Có người tin vào số phận nên có người không tin vào số phận, và tôi là loại người đi hai hàng bởi khi lý giải được thì tôi không tin vào số phận, nhưng hồi bí thì đành khoanh tay trước số phận. Đơn giản qua câu chuyện của hai người bạn, kéo dài đã hơn ba mươi năm. Nhớ khi còn ở trong nước, tôi mua căn nhà ở con đường nhỏ trước Sở cứu hoả xưa trên đường Trần Hưng Đạo, sau đó là sửa chữa gần như chỉ lấy miếng đất và cất nhà mới theo ý mình. Khi căn nhà mới bắt đầu xây dựng lại thì cách nhà tôi vài căn, một anh bạn trẻ như tôi cũng mới mua căn nhà tương đương diện tích, tương đương giá tiền như tôi. Chúng tôi trò chuyện như hai người bạn mới quen, rồi thân tình vì anh cũng muốn sửa nhà theo ý anh và anh thích những thiết kế của tôi trong căn nhà tôi.
Chúng tôi mau chóng ổn định tình bạn và ổn định cả cuộc sống của những người mới lập gia đình. Nhưng không lâu sau, tôi được đi xuất ngoại. Anh rất buồn hôm tiễn tôi đi vì hồ sơ xuất ngoại của anh có tiến hành làm nhưng không hy vọng. Thế là tôi bán căn nhà do tôi sở hữu cho người chú họ của tôi được ba chục ngàn đô la. Bán dưới giá thị trường nhà đất ở Sài gòn đã bắt đầu nhảy vọt sau chính sách mở cửa, sau mười năm bưng bít của nhà cầm quyền. Tôi vui vẻ giúp người chú họ có nơi ăn chốn ở, còn mình lận lưng đi Mỹ ba chục ngàn đô la, cũng đủ để đặt cọc mua căn nhà ở Mỹ với giá một trăm hai chục ngàn. Tôi mang nợ nhà băng chín chục ngàn và trả trong ba mươi năm. Tôi cố gắng trả dứt tiền nhà cho nhanh để kịp con lớn thì quay qua lo tiền đi đại học cho con.
Mười lăm năm sau khi mua nhà lần đầu ở Mỹ, tôi đã trả dứt căn nhà. Không còn nợ nhà nhưng trong tay cũng không còn tiền bạc gì vì mười lăm năm qua làm được bao nhiêu đã dồn hết vô tiền nhà sau chi phí sinh hoạt bắt buộc.
Anh bạn hàng xóm của tôi xưa, lù lù tới nhà tôi thăm tôi sau mười lăm năm xa cách. Anh mới vừa được phép đưa vợ con tới Mỹ định cư vì hồ sơ xuất cảnh của anh đã được cứu xét. Anh ở chơi với tôi vài hôm để học hỏi tôi về việc bảo trì nhà ở Mỹ vì anh đã tin tôi về khả năng thiết kế và bảo trì nhà ở từ xưa bên Sài gòn. Anh xăm xoi căn nhà đã mười lăm tuổi của tôi, giá trị nhà sau mười lăm năm có nhích lên được thành một trăm sáu mươi ngàn, nhưng mức độ cũ đi của nó, tính trượt giá, tiền hoa hồng cho người mua bán nhà… nên bán ra chỉ huề vốn chứ không có lời. Chúng tôi tính toán như thế, còn chuyện chính xác hay không thì không quan tâm vì tôi không có ý định bán nhà. Nhưng anh bạn tôi lại quan tâm đến căn nhà đang xây trước mặt nhà tôi; vì từ ngoài lộ lớn, ngày xưa người ta mở con đường nhỏ vào khu rừng này để xây nên xóm nhà tôi. Bây giờ trước cửa nhà tôi, người ta lại phá rừng để xây nhà mới nữa…
Bạn tôi bỏ ra hai trăm ngàn tiền mặt, mua đứt căn nhà mới xây trước cửa nhà tôi. Thế mà anh hãy còn dư ra một trăm ngàn đô la, bỏ vào nhà bank để từ từ tính chuyện làm ăn vì anh bán căn nhà ở Sài gòn được ba trăm ngàn đô la.
