SHITHOLE

Nguyễn Thơ Sinh
Học tiếng Anh cơ bản nhiều từ phổ thông cần thiết sử dụng hàng ngày ai cũng biết, như good, bad, morning, Monday, husband, house, job, today, my name, I’m hungry… Kế đó là những từ trừu tượng, văn vẻ, mách tục, chửi thề… Điều này kinh nghiệm di dân (trong đó có bà con Việt mình) hầu như ai cũng trải qua.

Vặn ngược kim đồng hồ, những ngày đầu bỡ ngỡ lạ nước lạ cái. Vèo đưa như lá tre bay trong gió thu trong thơ Nguyễn Khuyến thuở nào, thời gian trôi nhanh như ăn trộm, lấp la lấp ló, lén lén lút lút, cuối cùng chỗ này kỷ niệm mười năm hội nọ, chỗ kia kỷ niệm hai mươi năm hội kia, giáo xứ, chùa chiền… Nhiều thập niên trôi qua, chưa bao giờ sân khấu chính trị Mỹ rôm rả ì xèo, lộn tùng phèo như hiện nay.

Vâng. Không muốn nói đến Nhà Trắng và thế lực đối đầu của Tổng thống Trump nữa. Càng không muốn nói đến sân khấu chính trường giữa Quốc tế với Mỹ bởi ông đã quyết định Mỹ là ưu tiên số một: America First. Thậm chí tại các diễn đàn Quốc tế, Tổng thống Trump đã “khóa miệng” các nguyên thủ quốc gia, bảo thẳng: Trong cương vị lãnh đạo quốc gia quý vị phải quan tâm đến đất nước mình trước, tôi cũng thế – Ý ông là vậy, hai năm rõ mười, đã thế còn nguyên thủ quốc gia nào đủ kiên nhẫn đàm phán với ông về lợi ích toàn cầu chung!

Tại các bàn tròn thương nghị (quốc nội và quốc tế) Tổng thống Trump nói rõ Mỹ sẽ chấm dứt đóng vai “cảnh sát trưởng của thế giới”. Ông bộc lộ rõ thái độ sẽ “đánh tháo” những chương trình trợ giúp. Cụ thể, ông mạnh mẽ trong các quyết định cắt giảm nhiều khoản chi tiêu mà thế giới đang cần. Ngay cả các khoản Mỹ từng hào phóng viện trợ cho LHQ cũng đã bị cắt xén thẳng tay. Pakistan thì khỏi nói, gói viện trợ quân sự dành cho nước này đã bị cắt giảm đến… sát cuống! Tạm xin được miễn bàn việc làm của ông đúng hay sai; vì bảo đúng cũng rất đúng, bảo sai cũng chẳng sai, bởi Mỹ và thế giới đang đối diện với biết bao khó khăn chồng chất (nên) chuyện cắt giảm là chuyện có không muốn cũng chẳng được.

Tóm lại: Chuyện thời sự chính trị thế giới hiện nay chỗ nào nhìn vô cũng xốn mắt. Vết cắt sâu hoắm nhưng chỉ được băng lại bằng một cái Band-Aid nhỏ. Bị cao huyết áp nặng song chỉ uống vài viên baby aspirin 81mg thì ăn thua gì? Cứ thế, dân tình thống khổ, nhất là những di dân từ Châu Phi, Trung Đông kéo vào Châu Âu, DACA, dân Haiti, dân El Salvador, dân Puerto Rico… kêu than như bọng, trong khi các nan đề lớn chỉ giải quyết ở mức “cầm máu”, không hề có bất cứ kế hoạch “phẫu thuật” dứt khúc nào.
Than thở mãi cũng chán… Giờ nói chuyện học Anh ngữ giải khuây. Vài năm gần đây tự nhiên có Google Translation nhảy bổ vào làm “chủ xị”, nhiều ngôn ngữ được dịch sang tiếng Anh (hay từ tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ) quá thoải mái. Đó là những gì nhìn từ bên ngoài, sự hào phóng của Google Translation có vẻ rất tuyệt vời và tiện nghi. Nhưng giá phải trả của nó thực ra rất khủng khiếp ít người nghĩ qua.
Nhàn đàm nhắc lại chuyện xưa một chút, kỹ nghệ âm nhạc (chủ yếu băng từ và CD) đã bị Internet khai tử. Điện ảnh Hollywood gián tiếp bị vả vào mặt một cú xây xẩm mặt mày. Chợ búa thi nhau đóng cửa (bởi nhiều thương hiệu nổi tiếng một dạo tại những khu mua sắm sầm uất như Sears, JC penny, Dillards…) đã bị Amazon.com và Wal-Mart đẩy vào bước đường cùng. Nhiều doanh nghiệp từng ngỡ có thể đủng đỉnh rung đùi kiếm cơm vĩnh viễn bỗng nhiên bị xóa xổ, chẳng hạn nhiều hãng xe taxi bị Uber, Lyft, Curbs, Ola, Grab… bóp nghẹt yết hầu. Mua vé máy bay không cần travel agents nữa. Hoặc không trả bill bằng check (nên giá tem bao nhiêu xu cho một lá thư 1st class standard) không ai biết.

Nhân loại đang bước vào những địa hạt một thuở được coi là cấm địa, nhiều khám phá mới cho phép “khoa học viễn tưởng” trở thành sự thật. Khoa học kỹ thuật không ngừng cải tiến và hoàn thiện. Khám phá mới tiêu diệt khám phá cũ không nương tay. Hậu sinh, của đáng tội, có khả úy hơn, song thay đổi quá nhanh đến nỗi con người không đủ thời gian đối phó, cuối cùng khoa học tiến bộ chưa hẳn sẽ đem lại những lợi ích thiết thực.

