Siêu việt dã

Chạy việt dã là một trong những môn thể thao lâu đời nhất và nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong những sự kiện thể thao quan trọng trên thế giới. Đặc biệt tại Thế vận hội mùa hè, nó vẫn thường là cuộc đua cuối cùng trước khi Thế vận hội chính thức bế mạc và người lực sĩ chiến thắng không chỉ nhận được tấm huy chương mà còn nhận được nhiều hào quang hơn so với những bộ môn khác.
Thế nên, ước mơ của những người chạy bộ, trước đây và có lẽ bây giờ vẫn còn, là được tham gia vào trong những cuộc đua việt dã, và không cần phải thắng mà chỉ tham gia thôi cũng đã đủ để nhận được những lời khen ngợi, đôi khi còn được ngưỡng mộ nữa. Tuy nhiên, nay chúng ta đang trong thời đại có thể gọi là “hậu việt dã”, và để được nhiều người trầm trồ, nể phục và biết tới thì tham gia chạy việt dã thôi chưa đủ mà phải tham gia vào những cuộc đua gọi là “siêu việt dã” (ultramarathon).

Vậy siêu việt dã là gì?

Bất kỳ cuộc đua nào được tổ chức vượt quá tiêu chuẩn của cuộc đua việt dã có chiều dài là 42 km (26 dặm) đều có thể gọi là siêu việt dã. Thông thường, những cuộc đua siêu việt dã bắt đầu ở mức 50 km và có thể kéo dài cho tới những khoảng cách thật xa. Chiều dài của các cuộc đua siêu việt dã có thể nói là không có giới hạn.
Cuộc đua siêu việt dã dài nhất được chứng nhận trên thế giới có tên là The Ultimate Ultra, được tổ chức vào mùa thu hàng năm tại Sri Chinmoy, New York, có chiều dài 1,300 dặm (2,092 km). Ngoài ra còn có cuộc đua Trans America Footrace cũng được tổ chức mỗi năm, và người tham gia phải chạy mỗi ngày một đoạn liên tiếp trong 64 ngày từ Los Angeles tới New York, trên một chiều dài gần 3,000 dặm (hơn 4,800 km), trung bình chạy khoảng 45 dặm (72 km) một ngày.
Các cuộc đua siêu việt dã có thể được tổ chức chạy trên đường bình thường, trên đường mòn, trên những đường đua, hoặc thậm chí trong rừng núi hay trên sa mạc. Các cuộc đua có thể là từ điểm này tới điểm kia, như cuộc đua Comrades Marathon tại Nam Phi; ngoài thiên nhiên hoang dã, như Niagara 100K tại Canada; hoặc trên đường đua vòng, như cuộc đua nổi tiếng Sri Chinmoy mỗi vòng dài 1 dặm và người tham gia phải chạy hết 1,300 vòng.
Quy luật chung của các cuộc đua siêu việt dã là cho phép người chạy hãy ráng hết sức mình. Điều này có nghĩa là người tham gia được phép đang chạy thì có thể đi bộ một lúc, nghỉ để uống nước hoặc ăn và thậm chí ngủ để lấy sức nếu cuộc đua quá dài, chẳng hạn như những cuộc đua kéo dài trong nhiều ngày. Những khi nghỉ như thế người tham gia không bị phạt, chỉ có điều nếu nghỉ nhiều quá thì sẽ bị thụt lùi lại phía sau.
Có hai loại cuộc đua – một là người tham gia chạy trong một khoảng cách nhất định và hai là chạy càng xa càng tốt trong một khoảng thời gian nhất định. Nam và nữ đều có thể tham gia ở tất cả mọi cấp độ và không có một tiêu chuẩn nào để phân loại cuộc đua. Tuy nhiên, tiêu chuẩn chung được nhiều người chấp nhận tại các cuộc đua là chạy 50 km, 50 dặm, 100 km, 150 km, 100 dặm, 24 tiếng, 200 km, 48 tiếng, 200 dặm, sáu ngày, 1,000 km và 1,000 dặm.
Trên thực tế, chạy đua siêu việt dã xuất hiện sớm hơn so với chạy việt dã nhưng bộ môn này chỉ mới được công nhận gần đây bởi Liên đoàn Thể thao Nghiệp dư Quốc tế (IAAF). Năm 1991, IAAF đã chính thức công nhận cuộc đua chạy 100 km. Kể từ đó cuộc đua 100 km đã thay thế cuộc đua việt dã để trở thành cuộc đua dài nhất được công nhận bởi nhiều tổ chức thể thao thế giới.
