Cuộc bầu cử 2020 tại Mỹ được nhiều người đánh giá là cuộc bầu cử gay cấn nhất từ trước tới nay với kết quả là một nước Mỹ bị phân chia: người dân chia rẽ và cả hai phe cùng lớn tiếng tranh cãi nhau về số phận tương lai của đất nước mà không thấy bên nào chịu nhường nhịn bên nào.
Trong suốt năm qua, bạn bè cãi vã nhau trong khi nhiều người khác thì quyết định không thèm nói chuyện với nhau nữa. Nhiều thành viên trong gia đình với quan điểm đối nghịch đã không chịu nhìn mặt nhau, thậm chí có người còn từ nhau. Rồi tin tức và các bài viết với quan điểm chính trị khác nhau tràn ngập trên mạng xã hội lại càng đẩy người ta tới hai thái cực trái ngược nhau.
Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng đã không ngừng lại ở thời điểm của ngày bầu cử 3 Tháng 11 mà có lẽ còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa vì những vụ kiện tụng pháp lý đòi hỏi phải đếm lại phiếu cũng như loại bỏ một số phiếu bầu qua thư bị cho là không hợp lệ tại một số khu vực bầu cử.
Trong các cuộc thăm dò và phỏng vấn trên khắp nước Mỹ, nhiều người Mỹ cho biết họ cảm thấy bị căng thẳng trước sức nặng của cuộc bầu cử, lo lắng về triển vọng của ứng cử viên và tình trạng bất định sau ngày bầu cử; rồi thì phe này bực tức, chán ghét phe kia, tức giận trước những diễn ngôn chính trị của ứng cử viên họ không ưa, và thậm chí sợ hãi về những vụ bạo động mà họ lo sợ có thể xảy ra sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Cộng thêm vào những lo lắng có sẵn, cuộc bầu cử diễn ra trong lúc trận đại dịch đang hoành hành trở lại và chỉ riêng nước Mỹ đến nay đã có trên 200,000 người chết, nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn hồi phục trở lại và thậm chí con vi khuẩn còn xâm nhập vào tới phòng làm việc của tổng thống khiến ông tổng thống phải sống cách ly trong hai tuần và bàn dân thiên hạ lại được một phen bàn tán xôn xao ai sẽ lên thay thế nếu như tổng thống có mệnh hệ gì.
Trong suốt thời gian từ mùa hè kéo qua tới mùa thu, nước Mỹ bị chấn động vì những cuộc biểu tình và bạo loạn liên quan đến vấn đề kỳ thị chủng tộc, trong khi cái chết của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg chỉ một tháng trước ngày bầu cử cũng đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi chính trị về tương lai của tối cao pháp viện. Cử tri thuộc đảng Dân chủ đã sẵn bực tức thì nay lại giận dữ hơn nữa khi Tổng thống Donald Trump nêu nghi vấn về sự trong sạch của tiến trình bầu cử năm nay. Cử tri ủng hộ ông Trump thì tố cáo truyền thông đã cố tình làm ngơ không đưa tin về những vụ làm ăn mờ ám của Hunter Biden, con trai của ứng cử viên Joe Biden.
Với quá nhiều những sự kiện dồn dập xảy ra trong năm 2020 đã làm cho nước Mỹ trở nên chia rẽ sâu sắc và đưa tới biết bao những khó khăn. Các chuyên gia cho rằng tình trạng căng thẳng trong cuộc sống hiện nay có thể coi như một trải nghiệm chung đối với hầu hết người Mỹ, bất kể là người đó thuộc đảng phái nào.
Kết quả một cuộc khảo sát do Harris Poll thực hiện cho Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA)vào Tháng 10 cho thấy có tới hơn hai phần ba người Mỹ trưởng thành – khoảng 68% – nói rằng cuộc bầu cử tổng thống năm nay góp một phần lớn làm cho cuộc sống của họ thêm căng thẳng, một sự gia tăng đáng kể so với con số 52% người đã cho biết như thế trong cuộc bầu cử 2016 bốn năm trước.
Theo ý kiến của Vaile Wright, giám đốc chuyên về chăm sóc y tế của APA, cho biết một phần của sự căng thẳng trong cuộc sống là do từ tình trạng bất ổn đang hiện hữu khắp nơi trong xã hội Hoa Kỳ và khiến cho người dân cảm thấy quá mệt mỏi. Một phần lớn của sự mệt mỏi đó có liên quan trực tiếp tới đại dịch, khiến cho hàng nhiều triệu người Mỹ đã phải cấm cung trong nhà của họ và cuộc sống tù túng đó kéo dài hàng nhiều tháng trời ngoài sự dự đoán của mọi người.
Cuộc khảo sát trên còn cho thấy có khoảng 60% những người trả lời nói rằng có quá nhiều những vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt chính là điều khiến họ cảm thấy bị choáng ngợp, và cứ trong năm người lớn thì có một người cho biết sức khỏe tinh thần của họ kém hơn so với cùng thời điểm này năm ngoái. Nhiều người trở nên biếng ăn, biếng ngủ, cần sự giúp đỡ mà không biết tìm đến ai.
Sau cuộc bầu cử năm 2016, nhiều người cho biết cuộc sống của họ trở nên chán nản tận cùng vì ứng cử viên họ ủng hộ là bà Hillary Clinton bất ngờ bị thất cử. Những người này đã không thể tin đó là sự thật, và từ sự không tin đó đã đưa tới buồn bã, giận dữ và lo sợ.
