Silicon Valley Bank sụp đổ: Đòn trí mạng đến từ đâu?

Nỗi âu lo trong đầu người dân ở Bắc Mỹ, vốn chưa được yên ổn khi Covid chưa qua, lạm phát cao, các công ty hi-tech thi nhau sa thải nhân viên… lại nặng thêm với vụ ngân hàng Silicon Valley ở Hoa kỳ sập tiệm.
Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn thứ 16 ở Hoa kỳ với tích sản tổng cộng 209 tỷ Mỹ kim đã sập tiệm vào tuần lễ thứ Hai của tháng Ba sau một màn “bank run” (còn gọi là run on the bank) khi các nhà đầu tư và khách hàng ồ ạt rút tiền ra.
Đây là vụ ngân hàng đổ lớn nhất Hoa kỳ từ sau vụ Ngân hàng Washington Mutual năm 2008. Sự ra đi của SVB đã tạo ra một cơn địa chấn trong khu vực tài chánh ngân hàng.

Câu chuyện của SVB
Silicon Valley Bank, như cái tên của nó, nằm trong Thung lũng Silicon ở Santa Clara, California. Như tất cả các ngân hàng, họ nhận giữ tiền cho khách hàng và đồng thời cho khách hàng vay tiền.
Được thành lập vào năm 1983, SVB chuyên phục vụ các công ty hi-tech start-up (công ty công nghệ cao mới mở, thường gọi là start-up) và các venture investor (những nhà đầu tư bỏ vốn vào các công ty có nhiều rủi ro).
SVB được lãnh vực công nghệ ưa thích vì họ hỗ trợ các công ty khởi nghiệp mà những ngân hàng khác từ chối do có rủi ro cao.
Thế nên SVB đã cung cấp vốn cho khoảng một nửa số công ty công nghệ và chăm sóc sức khỏe được các nhà đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ bỏ tiền vào.
Họ cũng giữ khoản ký thác lớn của nhiều công ty hi-tech. Các công ty công nghệ này gửi một lượng lớn tiền mặt vào SVB, và dùng các dịch vụ của ngân hàng này cho các hoạt động kinh doanh, chẳng hạn như trả lương.
Đại dịch năm 2020 là thị trường nóng đối với các công ty công nghệ. Trong thời gian Covid, khi các công ty hitech làm ăn phát đạt qua các hoạt động cung cấp giải trí và dịch vụ các dịch vụ kỹ thuật số và thiết bị điện tử cho những người bị buộc hoặc không thích, không cần ra khỏi nhà.
Theo Federal Deposit Insurance Corporation (Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang / FDIC), SVB có tổng tài sản trị giá 209 tỷ Mỹ kim vào cuối năm 2022.
Khi SVB đổ, các công ty công nghệ lớn có lượng tiền mặt đáng kể trong SVB – như Etsy, Roblox, Rocket Labs và Roku, và cả những công ty nhỏ hơn, đã gặp nhiều khó khăn. Họ không có tiền – không dùng được tiền mà họ ký thác vào SVB, để chi cho các chi phí ngay lập tức như trả lương.
Các cơ quan quản lý của California đã đóng cửa SVB vào ngày 8 tháng 3 và đặt ngân hàng này trực thuộc Federal Deposit Insurance Corporation (Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang HK / FDIC).
FDIC đã nhanh chóng thông báo các trướng mục/tài khoản tại SVB từ 250 ngàn Mỹ kim trở xuống sẽ an toàn.
Nhưng mức tiền được bảo đảm này không đủ với nhiều công ty. Nhiều công ty khởi nghiệp đã để tiền trong tài khoản chính SVB của họ thay vì sử dụng các tài khoản khác để thanh toán các khoản chi tiêu. Điều này có nghĩa là phần lớn vốn lưu động của họ chủ yếu nằm trong tài khoản SVB và họ cần dùng đến tiền gửi của mình để trả lương và các hóa đơn.
