Bài – ảnh: Trần Công Nhung
Giao hẹn với xe ôm sáng hôm sau đến khách sạn Tô Châu đón tôi đi bến tàu cao tốc Hòn Chông. Vừa mang ba lô xuống đường thì có một thanh niên chạy xe đến chào. Tôi cho biết là đã hứa với một người khác rồi. Anh xe cười vui vẻ nói người tôi hẹn là chú anh, hôm nay bận việc nhà không chạy được. Chẳng sao, nhưng cũng hỏi lại cho chắc:
– Chú anh có nói bao nhiêu tiền đi Hòn Chông không, trên đường đi còn ghé qua những nơi nào nữa?
– Dạ, ghé hang Cá Sấu, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử…
– Bao nhiêu?
– 40 ngàn.
– 45 ngàn anh chạy cẩn thận.
Từ Rạch Giá tàu “cánh ngầm” đi Phú Quốc, mất nửa ngày, còn từ bến Hòn Chông chỉ hơn tiếng. Trước khi lên đường, chúng tôi ghé qua chợ Hà Tiên ngay bến Trần Hầu, lót dạ tô hủ tiếu. Chợ Hà Tiên không lớn, đình chợ bình thường, chung quanh che chắn nối thêm sạp, trông không mấy sáng sủa. Tôi thấy nhiều tỉnh miền Tây, như Trà Vinh, Sóc Trăng, Hà Tiên không chú tâm xây cất chợ, có lẽ mãi lực không mạnh chăng. Trong khi miền Trung, miền Bắc, chợ như bộ mặt chính của thị trấn thị xã.
Qua cầu Tô Châu tôi dừng lại, nhìn xuống thị xa cảnh còn ngổn ngang lấn bờ lấy mặt bằng xây cất. Bờ lấn ra xa cả trăm mét, tương lai Hà Tiên sẽ có nhiều dãy nhà cao tầng dọc theo bến Trần Hầu, sẽ tráng lệ hơn nhưng không biết vẻ đẹp cố hữu có ảnh hưởng chăng. Dòng sông (Ðông Hồ) vẫn rộng mông mênh, êm đềm chảy ra biển. Núi Tô Châu nằm xuôi mình hiền lành như một người đàn bà đang ngủ.
Ngược lại quốc lộ 80 về huyện Kiên Lương, đường xe men theo biển, dân chài sống rải rác. Cảnh làng chài xóm chài còn nguyên hai bên những sông lạch, nhà ổ chuột chi chít nghèo nàn mà đẹp, đã cầm máy ảnh, không ai có thể bỏ qua. Cái đẹp của cảnh vật miền Nam không trải rộng (panorama) như cảnh trí miền Bắc, mà thường gom lại trong một không gian thân mật hơn: Một vài con đò trên bến, đôi ba người họp chợ bên đường…
Gần đến Hang Cá Sấu có khu nhà máy xi măng Olchim (Sao Mai) nằm phía trên quốc lộ. Hà Tiên cũng là nơi sản xuất xi măng có tiếng. Hang Cá Sấu là tên gọi từ thời xa xưa. Thuở ấy biển tràn vào nơi nầy, không biết bao nhiêu nghìn năm, biển cạn xuống, để lòi ra những cụm đảo khuyết một vành quanh chân tạo nhiều hình thù lạ lẫm, tương tự như những núi ở Ninh Bình. Thời ấy có lẽ cá sấu nhiều ở đây. Nay chỉ là hang trơ không có gì đặc biệt, không phải điểm chính du lịch, tuy vậy phía ngoài đường cũng có hàng quán phục vụ du khách dừng chân ngắm cảnh.
Tôi hỏi anh xe:
– Em liệu mình đi Chùa Hang rồi lên bến tàu kịp không?
– Dạ kịp, 10 giờ tàu mới chạy.
Từ quốc lộ rẽ phải vào Chùa Hang không xa. Nhưng đây chính là nơi ngắm hòn Phụ Tử. Cửa tam quan vào Chùa Hang phía trước rồi thông cửa sau nhìn ra hòn Phụ Tử.
