Rừng Quyên Sinh

Dù bạn là người thích du lịch hay không thích đi đó đi đây, dù bạn là người say mê hay dửng dưng với những thắng cảnh thế giới thì tôi tin chắc bạn vẫn yêu thích những thắng cảnh của xứ hoa anh đào. Và hình ảnh núi Phú Sĩ chắc chắn bạn đã ít nhất một lần trông thấy. Fujisan là ngọn núi lửa cao thứ nhì ở Á Châu (sau núi Kerinci ở Sumatra), nằm trên đảo Honshu, và là ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản. Núi Phú Sĩ ở 100 km phía tây nam thủ đô Tokyo. Ngọn núi có tuyết phủ liên tục 5 tháng mỗi năm. Núi Phú Sĩ được liệt kê là một trong ba ngọn “Linh Sơn” ở Nhật, cùng với núi Tate và núi Haku.
Núi Phú Sĩ là nguồn cảm hứng bất tận cho các họa sĩ, thi sĩ từ ngàn xưa và sẽ còn mãi đến ngàn sau (nếu trái đất này không bị hủy diệt bởi một biến cố nào đó!)
Một nét đặc biệt nữa về ngọn núi nổi danh này là khu Rừng Quyên Sinh (Aokigahara) ở phía tây bắc núi Phú Sĩ. Rất nhiều người chọn khu rừng ấy làm nơi kết liễu mạng sống họ bằng cách treo cổ hoặc uống thuốc độc. Cho dù có nhiều cách giải thích người ta vẫn không biết chắc chắn ma lực nào lôi cuốn những người chán sống đến Rừng Quyên Sinh để chết, tới mức nạn tự tử đã thịnh hành như một bệnh dịch.
Năm 2010 thống kê ở Nhật cho biết 247 người có dự định và 54 người thực sự tự sát ở đó. Rừng Quyên Sinh hoàn toàn im ắng, không tiếng chim hót, không cả tiếng côn trùng, giun dế, vắng cả tiếng gió xạc xào. Một sự im lặng đến rợn người.
Trong rừng, cây cối dày đặc, địa bàn không hoạt động, người ta nhất định sẽ đi lạc và sẽ lẩn quẩn trong rừng đến chết nếu không có người dẫn đường. Một tập quán quen thuộc của những người tìm đến Rừng Quyên Sinh là đem theo một cuộn dây dài, buộc đầu mối vào thân cây ở bìa rừng, đi đến đâu thả lỏng cuộn dây đến đấy. Khi chọn được nơi vừa ý thì thực hiện ý định tự sát, nếu đổi ý thì lần theo mối dây để trở ra bìa rừng.
Từ năm 2011 chính phủ Nhật ngưng công bố con số nạn nhân tự sát tìm thấy trong rừng, và cố hướng dư luận về cái đẹp của thắng cảnh thiên nhiên hơn là sự thu hút đầy ma lực của Rừng Quyên Sinh.
Thêm vào đó, những tổ chức thiện nguyện cũng tìm cách giúp những người có ý định tự sát bỏ ý định ấy. Ngoài bìa rừng cũng như trên những lối mòn gần bìa rừng, có rải rác những tấm bảng thuyết phục những người không còn tha thiết với cuộc sống đổi ý, đồng thời có những số điện thoại của đường dây tư vấn để giúp hóa giải những rối rắm tâm tư của những người không còn tha thiết với cuộc sống.
Những người tin vào những hiện tượng siêu nhiên đưa ra đủ mọi lời giải thích và những giải thích đó cũng nặng tính chất siêu nhiên, tuy nhiên cái nhìn khoa học cũng giúp giải thích sự yên tĩnh (đến rợn người) của Rừng Quyên Sinh là do cấu trúc địa chất. Phú Sĩ là núi lửa, đất đá chung quanh núi là nham thạch từ lòng núi phun ra, nham thạch là loại đá rỗng, có khả năng thẩm thấu âm thanh, khiến khu rừng trở nên cực kỳ yên tĩnh. Nham thạch của núi lửa cũng có từ tính (magnetic), có khả năng làm kim nam châm trong địa bàn mất phương hướng. Còn sự thu hút đầy ma quái của khu rừng có thể giải thích bằng những hiệu ứng về nhận thức mà chỉ những nhà tâm lý học mới đủ thẩm quyền giải thích.