Chính phủ Mỹ sau đó đã công bố sẽ bảo đảm cho tất cả số tiền ký thác, không giới hạn ở mức 250 ngàn Mỹ kim.
Tổng thống Biden đã nhanh chóng lên truyền hình cam kết lo hết cho các tài khoản của những cá nhân/tổ chức ký thác vào SVB.
Bị ảnh hưởng/thiệt hại nặng nhất là các cổ đông và nhà đầu tư kém nhanh tay của ngân hàng này.
Các khoản đầu tư không được FDIC bảo hiểm.
Một tuyên bố chung từ nhiều cơ quan quản lý có liên quan cho biết ngoài cái phao cho các tài khoản ký thác, sẽ không có chuyện cứu hoặc dùng tiền thuế của dân cho bất kỳ thứ nào khác ở SVB. Các cổ đông và một số chủ nợ không có bảo đảm sẽ không được bảo vệ và sẽ mất tất cả các khoản đầu tư của họ.
Tổng thống Biden cũng đã tuyên bố: “Tư bản chủ nghĩa là như thế!”

Ai, điều gì đã làm cho SVB đổ?
Theo những nhà chuyên môn về tài chánh ngân hàng thì trách nhiệm vụ sập tiệm SVB có phần thuộc về:
1. Chính SVB: SVB đã đầu tư phần lớn số tiền gửi này như các ngân hàng thường làm. Họ “khôn ngoan” chọn cách đầu tư an toàn nhất: trái phiếu – loại đầu tư lâu dài và có mức lãi không được cao cho lắm, của chính phủ Mỹ cho chắc ăn. Ngân hàng đã ôm vào một lượng trái phiếu trị giá hàng tỷ đô la trong vài năm qua.
Nhưng họ không tính trước được tình trạng lạm phát quá cao sau đó và các đợt tăng lãi suất.
James Angel, chuyên viên về điều tiết thị trường tài chính toàn cầu tại Đại học Georgetown nhận xét: “SVB sụp đổ vì một sai lầm ngớ ngẩn của tân binh trong quản lý rủi ro lãi suất: Họ đầu tư tiền gửi ngắn hạn vào trái phiếu dài hạn. Khi lãi suất tăng, giá trị của trái phiếu giảm xuống, xóa sạch vốn chủ sở hữu (equity) của ngân hàng,”
Từ khi Ngân hàng Trung ương Hoa kỳ bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022 để chống lạm phát, danh mục đầu tư trái phiếu của SVB cũng bắt đầu giảm xuống. Trái phiếu họ mua hồi đó có lãi suất thấp hơn so với trái phiếu tương đương sẽ trả nếu được phát hành trong môi trường lãi suất cao hơn hiện nay.
Tuy SVB vẫn có thể thu hồi được vốn nếu nắm giữ số trái phiếu đó cho đến ngày đáo hạn nhưng họ đã buộc phải bán lỗ vì khi các yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến lãnh vực công nghệ, nhiều khách hàng của họ đã rút tiền ký thác ra để sử dụng do vốn đầu tư mạo hiểm bắt đầu cạn kiệt. Vì không có tiền mặt để thanh lý các khoản tiền gửi này do chúng bị ràng buộc vào các khoản đầu tư dài hạn, SVB buộc phải bắt đầu bán trái phiếu.
SVB lỗ gần 1.8 tỷ đô la. Nhưng để chứng tỏ rằng họ đã chuẩn bị mọi chuyện ổn thỏa, SVB quyết định bán cổ phần để huy động 2 tỷ đô la vốn mới.
Đến đây, họ phạm thêm một sai lầm nữa – do xui xẻo hay vụng về. Lẽ ra SVB đã có cơ hội để trình bày rõ ràng với khách hàng, giới truyền thông và Wall St. về cách thức để họ sẽ thoát khỏi hoàn cảnh tồi tệ với chứng khoán và củng cố lợi nhuận của mình.