Mặc dù để tham gia cuộc đua siêu việt dã đòi hỏi người chạy phải có một thể lực thật bền bỉ và ý chí sắt đá, nhưng những thử thách trên đã không làm người ta chùn chân mà lại ngày càng có nhiều người tham gia và nhiều cuộc đua mới xuất hiện với chiều dài và thời gian đua cũng dài hơn.
Theo Steve Diederich, điều hành trang mạng Run Ultra liệt kê những cuộc đua siêu việt dã lớn nhất trên thế giới, cho biết 12 năm trước khi trang mạng này được thành lập thì chỉ có khoảng 160 cuộc đua trên toàn cầu. Hiện nay trong danh sách của Run Ultra liệt kê hơn 1,800 cuộc đua – tăng hơn 1,000%. Một trang mạng khác của Đức là DUV cũng cho thấy kết quả tương tự với con số các cuộc đua đã gia tăng khoảng 1,000% trong hơn 10 năm qua.
Tờ tạp chí Ultra Running ở Hoa Kỳ đưa ra những con số so sánh cho khu vực Bắc Mỹ và cũng cho thấy bộ môn thể thao này phát triển rất nhanh, với con số những cuộc đua và người chạy về tới đích kể từ 1981 đến nay đã gia tăng đều đặn mỗi năm. Ví dụ, năm 2003, gần 18,000 người ở Bắc Mỹ đã hoàn tất cuộc đua siêu việt dã. Năm 2017, con số đó là 105,000. Và tại Á châu cũng cho thấy con số các cuộc đua bùng phát. Nic Tinworth, giám đốc điều hành và tổ chức cuộc đua tại Hồng Kông, cho biết 10 năm trước chỉ có sáu cuộc đua siêu việt dã trong khu vực, nhưng nay đã là hơn 60 cuộc đua.
Nhiều cuộc đua trên thế giới vì có quá nhiều người tham gia, như cuộc đua Ultra-Trail de Mont-Blanc tại Pháp và Western States 100 tại Hoa Kỳ, đã phải tổ chức rút thăm để giới hạn số người tham gia không cho quá đông. Diederich của trang mạng Run Ultra được giao trách nhiệm ghi danh người tham gia cuộc đua Marathon des Sables – một trong những cuộc đua siêu việt dã được biết tới nhiều nhất, người chạy phải vượt qua chặng đường 156 dặm trong sa mạc Sahara. Mặc dù lệ phí cho một vé tham gia là 4,250 bảng Anh, Diederich cho biết tất cả số vé tham gia cuộc đua bán hết chỉ trong ít phút.
Vậy điều gì đã thu hút ngày càng có đông người tham gia vào những cuộc đua siêu việt dã?
Trước hết là tiếng gọi của thiên nhiên để làm một cuộc phiêu lưu và qua đó thu nhận được những kinh nghiệm sống quý hiếm. Hãy thử tưởng tượng một mình hay một nhóm người cùng nhau vượt qua cả một vùng đất rộng lớn có rất ít người đặt chân tới với chiếc ba lô trên vai bên trong đựng một bình nước và những thanh kẹo năng lượng thì còn gì thích thú cho bằng. Kế đến là bằng với sức lực và ý chí để tự đẩy mình vượt qua được cái giới hạn của chính mình thì hẳn đó phải là một niềm tự hào.
Một trong những cuộc đua nổi tiếng nhất và cũng thử thách nhất là Marathon des Sables kéo dài trong sáu ngày và phải vượt qua chặng đường 156 dặm (250 km) xuyên qua sa mạc Sahara ở phía nam của xứ Ma Rốc. Nhiều đoạn ở trên chặng đường này người ta không thể chạy được. Cát ở đó nhuyễn đến nỗi chân bị lún xuống làm người chạy thật vất vả. Và thậm chí nếu đó là đoạn đường tương đối dễ chạy thì nhiệt độ vào Tháng 4 có thể lên tới hơn 100 độ, và điều này có nghĩa là không đoạn đường nào của cuộc đua Marathon des Sables là thảnh thơi cả. Và mặc dù đường đua được vẽ rất rõ ràng với hơn 1,000 người tham gia mỗi năm, đây vẫn là cuộc đua nguy hiểm trong sa mạc và đến nay đã có ba người bị thiệt mạng trên con đường đua này.
Nhưng cho dù thử thách và khó khăn có cao đến đâu thì vẫn ngày càng có nhiều người tham gia vào những cuộc đua siêu việt dã, vì tâm lý chung của con người là ai cũng muốn chứng minh rằng mình có khả năng làm được điều khó nhất.
Huy Vũ

Xem thêm

Nhận báo giá qua email