Thế là ngày ngày hai người bạn bằng nhau khi xưa ở Sài gòn, nay qua Mỹ ở chung một xóm, chung con đường xe chạy, nhưng bên phía nhà anh, người ta gọi là khu nhà mới, còn bên phía nhà tôi, người ta gọi là xóm nhà cũ. Anh lại còn một trăm ngàn trong bank để chờ cơ hội làm ăn. Tôi chả có đồng nào ngoài căn nhà cũ trị giá một trăm sáu mươi ngàn và đã trả hết.
Nhiều khi cuối tuần, anh em cù cưa ly cà phê sáng hay chai bia chiều. Anh an ủi tôi, “Số phận anh ơi! Hồi xưa, anh đi Mỹ trước nên nói anh may mắn. Em chịu phận trâu chậm uống nước đục. Ai dè em đi sau anh mười lăm năm lại hoá ra em uống nước trong.” Cứ thế, theo anh cho biết, “Bây giờ anh về lại nhà xưa, anh trả ông chú họ của anh ba trăm ngàn đô la, ông ấy cũng cóc có bán lại cho anh căn nhà hồi xưa anh bán cho ông ấy ba mươi ngàn, vì địa thế cái nhà anh còn đắc địa hơn nhà em…”
Thế là từng ngày tôi nhìn anh bạn hàng xóm xưa mà cũng là hàng xóm nay, anh sang tiệm nail từ mười lăm năm trước nên phất lên rất nhanh. Căn nhà hai trăm ngàn nhưng gia đình anh chỉ ở chừng năm năm. Sau một lần mưa giông, cây cổ thụ ngã vào nhà, bảo hiểm đền cũng khá. Lần sau, đứa con ở nhà một mình, chiên trứng ăn sáng rồi quên tắt bếp, làm cháy căn nhà bếp. Bảo hiểm đền lần nữa cũng đậm. Nhưng chị nhà quyết định đi mua nhà mới vì căn nhà này theo chị là không hên. Họ mua căn nhà bạc triệu, ở khu nhà giàu. Tôi đến ăn tân gia, phải đậu xe ngoài cổng rào của khu nhà để chờ ông bảo vệ gọi vào nhà anh xác minh tôi có phải là bạn anh tới chơi thì mới mở cổng cho vào vì trong khu nhà này không có ai đi cái xe cà tàng như tôi…
Chuyện đi ăn tân gia đã mười năm trước, nhưng tôi còn nhớ hôm ấy. Tôi đậu xe trước nhà anh mà không vội vào bấm chuông. Tôi nhìn ngắm cái lâu đài tình ái quá lớn và lộng lẫy để cúi đầu trước số phận.
Nay nhìn lại tình bạn hàng xóm ba mươi năm lẻ. Anh mới đến thăm tôi hôm đầu mùa dịch vì tiệm nail đóng cửa nên anh mới có thời giờ đi thăm bạn. Theo anh cho tôi biết, anh đã bước qua kinh doanh nhà cho thuê vì ngành nail hết ăn rồi. Tổng cộng anh đã mua năm căn nhà giá từ hai trăm tới ba trăm ngàn để cho thuê. Năm căn đều đã có người ký hợp đồng thuê nhà nguyên năm. Tôi chúc mừng anh đã làm ăn thành công liên tiếp thành công. Chỗ bạn bè lâu năm nên khề khà với nhau chai rượu qúy của anh đem theo đến thăm tôi. Hai đứa nhớ lại thuở ban đầu lập nghiệp ở Sài gòn thật vui mà cũng nhiều cay đắng ngậm ngùi khi thất bại, lúc thì bị người ta lừa gạt. Nhưng chúng tôi giống nhau ở chỗ hai đứa từ tay trắng làm nên chứ không có phước thừa hưởng từ gia đình. Nay đã ba mươi năm nhìn lại, tôi có mỗi căn nhà đã ba mươi tuổi, nếu bán ra được chừng hai trăm ngàn bỏ túi; còn trong tay anh vài triệu đô la là có thật. Anh an ủi tôi là số phận cả thôi anh ạ, chứ tài giỏi thì em sao bằng anh được! Ngày xưa còn trẻ, ở Sài gòn mà anh đã ba đầu sáu tay, kinh doanh đủ thứ, làm ăn táo bạo…
Ừ thì tôi cũng tin là số phận, trời cho ai nấy hưởng. Bạn tôi đúng là chậm chạp hơn tôi, nhát gan hơn tôi, và không đa năng như tôi. Nói khác đi là sự nhạy bén trong làm ăn, liều lĩnh trong tính toán, đa năng về ngành nghề của tôi đã kém phần may mắn do số phận.