Trở lại chuyện núi Phú Sĩ. Lần cuối cùng núi Phú Sĩ phun lửa là vào năm 1707, và một câu ngạn ngữ phổ biến ở Nhật cho rằng một người thông minh sẽ leo núi Phú Sĩ một lần trong đời, nhưng những kẻ ngu đần thì leo núi ấy tới hai lần. Không biết bạn thuộc về nhóm nào, riêng tôi chưa leo núi Phú Sĩ lần nào nên yên tâm là mình không thuộc về nhóm nào hết!
Bạn thân mến, đó là chuyện tự sát ở đất Nhật. Một hiện tượng đã đánh thức mối quan tâm của chính phủ Nhật Bản khi nó trở thành bệnh dịch.
Thứ bệnh dịch tự tử ấy cũng đang lan tràn ở nước Việt Nam cộng sản. Chỉ khác là khi viết hai chữ tự tử ở Nhật, người ta không cần bỏ hai ngoặc kép (“”) bên ngoài, trong khi ở nước Việt Cộng, muốn cho chính xác bao giờ hai chữ “tự tử” cũng phải nằm trong ngoặc kép.
Thông tin trên báo chí – giấy hay mạng – luôn nhắc nhở và cảnh báo người Việt về thăm quê nói riêng và du khách nước ngoài đến nước Việt Cộng nói chung, về những điều phải lưu ý để không chết oan mạng, không bị cướp trước mặt hay sau lưng đến mức chỉ còn bộ quần áo trên người, nhưng tôi dám chắc chưa có bản hướng dẫn nào nhắc nhở du khách đến thăm những thành phố lớn ở nước Việt Cộng, khi đi dạo trên đường phố, ngoài chuyện coi chừng bị xe cán dù luôn tôn trọng luật đi đường, phải lưu ý nên tránh đi gần những tòa nhà cao tầng.
Lý do đơn giản là du khách không biết khi nào thì có một ông quan cộng sản nhảy lầu tự tử và rơi trúng ngay vị khách du lịch đang hí hứng vì vừa mua được món hàng mới và lạ (mà không biết là vừa trả một món tiền lớn cho một món đồ vô giá trị.)
Lời cảnh báo vô cùng quan trọng ấy không cuốn cẩm nang hướng dẫn du lịch nào nhắc tới. Bạn tôi có một lần suýt chết ngay trên một con đường ở trung tâm thành Hồ. Đang tung tăng trên lề đường, dưới ánh nắng ban mai dịu dàng, bên cạnh một tòa nhà cao tầng đang xây cất. Những dàn giáo, nhưng khung gỗ che chắn, bảo vệ người đi đường, không có gì đáng bận tâm. Bỗng đâu một viên gạch không biết từ lầu mấy, rơi ngay xuống bên chân anh bạn, vỡ tung tóe thành hàng trăm ngàn mảnh vụn.
Mối hiểm nguy chết người ấy không cẩm nang du lịch nào nói tới, bây giờ vật rơi xuống không là viên gạch mà là những ông quan cách mạng. Và chỉ cần rơi xuống từ lầu ba cũng đủ để kẻ đi bộ bên lề phố chết theo cái người nhảy lầu “tự tử” kia.
Quan chức cộng sản Việt Nam nhảy lầu tự tử càng lúc càng nhiều. Bọn cầm quyền đưa ra những giải thích ngớ ngẩn dù biết chẳng ai tin. Đại khái là hối hận vì làm sai, vì lầm lỗi, vì vân vân và vân vân. Nhưng hối hận, ăn năn tới mức đi tìm cái chết thì tại sao cho đến bây giờ vẫn chưa hề có quan chức nào treo cổ tự tử trong biệt phủ, hay nhảy lầu từ tư dinh mà cứ phải đến cơ quan rồi mới nhảy lầu tự tử.
Ấy là nói về các quan chức Đỏ. Riêng về đám dân Đen nạn “tự tử” cũng tăng lên chóng mặt.