Nhưng cái thông báo vào ngày 6 tháng 3 của họ, mà nhiều người cho là vụng về, đầy từ ngữ khó hiểu đã có tác động ngược, đã làm người ta đâm lo về việc ngân hàng thiếu vốn.
Tin đồn lan rộng và khách hàng bắt đầu ào ào đi rút tiền. Cổ phiếu SVB giảm mạnh 60% vào ngày 7/3 sau thông báo tăng vốn.
Trong vòng 48 giờ, SVB sụp đổ.
2. Các thân chủ của SVB: Trong thời đại mọi thứ đều nhanh như internet và điện tử này, thông tin truyền đi rất nhanh, nhất là trong khu vực các công ty hitech.
Cái tin SVB hết tiền loan truyền nhanh từ khách hàng này đến thân chủ kia. Thế là họ đổ xô đi cứu lấy đồng tiền của mình, cũng là hoạt động của công ty của mình. Từ nhà đầu tư đến công ty có tiền ký thác. Chẳng ai muốn là kẻ ôm cái tủ sắt rỗng.
Các nhà bình luận cho rằng nếu các thân chủ và khách hàng bình tĩnh, đừng đổ xô nhau đi rút tiền ào ạt, SVB có đủ khả năng thanh toán và hoạt động bình thường.
Chuyện bank run on – đổ xô rút tiền ngân hàng cũng giống như toilet paper run on – đổ xô đi mua giấy vệ sinh hồi Covid. Thiên hạ ào ào tranh mua, cửa hàng nào mà không rỗng, mặc dù các nhà máy vẫn đều đặn sản xuất.
3. Chính phủ Hoa kỳ: Ngoài việc tăng lãi suất quá nhanh và quá nhiều lần – một việc họ cần làm để chống lạm phát, còn có trách nhiệm trong việc nới lỏng các quy định về ngân hàng. Bà Mishra nói: “Vì vậy, họ (ngân hàng SVB) không bị quy định chặt chẽ. Họ không bắt buộc phải tiến hành kiểm tra căng thẳng hoặc xem xét tỷ lệ khả năng chi trả thanh khoản của mình,” và cũng không có đánh giá của bên thứ ba về rủi ro liên quan đến lãi suất.

Ngân hàng Mỹ đổ, ngân hàng Canada cũng có thể đổ?
Với vụ sụp đổ của SVB, không chỉ có các công ty start-up và các nhà đầu tư mạo hiểm mới bị thiệt hại và lo lắng. Khách hàng của những nhà băng khác, cả đến những khách hàng chỉ có ít tiền còm, ở Hoa kỳ, Canada và khắp thế giới cũng lo. Họ sợ những gì xảy đến với SVB cũng sẽ diễn ra với nhà băng của họ. Hoặc ít ra thì cũng là những ảnh hưởng dây chuyền. Nhất là trong khi môi trường kinh tế, tài chánh của thế giới đang không lấy gì làm sáng sủa này.
Giáo sư Cristián Bravo của Đại học Western, Chủ tịch của tổ chức chuyên về phân tích ngân hàng và bảo hiểm Canada Research, nói: “Không có ngân hàng nào miễn nhiễm với việc rút tiền ào ạt. Nếu tất cả mọi người đến ngân hàng để cố rút tiền của họ ra thì việc đó sẽ gây ra sự sụp đổ.”
Theo Trevor Tombe, một giáo sư kinh tế tại Đại học Calgary, từ 1996 đến nay chưa có một ngân hàng Canada sập tiệm và cho đến ngày nay khả năng sụp đổ vẫn còn rất thấp. Canada có mức độ tập trung cao trong hệ thống ngân hàng và khác rất nhiều so với Hoa Kỳ, “…tôi không muốn nói mức độ rủi ro là 0, nhưng về cơ bản là rủi ro sụp đổ ở gần 0 hết mức”.