Trong hang cũng xây chùa, dựng tượng, hang không còn nét thiên tạo nữa. Nói chung các hang động thắng tích của xứ mình đều vậy. Thờ tự, mê tín và kinh doanh cứ trộn lẫn vào nhau, không biết đâu là đâu, làm cảnh trí thiên nhiên vốn nổi tiếng ngày càng chìm sâu vào phàm tục. Một đám du khách xúm lại chụp ảnh kỷ niệm, hậu cảnh là vách đá có miệng hang như miệng ốc khổng lồ, chẳng hiểu đẹp ra sao. Trông ai cũng vui vẻ như được chụp hình trước một cảnh lạ. Du khách thường bị thợ ảnh dụ dỗ chụp linh tinh, khi về trông ảnh tưởng mình chụp quanh vườn, chứ chẳng du lịch đâu cả.
Cửa sau của Chùa Hang là bãi tắm, không dài nhưng đẹp, cát hơi đỏ, bãi cạn, có thể lội ra xa. Hòn Phụ Tử ngay trước mặt, hai cột đá cao hơi khom về hướng Bắc, trông giống như hai người lúi cúi đi, sau lưng nối tiếp hai đảo nữa nhưng không có dáng đặc biệt. Những ai không ở Hà Tiên, chưa đến Hà Tiên, thường chỉ biết hòn Phụ Tử trên ảnh lịch, cứ tưởng xa tít ngoài khơi và trơ trọi có hai khối đá. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh lúc chụp đã tách hẳn hòn Phụ Tử với không gian chung quanh, thực tế, hòn Phụ Tử cách bờ chỉ vài ba trăm mét là cùng. Thấy có ông già đi qua tôi hỏi thăm:
– Xin lỗi, bác ở đây.
– Ðúng, ông hỏi có chuyện chi.
– Thưa bác, người ta gọi hai cột đá cao là hòn Phụ Tử, vậy hai đảo phía sau có tên không?
– Ðó là hòn Ông, hòn Bà.
– Khách ra chơi hòn Phụ Tử được không bác?
– Trời êm, người ta đi hoài.
Thấy ông già trả lời dễ thế, chẳng hiểu đúng không. Hòn Phụ Tử không phải là dạng đảo núi, chỉ là cụm đá trơ có kết cấu đẹp về hình ảnh chứ không ai sinh sống trên đó Lác đác trong mấy khe đá một vài khóm cây trông xa như tùng bách.
Du khách không nhiều, một hai nhóm xuống tắm còn thì dạo chơi trên bờ. Kinh doanh du lịch trầm lặng, có lẽ khách chỉ tạt qua rồi đi, y như Ðất Mũi, không có gì lưu giữ họ.
Tôi tiếp tục lên đường đến bến Hòn Chông, nơi đáp tàu cao tốc ra Phú Quốc.
Thời thơ ấu, mỗi khi nghe Phú Quốc, Côn Ðảo, tôi chỉ hình dung nơi biệt xứ tù đày dành cho người có tội, có biết đâu hôm nay mình khó khăn lặn lội đi tìm, gọi là “du lịch”. Bến tàu vắng hoe, chỉ vài ba người khách, tôi bảo anh xe đợi hỏi xem nếu không có tàu tôi phải trở lại Hà Tiên. Nhân viên bến cho biết, giờ chạy hàng ngày là 10 giờ, nhưng nếu khách không đủ thì phải đợi đến 12 giờ. Thông lệ giờ giấc xe tàu xứ mình là thế, tôi yên tâm để anh xe ôm quay về.
Bến Hòn Chông không có gì đặc biệt, vắng buồn, chỉ có mỗi nhà quán nhỏ ngay đầu cầu ra tàu. Ði quanh không có việc gì làm, cảnh trí chụp đôi ba kiểu là hết, còn những hơn hai tiếng, tôi vào quầy giải khát trong nhà bán vé, mua quả dừa để có cớ ngồi. Lúc đặt chiếc Laptop lên bàn thì có nhiều người đến xem rồi hỏi đủ chuyện linh tinh, đành cất máy, ngồi uống nước chờ giờ tàu chạy. Cũng phải hai ba lượt xe đưa khách đến mới đủ số.