Và nơi người dân kết thúc mạng sống họ nhiều nhất luôn là đồng công an.
Báo cáo của Bộ Công An Việt Cộng năm 2015 cho biết từ 2011 đến 2014 đã xảy ra 226 vụ chết trong đồn công an. Thống kê trong nước cũng cho biết nội trong năm 2018, có ít nhất 11 người chết trong đồn công an, quá nửa bị cho là tự tử.
Đối diện với những cái chết bất ngờ, trước những tử thi tím ngắt máu bầm, xương cốt gẫy khúc, hình hài biến dạng… bọn cầm quyền đưa ra những giải thích vô cùng khôi hài: treo cổ tự tử bằng chiếc quần thun can phạm cũ bỏ lại trong phòng giam, cắn lưỡi tự tử (trong khi phẫu nghiệm tử thi thấy lưỡi nạn nhân còn nguyên vẹn), tự đâm kéo vào cổ để tự tử (kéo ở đâu ra?), phù phổi cấp tính (trong khi khám nghiệm tử thi thấy tổn thương nội tạng; đơn giản là vỡ tim, dập gan, rách lá lách…), chết vì biến chứng tiểu đường (trong khi khám nghiệm thấy vỡ xương sọ)…
Những người “tự tử” ở đồn công an chết rồi vẫn không yên. Bọn lâu la mặc thường phục đến làm khó thân nhân họ, quấy nhiễu đám tang, không cho chụp hình, quay phim lưu niệm. Những chuyện như thế xảy ra ngay cả ở thủ đô Hà Nội.
Chuyện những người bị bắt, đem về đồn công an để điều tra, đã “quá hối hận nên tự tử” xảy ra quá thường xuyên đến mức người dân phát biểu “Chết ở công an phường là chuyện rất bình thường”, nhưng ngay cả những người đến đồn công an tự thú sau khi phạm pháp cũng “dùng dây điện bình đun nước gí vào ổ cắm điện tại phòng hỏi cung, sau đó gí vào tay và ngực” để tự tử.
Ngày 7 tháng Mười Một năm 2013, cộng sản Việt Nam ký Công Ước Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc và được Quốc Hội Việt Cộng phê chuẩn vào ngày 28 tháng Mười Một 2014. Tháng Mười Một 2018, trong phiên điều trần trước Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện Công Ước Chống Tra Tấn, đại diện Bộ Công An cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỷ lệ rất nhỏ 0,3% tổng số phạm nhân đang chấp hành trong trại giam. Các trường hợp chết đều do bệnh hiểm nghèo bị mắc trước khi vào trại. Số này chiếm 98,6%. Chỉ có 1,4% là chết do tai nạn rủi ro; hoặc có 1 trường hợp là tự tử” và giải thích thêm rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tự tử là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về các hành vi phạm tội của mình, dẫn đến bị quan mà tự tử.”
Đúng là một bọn ăn gian nói dối!
Bạn thân mến, Nhật Bản có Rừng Quyên Sinh nơi những người chán sống chọn cho mình lối đi vào Cõi Khác, còn đám cầm quyền cộng sản Việt Nam biến cả đất nước thành một khu rừng quyên sinh khổng lồ hình chữ S, nơi chúng đẩy những con người vẫn còn đang thèm sống – dù là một cuộc sống cơ cực – vào cõi chết, và dán cho cái nhãn hiệu “day dứt, dằn vặt về các hành vi phạm tội của mình, dẫn đến bị quan mà tự tử.”
Tôi tự hỏi không biết có khi nào cái chế độ, cái cơ chế, cái guồng máy, cái chủ nghĩa rác rưởi đang đè đầu đè cổ người dân Việt nhận ra là chúng can tội đẩy dân tộc Việt vào chỗ diệt vong, và (bỗng dưng chúng) biết day dứt, dằn vặt đến mức quá bi quan mà tự xử?
“Mơ mộng hảo huyền!” Có phải bạn vừa mới nói câu ấy và buông ra một tiếng thở dài đó không?
Thiệt tình!
Khúc An

Xem thêm

Nhận báo giá qua email