Tombe cho biết cơ quan quản lý chính là Office of the Superintendent of Financial Institutions (Văn phòng Tổng Giám đốc các Tổ chức Tài chính (OSFI), cơ quan giám sát và kiểm toán các ngân hàng chính của Canada. Hai cơ quan quản lý khác gồm có Bank of Canada (Ngân hàng Trung ương Canada) và Canada Deposit Insurance Corporation (Công ty Bảo hiểm Ký thác Canada/CDIC), sẽ tiếp quản một tổ chức phá sản nếu cần thiết.
“Nếu nó đến mức thực sự gây lo ngại nghiêm trọng, thì hoạt động của họ sẽ đơn giản là được CDIC tiếp quản, họ sẽ không bị đóng cửa vì hoạt động của họ rất quan trọng.”
Canadian Bankers Association (Hiệp hội Ngân hàng Canada/CBA), nhóm ngành đại diện cho ngành ngân hàng ở Canada, đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh các tiêu chuẩn thanh khoản nghiêm ngặt hơn ở Canada để chứng minh hệ thống ngân hàng Canada có “khả năng chịu đựng và phục hồi” cao.
CBA nói các ngân hàng của Canada có vốn hóa tốt với tỷ lệ vốn cao, có mô hình kinh doanh và nguồn vốn đa dạng, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn thanh khoản nghiêm ngặt do các cơ quan quản lý liên bang đặt ra.
Một yếu tố khác được ông Bravo chỉ ra, là lãnh vực ngân hàng ở Canada tập trung nhiều hơn xung quanh các ngân hàng thuộc nhóm Big Six (Royal Bank of Canada /RBC; Toronto-Dominion Bank (TD); Bank of Nova Scotia (Scotiabank); Bank of Montreal (BMO); Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC); National Bank of Canada (National Bank). Ở Canada cũng có các tổ chức tài chính nhỏ, nhưng đây thường là những định chế như hiệp hội tín dụng credit union.
Sau sự sụp đổ của SVB, văn phòng Tổng trưởng Tài chính Chrystia Freeland đã nhấn mạnh rằng các nhà băng Canda đều an toàn.
Adrienne Vaupshas, phát ngôn viên của bà Freeland, nói: “Các biện pháp bảo vệ quan trọng về cơ cấu và quy định đã được áp dụng ở Canada. Chính phủ muốn khẳng định với người Canada rằng các tổ chức tài chính của chúng ta ổn định và vững vàng.”
Cơ quan OSFI Canada đã tạm thời nắm quyền kiểm soát chi nhánh tại Canada của SVB vào cuối tuần qua. Mặc dù SVB Canada không có tài khoản tiền gửi thương mại hoặc cá nhân, nhưng nó có khoản vay kinh doanh trị giá khoảng 864 triệu đô la trên sổ sách.
Trong khi đó, Ngân khố Vương quốc Anh và Ngân hàng Anh cho biết họ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán Silicon Valley Bank U.K. cho HSBC, ngân hàng lớn nhất châu Âu, với số tiền tượng trưng là một bảng Anh. Động thái này đảm bảo an toàn cho 6,7 tỷ bảng Anh (11,1 tỷ Gia kim) tiền gửi.
Nhưng hãy trở lại với câu hỏi hiện có trong đầu những người Canada bình thường vì chuyện nhà băng sập tiệm khó xảy ra nhưng không phải là không thể xảy ra.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với tiền của bạn nếu một ngân hàng Canada cũng chịu chung số phận?

Bạn có mất tiền không?
Không, nhưng …
Tại Canada, tiền gửi ngân hàng được Canadian Deposit Insurance Corporation (Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Canada /CDIC), một công ty của chính phủ liên bang (Crown corporation) thành lập vào năm 1967. CDIC hiện đang bảo vệ khoảng 1 ngàn tỷ đô la tiền gửi “đủ điều kiện” của hơn 80 tổ chức thành viên.
Tuy nhiên có một điểm cần chú ý: số tiền người gửi tiền có thể lấy lại được giới hạn ở mức 100 ngàn đô la Canada (CAD) cho mỗi loại tiền gửi, cho mỗi tổ chức tài chính.