Tàu cao tốc là loại tàu du lịch thịnh hành trên các thủy lộ chính tại Việt Nam ngày nay. Sài Gòn Vũng Tàu, Hạ Long Móng Cái, Rạch Giá Hà Tiên đều có tàu cao tốc. Chiếc tàu chở chừng vài chục khách, loại tàu gỗ, cỡ chiếc ghe đánh cá “ba lốc đầu bạc”, thiết kế như một chiếc tàu, ghế nệm, TV, khách đi tàu toàn dạng du lịch, không đồ đạc cồng kềnh. Tiếp viên trên tàu, hai nữ mấy nam, lịch sự phát khăn giấy và nước uống cho khách. So với cảnh “đò dọc đò ngang” thì quả là văn minh vượt bậc. Nhưng, về hình thức theo tôi còn nhiều điều chõi nhau và buồn cười. Chẳng hạn, vừa lên tàu là chiếc TV nổi ầm lên loại nhạc kích động với hình ảnh nhảy múa, vừa ồn ào vừa nhố nhăng, có lẽ nhân viên trên tàu cho đấy là điều mới mẻ tân tiến! Nếu có du khách nước ngoài, họ sẽ cười. Nên cho khách thưởng thức những đặc sản địa phương, món ăn đơn sơ, bài ca dân dã chứ ai cần gì thứ huyên náo của thị thành.
Mười lăm phút đầu, nhìn về hướng Nam có nhiều đảo nhỏ nối tiếp nhau song không giống như khi đi vào vịnh Hạ Long. Biển sóng lớn nhưng nhờ tốc độ tàu lướt nhanh nên khách không có cảm giác bị nhồi.
Chừng tiếng đồng hồ, đã nhìn thấy mờ mờ đảo Phú Quốc nằm dài như con cá sấu. Tàu cập bến An Thới, ở cực Nam của đảo, tức mũi nhọn của đảo, cách thị trấn Dương Ðông 30km. Theo tài liệu, đảo dài 50km, nơi rộng nhất ở phía Bắc: 25km.
Hành khách thấy xe ào lên, trong khi giá cả giữa chủ tàu và xe chưa ngã ngũ. Ðiểm này có phần lôi thôi. Công ty tàu cao tốc không có xe đón đưa khách nên mỗi chuyến lại phải hợp đồng trả giá, xe nào rẻ thì cho khách lên.
Ðường về Dương Ðông khá tốt nhưng vắng lắm, xuyên những đoạn rừng rậm, giả sử có gì bất trắc, khó mà xoay sở, và không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Ngang qua khu du lịch Suối Tranh thấy còn nhiều công trình dở dang. Người địa phương cho biết Suối Tranh là khu du lịch sinh thái có qui mô lớn.
Khách được đưa về văn phòng tàu Cao Tốc trên đường Trần Hưng Ðạo. Vừa xuống xe trời đổ ào cơn mưa, thế là nhà ghỉ Ngọc Dung bên kia đường được ngay một “mẻ”. Ðường Trần Hưng Ðạo chạy theo bờ biển, có nhiều khách sạn, nhà hàng. Tôi qua Ngọc Dung cho đỡ mất thì giờ, phòng 120 nghìn, giá phải chăng.
Sau lưng nhà nghỉ là bãi biển, tôi làm ngay một cuộc tản bộ. Bãi cát trắng chứ không đen như bãi tắm Mũi Nai Hà Tiên, tuy nhiên nhà ở dọc theo biển, lại xả rác xuống bãi, không có vẻ đẹp như biển Nha Trang. Từ chỗ tôi trọ nhìn về hướng Nam chừng nửa cây số có ghềnh đá nhoi ra biển, có miếu thờ, sách vở ghi là Dinh Cậu. Theo tập tục của người mình hễ nơi nào vắng vẻ, có cây cao bóng cả, có hang động là có thần linh. Long Hải có Dinh Cô, Phú Quốc có Dinh Cậu. Tôi chưa có dịp tìm hiểu tường tận về các dinh thờ rất được ngườiø người địa phương sùng bái.
Dứt mưa, trời sáng hẳn lên, tôi tìm ngay chiếc xe ôm. Xe ôm thì nơi nào cũng nhiều, vấn đề là làm sao bắt được xe đàng hoàng cho mọi việc suông sẻ. Một cậu trẻ tuổi đứng ở góc đường thấy tôi đi tới, cất tiếng mời. Tôi cứ ngỡ anh ta đi uống cà phê. Xe ôm ở Phú Quốc có vẻ không chuyên, các nơi khác, trông là biết ngay, mũ nón áo quần, có nơi còn đồng phục riêng (Móng Cái).
– Em đưa tôi đi quanh Phú Quốc, chiều ăn cơm với tôi. Bao nhiêu?
– Dạ, chú cho 30.