Hai thằng bạn hàng xóm từ hồi còn trẻ, có những hôm hút chung điếu thuốc rồi đứa nào về nhà nấy ngủ chứ cũng không tiền mua mấy chai bia để cù cưa. Giờ nhìn lại hai khứa già thành công hay kém thành công không quan trọng bằng còn ngồi được với nhau bên ly rượu như anh em. Hắn nhỏ hơn tôi hai tuổi nên vừa dọn bàn nhậu, vừa rửa chén, vừa tâm tình với tôi: “Từ nay, nhà anh hư hao gì phải cần tới sửa chữa thì cho em hay. Em không lãnh sửa nhà nhưng em có một nhóm thợ bảo trì nhà vì em đã có trong tay sáu căn nhà cho thuê với một căn để ở. Em tạo việc làm cho họ quanh năm nên họ cũng ưu đãi em với giá cả mềm. Em sẽ bảo trì nhà anh cho anh miễn phí… để bù đắp cho anh cái tin động trời này mới đúng là số phận!”
Hắn chần chừ không muốn nói như đã lỡ lời, nhưng rượu đã vào và lời đã ra, làm tôi cũng hiểu lầm một tin thật là hắn muốn tôi hợp tác làm ăn với hắn. Hắn muốn tôi làm tổ trưởng tổ sửa chữa nhà cửa của hắn vì trong mấy người thợ hắn không tin ai bằng tin tôi, và họ cũng không có ai có khả năng phát triển cái nhóm thợ có tay nghề ấy thành một công ty sửa chữa nhà; để vừa sửa nhà cho thuê của hắn, vừa sửa nhà cho khách hàng có nhu cầu khi đã lập công ty.
Tôi có khen cái ý tưởng làm ăn của hắn là mở công ty sửa chữa nhà, tôi còn đưa ra thêm ý tưởng mua nhà cũ, sửa chữa lại cho thuê, nếu được giá thì bán luôn để thợ của mình có việc làm quanh năm thì họ mới không bỏ mình vì miếng cơm manh áo. Hắn ngưng tay rửa chén, cười nụ cười đắc ý nhất mà tôi thấy được từ khi quen biết nhau. Hắn mãn nguyện tràn trề khi nói câu, “Anh em mình đúng là số phận đã an bài. Anh thu xếp việc riêng của anh đi nha, qua năm mới là em tiến hành đó.”
Bạn về. Tôi vui lắm. Tôi vui như cá gặp nước vì qua năm tôi hết phải lầm lũi trong hãng xưởng cho tới ngày về hưu. Qua năm mới, tôi vui nhất là được làm công việc mình thích mà lại đúng sở trường là giao cho tôi một căn nhà cũ, tôi sẽ sửa chữa căn nhà ấy tới không ngờ với giá thấp nhất. Bây giờ tôi già rồi nên không cần phải đích thân ra tay, tôi cứ chỉ huy thợ làm đúng như tôi yêu cầu là anh em tôi kiếm tiền dễ như ăn cơm.
