Trong suốt nhiều thập niên qua, dân số tại các đô thị trên nước Mỹ luôn có chiều hướng gia tăng, lúc nhanh lúc chậm. Tuy nhiên, chiều hướng này đang bị đảo ngược. Theo kết quả phân tích số liệu thống kê dân số từ viện Brookings, trong số 20 khu vực đô thị lớn nhất nước Mỹ, những thành phố như New York, Los angeles, Chicago, Miami, Boston, Seattle, San Francisco, San Diego Minneapolis-St. Paul, Philadelphia và Washington D.C. có dân số giảm sụt tổng cộng 900,000 người chỉ riêng năm 2021 vừa qua. Con số người rời bỏ đô thị nói trên nhiều gần gấp đôi dân số của tiểu bang Wyoming.
Tình trạng dân số sụt giảm tại những đô thị nói trên là một phần của câu chuyện lớn hơn về thống kê dân số tại nước Mỹ. Năm ngoái, tỉ lệ tăng trưởng dân số tại Hoa Kỳ đã sụt xuống con số thấp kỷ lục. Các động lực chính của dân số – di dân và sinh sản – đều giảm, trong khi tử vong lại tăng cao trong thời gian đại dịch. Tuy nhiên, chiều hướng sụt giảm tại những thành phố lớn nhất nước Mỹ được cho là tồi tệ nhất. Trong ba năm qua, con số người rời bỏ thành phố New York đã tăng gấp mười lần. Ở mỗi quận hạt nội đô của những thành phố New York, Los Angeles và San Francisco, số người nhập cư đã giảm ít nhất 50 phần trăm trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2021. Ở trung tâm thành phố Detroit và Long Island, số tử vong thực sự nhiều hơn số sinh sản vào năm ngoái.
Tình trạng dân số sụt giảm tại những đô thị lớn dường như cũng là một phần của câu chuyện bao quát hơn về đời sống của người dân Mỹ: Nhiều công việc nay có thể làm từ nhà và nhiều người không còn bắt buộc phải lái xe tới sở làm mỗi ngày nữa mà chỉ cần có chiếc máy vi tính nối vào mạng internet là đủ, do đó nhiều nhân viên làm việc văn phòng nay có thể làm việc ở bất cứ đâu và cho phép họ di chuyển ra khỏi những thành phố có chi phí cao. Theo số liệu từ tổ chức Economic Innovation Group, kể từ năm 2020, đã có gần 5 triệu người Mỹ dọn nhà vì họ có được cơ hội để làm việc từ nhà.
Trong quá khứ, khi dân số tại các thành phố và thị trấn sụt giảm thì thường đưa đến những vấn đề lớn về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, có điều gì đó khác lạ đang xảy ra tại những khu đô thị lớn nhất của nước Mỹ: Thị trường nhà ở vẫn không bị ảnh hưởng như người ta dự đoán. Trên thực tế, giá nhà và giá thuê nhà tăng cao hơn tại hầu hết các khu vực đô thị. Trong năm ngoái, tiền thuê nhà tăng 33 phần trăm tại thành phố New York, 16 phần trăm tại Los Angeles, và 12 phần trăm tại Chicago. Kể từ khi đại dịch bùng phát, tiền thuê nhà tăng tại hầu hết mọi thành phố trong danh sách những thành phố nói ở trên, ngoại trừ San Francisco.
Vậy, hiện tượng trái ngược như ta thấy đó phải chăng có chút gì bí ẩn về cuộc sống đô thị sau khi trải qua thời gian đại dịch. Nếu những đô thị lớn nhất nước Mỹ bị sụt giảm dân số, tại sao thị trường nhà ở tại những nơi đó vẫn nóng sốt? Và nếu giá thuê nhà tăng tại hầu hết các thành phố nói trên thì tại sao dân số lại sụt giảm là thế nào?
Người ta có thử đưa ra một vài câu trả lời để giải đáp cho bí ẩn trên. Một là số liệu thăm dò dân số sai. Ví dụ, chính phủ có thể đã không đếm được số gia đình đã di chuyển đây đó trong các đợt COVID bùng phát, chỉ tạm thời rời khỏi căn chúng cư ở thành phố của họ nhưng không thực sự bỏ hẳn. Hoặc cũng có thể là cuộc thăm dò dân số đã thu thập chính xác số dân trong thành phố ở mức của năm 2021, nhưng vẫn chưa bắt kịp số người quay trở lại các thành phố lớn nhất của Hoa Kỳ trong vài tháng qua, tạo thành một đợt người mới đổ về đô thị. Trong những tình huống nói trên, nhiều thành phố trông có vẻ như sắp bị bỏ hoang trong thời gian thu thập dữ liệu dân số thì nay thực sự đông đúc và đang bùng phát trở lại.