– Ðược, em tên gì?
– Dạ, Dũng, Dũng Ðầu Ðinh.
– Trước hết mình đến phòng vé máy bay, sau đó đi “tua”.
Máy bay Phú Quốc Sài Gòn mỗi ngày có 3 chuyến, chứng tỏ du khách khá đông song sinh hoạt du lịch không rõ nét. Phố xá xây cất không đồng đều, rời rạc, không có những khu thương mãi tập trung. Có lẽ giao thông đường bộ bị giới hạn, nên không mở mang mấy. Nghe tôi than phiền, anh xe hăm hở phân trần: “Vậy là khá lắm rồi đó chú, hồi xưa toàn đường đất không hà”.
Bắc qua sông Dương Ðông có 2 chiếc cầu, cầu gỗ và cầu đúc, cầu gỗ ngay đầu chợ Dương Ðông. Ðứng trên cầu nhìn con sông hẹp thuyền bè chi chít, trái với trên bộ, đường chẳng mấy xe.
Thuyền đánh cá Phú Quốc cũng sơn hai màu xanh đỏ nhưng khác với thuyền ở Nha Trang Phan Thiết, không có hai mắt và lòng thuyền đỏ choét. Chợ Phúc Quốc như ngôi chợ trời tự phát, buôn bán chen chúc xúm xít, quầy hàng san sát lều sạp như một trại tị nạn. Chợ họp ngay bên kia Cầu Ngang. So với những thị trấn trong đất liền thì chợ Phú Quốc còn rất thô sơ tạm bợ.
Sau khi lấy vé máy bay để mai về Sài Gòn, tôi bảo xe chạy quanh thị trấn, vào thăm xưởng làm mắm Hồng Ðức. Ðây là cơ sở sản xuất nước mắm nổi tiếng xưa nay. Cách chế biến vẫn lối cổ truyền chứ không dùng máy móc công nghệ, nhưng những thùng ướp cá thì vĩ đại hơn các nơi khác nhiều. Có lẽ vì vậy mà người dân ở đây gọi là “nhà thùng” chứ không gọi “vựa” hay “lò”. Không nói, ai cũng biết tiếng nước mắm Phú Quốc. Dương Ðông và An Thới là hai nơi có “nhà thùng” lớn và lâu đời nhất. Ðặc biệt vào lò mắm mà không nghe mùi nặng như khi vào xóm chài Cửa Bé Nha Trang.
Qua một vườn tiêu, tôi dừng lại hỏi thăm mới biết, chính người Hoa ở Hải Nam nhập tiêu vào từ thế kỷ 19, đến năm 1946 người Việt mới học cách trồng. Phú Quốc cũng là nơi có giống chó đặc biệt: nhỏ con, thông minh, lưng có lông bờm khác với tất cả các loài chó trong đất liền. Nghe nói chó Phú Quốc được ghi vào “khuyển thư” của các nhà nghiên cứu chó thế giới.
Tôi lại quanh quẩn theo con sông Dương Ðông, thuyền bè sông nước mỗi lúc mỗi khác, nên ảnh chụp bao nhiêu cũng thấy thèm. Qua khu phố nào cũng thấy tên Dương Ðông: Trường Trung Học Dương Ðông, sông Dương Ðông, chợ Dương Ðông, đường Dương Ðông…
– Sao cái gì cũng Dương Ðông vậy?
– Thì đây là huyện Dương Ðông mà chú.
– Có nơi nào cao, mình nhìn xuống dòng sông?
– Chú lên tầng bốn khách sạn Bảo Vi, nhìn xuống khỏi chê.
– Mình phải thuê phòng hả?
– Dạ, tầng bốn bán ăn uống.
– Hay đấy, nhưng chiều rồi, bây giờ mình tìm quán cơm nào ngon lo cho cái bụng rồi về nghỉ. Ngày mai đi tiếp.
(Còn 1 kỳ)
Trần Công Nhung
_______________________
Tin sách
Sách Quê hương qua ống kính bộ 16 tập (discount 50% 11 tập đầu). Ðã có 2 tác phẩm mới: Vào Ðời (350 trang), Tình Tự Quê Hương (250 trang) xin liên lạc tác giả:
email: trannhungcong46@gmail.com,
(816)988-5040, hoặc add:
1209 SW. Hopi St.
Blue Springs, MO. 64015 (USA)