Lúc đó đã có nhiều người nói tới hiện tượng “rối loạn căng thẳng hậu bầu cử”. Mới đầu nghe thì có vẻ đây là một chuyện tưởng tượng, nhưng sau đó người ta thấy rằng hiện tượng này là có thật. Chỉ trong mấy tuần lễ sau bầu cử, tình trạng “lo lắng và trầm cảm hậu bầu cử” đã dần dần biến thành một căn bệnh tâm thần trong một phần dân số nước Mỹ, và một số chuyên gia y tế đã đưa ra đề nghị áp dụng một số phương pháp điều trị bao gồm từ trị liệu bằng kích thích điện nãođến trị liệu bằng hương thơm.
Không biết có bao nhiêu người tìm đến những phương pháp trị liệu được đề nghị đó, hoặc trong số đó thì phương pháp nào hiệu quả nhất. Tuy nhiên, mới đây có người đề nghị một phương pháp trị liệu hậu bầu cử hết sức đơn giản và bảo đảm là hiệu quả hơn tất cả những phương pháp kia: cố thắng trong kỳ bầu cử tới thì mọi chuyện sẽ ổn thoả.
Cho tới thời điểm này (tức hơn một tuần lễ sau ngày bầu cử), nhiều triệu người Mỹ vẫn còn đang chờ để xem căn bệnh của họ có được chữa khỏi bằng phương pháp đơn giản như được đề nghị ở trên hay không. Cuộc bầu cử ở Mỹ vẫn còn đang dùng dằng, ông Joe Biden đã tuyên bố chiến thắng, ông Donald Trump vẫn chưa chấp nhận thua, nhiều tiểu bang vẫn chưa chính thức tuyên bố kết quả, và nhiều vụ kiện tụng pháp lý có lẽ sẽ xảy ra trong những tuần lễ sắp tới.
Tuy nhiên, nếu như ông Biden thắng, và nhiều người tin rằng cuối cùng thì ông là người thắng cử, thì nỗi đau khổ của những người ủng hộ cho bà Clinton bốn năm trước nay đã được chữa lành. Nhưng khổ nỗi là sự đau khổ vẫn chưa chấm dứt mà đơn giản là nó chỉ mới vừa chuyển sang cho những người đau khổ mới của phe thua cuộc. Một số người có thể lập luận rằng một nửa nước Mỹ bị rơi vào tình trạng căng thẳng và đau khổ là điều không thể tránh khỏi trong một quốc gia có hệ thống chính trị đối đầu và cạnh tranh khốc liệt như tại Mỹ. Và tình trạng căng thẳng sau bầu cử, đặc biệt đối với bên thua cuộc, là điều không có lợi cho kinh tế quốc gia. Khi người ta chán nản, buồn bực thì còn tâm trí nào để đi ra ngoài tiêu xài thoả thích nữa.
Điều nhận định trên có lẽ đúng. Tuy nhiên, không ai có thể bắt buộc người ta phải tham gia trò chơi đối đầu chính trị này. Nếu như ta ở phe thua cuộc, thì tại sao không tự giảm bớt đau khổ bằng một vài cách thực hành đơn giản, chẳng hạn dặn lòng mình là sẽ còn cơ hội khác. Và nếu ta thuộc phe thắng cuộc, ta có thể trong khả năng của mình tỏ ra khiêm nhường hơn và nhã nhặn với bạn bè và hàng xóm, là những người đã bỏ phiếu khác với mình, và nếu được vậy thì sẽ giúp cho cuộc sống của mọi người nhẹ nhàng hơn một chút.
Hiệu ứng hạnh phúc của các cuộc bầu cử gay cấn – đặc biệt là bầu cử tổng thống – là điều có thật và đã được chứng minh qua nghiên cứu. Năm 2015, một nhóm học giả thuộc nhiều trường đại học khác nhau đã cho phát hành một tập nghiên cứu xét về hiệu ứng hạnh phúc của cuộc bầu cử 2012 dựa trên kết quả khảo sát từ hơn 300,000 người Mỹ. Các học giả nhận thấy sự giảm sút đáng kể về hạnh phúc ngay sau cuộc bầu cử trong số những cử tri ủng hộ ứng cử viên thua cuộc, trong trường hợp này là ông Mitt Romney của đảng Cộng hòa. Nói một cách cụ thể hơn, trong khi có khoảng 60% cử tri Cộng hòa nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày trước cuộc bầu cử, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 30% một ngày sau cuộc bầu cử.
Hiện tượng này có lẽ cũng đã xảy ra đối với cử tri Dân chủ trong cuộc bầu cử 2016.
Một điều thú vị là trong khi mức độ hạnh phúc của cử tri bên thua cuộc sụt giảm, mức độ hạnh phúc của cử tri bên thắng cuộc lại không thấy tăng lên. Nói cách khác, dường như trong các cuộc bầu cử tổng thống, hạnh phúc của người thua thì thua nhiều hơn là hạnh phúc của người thắng thu vào.
Nhưng cho dù là trận đại dịch, cuộc bầu cử hay bất kỳ sự việc gây thất vọng nào thì mọi người nên nhớ rằng đây có thể là cơ hội mang lại cho ta những bài học khôn ngoan nếu như ta có thể ghi nhớ, học hỏi và áp dụng chúng vào trong hành động. Và cho dù cảm xúc của mỗi người có là thế nào đi nữa sau khi cuộc bầu cử 2020 kết thúc, điều mọi người có thể yên tâm rằng mình sẽ không phải trải qua những xúc động và căng thẳng đó trong bốn năm nữa.
Huy Lâm