Khả năng thứ hai, như có người trước đây từng đưa ra nhận định rằng các thành phố đông đúc nhất ở Mỹ đang trở thành nơi sinh sống dành riêng cho người giàu và hầu hết những cặp vợ chồng không có con cái. Năm 2001, quận Los Angeles ghi nhận có 153,000 trẻ sơ sinh ra đời. Năm 2021, con số được ghi nhận là ít hơn 100,000 em. Có lẽ những người lao động thuộc tầng lớp trung lưu và các gia đình có con nhỏ đã lợi dụng đại dịch như cơ hội để mau chóng dọn nhà ra vùng ngoại ô hoặc các thị trấn có chi phí rẻ hơn. Trong khi những gia đình trẻ và nghèo hơn dọn đi thì những người lớn tuổi và giàu có hơn ở lại, và một số người trẻ khá giả khác dọn tới. Trong tình huống này, một số thành phố có thể đã giàu lên thậm chí khi dân số tại những nơi đó thu nhỏ lại, khiến cho giá nhà và giá thuê nhà cao lên.
Và câu trả lời thứ ba đơn giản hơn: Lạm phát. Đó là, các thành phố thực sự đang phải vật lộn với tình trạng mất dân số, nhưng giá thuê nhà và giá nhà ở đô thị tăng cao cùng nhịp độ với tình trạng lạm phát trên toàn quốc, đang ở mức gần 10 phần trăm.
Tất cả những điều trình bày trên có nghĩa là các thành phố thuộc loại siêu sao của Mỹ có thể đang gặp rắc rối nhiều hơn là người ta nghĩ – thậm chí ngay cả khi những rắc rối đó hiện đang bị che lấp bởi tình trạng lạm phát cao. Cũng theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Economic Innovation Group, tỷ lệ người Mỹ nói rằng họ đang có dự tính di chuyển nơi ở vì công việc của họ nay có thể làm ở nhà tăng 50 phần trăm kể từ tháng 10 năm 2020, lên tới hơn 9 phần trăm dân số của cả nước. Nếu đúng là vậy, điều này có nghĩa là có khoảng 19 triệu người Mỹ, hay tương đương với dân số của cả tiểu bang New York, có nhiều khả năng đang tính chuyện di chuyển nơi ở vì có được sự tự do là không còn phải đến sở làm như trước nữa. Các thành phố có chi phí sinh hoạt cao với nhiều công việc văn phòng nay có thể làm từ nhà – như San Francisco chẳng hạn – sẽ là những nơi có nhiều khả năng nhất chứng kiến số người dọn nhà đi nhiều hơn nữa trong mấy năm tới, đặc biệt là khi các đô thị ở khu vực miền Nam nắng ấm tiếp tục phải xây thêm nhà ở hơn là các thành phố vùng ven biển.
Nói như vậy không có nghĩa là đô thị đang chết dần mòn, nhưng quả thật đô thị đang gặp nhiều thử thách trong việc ngăn chặn tình trạng sụt giảm dân số. Có thể nói cuộc sống đô thị nay không còn sức hấp dẫn như khoảng một thế kỷ trước khi người dân từ nông thôn đổ về thành phố để tìm việc làm. Các thị trấn nhỏ và khu vực ngoại ô sẽ là những nơi thu hút người mới dọn tới.
Vậy, giai đoạn khó khăn và thử thách của đô thị sẽ như thế nào đây trong những năm tháng tới? Điều này có lẽ cũng không khó đoán nếu chỉ cần nhìn vào những gì đang xảy ra hiện nay. Số lượng người sử dụng phương tiện di chuyển công cộng đã giảm xuống khá nhiều so với mức cao nhất trước đại dịch tại những nơi như New York, Boston, San Francisco và Washington, D.C. Mặc dù hoạt động của nhà hàng và dịch vụ du lịch đã tăng trở lại gần như hoàn toàn, nhưng số diện tích văn phòng được mướn vẫn thấp hơn 50% so với mức của năm 2019. Tại San Francisco, diện tích văn phòng bỏ trống tăng gần gấp bốn lần kể từ khi đại dịch bắt đầu, lên đến 18.7 triệu bộ Anh vuông. Tại New York, Thị trưởng Eric Adams gần như khẩn khoản van nài giới làm việc văn phòng hãy trở lại khu vực Midtown (nơi có nhiều nhà hàng và các cửa tiệm buôn bán nhỏ) để ủng hộ và giúp hồi phục lại hoạt động kinh tế cho khu vực sau khi trải qua nhiều khó khăn trong thời gian đại dịch. Các khu vực trung tâm thành phố của nước Mỹ chính là nơi hỗ trợ cho hàng triệu công ăn việc làm mà không thể làm từ nhà được – chẳng hạn như bán hàng, xây dựng, chăm sóc sức khỏe và nhiều ngành nghề khác. Nhưng đối với hàng triệu nhân viên làm việc văn phòng, một số thay đổi quan trọng đang xảy ra: Họ không còn phải làm việc trong thành phố nữa. Họ có thể làm việc từ nhà qua internet. Thành phố nay chỉ còn là nơi họ tới tìm vui và hưởng thụ, thích thì tới không thích thì ở nhà hoặc tìm đến nơi khác.
Với giá cả ngày càng tăng và dân số ngày càng giảm, với các khu vực trung tâm thành phố vắng vẻ hơn và sự nhộn nhịp của các khu xóm dân cư, với các khu ăn chơi bùng phát trở lại và các văn phòng trống rỗng, tương lai của các thành phố giàu có và đông đúng nhất nước Mỹ có thể sẽ mang bộ mặt rất khác và phần nào bất bình thường.
Huy Lâm