CDIC phân loại tiền gửi thành tám hạng mục riêng biệt. Đó là: tiền gửi dưới một tên; tiền gửi dưới nhiều tên (joint deposits); quỹ tiết kiệm hưu trí có đăng ký (RRSP); quỹ thu nhập hưu trí có đăng ký (RRIF); tài khoản tiết kiệm miễn thuế (TFSA); quỹ tiết kiệm giáo dục có đăng ký (RESP); quỹ tiết kiệm khuyết tật có đăng ký (RDSP); và tiền gửi được giữ trong tín thác (trust). Theo trang web của CDIC, sẽ có một khoản mục khác, quỹ tiết kiệm để mua nhà lần đầu (FHSA) được thêm vào từ ngày 1 tháng 4 năm 2023, cũng với mức bảo hiểm lên tới 100.000 CAD.
Như thế, ít nhất trên lý thuyết, có thể có 800.000 CAD (sắp tới là 900.000 CAD) tiền gửi được bảo hiểm tại một nhà băng. Phạm vi bảo hiểm bao gồm tài khoản tiết kiệm và vãng lai, chứng chỉ đầu tư được bảo đảm (GIC) và các khoản tiền gửi có kỳ hạn và ngoại tệ khác. Tuy nhiên, cổ phiếu (stocks), trái phiếu (bonds), quỹ hỗ tương (mutual funds), quỹ ETF (Exchange-Traded Fund), tiền điện tử (cryptocurrencies) hoặc các thua lỗ do gian lận hoặc trộm cắp.
Trang mạng của CIDC đưa thí dụ: Một người có 290.000 CAD trong từng này tài khoản tại một ngân hàng được CIDC bảo hiểm: 20.000 trong GIC; 40.000 trong ký thác có kỳ hạn (term deposit), 25.000 trong tài khoản tiết kiệm, 25.000 trong một tài khoản vãng lai (chequing account), 50.000 trong cổ phần và trái phiếu, và 130.000 trong quỹ hỗ tương.
Chỉ có 110.000 của người đó chỉ được bảo hiểm và chỉ có 100.000 được bảo vệ, nghĩa là bồi thường cho họ, nếu ngân hàng đó sụp đổ.
Nhưng Giáo sư Tombe phân tích: “…số tiền gửi được bảo hiểm chỉ là 100.000 đô la đầu tiên của bạn, nhưng đó là trên mỗi tài khoản…. đó không phải là giới hạn đối với cá nhân bạn, xét về tổng số tiền bạn có tại ngân hàng. Đó là giới hạn chỉ trên cơ sở từng tài khoản.”
Ông khuyên: “Vì vậy, nếu bạn muốn nhiều tiền gửi của mình được bảo hiểm hơn, thì bạn có thể mở nhiều tài khoản tại một ngân hàng chẳng hạn”.
Mức bảo hiểm này, đã được đặt ra từ cách đây hơn 20 năm – năm 2005, được nhiều người cho là quá thấp.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng mức bảo hiểm này quá thấp. Amir Barnea, giáo sư tài chính tại HEC Montreal, nhận xét: “Con số này rất cần được cập nhật…Lẽ ra nó phải được nâng lên thêm hơn 42% nữa, chỉ để theo kịp lạm phát….” Olaf Weber, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế, cũng đồng ý: “Nó (100 ngàn đô la) không cao. Xét đến giá trị của tiền theo thời gian… sẽ rất hợp lý nếu tăng mức bảo hiểm thêm.”
Ông Barnea cho rằng lý do duy nhất khiến ông nghĩ rằng mức bảo hiểm này không được tăng lên là vì nguồn tiền của CDIC đến từ khoản “bảo phí” (premiums) mà các ngân hàng phải đóng vào. Chẳng có ngân hàng nào muốn đóng bảo phí cao hơn.

Đỗ Quân (tổng hợp)

Xem thêm

Nhận báo giá qua email