Bàn chuyện học Anh ngữ với sự có mặt của Google Translation nhiều bậc tiền bối cảm thấy xót xa. Chưa khi nào giá bán những cuốn từ điển đáng kính tại nhà sách rơi vào cảnh hẩm hiu đến thế! Vâng. Rất rẻ. Vô cùng rẻ. Thế mà vẫn chẳng ai mua. Điều đó khiến người ta chua xót hoài tưởng những cái thú, những dĩ vãng đẹp của việc học ngoại ngữ ngày xưa.

Giờ, chỉ cần gõ chữ (nhờ điện thoại thông minh với màn hình cảm ứng hiển thị). Rồi bấm nút. Xong. Thật đáng phục. Nghĩa cần tìm trong tiếng mẹ đẻ hay nghĩa bất cứ ngoại ngữ nào cần tra sẽ hiện ra trong tích tắc. (Nhưng) chuyện đó xem ra sắp “xưa như trái đất”. Với kỹ thuật xử lý âm thanh tiếng nói càng ngày càng hoàn thiện, “bàn phím cảm ứng” trở thành lạc quẻ. Vâng. Không cần gõ chữ nữa. Người ta chỉ cần nói. Thậm chí nói bằng tiếng mẹ đẻ, nghĩa cần tìm của từ nước ngoài hiện ra trong nháy mắt. Nếu đã thế, ai cần học tiếng Anh, ai cần tra từ điển làm gì cho mệt, đúng không?
Không chỉ từ vựng sử dụng phổ biến quen thuộc hàng ngày, nhiều từ ngữ xa xỉ hơn, cắc cớ hơn cũng sẽ dễ tìm. Một dạo người ít tiếng Anh đi bác sĩ phải có người thông dịch. Nay với chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần nhạy bén và linh hoạt một chút là họ có thể trò chuyện với bác sĩ một cách trực tiếp nhờ chức năng thông dịch của điện thoại thông minh.

Cứ thế, tiếng Anh với sự chắp cánh của internet và điện thoại thông minh đang trở thành một Tháp Babel ngôn ngữ. Theo Kinh Thánh, ngày đó nhân loại xây Tháp Babel thật cao đề phòng Lụt Hồng Thủy lần thứ hai. Thượng đế không mấy hài lòng với thái độ “coi trời bằng vung” ấy của loài người nên đã phá hủy kế hoạch của họ. Ngài biến họ không nói chuyện với nhau được. Chẳng ai hiểu ai, mọi thứ cứ thế loạn cào cào lên. Cuối cùng việc xây Tháp Babel phải hủy bỏ. Loài người phân tán khắp nơi. Đó là giải thích tại sao loài người có nhiều ngôn ngữ tiếng nói khác nhau.

Vâng. Tiếng Anh đóng vai trò trung gian quan trọng giữa các ngôn ngữ, cộng với sự tấn công vũ bão của kỹ nghệ thiết kế các phần mềm (apps) quá tiện ích, người không cùng ngôn ngữ có thể trò chuyện với nhau không mấy khó khăn. Thế giới vì thế đã có một Tháp Babel ngôn ngữ. Không biết Thượng đế sẽ làm gì để phá vỡ kế hoạch xây tháp Babel ngôn ngữ lần này của con người (?)

Nhưng… Nói thì nói vậy, một Tháp Babel ngôn ngữ hoàn thiện chưa thể có trong lúc này. Nó cần thêm thời gian để hoàn thiện. Cụ thể, nếu gõ từ shithole Tổng thống Trump ám chỉ lý lịch các nước Châu Phi, bạn thấy ngay Google Translation chưa đáp ứng được nhu cầu thông dịch đối với tất cả ngôn ngữ. Với hơn 100 ngôn ngữ hiện đang có mặt tại dịch vụ Google Translation, không phải ngôn ngữ nào cũng có nghĩa tương đương. Gõ shithole rồi chọn nghĩa tiếng Spanish, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Trung Quốc (giản thể và phồn thể), tiếng Latin, tiếng Việt, đều không thấy có.

Gõ tiếng Nga, may quá, có: дыра. Tiếng Thụy điển cũng có: skithĺl. Tiếng Nhật có phiên bản của shithole là シトーレ (bấm vào phần phát âm bạn có thể nghe được phiên bản shithole tiếng Nhật).
Tóm lại, Google Translation là một Tháp Babel ngôn ngữ đang trên đường hoàn thiện. Nhưng sau biến cố Tổng thống Trump dùng chữ shithole nói về các nước Châu Phi, cứ đà này, những từ thuộc nhóm cấm kỵ (taboo), bôi nhọ danh dự (defamatory), khiếm nhã (rude), bất kính (disrespect), hoặc tục tĩu (vulgar) như từ shithole sẽ được bổ sung vào bộ sưu tập bản dịch, dần dần nó sẽ hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn.

Còn bạn, bạn nghĩ gì? Nghĩa của từ shithole gồm hai từ shit và hole ghép lại. Dịch nôm na shit có nghĩa là phân (hay cứt), hole là lỗ. Shithole là lỗ để đại tiện, tức một hình thức toilet sơ khai khi con người chưa có bồn cầu. Nay nhờ Tổng thống Trump kho từ vựng của bạn được phong phú thêm một chữ. Tuy nhiên khi được sử dụng để nói về một đất nước hay một châu lục, bạn có thấy cách ăn nói của Tổng thống Trump có phần quá đáng? Hoặc bạn có nghĩ khi dạy tiếng Anh ESL (English as Second Language) cho các học viên mới, những từ “nặng ký” như shithole có nên đưa vào danh sách từ mới (new vocabulary) cho họ học hay không?

Nguyễn Thơ Sinh

Xem thêm

Nhận báo giá qua email