Sáng nay thức dậy

Sáng nay thức dậy không bình thường như vừa qua một đêm suông vì góc màn hình máy điện toán vô tình hay ngẫu nhiên, cũng có thể là cố ý hiển thị ngày 30 tháng 04. Thế là đã tròn bốn mươi tám năm ngày nhà tan cửa nát, gia đình ly tán. Từ cái ngày định mệnh ấy, cả nhà chưa bao giờ được đoàn tụ đủ mặt và sẽ không bao giờ nữa vì có những thành viên trong gia đình đã ra người thiên cổ. Nhìn lại mốc thời gian đã trở thành lịch sử với một số người sanh sau đẻ muộn như ngày mùng năm tết năm Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh là một ngày lịch sử trong lòng người Việt. Biết nói làm sao cho hết cảm nghĩ mỗi sáng mùng năm tết thức dậy đều sảng khoái, tự hào dân tộc với chiến thắng Đống Đa đã hơn hai trăm năm nhưng tự hào dân tộc vẫn vui sướng trong lòng. Nên biến cố lịch sử 30 tháng 04 năm 1975 với một số người cũng chỉ là một ngày lịch sử trong lịch sử dân tộc. Người học trò ở miền nam trước 1975, học lịch sử dân tộc để tự hào về chiến thắng Đống Đa, tự hào về vị vua bất bại của thế giới vì Đại đế Napoleon của Pháp là người cùng thời với vua Quang Trung của Việt nam, nhưng vua Napoleon thua thê thảm ở Nga còn vua Quang Trung của Việt nam là vị vua bất bại của dân tộc Việt nam, của cả thế giới hiếm hoi có một Đại đế bất bại như Quang Trung Đại đế.
Lịch sử là vậy đó, những trang sách giáo khoa bậc tiểu học nhưng lưu cữu trong con người tới suốt đời về tự hào dân tộc. Sáng nay ngồi nhớ về ngày này của bốn mươi tám năm trước, lịch sử nước nhà sang trang. Một trang sử mới mở ra cho cả dân tộc, làm thay đổi mọi gia đình, mọi con người từ bắc vô nam. Không nhìn về một phía bên thua trận để chỉ thấy gia đình ly tán, từng người thân đi tù cải tạo, từng người quen bỏ nước ra đi không hẹn ngày về… Cuộc sống miền nam thay đổi theo chiều hướng xấu đi, xấu hơn thời Đệ nhị Cộng hoà bao nhiêu lần. Hãy nhìn bên thắng cuộc trong trạng thái tâm bình khí hoà thì sao chứ? Cũng rất nhiều những gia đình ngoài bắc chờ mãi sau hoà bình nhưng con em đi nam đã không về, những người con sinh bắc tử nam ấy đã làm được gì cho đất nước, cho dân tộc, cho đồng bào, hay cái chết của họ đã hoàn toàn vô nghĩa sau chiến thắng vì chiến thắng không đem lại phú cường cho nước nhà, dân tộc. Đất nước chìm xuống vực sâu của nghèo đói, lạc hậu và hố phân cách quốc-cộng thêm sâu do phân biệt đối xử của bên thắng cuộc.
Có thể nói ngày 30 tháng 04 năm 1975 cũng là một ngày lịch sử của dân tộc Việt, nhưng là một ngày lịch sử đen tối, ngày chiến thắng của làn sóng đỏ đã dìm con rồng châu Á, hòn ngọc Viễn đông xuống vũng lầy chủ nghĩa. Nên cũng không lạ gì thế hệ lớn lên sau hoà bình miễn cưỡng rất khiên cưỡng khi nghe nói đến ngày kết thúc chiến tranh Việt nam. Cột mốc lịch sử làm thay đổi sách giáo khoa trong trường học. Trẻ nhỏ không còn được học về lịch sử chống ngoại xâm bất khuất của tiền nhân để noi gương người xưa mà giữ gìn bờ cõi. Thay vào tự hào dân tộc là sự dối trá chủ nghĩa qua những nhân vật không có thực ngoài đời nhưng có thực trong sách giáo khoa như anh hùng Lê văn Tám – lấy thân làm đuốc sống đốt kho đạn của Mỹ-Ngụy, chị Út tịch trèo lên cây dừa để đái xuống đầu giặc Mỹ và bọn tay sai; Bà má Hậu giang nuôi ong tay áo mà sau này nhạc sĩ Trịnh công Sơn viết nên nhạc phẩm Huyền thoại mẹ…