Nhưng cái câu “tôi già rồi” vừa nói ra là khúc xương mắc trong cổ họng theo tình bạn đã ba mươi năm lẻ. Số phận đẩy đưa lạ kỳ như chuyện cổ tích – là chuyện bạn muốn giấu tôi nhưng đã lỡ lời nên phải nói ra: Hôm hắn chuẩn bị đi xuất cảnh vì hồ sơ đã được cứu xét, và phía Mỹ ưng thuận. Vợ chồng hắn quyết định bán căn nhà cho người bạn làm ăn ở Sài gòn với giá ba trăm ngàn đô la. Không biết sao bà ngoại bệnh dậy, bệnh tưởng đi luôn, nhưng trời phập cứu. Mẹ vợ hắn quyết định bán căn nhà của ông bà ngoại đang ở với giá bảy trăm năm mươi ngàn đô la. Đưa cho vợ chồng hắn ba trăm ngàn đi Mỹ để mua nhà. Ông bà ngoại dọn về nhà hắn ở. Tám năm sau kể từ khi vợ chồng hắn dắt hai con đi xuất ngoại, ông ngoại qua đời. Bảy năm nữa là năm đại dịch, bà ngoại qua đời. Di chúc của bà ngoại để lại cho bốn người con, ba đứa lớn đã yên bề gia thất, má cũng đã dựng vợ gả chồng, mua nhà cho bay đầy đủ. Nay má cho thêm bay số tiền má còn, nhưng căn nhà má đang ở là phần má chia cho con Út. Vợ chồng nó đang ở bên Mỹ, nhưng căn nhà này vợ chồng nó không thể bán được vì từ đây, tụi nó ăn nên làm ra, vợ chồng thuận hoà, con cái ngoan hiền…
Thế là hắn có thêm một căn nhà cho mướn ở Sài gòn dù hắn đang sống bên Mỹ. Tôi không hiểu số phận sao thiên vị vậy? Căn nhà tôi đang ở bên Mỹ tiện nghi hơn nhiều căn nhà của tôi ở Sài gòn. Nhưng nhiều đêm khó ngủ, tôi luôn mơ về căn nhà đầu tiên ấy. Hình ảnh vợ tôi đi dạy về không kịp thay cái áo dài nên cột hai vạt áo dài bên hông để đứng nấu bữa cơm chiều cho chồng con đã đói bụng. Ông bà cụ hàng xóm sát bên nhà không đẻ ra tôi hay vợ tôi nhưng chờ đợi cả ngày để thấy mặt đứa con bé bỏng của tôi; hai cụ xưng ông ngoại, bà ngoại như ruột thịt với con bé vì hai cụ đã để dành cả ngày cho cháu ngoại cái bánh quai vạt, trái mơ rụng mà chính cha mẹ nó không muốn cho nó ăn.
Sao hắn lại được trở về ngôi nhà đầu tiên như hắn nói khi về hưu. “Em cho thuê chứ không bán căn nhà đó đâu. Về hưu, em về sống ở căn nhà mà em đã trả giá đắt nhất trong đời em là liều mạng mới có được.”
Nhưng số phận đưa đẩy hắn, và cả tôi. Đại dịch càn qua nước Mỹ đã tròn năm. Tôi ba lần thấy ông bà lởn vởn trong những cơn hôn mê vì cô vít. Giờ cái mạng thì còn nhưng sức lực đã buông xuôi vì phổi bị tổn thương là khó phục hồi nhất, hơn nữa đã lớn tuổi thì khả năng phục hồi nan phổi càng viễn vông. Nhưng hắn lại đang hôn mê vì cô vít lần đầu nhưng tới mức… vợ hắn cho tôi hay nhưng không cho đi thăm vì anh còn chưa chắc giữ được cái mạng anh.
Số phận đúng là giải thích được thì tôi không tin số phận, nhưng không giải thích được thì đành khoanh tay trước số phận.
Phan