Từ lâu một số người đã bỏ tiêu chuẩn “ăn no, mặc đủ” lên “ăn ngon, mặc đẹp”.
Xưa kia “đói ăn rau đau uống thuốc”. Thật ra lúc xưa đó, thịt thà cũng không sẵn nên đương nhiên “đói ăn rau” no và lành! Sau này kinh tế mở cửa tiền bạc dần dần dư dả hơn, mọi người ăn bò Mỹ rồi bò Kobe Nhật, pate gan ngỗng Pháp, xúc xích Đức… Nhiều thịt và nhiều thực phẩm ăn liền quá khiến bệnh hoạn gia tăng nhanh chóng. Nào gan nhiễm mỡ, gout, mỡ máu… đua nhau ùa tới.
Thế nên giờ, thay vì ăn ngon mặc đẹp theo tiêu chuẩn Âu Mỹ thì nhiều người quay về thực phẩm với những tiêu chuẩn cổ xưa.
Có thời kỳ, người ta không ăn heo ta có lớp mỡ dầy. Do thịt mắc so với tiền kiếm được nên bữa cơm ít thịt có thể thay bằng các món kho xào nhiều mỡ lấy chất béo. Sau này, ngành chăn nuôi nhập heo giống Yorkshire, Duroc là loại heo có nhiều nạc, ít mỡ và thời gian nuôi nhanh.
Nay, dân thành phố lại chê miếng thịt heo có lớp mỡ mỏng được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, mới bốn tháng đã nặng gần một tạ, xoay qua chuộng giống heo ta, heo mọi chuyên ăn nước gạo, kiếm thức ăn trong vườn nhà như cám, bắp, thân chuối… phải gần cả năm mới xuất chuồng. Chỉ về miền quê xa thật xa nơi người nông dân nuôi vài con, trong bữa giỗ ngả heo mới gặp lại miếng ba chỉ một thời toàn mỡ phều là mỡ phều. Lóc lớp mỡ thịt dầy và chắc ép làm tóp mỡ rưới vào một số món ăn thì thật là… vi diệu. Ở thành phố tóp mỡ trở thành món ưa thích dành cho người sành ăn. Mì trộn tóp mỡ, tóp mỡ chấy tỏi, tóp mỡ kho quẹt… không biết từ lúc nào đã trở thành đặc sản.
Ngành nông nghiệp báo động tràn lan thuốc tăng trọng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… dùng vô tội vạ. Người nông dân chỉ cần cây trồng năng suất cao, bán được giá… mà chẳng thèm để ý tới bệnh ung thư gia tăng ầm ầm.
Đã có thời giống lúa ngắn ngày cho năng suất cao được tung hô. Đáng lẽ vụ mùa phải mất ٦ tháng nhưng lúa ngắn ngày chỉ mất ٣ tháng đã thu hoạch ngay nên không còn lo đói nữa. Giờ mọi người quay lại chuộng giống lúa địa phương dài ngày. Những “người đẹp” ngày xưa như Nàng Hương, Nàng Thơm, Chợ Đào… bón bằng phân hữu cơ tái xuất và trở thành gạo đặc biệt giá cao mang biếu nhau.
Ai có người nhà dưới quê là hậu phương nhờ gửi lên nông sản sạch. Bây giờ giao thông thuận tiện nên cứ gửi gói hàng theo xe khách từ sáng đến trưa đã tới nơi. Người thành phố ra bến xe nhận hoặc nhờ shipper đưa về nhà, mở ra rau cá, thịt, trứng… vẫn còn tươi roi rói.
Không thì tự sản xuất ngay trong thành phố. Thiên hạ bảo nhau thôi ăn uống, sinh sống theo kiểu ông bà ta ngày xưa chỉ dùng những thứ có nguồn gốc từ thiên nhiên. Chắc chắn nhất là chỉ tin vào chính mình. Bởi vậy từ mấy năm nay rộ lên phong trào trồng trọt trên sân thượng theo kiểu tự cung tự cấp.
