất xứ, tên khoa học, tính chất, ứng dụng… đều không khó, như:
“Khi những nhà truyền giáo đạo Phật đến Nhật Bản, họ đã đem theo kiến thức về những bông hoa Mẫu Ðơn này. Người Nhật luôn là một dân tộc yêu hoa, nên bông hoa đẹp mới đến nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của họ. Mẫu Ðơn là bông hoa của tháng Sáu ở Nhật Bản. Từ Trung Hoa và Nhật Bản, nó chu du sang tận đỉnh núi Olympus, tìm cho mình một cái tên.
Tên tiếng Việt: Hoa Mẫu Ðơn
Tên Trung Quốc: Sho-Yo (hay Shao-Yao)
Tên tiếng Anh: Peony
Tên tiếng Pháp: Pivoine officinale
Tên Latin: Paeonia officinalis
Tên khoa học: Paeonia lactiflora
Họ: Paeoniaceae
Peony được đặt tên theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần Y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp. Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy được chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus mà nó có thể xoa dịu được cơn đau của người phụ nữ khi sanh nở. Asclepius trở nên ghen tức với Paeon. Ðể cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông hoa Mẫu đơn.
Ngày nay, Mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh. Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Trung quốc. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh “Chúa của muôn hoa”. Nhất là giai đoạn từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 13 sau Công Nguyên. Mẫu đơn được ca tụng trong văn thơ, nhạc và tranh vẽ lúc bấy giờ.”
Nhưng tìm trong truyền thuyết ý nghĩa về tư chất của từng loài hoa tượng trưng cho nhân cách gì của con người… Không lẽ trên đời có người xinh đẹp, lan tỏa nhưng thầm lặng như hoa quỳnh mà lại khác Vân Quỳnh, Như Quỳnh; Quỳnh Như… Quỳnh Ðơn không cô đơn dù đã ra thiên cổ, Ðơn là Mẫu Ðơn chăng! Có có hai tính cách của hoa quỳnh và hoa mẫu đơn thì còn ai để sánh trên đời! Cũng là một kỳ vọng của bậc sinh thành trong chuyện đặt tên cho con như đặt ước mơ không thành (chưa toại) của đời mình vào hậu duệ…
Phan