Biến cố lịch sử 30 tháng 04 đã làm thay đổi quan hệ đồng bào vì đồng chí với nhau còn chẳng tin nhau thì đồng bào vô nghĩa. Thế hệ lớn lên với cái khăn quàng đỏ trên cổ như gọng kềm máu cũng đã sống nửa đời người, họ cũng gian nan nào chưa từng trải để sinh tồn. Vậy ý nghĩa của hoà bình ở đâu mà mỗi năm ở những cộng đồng người Việt bên Đông Đức vẫn khua chiêng gióng trống ngày 30 tháng 04. Họ có khi nào tĩnh tâm để nhận ra lý do vì sao họ có mặt ở Đông Đức mà không phải quê nhà khi đất nước họ đã hoà bình, hết chiến tranh. Cha anh họ trở về não nề như thế nào sau khi chiến cuộc tàn, những “đi giải phóng miền nam” biết họ đã bị lừa khi đặt chân vào mảnh đất Sài gòn, đại diện cho miền nam mà nhà văn Dương Thu Hương đã từng viết ra giấy trắng mực đen…
Bốn mươi tám năm thời gian không làm cho những đứa bé khăn quàng đỏ thức tỉnh. Bốn mươi tám năm thời gian đã hoá kiếp bao người tham chiến của hai phe trong muộn phiền, bao người còn lay lất nơi tha phương cầu thực. Ai đã đến Khu chợ Đồng Xuân là tiêu biểu của người Việt miền bắc đi lao động hợp tác, đi chui sang Đông Đức kiếm sống với đủ ngành nghề kể cả mại dâm và móc túi, buôn bán chất cấm, cả thịt chó tươi… Đã bao giờ bạn mang tâm thế người thua cuộc mà lại thấy tội nghiệp cho kẻ thắng chính mình vì họ thật sự rất tội nghiệp. Sống chui rúc trong những cái thùng container là nhà, chịu đựng thời tiết giá rét bên Đông Đức chỉ để ca tụng bác và đảng. Họ mất khả năng tư duy về việc, lý do tại sao họ ra như thế; họ không thể hiểu những người họ ca tụng là nguyên do dẫn lối đưa đường họ đến với cuộc sống lầm than nơi đất khách quê người trong tư thế di dân bất hợp pháp sau hoà bình ở quê hương họ.
Thế kỷ XX đã khép lại nhưng những vết thương chiến tranh trong thế kỷ đầy chết chóc ấy vẫn còn làm đau nhức nhiều con người, nhiêù gia đình, nhiều dân tộc, nhiều quốc gia… Đứa trẻ đi qua chiến tranh còn lại gì ngoài vài vết sẹo do dây thép gai thời chiến tranh để lại như vết thù trên lưng ngựa hoang bởi từ đó cuộc đời đã bất định, tương lai không hề có vì hệ lụy đã chiếm hết tâm tư. Sáng nay thức dậy với góc màn hình hiển thị đã tròn bốn mươi tám năm phiêu bạt từ khi nhà tan cửa nát, gia đình ly tán. Cả đời người sống như trong mơ, mơ một ngày không bao giờ có thật là đất nước thái bình, người dân hai miền không còn khoảng cách vì nói chung ngôn ngữ, cùng nhau có lịch sử thật về tổ tiên và những trang sử oai hùng đóng bụi trong thư viện đã bốn mươi tám năm; lịch sử thật sẽ phai tàm theo thời gian để những giả dối đi vào lịch sử. Việt nam không còn vị thế con rồng châu Á, hòn ngọc Viễn đông đã nửa thế kỷ qua. Tính tới thời điểm năm 1975 thì kinh tế và công nghiệp, mọi mặt của Thái lan đi sau Việt nam một phần tư thế kỷ, nhưng nay Việt nam đi sau Thái lan một trăm năm, là thành tích của bên thắng cuộc sau bốn mươi tám năm cầm quyền. Những ông lính già đang từng ngày về đất, những đứa trẻ sớm xa nhà trên khắp hành tinh từ biến cố 30 tháng 04 năm 1975 ở quê nhà. Có muốn quên cũng không quên được vì người ta luôn nhớ tới đớn đau trước những hạnh phúc nhất thời nơi đất khách quê người…
Sáng 30 tháng 04 thức dậy nơi không phải quê nhà đã bốn mươi tám lần trong đời người ngắn ngủi, người dạt trôi biết làm hơn xách cây cần câu ra hồ gởi sóng, nhờ gió mang về cố thổ lòng hoài hương của một kiếp người không may…
Phan

Xem thêm

Nhận báo giá qua email