Các công ty thiết kế vườn cây ăn nên làm ra khi thiết kế đủ loại vườn ngoài balcon, trên sân thượng, từ vườn đất đến vườn thủy canh. Những gia đình cặm cụi không những trồng rau mà còn cây ăn trái, nuôi gà, nuôi cá… thậm chí trồng cả cây ăn quả đều được báo chí hết lời ca ngợi. Để có thực phẩm sạch cho bữa cơm gia đình thì thay vì thành thị hóa nông thôn thì có phần ngược lại, nông thôn hóa thành thị. Nhớ hồi mới sau 75, vệ đường chỗ nào có vạt đất đều bị cuốc lên trồng lang, mì, cải…Ngoài thời gian, công sức mà còn bỏ vào đó rất nhiều tiền bạc. Nhiều gia đình chăm nom không xuể, không còn thời gian học hành vui chơi giải trí, cuối cùng đành phải thuê thợ định kỳ đến coi sóc.
Mang bó rau cải nhà trồng biếu hàng xóm, bà nội trợ khoe coi xù xì, già xấu nhưng không có chút chất hóa học nào hết. Những đốm trắng trên mặt lá là do tưới bằng nước gạo đấy.
Một làng từ miền Trung di cư vào Sài gòn, mướn khu đất nuôi giống heo nội. Mang con giống từ “ngoải” vào, đi xin hoặc mua thức ăn thừa của quán ăn, nhà hàng về nấu nồi cám cho heo ăn. Nhớ hồi nào, mỗi nhà đều có một thùng “nước cơm”. Cơm thừa canh cặn đổ vào đấy cho người nuôi heo từng ngày đến lấy. Chỉ có điều nồi cám heo nhìn không… đẹp mắt như thức ăn công nghiệp và heo nuôi trong khu dân cư kiểu đó vô cùng ô nhiễm vì mùi hôi hám và nước thải ra cống, hàng xóm có nước bán nhà bỏ đi chỗ khác ở. Mấy trại nuôi heo than thở hồi đó lập trại giữa đồng không mông quạnh. Sau này, khu dân cư dần dần phát triển sát tận nơi rồi lại kiện trại heo gây ô nhiễm.
Con gà cũng được nuôi theo đúng chuẩn “Fuji, Sakura”. Ăn rau xanh, bắp, cám ủ lên men sinh học. Uống nước nấu với đinh lăng, sả, gừng… Người nuôi cũng đã nhận thấy gà công nghiệp thịt bở rục nấu kiểu nào cũng nhạt và bã nên mau chóng cho ra đời con “gà đi bộ” tức là gà bán công nghiệp nhưng được thả chạy trên một khoảnh đất.
Gà quê mới đích thực chạy tung tăng khắp vườn mổ thóc, rỉa sâu… thịt chắc, ngọt được ưa chuộng hơn cả. Vì không nuôi công nghiệp nên số lượng không nhiều. Ngoài chợ mấy chỗ chuyên bán hàng quê bày mấy con gà làm sẵn nhìn biết ngay gà quê vì nhỏ xíu trong khi gà công nghiệp to gấp ba lần.
Những sạp hàng quê này thường nhỏ xíu vì đây là hàng sạch thuộc loại tuyển chộn, có nhiều đâu mà bán rộng rãi. Rau xanh xịt thuốc tăng trưởng cho nhanh phát triển, xịt nhớt cho lá xanh mướt. Chính người nông dân cũng sợ nên phải làm riêng mảnh vườn rau dùng trong gia đình. Thậm chí người ta mách nhau bó lá màu xấu, sâu ăn lỗ chỗ đích thực rau sạch. Bó nào càng bóng bảy, mướt mát càng đẫm đủ các loại thuốc hóa học: thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng… Cây còn non, xịt thuốc qua một đêm sáng hôm sau mọc tươi tốt um tùm như có đũa thần gõ vào. Thật ra vào các siêu thị vẫn có quầy rau sạch nhưng giá đắt gấp hai hay ba lần nên dù biết rau không tốt lắm, người tiêu dùng không còn sự chọn lựa nào khác khi túi tiền có hạn.
Phong trào ăn rau rừng đi kèm với bánh xèo rộ lên nhiều năm nay. Rau rừng, rau dại mọc ở bờ sông, bờ ruộng… lên ngôi. Nào là sao nhái, quế vị, lộc vừng, đọt choại, săng máu, lá bứa, lá cách, trâm ổi… Rau lạ khiến các món ăn dân dã quê mùa như bánh xèo, ca nướng… được nâng lên một bậc và nó khoái khẩu tới mức cầu nhiều hơn cung. Thay vì hái vơ vét ven ruộng ven đường thì nông dân đã phải mang rau hoang về trồng đại trà như mọi loại rau khác mới cung ứng đủ cho thị trường. Vậy đâu còn rau sạch tự nhiên nữa mà như mọi loại rau quen thuộc khác được trồng với đủ thứ phân bón tưới vào.
Rất nhiều bệnh hoạn tìm đến qua đường ăn uống nên vấn đề an toàn thực phẩm gần đây đã được lưu ý đưa ra.
Nhiều nơi bán hàng thực phẩm gắn mác organic: gạo organic, thịt heo organic, sữa bò organic…
Hết thời của những con bò sữa mà chi phí thuốc kháng sinh chiếm tỷ lệ cao. Giờ là thời của sữa hữu cơ. Tất cả thức ăn, nước uống cho đàn bò đều được nuôi trồng tự nhiên, đồng cỏ không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học, chỉ bón bằng phân xanh, phân chuồng… Con bò còn được chú trọng về mặt tinh thần là chăn thả tự do trên đồng cỏ. Về chuồng nghe nhạc giao hưởng. Gà sạch cũng vậy, được trị bệnh bằng thảo dược và nghe nhạc du dương!!!
Thủy sản tự nhiên cũng được chuộng hơn loại nuôi. Ông chủ nhà hàng rao con tôm nhỏ rí mắc hơn con tôm to do ăn rong rêu, vi sinh vật chứ không phải loại ăn cám thức ăn gia súc với thuốc tăng trọng. Cá lóc đồng nhỏ nhưng thịt thơm và chắc khác với cá nuôi to khủng gấp bốn, năm lần. Rau, quả bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu quá mức xuất khẩu sang các nước tiên tiến đã bị trả về.
Chê dầu gội đầu nồng nặc mùi hương, làm rụng tóc, bà mẹ mất công nấu chùm bồ kết với cỏ mần trầu, thêm bó lá sả thơm lừng cho con gái gội. Bắt kịp nhu cầu này nên thị trường có dầu gội đầu bồ kếp, dầu bưởi chống rụng tóc. Còn như không có thời nấu nước gội đầu và cũng không muốn mua các chai dầu gội gắn mác tự nhiên thì vào các spa cao cấp gội đầu thảo dược vậy!
Tiếp tới việc tẩy chay bao bì nylon vì 500 năm mới bị phân hủy. Phong trào “Nói không với bao nylon” dùng lá chuối, lá dong… làm bao bì. Dùng cỏ bàng, tre, trúc… làm ống hút. Đã có nhà chỉ trồng cây chuối rừng chuyên lấy lá mà bỗng thành phát tài. Lá dong trước chỉ dùng hai đợt trong năm là tháng Giêng gói bánh chưng và tháng Năm gói bánh tro thì nay được dùng quanh năm.
Một trường đại học ở Sài gòn mở đầu phong trào không dùng chai nước, ống hút, các vật dụng như ly, dĩa, muỗng sử dụng một lần bằng nhựa mà phát cho sinh viên bình đựng nước.
Đi du lịch cũng theo du lịch xanh. Bớt tìm đến nhưng điểm du lịch với những tòa nhà cao ngất trời, công viên với những tượng thú bằng xi măng… mà đến những khu rừng nguyên sinh, vườn hoa tự nhiên, sống homestay cùng dân làng, rảo bộ, chạy xe đạp quanh thôn làng, nấu ăn bằng bếp lửa…
Nhưng kết quả thực tế không như là mơ chút nào . Phong trào dùng bình đựng nước thay các chia nhựa không tiện lợi. Lá chuối, dây gai cột bó rau vừa lôi thôi, tốn công, tăng giá thành…Ống hút bằng cỏ bàng chỉ dùng ở những quán sang vì tăng thêm giá thành ly nước. Nhiều nơi bao bì bằng giấy được tính chung vào giá bán nhưng cũng có siêu thị thực phẩm khi dùng túi giấy đều tính thêm từ 3 ngàn – 5 ngàn/ 1 túi giấy. Chẳng khách hàng nào muốn trả thêm tiền kiểu này.
Muốn dùng sản phẩm sạch thật khó.
SGCN